Hoàng Cầm với vở kịch thơ đầu tiên

14:41 09/05/2011
Từ lâu nay chúng ta biết nhiều đến Hoàng Cầm là nhà thơ Kinh Bắc với những bài thơ được đánh giá cao như Bên kia sông Đuống, Lá diêu bông, Cây tam cúc…, nhưng ít người nói đến một Hoàng Cầm là tác giả có những tác phẩm kịch thơ tiêu biểu nhất trong phong trào Thơ mới.

Những tác phẩm như Kiều Loan, Hận Nam Quan đã được công diễn từ trước Cách mạng Tháng Tám nhiều lần, nhưng từ năm 1946 trở đi chúng không còn được nhắc đến nữa. Mãi cho đến năm 2005 NSƯT Anh Tú quyết định chọn vở kịch thơ tâm đắc nhất của nhà thơ Hoàng Cầm là Kiều Loan để làm vở diễn tốt nghiệp cho khoá học đạo diễn của mình.

Sau mấy chục năm im lặng, vở kịch thơ của thi sĩ Hoàng Cầm đã một lần nữa được sống lại trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ. Trong đêm diễn tổng duyệt vở kịch, nhà thơ Hoàng Cầm lúc này sức khoẻ đã yếu nhiều, ông ngồi trên xe lăn xuất hiện trên sân khấu khi vở diễn kết thúc với niềm rưng rưng xúc động. Bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ diễn viên ào lên sân khấu tặng hoa chúc mừng ông.

Những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên gương mặt nhà thơ. Vở Kiều Loan đã có được sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố thơ và kịch một cách linh hoạt và hài hòa, được giới chuyên môn đánh giá cao và khán giả hâm mộ sân khấu đón chào nồng nhiệt.

So với kịch thơ của các tác giả cùng thời, kịch thơ của Hoàng Cầm có số lượng câu chữ dài nhất, có nhiều xung đột, hành động kịch đem đến cho người đọc người xem những giá trị về nhiều mặt. Kịch thơ Hoàng Cầm ra đời là để được đưa lên sân khấu, sống trên sân khấu bằng đời sống của vở diễn, chứ không phải là kịch thơ để đọc như kịch thơ của Phạm Huy Thông.

Cốt truyện kịch thơ Hoàng Cầm là những câu chuyện có nhiều tình tiết hấp dẫn gây ấn tượng với người đọc. Kiều Loan là một trong những tác phẩm kịch thơ có kết cấu đặc sắc. Mở đầu tác phẩm, tác giả vẽ ra một không gian lịch sử đầy tang thương, xơ xác và kết thúc là tình huống bi kịch vợ giết chồng.

Một vở kịch được xây dựng bởi một chuỗi dài những bi kịch của thời đại nhiễu nhương được tái hiện bằng tình huống kịch đặc sắc, mâu thuẫn kịch giàu kịch tính, hệ thống nhân vật kịch đa dạng, đa tính cách và hành động kịch diễn ra liên tiếp tạo nên những bất ngờ cho tác phẩm. Tình huống xung đột trong kịch Kiều Loan lại là bước đột phá trong kịch thơ của Hoàng Cầm.

Tác giả chỉ mượn không khí lịch sử thời kì nội chiến giữa Gia Long Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn, tạo nên những tình huống đầy bi kịch trong cuộc đời của hai con người cá nhân, và rộng ra là bi kịch của cả một thời đại. Lấy cảm hứng từ cái chết đầy đau đớn của người con gái đẹp Hà thành do chiến tranh gây ra, vở kịch thơ thực sự đem lại những nỗi xúc động sâu sắc cho nhiều độc giả, khán giả Việt Nam lúc bấy giờ.

Tình huống đặc sắc nhất trong kịch thơ này là cuộc gặp gỡ giữa người chồng phụ bạc và người vợ điên loạn sau mười năm li biệt. Họ không chỉ xa nhau vì khoảng cách thời gian, mà họ ở hai chiến tuyến khác nhau, tôn thờ hai lí tưởng khác nhau, đã dẫn đến bi kịch đẫm máu và nước mắt. Cách tạo tình huống xung đột kịch này chúng ta thường bắt gặp trong kịch phục hưng châu Âu.

Nhân vật không thể tìm ra lối thoát để vẹn toàn cả tình yêu và lí tưởng, lựa chọn cuối cùng là bi kịch đau đớn kết thúc ở tình huống cuối cùng của tác phẩm. Chính tình huống xung đột mạnh mẽ giữa hai thế lực trong xã hội đã kéo theo những xung đột cá nhân và trong cả nội tâm con người.

Lời thoại trong Kiều Loan được tác giả xây dựng một cách công phu và đầy cảm xúc. Đạo diễn Anh Tú đã bị chinh phục ngay từ khi đọc kịch bản. Anh kể lại: "Tôi đem Kiều Loan đọc cho thầy Xuân Huyền và nhiều nghệ sĩ khác của nhà hát nghe, đọc gần ba tiếng, trong lòng thì xúc động tới ứa nước mắt. Những người nghe cũng xúc động, cũng nghẹn ngào vì những câu thơ, những lời thoại mà chắc chắn tác giả Hoàng Cầm đã phải dốc gan, rút ruột ra mà viết".

Chính nhà thơ Hoàng Cầm cũng tỏ ra ưu ái hơn cả với đứa con tinh thần này của mình. Ông cho biết: "Cái khó nhất của kịch thơ chính là tìm sự dung hoà giữa hai thể loại này. Nếu như kịch là câu chuyện có tính vấn đề, có diễn biến dồn dập thì thơ lại là cái gì rất mênh mông dàn trải. Tôi muốn mình phải vượt qua sự ngăn cách đó, và cho đến nay vở kịch Kiều Loan đã phần nào làm tôi ưng ý"(Theo vietbao.vn).

Kịch thơ Hoàng Cầm đặc biệt được trau chuốt và gọt giũa về ngôn từ. Nhiều đoạn thơ, nếu tách ra khỏi vở kịch vẫn có thể là những bài thơ chứa một cảm xúc lạ lùng với những hình ảnh thơ đầy ám ảnh, vừa mang dấu ấn tác giả, lại vừa ngả theo khuynh hướng tượng trưng siêu thực trong Thơ mới. Chẳng hạn như những đoạn thơ sau: 

Tôi đứng chờ khuya xanh biếc ngõ
Trăng khuya cúi mặt nhớ phương trời
Rượu ngập hàm dương mắt dị kì
Cười rụng đầu người thuyền xuôi máu đỏ
Ta vương tình, trắng nõn áo cung phi.

Độ ấy mùa xuân ghen mái tóc
Chồng tôi say đổ nắng trai tơ
Mái gianh nghiêng rót tình phong nhụy
Hoa khép hương vàng, gọi chẳng thưa.

Với nhà thơ, có lẽ tình yêu là sự ám ảnh lớn trong đời nên ngôn ngữ tình yêu trong thơ ông là thứ ngôn ngữ có thần nhất. Nó mang hương vị ngọt ngào, sâu lắng, rất Hoàng Cầm:

Trong thương nhớ, em sẽ thành ngọn suối
Ngã trên đèo in mãi bóng người xa
Miền sơn lâm tình yêu không đếm tuổi
Dòng suối kia muôn thuở vẫn không già.

Kịch thơ của Hoàng Cầm tuy viết về thời đại trước đó hàng thế kỷ nhưng vẫn hiện đại và phù hợp với hiện thực đương thời. Tài năng và tâm huyết của người nghệ sĩ đã tạo nên một tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Cha tôi - nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận là một người rất say mê sân khấu.

Ông đã chủ trương thành lập Nhà xuất bản Hoa Lư và Tạp chí Sân khấu, đặt trụ sở tại 55 Tô Hiệu, Hà Nội. Tủ sách kịch Hoa Lư đã in: Vũ Như Tô (kịch 5 màn của Nguyễn Huy Tưởng), Yêu Ly (kịch thơ 5 màn của Lưu Quang Thuận), Lam Sơn họp mặt (kịch thơ 3 màn của Nguyễn Xuân Trâm), Kiều Loan (kịch thơ 3 hồi, 4 cảnh của Hoàng Cầm)…

Kiều Loan là vở kịch thơ đầu tay của Hoàng Cầm viết năm 1942, được diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội và được xuất bản năm 1946. Nhưng ít ai biết rằng, trước khi xuất hiện dưới tên gọi Kiều Loan, vở kịch thơ còn có một tên gọi khác là Người điên. Nói chính xác hơn Người điên tức là màn đầu vở kịch thơ Kiều Loan.

Tuy vậy đứng riêng ra, nó vẫn làm thành một vở kịch và được đánh giá là "màn kịch thơ đặc sắc nhất của Hoàng Cầm". Và điều đáng nói ở đây là trước khi lên sàn diễn, lần đầu tiên nó đã được xuất hiện trên ấn phẩm Sân khấu số 1 do Nhà xuất bản Hoa Lư phát hành vào ngày 20/11/1946 để chào mừng Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất.

Trong số tư liệu cha tôi để lại có bản in lần đầu tiên tác phẩm Người điên của Hoàng Cầm... Bản in trên giấy dó đã cũ nát theo thời gian nhưng vẫn còn đọc được nguyên vẹn vở kịch. Ngay sau trang bìa là những dòng chữ viết tay của cha tôi: "Bản in đầu tiên chiều nay đã hoàn thành. Trân trọng lưu giữ suốt đời để kỷ niệm sự cộng tác đầu tiên của em. Sự chung sức buổi đầu của Khánh và Thuận. Hà Nội, tối ngày 20/11/1946".

Đám cưới của cha mẹ tôi mới được tổ chức vào ngày 2/11/1946, trước đó hơn hai tuần. Cha mẹ tôi đã ấp ủ rất nhiều kế hoạch cho công việc in ấn tác phẩm. Nhưng hơn một tháng sau, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, hai người đã theo cơ quan lên Việt Bắc. Tôi cũng không hiểu tại sao sau bao nhiêu năm chiến tranh, tản cư, bom đạn, nhà cháy, hầm sập… mà cha mẹ tôi vẫn giữ được tập bản thảo quý giá này.

Nhà thơ Hoàng Cầm cũng rất cảm kích về điều đó. Ông đã mượn tác phẩm để đánh máy và sao chụp lại, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn đến nhà tôi và yêu cầu mẹ tôi cho xem lại bản gốc. Tôi đã hơn một lần nhìn thấy đôi tay già nua của nhà thơ Hoàng Cầm run run, lần giở những trang giấy mỏng manh.

Trong đó không chỉ in vở kịch thơ Người điên mà còn có bài viết: "Những cay đắng của Kiều Loan" của cha tôi, kể lại bao nỗi gian nan vất vả để đưa được Kiều Loan lên sân khấu. Khó khăn lớn nhất là tìm được người đóng vai Kiều Loan. Trong đó còn in cả bài thơ có nhan đề là Điên của Tuyết Khanh - người đóng vai Kiều Loan rất thành công.

Bài thơ có những câu rất ấn tượng, "từng lời lại cứ vận vào như không": "Em say chênh chếch mấy mùa trăng/ Đổ chín tầng mây ngã chị hằng/ Tỉnh giấc mưa thu vàng viễn xứ/ Cười rung tám cõi đất nghiêng bằng…/ Hỡi ơi! Người cũ duyên năm ấy/ Lệ vỡ chìm hương tự thuở nào/ Áo gấm cho đành quên ước hẹn/ Nghìn thu xa tắp bóng chiêm bao! Tuyết Khanh lúc đó đang làm báo ở Hải Phòng, rất nổi tiếng vì xinh đẹp và quý phái. Để đến với sân khấu, cô đã phải hy sinh rất nhiều thứ.

Sau đó, Tuyết Khanh trở thành vợ của Hoàng Cầm và đã sinh cho ông một cô con gái được đặt tên là Kiều Loan. Mối tình nghệ sĩ rất đẹp nhưng không được bền lâu. Sau một thời gian chung sống ngắn ngủi, hai người chia tay nhau. Bà Tuyết Khanh đã mất từ lâu, còn chị Kiều Loan hiện nay sống ở Mỹ. Tôi đã được nhà thơ Hoàng Cầm cho xem tấm ảnh ông chụp cùng con gái Kiều Loan trong trang phục mớ ba mớ bảy của liền chị quan họ.

Hai cha con với vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc đứng cạnh nhau bên bờ sông Đuống nghiêng nghiêng, dòng sông đã đi vào thơ ông như một huyền thoại bất tử. Ngày 6/5/2010, cây đàn thơ Hoàng Cầm lặng tắt. Ông đã đi vào cõi thiên thu, nhưng dư âm của tiếng đàn thơ ấy vẫn vang mãi trong lòng người và nhân thế…

Lưu Khánh Thơ

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文