Khi thi sĩ cũng là chiến sĩ

08:35 07/02/2006

Về thời kỳ hoạt động cách mạng của thi sĩ Quỳnh Dao, GS Đinh Phạm Thái phỏng đoán: "Có thể anh tôi được tổ chức phân công hoạt động trong lực lượng Công an, vì phải tuyệt đối bí mật nên anh không thổ lộ việc mình làm, kể cả với chị dâu tôi".

Tôi quen Giáo sư (GS) Đinh Phạm Thái giảng dạy ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã lâu mà chưa có dịp nào ngồi trò chuyện cùng ông. Vị tiến sĩ khoa học đầu ngành về luyện kim màu này vốn rất say thơ. Ông in thơ trên các báo ở Trung ương, địa phương từ bốn chục năm nay. Trong cuộc thi thơ lục bát do ngành Giáo dục - Đào tạo tổ chức mới đây, ông đã giành giải cao nhất với bài Cái roi ngày ấy, có những câu thật xúc động như: Chân run quờ chiếc gậy mòn/ Sợ cầm phải cái roi còn đâu đây...

Một hôm ông đến Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân, nơi tôi làm việc, gửi một chùm thơ. Tôi chú ý đến bài Tìm mộ với lời đề: "Tưởng nhớ anh Diệm". Bài thơ có những câu xót xa của người đi tìm mà chưa biết bao giờ có hồi kết: Cất tiếng gọi anh thăm thẳm núi/ Thành Tuyên chạng vạng trời sâu/ Ngày anh đi em còn để chỏm/ Giờ sao đã đốm giữa ngàn lau.../ Em chỉ muốn tìm trong đất đá/ Một chút gì xương thịt nơi anh...

- Anh Diệm là anh cả của tôi - GS Đinh Phạm Thái nói - Tên đầy đủ là Đinh Nho Diệm, tức nhà thơ Quỳnh Dao từng được nhắc đến trong cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân...

Vị GS đọc tôi nghe bài Bài thơ Huế của Quỳnh Dao, có câu được Hoài Thanh và Hoài Chân trích dẫn...

Thân phụ GS Đinh Phạm Thái là cụ Đinh Nho Huề dạy học ở quê, làng Gôi Mỹ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. GS là con út sinh năm 1930, kém người anh cả Đinh Nho Diệm những 11 tuổi, cho nên có câu "Ngày anh đi em còn để chỏm" - đi là đi làm cách mạng. Cụ Huề là một nhà nho yêu nước, có cảm tình với cách mạng, khoảng năm 1928 đã từng đưa các đồng chí Hà Huy Tập, Trần Ngọc Danh (em ruột Tổng Bí thư Trần Phú), Nguyễn Khoa Hiền xuất dương sang Hương Cảng, Trung Quốc hoạt động. Cụ bị Pháp bắt giam trên bốt. Năm đó Đinh Nho Diệm mới 10-11 tuổi, ngày ngày lên bốt đưa cơm cho cha. Vốn thông minh dĩnh ngộ, Đinh Nho Diệm nói chuyện được bằng tiếng Pháp, bọn Tây rất phục.

Đinh Nho Diệm hồi bé ở quê nổi tiếng thần đồng. Lần ấy có vị tiến sĩ hưu quan làm một bài vịnh cảnh về hưu, đã có nhiều tiến sĩ, hoàng giáp, cử nhân thi nhau xướng họa mà không bài nào thật đạt, chỉ có bài ứng khẩu của cậu thiếu niên 16 tuổi Đinh Nho Diệm là hay hơn cả, được truyền tụng đến giờ: Phú quý phong lưu cũng đã vừa/ Ngẫm mùi danh lợi ngọt hay chua/ Vườn xuân cất bước vui đời mới/ Bể hoạn buông chèo gác chuyện xưa/ Sờ túi càn khôn tiền bạc sẵn/ Nghiêng bầu phong nguyệt rượu thơ thừa/ Vuốt râu xem lại người trong cuộc/ Xiêm áo, ô kìa bận sớm trưa.

Vậy là, nhà thơ tương lai đã có sự dấn thân làm người chiến sĩ cách mạng ngay từ lúc thiếu thời. Nhưng trước hết phẩm chất thi sĩ thiên bẩm đã bộc lộ khá sớm. Năm 1937 mới 19 tuổi, ông đã có tập Tiếng chuông chiều in chung với Liêu Kỳ Lộc do Thụy Ký ấn hành. Hai năm sau, ông đứng riêng với tập Tơ Trăng gồm 25 bài và lọt vào "mắt xanh" của Lê Tràng Kiều với lời nhận xét: "Càng đọc càng lạ, càng về sau bao nhiêu càng huyền ảo bấy nhiêu".

Trong số báo Tiểu thuyết thứ năm ra ngày 11/4/1939, nhà văn đàn anh này đã đặt Quỳnh Dao bên cạnh những thi sĩ tên tuổi của phong trào Thơ mới lúc bấy giờ. Ông viết: "Chưa bao giờ các bạn mến yêu thơ được vừa lòng, được say sưa như bây giờ, khi giở những trang thân yêu của tờ báo thân yêu này. Nó đã trình bày không biết bao nhiêu tác phẩm có giá trị: những vần mơ màng của Quỳnh Dao, những vần nhẹ nhàng của Anh Thơ, những vần diễm ảo của Thanh Tịnh, những vần thành thực, giản dị của Nguyễn Bính, những vần đầy mộng ảnh, đầy âm nhạc của Yến Lan, những vần đặc biệt của Tchya, Phạm Huy Thông, Lưu Trọng Lư...".

Gần đây, với sự cố gắng lục tìm trong lưu trữ những số báo Tiểu thuyết thứ năm còn lại, nhà thơ Anh Chi đã tái hiện được một phần chân dung văn học của thi sĩ tiền chiến có thể còn ít người biết đến này. Năm 1999, Nhà xuất bản Thanh Niên đã cho ra mắt tập Văn phẩm Quỳnh Dao, trong đó có Tơ Trăng cùng các bài lẻ, in sau này trên “Tiểu thuyết thứ năm” và “Tạp chí Đông Tây” của Quỳnh Dao, đều đầy ứa cảm xúc mơ màng đến trong trẻo của tình yêu say đắm có thể bắt gặp ở rất nhiều nơi chốn:

Có ai vô lý như thi sĩ/ Môi nở qua đường cũng nhớ thương (Bài thơ Huế); Chàng ôi! Lầu dát trăng vàng/ Lạy trời là giấc mơ màng chiêm bao (Dưới cầu Giang Tô); Ngọn cỏ say rồi... quên cả ướt/ Trùng triềng sắp sửa liếm da trăng (Khi tình mới nở); Lời nước mây kia là khói nhạt/ Giận hờn... ngơ ngẩn lội trong sương (Hơi sương); Anh thấy lòng anh bồng bột chuyển/ Như là đang ướp cái mùi em (Tiếng thu)...

Trong Tơ Trăng có nhiều bài tác giả đề tặng các nhà thơ chủ chốt của phong trào Thơ mới như: Muôn năm về trước (tặng Thế Lữ); Cung đàn (tặng Lưu Trọng Lư); ý thơ (tặng Thanh Tịnh); Đà Lạt trăng ngủ (tặng Hàn Thu); Khi tình mới nở (tặng Xuân Khai, tức Yến Lan)... Đặc biệt, tình bạn sâu đậm của Quỳnh Dao với Hàn Mặc Tử, không chỉ ở bài tặng riêng thi sĩ họ Hàn (bài Bệnh tưởng), mà trong nhiều bài thơ khác, ta có thể thấy rất rõ nét tương đồng của hai thi sĩ, vừa tràn trề mộng ước lại có phần hơi... điên dại.--PageBreak--

Tiếc thay, con người tài hoa mà bạc mệnh! Ông mất khi chưa đầy 30 tuổi. Chúng tôi được biết, ở Khu di tích cách mạng nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội vừa hoàn thành toàn bộ 17 tấm bia đồng mạ vàng, trang trọng khắc tên những chiến sĩ cách mạng từng bị giam cầm tra tấn, nhiều người đã hy sinh suốt từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930) đến giai đoạn tiếp quản Thủ đô, miền Bắc giải phóng (1954). Tại bia số 3, những chiến sĩ bị bắt vào thời điểm 1930-1945, ở hàng thứ 5, vần D có ghi: "Đinh Nho Diệm (Quỳnh Dao), sinh 1918...".

Như trên đã nói, Đinh Nho Diệm sớm tiếp thụ truyền thống yêu nước của quê hương, đặc biệt là của người cha. Lúc bé ông làm liên lạc ở địa phương rồi sau đi thoát ly hoạt động bí mật. Đến giờ, người thân của ông cũng không biết đích xác ông hoạt động chủ yếu ở đâu và làm gì. Trong ký ức nhiều người lớn tuổi ở làng Gôi Mỹ hôm nay, vẫn còn nhớ lần chuẩn bị khởi nghĩa cướp chính quyền, anh thanh niên Đinh Nho Diệm cùng ông Nguyễn Tạo (lúc đó là Giám đốc Nha Công an Bắc Bộ) về diễn thuyết, kêu gọi mọi người theo Việt Minh đánh đổ đế quốc, phong kiến.

GS Đinh Phạm Thái còn cho tôi xem một tư liệu quý ông mới sưu tầm được.

Trên tờ báo Cứu Quốc - cơ quan tuyên truyền tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh ra ngày 12/1/1946 có công bố số phiếu cử tri và danh sách trúng cử cuộc Tổng tuyển cử 6/1/1946 ở Hà Nội, trong đó Bác Hồ trúng với số phiếu bầu gần như tuyệt đối, kế đến là các trí thức yêu nước như bác sĩ Trần Duy Hưng, luật sư Vũ Đình Hòe... Ông Đinh Nho Diệm cũng có tên trong danh sách.

Thời gian qua, một số vị lão thành cách mạng hiện ở Hà Nội, theo yêu cầu của gia đình chiến sĩ Đinh Nho Diệm đã kể lại những ngày sống trong nhà tù Hỏa Lò. Cụ Nguyễn Huy Hòa (tức Hoàng Phong) ở phường Thành Công, Ba Đình đã xác nhận: "Trong thời gian ở Hỏa Lò, tôi biết thi sĩ Quỳnh Dao bị Pháp bắt giam ở trại H, đeo số vuông. Anh là một người chín chắn, ít nói, sống hòa nhập với anh em tù nhân, sáng tác thơ văn cho tờ báo Hỏa Lò, tham gia đấu tranh tuyệt thực 3 ngày góp phần thắng lợi của tù nhân".

Cụ Bùi Huy Thục, tức Hồng Thao, vẫn nhớ một chuyện "vui": "Trước kia tôi đã đọc báo Đông Tây của anh Quỳnh Dao, nhớ câu thơ của anh Gà gáy chiêu hồn nguyệt Mái Tây. Khi gặp anh ở Hỏa Lò, xuất bản báo tù chính trị, anh Quỳnh Dao có bài tả cảnh tù ở trại H rất hiện thực: Nghe đái rất tài, là me-sừ Bái. Chả là Bái phụ trách trật tự, thính tai nghe đái đêm, ai làm mất giấc ngủ thì hắn phạt"...

Ông Đinh Nho Diệm trong số hơn 100 tù chính trị đã vượt ngục Hỏa Lò bằng cách chui qua cửa cống ngầm sân trại J trong các đêm từ 11/3 - 16/3/1945, rồi tỏa về nhiều địa phương tham gia Tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền. Sau lần vượt ngục, ông càng ít về nhà. Thế rồi từ năm 1947, gia đình không nhận được tin tức của ông và bị coi là "mất tích". Trường hợp hy sinh của ông mãi gần đây mới được biết cụ thể hơn.

Năm 1999, sau khi có Văn phẩm Quỳnh Dao, GS Đinh Phạm Thái mang đến tặng nhà thơ Huy Cận, bạn thơ tiền chiến với anh mình. Vừa cầm tập sách, nhà thơ nói: "Khoảng tháng 4/1947, trong ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, mình đã gặp Quỳnh Dao bên bờ sông Lô ở tỉnh Tuyên Quang...".

Lần theo sự chỉ dẫn của nhà thơ, về sau GS Thái đã tìm được cụ bà Khắc Hùng (vợ một đồng chí lão thành cách mạng ở Tuyên Quang). Tuy đã ở tuổi ngoài tám mươi, cụ còn rất minh mẫn, vừa nhìn ảnh nhà thơ Quỳnh Dao đã nhận ra ngay. Cụ kể là hồi đó, buổi sáng ngày định mệnh ấy, nhà thơ vừa đạp xe đến thì máy bay Pháp ập tới bắn xối xả, ông trúng một loạt đạn "đum-đum". Điều kiện cấp cứu không có, máu ra nhiều, nhà thơ đã không qua khỏi...

Nhà thơ - chiến sĩ Quỳnh Dao có người con trai độc nhất là Đinh Nguyên Hà, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nhập ngũ đã hy sinh tại chiến trường miền Nam năm 1966, khi mới 25 tuổi. Vợ nhà thơ, bà Lâm Thị Bảo thời trẻ làm việc ở Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, Hà Nội, nay tuổi đã ngoài tám mươi, đang sống ở Tp. Hồ Chí Minh với con gái. Đến giờ bà vẫn giữ nguyên trong lòng những ký ức tuyệt vời về chồng - một người rất mực thương yêu vợ con và luôn đặt nhiệm vụ cách mạng lên trên hết

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hết quý I/2024, thị trường bất động sản đã có thêm những tín hiệu tích cực khi sự quan tâm của người dân dành cho nhà ở đã tăng lên so với giai đoạn quý IV/2023. Theo đại diện Bộ Xây dựng, nguồn cung cũng đã tăng khi số lượng dự án hoàn thành và được cấp phép tăng lên. Tuy nhiên, nhận định về thị trường bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù đã có những chuyển động tích cực nhưng cơ bản thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc dù đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文