Kia
Mobifone

Họa sĩ Bửu Chỉ: Con mắt qua kẽ tay

Thứ Tư, 13/07/2011, 15:25
Thật tình cờ tôi gặp con mắt còn lại ấy, trên trang bìa cuốn "Tranh Bửu Chỉ" được bày trên một quầy sách bên sông Hương. Đây là cuốn sách duy nhất phát hành, gồm những tác phẩm chọn lọc và những bài viết về Bửu Chỉ, sau khi ông mất (1948-2002).

Tôi sững sờ bởi biết bao ký ức trở về, vì chính nơi đây, trong quán cà phê Thiên Đường, bên con nước mênh mang trôi, ngỡ Bửu Chỉ vẫn ngồi cùng những ý tưởng rạo rực trong con tim. Và, sắc màu bật lên với con mắt nhìn qua kẽ tay ấy, một tính cách mãnh liệt bên cạnh sự dịu dàng bao đời nay của Huế.

Đó là một hình dung, nếu như Huế có một Trịnh Công Sơn giàu suy tưởng trầm lắng, thiền tịnh với tiếng chuông gióng giả êm đềm, thì Bửu Chỉ là tấm gương phản chiếu thể hiện sự cháy bỏng trong hình tượng và độc đáo về bố cục.

Nghệ thuật đứng về phía nước mắt

Sinh thời, có lần Bửu Chỉ đã bày tỏ, mình bắt đầu vẽ bởi sự ám ảnh từ nhạc Trịnh. Nhưng khác với sự thầm kín, trắc ẩn của Trịnh, họa sĩ Bửu Chỉ lại sôi nổi, dấn thân trong những cuộc tham gia đấu tranh trong phong trào sinh viên, ngay những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, từ 1968 đến 1971.

Sau khi tốt nghiệp Trường Luật ở Huế, Bửu Chỉ là Tổng thư ký Hội Sinh viên Sáng tác Huế. Mọi người đều nhớ thời điểm này những bức vẽ bút sắt của Bửu Chỉ như tiếng kèn ra trận vậy. Nhiều cuộc đấu tranh trong sinh viên đòi tự do độc lập, chống giặc ngoại xâm, tạo nên làn sóng biểu tình lớn giơ cao những tranh cổ động của Bửu Chỉ.

Chân dung tự họa, Hoài niệm về cái lỗ, Thời gian quay trong đầu, Bức tranh sinh động cuối cùng của Bửu Chỉ.

Đó là hình tượng những bàn tay bị xiềng xích và những cánh cửa nhà tù của thực dân, đế quốc. Bửu Chỉ cùng các bạn vừa đi, vừa cất tiếng hát; tay trong tay hô vang khẩu hiệu đòi dân chủ. Ai ai cũng nhớ giọng hát anh vang lên khúc ca Việt Nam trên đường chúng ta đi.

Dây đàn đứt, ngón tay anh bật máu, nhưng lời ca chẳng bao giờ dứt. Cho đến một ngày đầu năm 1972, anh bị cầm tù với tội chống lệnh nhập ngũ và tổ chức nổi loạn, bất phục tùng chính quyền.

Như một chiến sĩ cảm tử, Bửu Chỉ không ngừng vẽ tranh thể hiện chí khí dân tộc, với tiêu chí: "Mỹ cút, ngụy nhào, hòa bình cho Tổ quốc". Nếu giở cuốn Tranh Bửu Chỉ, ta mới thấy những bức tranh trong tù của anh thật dữ dội, với những cái tên Ta phải thấy mặt trời, Một tuổi thơ chưa kịp lớn, Các thế hệ đi đầy, Bày quạ chiến tranh, Người nữ tù…

Đó là những bàn tay bị xiềng xích cùng nhau đoàn kết, vươn lên về phía mặt trời, hay những bàn tay phá gãy xiềng xích giơ cao một cách quyết liệt trước sự sống còn của con người bị áp bức bóc lột. Hình tượng cánh tay là trục ý tưởng chính trong hàng trăm bức tranh của Bửu Chỉ được gửi ra và giương cao trong các cuộc diễu hành lớn trên đường.

Sự tàn ác của kẻ thù không thể ngăn được sức sáng tạo ngày một mãnh liệt của người họa sĩ trẻ. Chúng đã tra tấn dã man, đánh dập bàn tay của Bửu Chỉ. Mặc cho sức đã kiệt trong bốn bức tường, người họa sĩ của đất Huế vẫn nhẫn nại sáng tác với tâm trí nung nấu trong lòng mà anh hằng theo đuổi, đó là phải thể hiện cho được nguyện vọng của người họa sĩ, chiến sĩ.

Bởi anh đã xác định cuộc đời sáng tác của mình là phải đứng về phía nước mắt. Nước mắt khổ đau của con người, nước mắt của dân tộc trong cuộc đấu tranh vì mục đích hoà bình, dân chủ.

Sức sáng tạo sung mãn của Bửu Chỉ vào những năm 1973 và 1974; đúng thời gian nóng bỏng nhất của cuộc đấu tranh  giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến nay, hàng trăm tác phẩm của anh vẫn còn được lưu giữ trong nhiều địa chỉ của bạn bè và Bảo tàng Lịch sử Huế.

Và, mỗi lần ngang qua ngôi nhà số 22 Trương Định, TP Huế, địa chỉ của Tổng Hội Sinh viên Huế ngày ấy, anh em cùng thời thật khó quên hình ảnh Bửu Chỉ với cây đàn trong tay cùng bạn bè hát vang bài Chào em cô gái Lam Hồng. Giọng anh bao giờ cũng khoẻ nhất và rạo rực khí chất Huế, trung kiên, bất khuất.

Mắt Huế và sự ám ảnh của thời gian

Nếu những năm từ 1970 đến 1974, tranh Bửu Chỉ là sự bày tỏ mạnh mẽ, hướng ngoại, về những nhân sinh quan và quan niệm về xã hội thì ít ai ngờ rằng sau 1975, anh lại chuyển đột ngột vẽ cõi bồng bềnh của trường sóng suy tưởng và sự thao thiết, day dứt về thân phận con người trước con mắt của thời gian.

Sau này anh vẽ chủ yếu bằng chất liệu sơn dầu với chủ đề chính về tính đối kháng giữa sự sống và cái chết, giữa hạnh phúc và khổ đau. Tính ngang tàng của anh trong thời đoạn xưa, giờ đã chuyển động bằng sự đối chọi của màu sắc, đỏ đen với độ dày và mỏng của những lớp sơn. Anh giũ bỏ hết những chức vụ, như Chủ tịch Hội Mỹ thuật Huế, ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam, kể cả chân biên chế của Tạp chí Sông Hương, với ước vọng tìm lại chính mình trong hội họa. 

Suốt hai thập niên 80 đến 90, dường như hình ảnh con mắt và chiếc đồng hồ thời gian thường xuất hiện trong mỗi bố cục tranh của anh. Với các tác phẩm trừu tượng như Ai lăn hòn máu qua cầu, hay Người đàn bà trên miệng núi lửa, hoặc Hoài niệm về một cái lỗ và Sắc sắc không không… tranh Bửu Chỉ đã mở ra một cánh cửa mới cho riêng mình, đúng như anh, luôn luôn tự bứt phá một cõi, chẳng giống ai.

Lại nhớ hồi ra Hà Nội dự tang lễ nhà văn Nguyễn Tuân, năm 1987, anh đã thuê xích lô đi quanh phố phường và hồ Tây với bao suy tư về một đời văn Hà Nội đã ngã xuống. Rồi trở về Huế, một con mắt và mặt đồng hồ đã hiện lên tấm toan với hai chiếc kim chỉ đúng 10 giờ 30 phút. Đó như một tiếng chuông thỉnh lên báo hiệu giây phút đặc biệt mà cõi người đã mất đi con người tài hoa này.

Nhiều tác phẩm của Bửu Chỉ gây ngạc nhiên cho nhiều người và kể cả dư luận mỹ học nước ngoài. Vì thế mà tranh của Bửu Chỉ được nhiều nhà sưu tầm quốc tế mua, sau những đợt mang đi triển lãm ở nước ngoài như Nga (1986), Paris (1988), Hongkong (1994).

Năm 1995, Bửu Chỉ còn được mời tham gia triển lãm "Quyền hy vọng" của Liên hiệp quốc, cùng với 47 họa sĩ thuộc các nước trên thế giới. Đó thật là niềm vinh dự cho giới hội họa Việt Nam. Có người gọi tranh của Bửu Chỉ là sự phá vỡ cái đơn điệu trong tư duy tạo hình và tạo nên các biến động nhiều chiều. Nhưng tranh ông bao giờ cũng nổi bật một tính cách Huế, trầm lắng và dữ dội. Chính vì lẽ này mà nhà nghiên cứu Cao Huy Thuần đã viết: Bửu Chỉ là "giọt máu của Huế", và đã kết luận, tranh Bửu Chỉ là ngôn ngữ của các tín hiệu, quả không sai.

Đó là những tín hiệu về thời gian về thân phận con người với bút pháp huyền ảo đã làm nên một phong cách rất Huế, rất Bửu Chỉ. Nhiều tác phẩm của ông đã đi vào các bảo tàng và các nhà sưu tập nổi tiếng như: Chân dung tự họa, Những khuôn mặt Chúa, Phật, Thời gian quay trong đầu, Chạy trốn thời gian, Cầu hồn, Sức nặng của thời gian, Bình vôi và chim câu, Hoài niệm về một cái lỗ… Chúng đẹp trang nhã, hài hòa, sang trọng qua từng mảng màu xám trắng, lam nâu, xanh thẫm và trầm đỏ.

Riêng bức tranh Hoài niệm về một cái lỗ là một điển hình cho phong cách hội họa Bửu Chỉ. Hiện ngay giữa trung tâm là một khuôn mặt hình vuông, với hai mắt mở to đầy tư lự cùng đôi môi mím lại thanh thản. Cái lỗ hoài niệm ở phía trên, tách riêng nằm trong một mảng chữ nhật xám, chứa bên trong là hình tròn nhỏ đỏ sẫm với một quầng vàng trắng, như một lời tâm sự, thắc thỏm cùng những ký ức, xen lẫn giữa khổ đau và niềm vui không trọn vẹn của kiếp người.

Dải sơn màu tro lạnh nằm ngay dưới mặt người tạo nên sự đan cài của bàn tay người đang niệm Phật, hướng về cõi thiền, trầm lắng. Và hai bề dọc bức tranh là hai dải hồng xám như định hình cho gương mặt nổi lên tạo nét thần bí trong cảm xúc hồn người.

Hoạ sĩ Nguyễn Quân sau khi xem tranh của Bửu Chỉ đã viết: "Trong hội họa Việt Nam ít ai tự chế ra cho mình một cách riêng và kiên trì, lầm lũi làm đầy nó lên, như đẩy hòn đá nặng lên đỉnh cao ánh sáng như anh".

Ký ức cuối cùng

Khi  trở về trụ sở Tạp chí Sông Hương, tôi mới hay một kỷ niệm thật khó quên đối với người họa sĩ độc đáo này. Đó là măngsét và lôgô của tạp chí do chính Bửu Chỉ thực hiện ngay từ khi anh mới về làm ở đây. Hình tượng con chim phượng biến hóa thân thành dòng Hương Giang, núi Ngự Bình đã trở thành biểu tượng cho nét văn hóa đất thần kinh một thuở. Một xứ sở của thơ ca, nhạc họa với các gương mặt có một không hai. Đó là Trịnh Công Sơn, là Điềm Phùng Thị và giờ đây là Bửu Chỉ.

Bỗng đâu đó một nét nhạc Trịnh vang lên, nghe như có giọng hát của Bửu Chỉ nồng ấm, da diết vang lên, xen cùng âm sắc dịu dàng, nhẹ bỗng của Trịnh Công Sơn. Họ cùng đàn hát với nhau, như thuở nào ở quán cà phê của Tổng Hội Sinh viên, cũng vẫn bản tình ca Con mắt còn lại

Chung Tử

.
.