Đạo diễn, NSƯT Tất Bình: "Tôi không thích sự khiêm tốn giả vờ"

13:02 22/06/2010
Nhận giấy quyết định nghỉ hưu từ tháng 9/2009 nhưng vị đạo diễn này chưa được nghỉ 1 ngày nào vì liên tiếp các dự án làm phim lớn, nhỏ để nuôi quân, gồm 70 con người của Hãng phim truyện I.

Gặp ông không dễ dàng, với lời từ chối nhã nhặn: rất bận! Tôi cũng không vừa, khi đến thẳng văn phòng làm việc của ông ở Hãng phim truyện I lúc 7h để moi chuyện ông về bộ phim "Huyền sử Thiên Đô" vừa bấm máy. Không phải điều gì mà ông nói cũng khiến tôi cảm thấy đồng tình nhưng ở vị trí nghệ sĩ như ông, ông hoàn toàn có quyền nói như ông nghĩ.

- PV: Vừa là nhà tổ chức sản xuất, vừa là đạo diễn phim, có quá tải không, thưa ông?

- NSƯT Tất Bình: Tôi là đạo diễn xử lý kịch bản, còn Phạm Thanh Phong phân cảnh kỹ thuật. Tôi ở ngoài hiện trường, thay phiên nhau, Phạm Thanh Phong làm hậu kỳ, dựng phim và lồng tiếng. Thời gian đang rất gấp rút, giờ phát sóng đã ấn định rồi, không thể đủng đỉnh được nữa. Với tôi, được rèn luyện rồi, làm việc 16 tiếng một ngày đã là chuyện bình thường. 7h đã có mặt ở cơ quan, đến sớm hơn cả bảo vệ. Chúng tôi đang phối hợp ăn ý để công việc được triển khai tốt nhất.

- Phim Trần Thủ Độ chưa xong, ông đã bắt tay vào phim này là do duyên cớ nào?

- Do cái duyên? Uy tín? hay vì cái tên tôi, chẳng biết nữa… Nhưng Công ty Sao Thế giới đã gửi trọn niềm tin vào Hãng phim truyện I, thì chúng tôi thấy vui và tự hào, vì lại được tín nhiệm thực hiện một bộ phim về ngàn năm Thăng Long. Điện ảnh và Truyền hình Việt Nam đang bắt đầu có những hướng đi mới về phim dã sử. Tôi cũng thích làm phim về đề tài này, biết là khó nhưng vẫn thích dấn thân. Tôi nhận lời làm phim này vì thích được làm việc, và tạo cơ hội cho anh em trong Hãng cũng phải làm việc, làm phim, đúng với chuyên môn của mình. Hơn nữa tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, được làm phim về Hà Nội là một tự hào. Là người làm trong nhà nước hơn 40 năm, tôi thấy Công ty Sao Thế giới rất dũng cảm khi bỏ vốn làm phim này. Đây là phim của tư nhân 100%.

Đạo diễn, NSƯT Tất Bình.

- Đang làm quen các phim lấy tiền từ dự án của Nhà nước, lần này tiêu tiền từ dự án của công ty, ông lo lắng không?

- Rất may từ những năm 80, tôi đã vào TP HCM làm phim từ tiền túi của Hãng phim Hai Nhất, Thái Hòa, Thu Tạo rồi. Thời ấy là phim mỳ ăn liền đấy, cũng "lăn lê bò toài" rồi, cũng thấm chuyện lỗ lãi rồi, nên nhận làm phim "Huyền sử Thiên Đô" thấy trách nhiệm càng lớn hơn vì đây là bộ phim chiếu dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Tôi nhắc nhở anh em cố gắng làm tốt, phim phải thu hồi được vốn cho Công ty và không bị chê. Điện ảnh, Truyền hình là cuộc chơi của con nhà giàu, nên xu thế xã hội hóa là tất yếu. Rất nhiều phim truyền hình đang phát sóng  hiện nay là của các công ty đầu tư. Họ rất năng động, chi từng đồng cũng phải cân nhắc sao cho hiệu quả, đây là hướng đi đúng.

- Nhiều phim dã sử Việt Nam khi phát sóng nhận được nhiều lời chê hơn là động viên, khuyến khích. Cũng có ý kiến cực đoan rằng, trong khi đất nước còn nghèo, nhiều bộ phim tài trợ đã rất lãng phí khi tiêu tiền Nhà nước, tiền này từ nguồn vay nước ngoài hoặc do dân đóng thuế, bóng đá thì bán độ, nên dẹp bỏ hai thứ là Bóng đá và Điện ảnh. Ông nghĩ sao?

- Đó là ý kiến thiển cận và ngốc nghếch. "Sợ" luôn là cái cảm giác đeo đẳng mãi một số người Việt, khiến chúng ta luôn nghèo hèn bởi chẳng dám làm cái gì, chẳng dám thử cái gì. Vẫn biết nợ quốc gia của chúng ta đang tiếp tục tăng với nhiều con số, nhưng từ rất lâu rồi bóng đá xã hội hóa rồi, "Huyền sử Thiên Đô" và nhiều bộ phim khác có tiêu tiền Nhà nước đâu. Không ai dám đương đầu với thử thách thì bao giờ Việt Nam mới có phim lịch sử. Sai, rồi sửa. Lỗ, rồi khắc có lãi. Tự chúng tôi chịu trách nhiệm trước tác phẩm của mình.

- "Huyền sử Thiên Đô" có thể vấp phải một số lỗi thường gặp của phim về đề tài lịch sử, là đạo cụ, phục trang không phải của thời Lý?

- Các nhà làm phim đề tài lịch sử ở Việt Nam luôn tôn trọng các ý kiến chuyên gia và nhà sử học về hoàn cảnh xã hội, những biến cố lịch sử trong câu chuyện phim, nhưng khác với nước Pháp, trận đánh lịch sử Waterloo của Napoléon Bonaparte thì những chi tiết, câu chuyện cách đây nhiều thập kỷ, các nước bạn có phim tư liệu, có cổ vật để êkíp làm phim được nhìn thấy, sờ thấy. Còn ở Việt Nam, chúng ta làm phim lịch sử nhưng quá ít ỏi tài liệu, tư liệu để biết một cách chính xác khởi nghĩa Tây Sơn, Nguyễn Huệ mặc áo kiểu gì, viền cổ tay, nút áo, cài ngực ra sao. Có chăng, lại xin ý kiến tham khảo từ các cố vấn, sao cho đẹp nhất, hợp lý nhất, và không sai sót quá đáng.

Có những chi tiết về thời trang phụ nữ Việt ngày xưa, hàm răng nhuộm đen bóng như những hạt na. Lại phải xin y kiến các nhà sử học, có phải nhuộm đen răng toàn bộ diễn viên nữ không? Xin thưa là không, lúc này đoàn phim lại tự mâu thuẫn về vấn đề học thuật và thưởng thức nghệ thuật, nên châm chước việc để răng trắng và trang phục cũng xin khác các cụ ngày xưa một chút… là có thể sexy gợi cảm một chút mà không hở hang hay lố lăng. Phim lịch sử cũng phải mang yếu tố thẩm mỹ và giải trí nữa chứ

- Chúng ta đang bội thực về các dự án phim 1.000 năm Thăng Long, ông có biết điều này không?

- Càng tốt chứ sao. Càng có sự cạnh tranh, khán giả được xem các tác phẩm Phim truyền hình lịch sử made in Việt Nam. Tôi tin là khán giả ủng hộ điều này. Gần đây, tại Mỹ và châu Âu, người Việt thích mua phim bộ của Việt Nam như "Bỗng dưng muốn khóc", "Cô gái xấu xí"… Bắt đầu chúng ta dám cạnh tranh với phim TH Hàn Quốc, Trung Quốc rồi. "Huyền sử Thiên Đô" sẽ là một trong viên gạch đầu tiên về phim lịch sử dân tộc, để sau đó chúng ta có nhiều phim hơn nữa.

- Tiến độ của phim đến đâu rồi, thưa đạo diễn?

- Chúng tôi đang rất khẩn trương. Chúng tôi có 1 trường quay tại Cổ Loa, thay vì sang Trung Quốc, đỡ được nhiều chi phí. Đoàn làm phim mua gần chục con ngựa từ Trung Quốc để sử dụng cho các bối cảnh. Việc chăm đàn gia súc này cũng không hề đơn giản…

- Ông có ý kiến gì khi bộ phim "Lý Công Uẩn, đường về thành Thăng Long" của Công ty Trường Thành được đầu tư 80% yếu tố từ Trung Quốc ( kịch bản, đạo diễn, quay phim và cả diễn viên nữa) và sẽ phát sóng trước "Huyền sử Thiên Đô"?

- Tôi rất bận nên không có thời gian quan tâm đến các dự án phim khác, nhưng tôi không phản đối yếu tố nước ngoài trong phim lịch sử Việt Nam, miễn là phim được khán giả đón nhận, thấy hay và thú vị. Chuyện phát sóng sau phim "Lý Công Uẩn, đường về thành Thăng Long", cũng không hề hấn gì, chúng tôi không so găng ở đây. Mỗi phim là một câu chuyện khác nhau và chúng tôi triển khai sau, phát sau cũng là chuyện bình thường.

- Hơn 40 năm song hành với Điện ảnh - Truyền hình, ông là người nếm trải những bước đi đầu tiên của ngành này, cái tên Tất Bình đã trở thành thương hiệu?

- Tôi là người duy nhất ở ta có 4 lần đưa phim truyện nhựa Việt Nam ra nước ngoài để hợp tác với bạn, họ làm thuê cho mình, để mình tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm. "Đừng đốt" mang đi Mỹ. "Giải phóng Điện Biên" mang sang Pháp và Thái Lan. "Trăng trên đất khách" mang qua Nga. "Trần Thủ Độ" qua Trung Quốc… Không kể cả phim hợp tác với nước bạn Lào là phim "Cầu Ông Tượng". Tôi cũng là người tổ chức sản xuất làm dịch vụ với các phim lớn như phim "Đông Dương", phim "Người tình", phim "Điện Biên Phủ"… Từ khi tách ra từ Hãng phim truyện Việt Nam, tôi đã có hàng chục năm kinh nghiệm làm phim với nhiều đối tác, hiểu Luật Điện ảnh, Luật Doanh nghiệp để giúp anh em có nhiều dự án làm phim, để họ không bỏ nghề. Tôi là người dễ thích nghi và dám chịu trách nhiệm những việc mình làm. Tôi không thích sự khiêm tốn giả vờ. Tôi là người của công việc, nên Công ty Sao Thế giới tin tưởng giao phó làm thủ lĩnh bộ phim "Huyền sử Thiên Đô".

- Có điều gì mới mẻ trong phim "Huyền sử Thiên Đô"?

- Nhiều gương mặt mới xuất hiện trong dàn diễn viên 127 người. Tôi không tự khen phim của mình, nhưng dám chắc công ty sẽ không phải bù lỗ và phim này ít bị chê…

- Nghĩa là vẫn còn… hạt sạn?

- Tôi không sợ chê, nhưng chê không chuẩn, không đúng là tôi… la làng đấy. Ở nước mình, người không làm gì thường hay mổ xẻ và phê bình người khác, nhưng phê bình không đến nơi đến chốn là chúng tôi không nể phục đâu. Làm phim ở Việt Nam còn vất vả và nhọc nhằn lắm, nhưng chúng tôi luôn yêu nghề của mình và chứng tỏ, thế giới làm được thì mình cũng phải làm kỳ được… Thế hệ đạo diễn chúng tôi làm phim lịch sử có thể chưa hay thì con em chúng ta phải làm hay, để không phải xấu hổ với phim lịch sử Hàn Quốc, Trung Quốc...

- Tự vẽ chân dung về mình?

- Vẫn còn phong độ và đẹp trai ở tuổi 60. Là một trong những đạo diễn Việt Nam đầu tiên tự lái ôtô từ đầu những năm 90 thế kỷ trước. Sử dụng Internet thành thạo, trao đổi thư tín và kịch bản chủ yếu bằng phương tiện này. Rất ít sử dụng bút viết, trừ lúc phải "ký". Không có trợ lý, thư ký. Nói nhiều, làm nhiều và thích làm phim đến… hết đời

Trần Tùng Linh thực hiện

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文