Gia đình người thầy thuốc nhân dân bền bỉ "trồng cây đức"

03:15 27/02/2016
Biết bao người đã được Giáo sư, TSKH Lê Thế Trung và các thầy thuốc là con - cháu - dâu - rể của ông cứu sống trong những năm qua. Từ người dân bình thường đến những “tao nhân mặc khách” như Văn Cao đều có những kỉ niệm với vị ân nhân của mình, thầy thuốc nhân dân Lê Thế Trung. 


Đại gia đình của ông đã có 3 đời làm nghề y và hiện có 2 vị tướng, nhiều người là Tiến sỹ; họ đã bền bỉ “trồng cây đức” giúp cuộc đời này bớt đi những bất hạnh, đau thương…

Trong một lần được hầu chuyện Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, GS.TSKH, thầy thuốc nhân dân Lê Thế Trung, ông tự hào khoe với tôi: “Cả 8 đứa cháu của tớ đều học hành tiến bộ. Thằng cháu đích tôn sắp tốt nghiệp Học viện Quân y!”. Thằng cháu đó - Lê Trung Hiếu, nay đã là một Thượng úy, bác sỹ quân y Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; đã tham gia một số ca ghép gan tại Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện 103. Em trai của Hiếu, Lê Trung Đức cũng là bác sỹ Quân y…

Còn GS.TS Lê Trung Hải, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện 103, trưởng nam của GS Lê Thế Trung, cũng đã được vinh thăng Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Hai cha con GS Lê Thế Trung - Lê Trung Hải đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2005 với vai trò đồng tác giả Cụm công trình Ghép tạng.

Một bệnh nhân đặc biệt từng được Giáo sư Lê Thế Trung hai lần cứu mạng, là nhạc sĩ tài hoa Văn Cao. Cuối năm 1958, một đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế Tây Bắc. Đoàn gồm những tên tuổi như các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và nhạc sĩ Văn Cao.

Thiếu tướng GS.TSKH Lê Thế Trung (người ngồi bên trái) và gia đình trong những ngày đầu xuân Bính Thân 2016.

Tây Bắc thời kì này còn rất hoang sơ, dân cư thưa thớt, điện chưa có. Đi từ Hà Nội tới Điện Biên mất 4 ngày trời ròng rã trên ôtô vượt qua nhiều đèo cao, dốc thẳm. Chặng đường rất gian nan nhưng họa vô đơn chí, khi tới thị trấn Hát Lót (tỉnh Sơn La), chẳng may Văn Cao bị bục dạ dày. Bệnh nhân đặc biệt này được chuyển tới Thuận Châu, nơi có phòng mổ của Bệnh viện Khu tự trị Tây Bắc mới được khánh thành. 

Lúc này, thể trạng Văn Cao đã rất yếu, không nói được; Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi lo lắng, đứng ngồi không yên... Ca cấp cứu do bác sĩ Lê Thế Trung chủ trì đã thắp đèn măng-sông để mổ; một y tá dùng đèn pin rọi vào ổ bụng giúp các bác sĩ thao tác. Nhạc sĩ Văn Cao đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.

Gần 30 năm sau, khi GS Lê Thế Trung là Viện trưởng Quân Y viện 103, lại thêm một lần Văn Cao được cứu sống bởi đôi bàn tay vàng của ông. Năm đó, Văn Cao bị căn bệnh lệch cột sống, rất đau đớn, không đứng được. Người nhạc sĩ tài hoa đã được chữa trị ở một bệnh viện lớn nhưng bệnh không tiến triển. Đại tướng Võ Nguyên Giáp biết chuyện tới thăm, liền gợi ý chuyển đến Viện 103 chữa trị thì tốt hơn. Văn Cao cảm động, vừa khóc vừa hỏi: “Nhưng Viện 103 của bộ đội, liệu có chữa cho tôi không?”. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tận tình viết thư tay gửi gắm GS Lê Thế Trung và chỉ đạo đưa Văn Cao vào Viện 103. Tại đây, sau nửa tháng được vị ân nhân năm xưa chữa trị, Văn Cao bình phục gần như hoàn toàn, có thể đứng dậy, đi lại được. GS Lê Thế Trung và các thầy thuốc Viện 103 đã điều trị theo phương châm Đông - Tây y kết hợp, Văn Cao không phải mổ. Ngày xuất viện, Nhạc sĩ Văn Cao đã tổ chức một đêm nhạc ấm cúng phục vụ các thầy thuốc và bệnh nhân để tri ân những người đã cứu mình qua cơn hoạn nạn…

Nối tiếp truyền thống gia đình, GS.TS Lê Trung Hải cũng là một chuyên gia hàng đầu về ghép tạng. Từng là phóng viên viết về y tế, tôi có nhiều dịp gặp gỡ, làm việc với GS Lê Trung Hải và cảm nhận sự say mê, yêu nghề và y đức của người thầy thuốc mặc áo lính. Ông luôn là người cởi mở, chân thành trong giao tiếp và tận tình trong công việc. Dù ông rất bận nhưng khi chúng tôi liên hệ, ông đều sắp xếp thời gian tiếp, trao đổi kĩ lưỡng và các nhà báo khá nhàn sau buổi làm việc, bởi vấn đề ông trình bày khúc chiết, logic, “có phương pháp sư phạm”; chỉ cần gỡ băng ghi âm hoặc đánh máy lại bản ghi chép là thành một bài báo “chuẩn không cần chỉnh”.

“Năm mình thi vào Học viện Quân y, cụ Trung (GS Lê Trung Hải thường nói về người cha một cách kính trọng - PV) đang làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Thực ra, cụ chẳng định hướng mình vào ngành, nghề nào cả. Nhưng nếu một đứa trẻ sinh trưởng trong gia đình có truyền thống âm nhạc, sẽ được tiếp xúc với đàn ca sáo nhị từ rất sớm; thì mình được tiếp xúc với dao mổ, kim khâu, bột bó… Mẹ mình cũng là y sỹ trưởng của Khoa Bỏng Viện 103, nên từ nhỏ mình đã theo mẹ vào cơ quan, rồi đi sơ tán cùng bệnh viện. Mình đã dần hình thành ý thức theo nghề Y”. GS Lê Trung Hải đã chiêm nghiệm về căn duyên nối nghiệp cha mẹ.

Cũng như người cha, GS Lê Trung Hải đã nỗ lực trau dồi y đức, y lý. Ông đã có những năm tháng tu nghiệp ở các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản… để trở thành một trong những chuyên gia ghép tạng hàng đầu. Có thể nói, với hàng trăm ca ghép tạng trong những năm qua, GS Lê Trung Hải và các đồng nghiệp đã góp phần tái sinh nhiều  người. Không chỉ vậy, GS Lê Thế Trung và GS Lê Trung Hải cùng các giáo sư, bác sĩ ở Viện 103 còn “chuyển giao công nghệ” và đến nay các bệnh viện lớn ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... đã tiến hành ghép tạng thành công nhiều ca.

GS Lê Thế Trung và GS Lê Trung Hải nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Một trong những bệnh nhân từng được ghép thận năm 1993, là ông Lê Thanh Nghiêm (SN 1960), hiện đang là Bí thư Huyện uỷ Đông Hoà, tỉnh Phú Yên. Cuối năm 1992, trong lần đi khám tại Bệnh viện tỉnh Phú Yên, ông Nghiêm điếng người khi các bác sĩ chẩn đoán bị suy thận giai đoạn cuối. Với quyết tâm còn nước còn tát, ông được gia đình đưa ra Viện 103 chữa trị… 

Ngày 20-7-1993, ông Nghiêm được GS Tôn Thất Bách, GS Lê Thế Trung và GS Lê Trung Hải cùng nhiều giáo sư, bác sĩ đầu ngành ghép tạng tiến hành mổ ghép và ca đại phẫu đã thành công mĩ mãn. Gần 23 năm sau khi được ghép thận, hiện tại sức khoẻ của ông Nghiêm vẫn tốt, công việc và cuộc sống ổn định. Niềm vui nhân lên bội phần 6 năm sau khi được “tái sinh”, vợ chồng ông Nghiêm sinh thêm một cô con gái kháu khỉnh, hiện cháu đang học lớp 11…

Đến nay, nhiều người còn nhớ ca ghép gan cho bệnh nhi đầu tiên ở Việt Nam là cháu Nguyễn Thị Diệp diễn ra ngày 31-1-2004. Ca mổ có sự tham gia của  GS Lê Thế Trung và GS Lê Trung Hải đã thành công tốt đẹp sau 16 giờ đồng hồ căng thẳng. Khi Giáo sư Lê Thế Trung (năm đó 76 tuổi) bước ra từ phòng mổ và thông báo kết quả mĩ mãn thì mọi người đều òa lên chúc mừng các thầy thuốc và thân nhân bé Diệp… Sau hơn 10 năm, bé Diệp năm xưa đã thành một sinh viên dược của Học viện Quân y (hệ trung cấp dân y). Người cho gan là bố đẻ của Diệp sức khỏe cũng ổn định. 

Nhìn lại những chặng đường đã qua, GS Lê Trung Hải khiêm nhường cho rằng đó là sự may mắn bởi ông đã được học tập và làm việc trong một mô hình Viện - Trường Quân đội có tính tổ chức, tính tập thể cao mà ở đó người thầy thuốc, thầy giáo cũng đồng thời là người lính. 

Dưới sự lãnh đạo của ông và các đồng nghiệp, Bệnh viện Quân y 103 đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc, trở thành bệnh viện giữ Kỷ lục Việt Nam về Ghép tạng với bốn lần “lĩnh ấn tiên phong” trong ghép thận, ghép gan, ghép tim và ghép tụy - thận ở nước ta.

Hiện nay, với vai trò Phó Cục trưởng Cục Quân y - Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng - GS Lê Trung Hải đã có nhiều chuyến công tác đến với các bệnh viện, các cơ sở quân y và các cán bộ chiến sỹ ở các đơn vị trong toàn quân để chỉ đạo làm tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bộ đội và người dân…

Thành công của Thiếu tướng, GS Lê Trung Hải có hậu phương vững chắc là người vợ thảo hiền - Đại tá, PGS.TS Phan Việt Nga, Chủ nhiệm Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 103. Bà là điểm tựa cho ông và các thành viên trong gia đình nỗ lực học tập, nghiên cứu và trị bệnh cứu người. 

Hai người con trai nối nghiệp gia đình đã phấn đấu trở thành những bác sỹ quân y vừa hồng vừa chuyên - Thượng úy ThS CK1 BSNT Lê Trung Hiếu hiện đang công tác tại Khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy, Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Thiếu úy BS Lê Trung Đức hiện đang công tác tại Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 103. GS Lê Trung Hải tâm sự rằng: “Nếu không có ngôi nhà nhỏ với những con người thân yêu này thì đã không có vị tướng thầy thuốc như ngày hôm nay”.

Trần Duy Hiển

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文