Đại văn hào Nga Fedor Dostoyevski: Yêu không phải trò đùa

09:15 28/02/2008

Tháng 1/1854, ở tuổi 33, Fedor Dostoyevski bị đẩy tới vùng heo hút Semipalatinsk làm lính trơn tại Tiểu đoàn 7 đóng ở đây. Trước đó là một chuỗi những thăng trầm: Mới ngoài hai mươi tuổi, người con trai của dòng họ quý tộc đã là một nhà văn danh giá, bạn hữu gần gũi của những tên tuổi văn học hàng đầu nước Nga thời đó, tác giả của tiểu thuyết "Những người nghèo khổ" rất được bạn đọc ưa chuộng.

Thế rồi, Dostoyevski tham gia vào hoạt động chống Sa Hoàng và bị kết án tử hình. Cho tới sát giờ lên giá treo cổ, ngày 22/8/1849, nhà văn bất ngờ được vua Nikolai I ban lệnh ân xá và được chịu án lưu đầy ở Siberi.

Âm thầm chịu đựng mọi cay đắng, Dostoyevski đã tỏ ra cực kỳ lương thiện về mặt xã hội nên tới Semipalatinsk, anh đã không còn phải làm nô bộc nữa. Chỉ sau một năm rưỡi mặc quân phục ở đây, nhà văn đã được phong chức hạ sĩ quan.

Dostoyevski không hề hy vọng vào những chuyện vui ở Semipalatinsk. Anh lại càng không nghĩ rằng chính ở đây anh đã gặp được một tình yêu sâu nặng. Một cuộc gặp gỡ tình cờ đã làm đảo lộn đời người lính không còn trẻ nữa.

Maria Isayeva là một thiếu phụ đã bị số phận đưa tới Semipalatinsk bởi một cuộc hôn nhân không lấy gì làm sung sướng. Chồng chị là một viên chức cực kỳ nát rượu, biến đời chị thành một cơn ác mộng...

Nghe Maria kể về mọi sự mà chị phải hàng ngày chịu đựng, nhà văn mang áo lính cảm thấy mình như trở thành một hiệp sĩ sẵn sàng cứu nàng ra khỏi tai ách của quỷ dữ. Tuy nhiên, khi đó Dostoyevski đang phải ở trong cảnh "ốc không mang nổi mình ốc" nên đành lặng lẽ nuốt những tủi hờn.

Tối tối, sau giờ hành chính, Dostoyevski lại đi tới ngôi nhà nghèo nàn của gia đình Isayev để trò chuyện cùng Maria - may thay, đức ông chồng của chị thường chỉ nửa đêm mới về nhà và thường là trong tình trạng say bí tỉ.

Dostoyevski tâm sự với Maria đủ điều, về Peterburg, về những thành công văn học đầu tiên, về tình yêu đơn phương đối với Avdotia Panayeva, nữ chủ nhân của một salon văn học thời thượng ở "kinh đô phương Bắc"… Anh chỉ không kể về lý do đã khiến cho anh bị lưu đày.

Và Maria cũng không gặng hỏi anh về chuyện đó. Chị là một phụ nữ có trái tim nhạy cảm và tinh tế và không muốn làm cho vị khách của mình phải đau đớn vì quá khứ. Hơn nữa, người thiếu phụ bình dị ở Semipalatinsk không quan tâm tới chính trị mà chỉ thích thú hỏi về việc, có phải bà Panayeva có đôi mặt tuyệt đẹp như người ta đồn đại không và về việc, tại sao bà ta lại thích làm cho đàn ông phải khốn đốn vì tính đỏng đảnh của mình…

Trò chuyện với Dostoyevski, Maria cũng hay kể về tuổi thơ, về việc, chị, con gái một vị hiệu trưởng trung học, đã say đắm anh chàng viên chức đẹp trai táo tợn đến mức vượt qua được cấm kị của cha để lấy anh ta làm chồng… Tới cuối câu chuyện, hai người nhìn nhau bối rối, bặt tiếng một lúc lâu, cho tới khi đức ông chồng của Maria ngật ngưỡng bước vào phòng. Dostoyevski ngượng nghịu nghiêng mình chào rồi từ biệt ra về căn phòng lính âm u trong doanh trại…

Thời gian trôi qua, mọi sự vẫn diễn ra đều đặn như thế. Cho tới một ngày thành phố Semipalatinsk có chưởng lý mới, nam tước Brangel. Ông là một người rất mê văn học nên đã nhanh chóng trở thành người bạn tâm giao của nhà văn đang phải sống cảnh lưu đày. Chính nhờ mối quan hệ này nên cuộc sống của Dostoyevski trở nên dễ chịu hơn và chẳng bao lâu sau, anh được đeo quân hàm hạ sĩ quan.

Cũng thời gian đó, do nát rượu nên chồng của Maria đã bị mất việc tại Semipalatinsk và phải cùng gia đình chuyển tới thị trấn còn heo hút hơn nữa là Kuznetsk. Dostoyevski cực kỳ buồn nhưng không thể làm gì được. Rồi chồng của Maria qua đời, để vợ và đứa con trai phải sống trong tình trạng giật gấu vá vai.

Có lẽ khó có bất hạnh nào lớn hơn: Dostoyevski không thể đi khỏi địa phận Semipalatinsk, còn Maria phải sống cực kỳ nghèo khổ ở Kuznetsk. Mãi rồi Dostoyevski mới nhận được vận may mà anh chờ đợi đã lâu: nhờ bạn hữu và những người hâm mộ ở "kinh đô phương Bắc", anh đã được triều đình mở lượng khoan hồng lớn hơn nữa và được nhận quân hàm sĩ quan đầu tiên.

Ngay khi xuất hiện cơ hội đầu tiên, Dostoyevski đã tới Kuznetsk và ở đó mới biết rằng, anh đã có đối thủ trong trái tim Maria. Nikolai Vergunov, một giáo viên địa phương tốt bụng, trẻ hơn chị 5 tuổi đã ngỏ lời cầu hôn Maria. Chị bối rối không biết chọn ai cho dứt khoát.

Dostoyevski cảm thấy tim mình tan nát nhưng vẫn cố gắng nhờ vả người quen để tìm cho Vergunov một chỗ có mức lương cao hơn để có thể nuôi được cả gia đình. Tuy nhiên, Dostoyevski không dễ dàng đầu hàng và cuối cùng cũng thuyết phục được Vergunov hiểu rằng, anh chàng đã chọn cho mình một gánh nặng quá sức, ít ra là trên phương diện tài chính.

Thế là Maria đành nói "vâng" với nhà văn sau khi Vergunov rút lại lời cầu hôn. Dostoyevski cảm thấy mình như ở chín tầng mây, hoàn toàn không nghĩ tới việc, thực chất thì Maria đồng ý lấy anh có phải vì tình yêu hay không.

Lúc đó, nhà văn đã không hiểu rằng, đôi khi người phụ nữ đồng ý lấy ta chủ yếu do thương hại ta đã quá si mê họ. Thương hại thì cũng tốt nhưng với tình cảm như thế rất khó xây dựng một gia đình hạnh phúc bền vững…

Đêm tân hôn của họ đã diễn ra không giống ai cả, chỉ vì căn bệnh động kinh mà nhà văn bị từ tuổi nhỏ. Dostoyevski đã bị ngất đi và khi tỉnh dậy trong máu me, trông thấy người vợ mới đang thất thần hoảng hốt lau mặt cho mình bằng một cái khăn ướt. Về sau, hai người không bao giờ nhắc lại chuyện này nhưng rõ ràng là trong cuộc hôn nhân của họ, ngay đêm đầu tiên đã hằn lên cái gì đó không lành…

Khi họ còn ở Semipalatinsk, mặc dù phải tính đếm từng xu, nhưng hai người đã sống với nhau hòa thuận vì trong lòng cả hai còn in đậm những vất vả của quá khứ. Dostoyevski vẫn nhớ y nguyên cảnh làm lính lưu đày, còn Maria thì vẫn chưa quên những ngày làm vợ ông chồng nát rượu nên cuộc sống mới dù phải tùng tiệm vẫn có thể coi là thiên đường hạnh phúc.

Rồi tới tháng 3/1859, Dostoyevski được giải ngũ, cùng vợ và người con riêng của chị chuyển về sống ở nơi đô hội hơn là thành phố Tver (cho tới lúc đó, một cựu tù nhân chính trị như anh vẫn bị cấm cư trú ở cả "kinh đô phương Bắc" lẫn ở Moskva).

Mãi tới cuối năm 1859, nhờ bạn bè chạy chọt khá vất vả, Dostoyevski mới chuyển được về Peterburg. Một trang đời mới mở ra cho văn nghiệp của Dostoyevski. Thế nhưng, Maria lại không thích nghi được với môi trường văn học sôi động của "kinh đô phương Bắc". Chị cảm thấy khó ở với vai trò phu nhân của một nhà văn danh tiếng. Rồi các bác sĩ phát hiện ra căn bệnh lao của Maria nên chị phải rời Peterburg đến ở nơi khác.

Bản thân Dostoyevski lại không thể rời "kinh đô phương Bắc" vì đời sống văn học Nga khi đó tập trung hết ở đây. Thế là bắt đầu giai đoạn "vợ chồng ngâu" của họ cùng những hệ lụy khó tránh khỏi. Mỗi lần về gần bên chồng sau những tháng đi an dưỡng, Maria như bị thay đổi tâm tính. Họ hay cãi nhau hơn. Bình thường thì người đàn bà quyết liệt này cũng đã ghê gớm trong cảm xúc, giờ bệnh tật lại làm cho chị trở nên nóng nảy hơn.

Có lần to tiếng, chị đã thét lên với chồng rằng, chị không yêu anh mà yêu chàng giáo khổ Vergunov cơ. "Anh ấy đã ngủ với tôi trước đêm tân hôn của chúng ta… Anh ấy cũng đã tới Tver và hai chúng tôi luôn là nhân tình của nhau… Anh phải biết rằng, tôi còn có những người tình khác nữa…".

Thật điên loạn! Dostoyevski biết quá rõ rằng, Vergunov suốt những năm qua chỉ ở Barnaul và không bao giờ xuất hiện tại phần châu Âu của đế chế Nga. Chẳng qua Maria vì bị bệnh tật hành hạ quá nên mới bịa ra tất cả những chuyện đó thôi. Nhưng anh vẫn không thể không cảm thấy đau. Và đã không thể tiếp tục làm một người chồng chung thuỷ nữa.

Rồi chuyện tất yếu phải đến đã đến. Trong một dạ hội văn học, bạn bè giới thiệu cho anh làm quen với một thiếu nữ đang run rảy mong được gặp mặt nhà văn danh tiếng, cô Apollinaria Suslova. Đó là một cô gái xuất thân từ một gia đình rất khá giả, xinh đẹp, táo tợn, lãng mạn. Họ đã trở thành tình nhân chỉ vài ngày sau lần gặp đầu tiên.

Tình yêu như trái phá, làm vỡ tung mọi rào cản. Cô gái 20 tuổi đầy nhiệt huyết cạn lời thuyết phục Dostoyevski bỏ vợ lấy cô nhưng nhà văn dứt khoát không chịu. Cuối cùng, hai người đành chấp nhận một phương án thỏa hiệp: cùng nhau đi du lịch châu Âu.

Apollinaria đi trước, còn Dostoyevski sau khi vay mượn được ít tiền cũng đi theo. Tới Paris, người tình trẻ trung đã đón anh bằng câu: "Anh đến hơi trễ rồi!". Lúc này, Apollinaria đã cặp với một sinh viên người Tây Ban Nha.

Thất vọng ê chề, Dostoyevski ngồi chết lặng trong phòng khách sạn: trở về Nga ngay thì thật ngu ngốc, còn ở lại Pháp trong tình huống này thì cũng dớ dẩn. Tuy nhiên, chàng sinh viên Tây Ban Nha đã chán cô bạn gái Nga rất nhanh. Và Apollinaria xuất hiện ở phòng trọ của Dostoyevski với một con dao to và mắt đẫm lệ: cô nói rằng, nếu anh không chấp nhận lại cô thì cô sẽ… tự vẫn!

Thế là Dostoyevski cực chẳng đã phải cùng Apollinaria đi du lịch châu Âu. Chưa bao giờ anh cảm thấy nhục nhã và cực nhọc đến thế. Apollinaria quả thực đã là hồ li tinh, chỉ có khoái cảm khi hành hạ được Dostoyevski, làm cho anh cảm thấy đau đớn, vật vã...

Khi hiểu rõ điều này, nhà văn đã dứt khoát rời bỏ Apolliaria và về Moskva. Lúc này, sức khỏe của Maria đã bị hủy hoại hoàn toàn. Dostoyevski cảm thấy lương tâm bị cắn dứt.

Tháng 4/1864, Maria qua đời. Đứa con riêng của chị về sau đã hành hạ Dostoyevski bằng đủ thói hư tật xấu nhưng nhà văn bao giờ cũng ưu ái cậu ta, vì với anh, đó là sợi dây nối thiêng liêng với quá khứ, với người vợ mà thực sự anh vô cùng thương quý.

Còn Apollinaria thì cho tới cuối đời vẫn không thể nào quên được nhà văn, ngay cả khi biết Dostoyevski đã rất hạnh phúc và bình yên sống cùng người vợ thứ hai, nguyên là cô thư ký chép bản thảo cho ông, kém ông tới hơn 20 tuổi.

Một lần, Apollinaria giả làm khách hâm mộ tới thăm nhà Dostoyevski. Chứng kiến cảnh nhà văn âu yếm các con mình, chị ta đã tức giận bỏ đi. Khi biết rõ bà khách lạ là ai, Dostoyevski rất lo lắng và yêu cầu vợ để ý tới con cái hơn. "Cô ta điên loạn lắm, biết anh yêu các con như thế, có thể sẽ manh động…". Người vợ trẻ hỏi:

- Cô ta đã thay đổi tới mức anh không nhận ra ư?
- Giờ thì anh mới hiểu, cô ta không hề thay đổi so với trước. Nhưng quả thực là anh đã quên cô ta rồi. Như thể trong đời anh chưa từng bao giờ gặp cô ta…

Người vợ trẻ nở nụ cười nhẹ nhõm. Dường như chỉ phút ấy chị mới hiểu rõ rằng, chồng chị đã hoàn toàn chôn vùi dĩ vãng và từ nay, vĩnh viễn sẽ chỉ thuộc về một mình chị thôi. Yêu không phải trò đùa

Phùng Dương

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文