Kìa trời xanh! Con thả chiếc diều lên...

15:02 10/12/2010
Đó là hai câu cuối trong một bài thơ dài 111 câu mà thầy Nguyễn Trung Hiếu viết để "Chào đứa con ra đời" vào năm 1975. Dưới đầu đề ấy còn có một phụ đề "Tấc lòng của một người làm bố". Thầy sinh năm 1925, nghĩa là 50 tuổi mới có con đầu lòng.

Sự muộn màng này có thể gợi lên một đời tư không nhiều may mắn, nhưng khi đứa con chào đời, hơn ai hết thầy cảm nhận niềm hạnh phúc vô biên mà số phận và người vợ hiền mang lại cho mình vào chặng cuối của đời. Thầy hân hoan chào "ánh sao mai" của mình mà cảm thấy như cả "TRẦN GIAN ra bến đón".

Ai chẳng có tấc lòng của người cha, nhưng tấc lòng của người cha này thăm thẳm biết bao nhiêu về lẽ đời, lẽ tồn tại của con người, về cội nguồn, về quá vãng và tương lai. Tôi là người học trò may mắn, được thầy trao cho bản thảo đầu tiên của bài thơ vào khoảng cuối năm 1975, khi còn ở trong những mái tranh nghèo Trường ĐHSP Vinh vừa dựng lên trên hoang mạc đầy gió cát mà chiến tranh để lại.

Khi trao bài thơ, tôi còn nhớ thầy giơ ngón trỏ tay phải lên quá đầu và nói một câu bốn chữ, nặng như tục ngữ: "Chỉ hai người đọc". Sau này, tôi mới biết người thứ hai là Đỗ Thị Kim Liên (nay là GS.TS khoa Ngữ văn - ĐH Vinh). Ấy là thầy muốn bài thơ riêng của thầy không phải là văn học "đại chúng hoá". Tôi cảm động đón nhận bài thơ. Và bài thơ bút tích của thầy tôi giữ nguyên vẹn đến hôm nay.

Và ngày đau thương 16/9/1995 tôi đã thầm xin thầy đưa một số câu đoạn của bài thơ vào điếu văn đọc trong lễ tang tiễn thầy vào cõi khác. Giữa tháng 9 vừa rồi đã là giỗ thầy lần thứ 15. Ngồi viết những dòng này, hình ảnh thầy vẫn trọn vẹn trong tâm trí.

Giảng viên Nguyễn Trung Hiếu.

Các thầy giáo đã sống và dạy học với thầy những năm chiến tranh gian lao, những năm khổ ải thời hậu chiến một số đã cùng thầy vượt cõi, phần lớn chuyển ra Hà Nội, vào Huế, Sài Gòn sau 1975 như: Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Khắc Phi, Phùng Văn Tửu, Lê Hoài Nam, Trần Đình Sử… Chắc chắn trong ký ức của họ cùng các thế hệ sinh viên lúc đó không ai có thể quên hình ảnh ông giáo gầy, bốn mùa mưa nắng hai chân luôn "cố thủ" trong đôi giày thô kệch, to xù, mình khoác cái áo veston cũ sờn, nâu chẳng ra nâu, vàng chẳng ra vàng, trên tay luôn cầm điếu thuốc rẻ tiền đốt dở, khi giảng bài, đến điểm nhấn thì giơ ngón trỏ phải lên trời, khi trào lộng vui cười thì đưa bàn tay vàng khè khói thuốc che nửa miệng.

Về sau này, khi xuống khoa thầy còn mang theo một cái máy ảnh cổ hơn cả đôi giày để khi vui gặp bạn, gặp trò thì bấm chơi vài kiểu "Đứng yên tôi chụp  không cần đạo diễn". Gặp thầy một lần, ta gặp ánh mắt vừa sáng vừa nồng hậu, với nụ cười hóm hỉnh nhưng ấm áp. Khi lên lớp giảng bài, khi hội họp mái tóc bao giờ cũng được thầy săn sóc kỹ lưỡng, bóng mượt bằng… nước lã. Con người nhìn bề ngoài khắc khổ, ốm yếu đó lại là cả một nhân cách lớn, một trí tuệ sắc sảo và một tâm hồn nghệ sỹ đa tài, đa cảm.

Sự trung thực, thẳng thắn là triết lý sống thuỷ chung của nhân cách thầy. Sự trung thực ở thầy nhiều khi hồn nhiên đến mức thật thà và do đó cũng nhiều khi gây điều bất lợi cho chính thầy. Nhưng đã là triết lý sống, như một ý thức về giá trị làm người, thì theo đuổi đến cùng. Ngày trước, một đời người phải dăm lần viết lý lịch. Trong lý lịch bao giờ cũng có phần tự nhận xét ưu, nhược điểm. Người ta thường viết lên trên, viết dài, viết kỹ phần ưu điểm, còn phần khuyết điểm thì dùng uyển ngữ uốn nắn cho qua ở phía dưới. Thầy làm ngược lại. Tôi còn giữ được một cuốn lý lịch thầy khai từ năm 1963 (gia đình đưa cho để lấy tư liệu viết điếu văn năm 1995).

Trong lý lịch đó thầy đưa phần tự nhận xét về nhược điểm lên trên và trình bày rất chi tiết đến hai trang giấy như là một sự tự phân tích, tự xét mình một cách trung thực nhất, nói rõ những nhược điểm mà thời bấy giờ người ta hay cố chấp nhất với trí thức: nào là "ít nhiều cầu an", nào là "xu hướng tự do cá nhân", nào là "thỉnh thoảng vướng bi quan"…

Sau đó là mấy dòng ưu điểm qua loa. Trên đời, ai là người không có nhược điểm, nhưng ít ai là người dám tự nhận thức những điểm yếu của mình trung thực đến như thầy.

Nhân cách của thầy như một hình ảnh tổng hợp: vừa có tầm suy tư triết học chịu ảnh hưởng từ các nhà triết học Ánh sáng Pháp, vừa có phong độ, khí tiết cứng cỏi của một bậc chân nho.Trong nhân cách của thầy, chất trào tiếu thâm thuý của Tam nguyên Yên Đổ cộng hưởng với sắc thái chính nghĩa cảm Đồng Nai Nam Bộ mà thầy nhận được từ nghệ thuật Đồ Chiểu.

Trí tuệ sắc sảo và cách tư duy độc đáo của thầy đã để lại ấn tượng không phai mờ với bao thế hệ sinh viên, dù có người chỉ dự một vài giờ giảng. Mối quan tâm của thầy đối với nội dung bài giảng không phải là sự toàn diện một cách hời hợt. "Tôi bao giờ cũng muốn vót nhọn vấn đề lên", thầy đã dạy tôi như thế. Nhiều năm sau này, tôi đã nghiệm ra được hiệu quả của lối tư duy đó, để trong một số trường hợp nhất định, vượt được khỏi cái mặt ao tù toàn diện một cách hời hợt. "Anh nên nhớ trong khoa học và nghệ thuật không có tôn ti mà chỉ có chân lý và giá trị.

Trần Hữu Thung là bạn thân của tôi không phải vì anh ta là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà vì nhân cách anh ta là một giá trị, Thăm lúa của anh ta là một giá trị. Trong khoa học, bản thân tôn ti không tìm ra chân lý, mà chỉ có nỗ lực của con người mới tìm ra giá trị của chân lý". Những lời dạy này đã đi suốt cuộc đời tôi.

Thầy là "Nhà nghiên cứu văn học sâu sắc".

Vinh danh xác đáng này trong điện văn chia buồn của nhóm gần 20 giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học, nhà giáo vốn cùng công tác ở Vinh đã ra Hà Nội, do GS - TS Trần Đình Sử thay mặt gửi vào thành phố Vinh, được đọc lên trong giờ vĩnh biệt thầy ngày 16/9/1995. Không phải đến lúc thầy đi vào cõi khác, những nhà khoa học này mới tôn vinh thầy như vậy, mà ngay từ hàng chục năm trước, khi cùng nhau chịu đựng đạn bom, vừa nghiên cứu khoa học vừa giảng dạy họ đã là những người tâm đắc, đồng cảm với thầy bởi một trí tuệ sắc sảo và một năng lực tư duy độc đáo.

Thầy là người sớm đề xuất phải nghiên cứu văn học trong tính hệ thống (Về tính hệ thống của văn học-XB 1983), là người vào cuộc ngay từ đầu để đổi mới tư duy lý luận văn học qua các bài đăng trên Tạp chí Văn học từ 1986 (Truyện Kiều trong yêu cầu đổi mới của khoa nghiên cứu văn học - 1968, Từ đặc thù văn học nhìn lại vị trí của phản ánh luận và thế giới quan - 1988).v.v...

Năng lực tư duy đó ở thầy là một năng lực nhân tính trần trụi của một con người không áo xiêm loè loẹt, không hào quang rực rỡ, không cả một chức danh, học vị. Trong quan niệm của thầy, đã là giáo sư (kể từ phó giáo sư) phải có một chủ thuyết - dù nhỏ nhưng là của mình. Những chức danh đó trước hết phải ưu tiên chất lượng chứ không nên chỉ chú ý vào tổng các số lượng như nhiều trường hợp.

Ai đã gặp thầy một lần, không khỏi ngạc nhiên, bên trong cái bề ngoài khắc khổ, nhiều khi tưởng như ốm yếu cằn cỗi kia lại là một tâm hồn nghệ sỹ đa cảm, đa tài. Với học trò, thầy có tình thương kỳ lạ lắm, yêu cầu họ rất cao nhưng lại rất cảm thông với hoàn cảnh và tình huống của đời người ở họ. Hồi còn cao học hệ cũ (của Bộ Giáo dục) cũng có người bắt bẻ quá quắt với học viên, thầy viết cho tôi (tôi còn giữ được): "…Vả cao học là gì, có phải phó tiến sỹ đâu mà làm khổ nó thế, giữa lúc nó đang ốm, với bao nhiêu nỗi niềm phức tạp của gia đình nó hiện nay".

Ai hiểu thầy, thì đồng cảm, tri âm. Ai không hiểu thầy có thể phê phán, chẳng sao.

Ai ngờ rằng ông giáo khắc khổ đó còn là một nhiếp ảnh gia, một họa sỹ có biệt tài. Một lần, tôi lên nhà (C3 Quang Trung - Vinh) thầy vẫy tôi vào phòng riêng, đưa tôi xem tấm ảnh thầy chụp một thiếu phụ (khoảng 30 tuổi), rồi nháy mắt bảo tôi: "Sinh viên cũ, gặp lại đấy, cấu trúc hơi xộc xệch… nhưng hấp dẫn, anh thấy không?". Trong căn phòng gọi là "riêng" chật chội, với giường tủ cá nhân rẻ tiền, với bao thứ lộn xộn vặt vãnh không tên, không giá khác, tôi nhìn thấy những tác phẩm hội họa của thầy mà riêng tôi, tôi cho là vô giá. Đó là 10 bức tranh minh họa truyện Kiều rất đặc biệt.

Tôi còn nhớ những bức gây ấn tượng như: Kiều "Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình", cảnh Kiều trao duyên cho Vân, cảnh Kiều "Cất mình qua ngọn tường hoa" trốn khỏi nhà Hoạn Thư v.v… Tôi hiện có trong tay tập "Tranh minh họa truyện Kiều" với trên 200 bức, được xuất bản năm 2002 in trên giấy cực tốt, do họa sỹ Lê Anh Tuấn sưu tầm với lời giới thiệu và đề chú các bức tranh bằng tiếng Việt và tiếng Pháp.

So với 10 bức vẽ của thầy, riêng tôi cho rằng trong số hơn 200 bức vẽ kia chỉ có vài dăm bức có thể đặt bên cạnh. Tiếc rằng họa sỹ Lê Anh Tuấn bạn tôi, đã không tìm đến được nhà thầy theo giới thiệu của tôi để xin đưa 10 bức tranh Kiều vào tập tuyển.

Bằng trí tuệ sắc sảo và tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sỹ, ngay từ khi "Chào đứa con ra đời" - 1975, bên cạnh nỗi vui mừng khôn xiết, cũng bắt đầu nhóm lên trong nghĩ suy của thầy những dự cảm lo lắng cho tương lai của con mình mà thầy gọi là "thế hệ 2000".

Bởi cuộc đời này đâu đã hết thử thách gian nan với lương tâm, lương tri, lương năng của con người. Và một xã hội vận hành theo quy luật thị trường sau này, bên cạnh mặt tích cực thì những tiêu cực phổ biến của nó thực sự đã tiến công vào tận sào huyệt cuối cùng của con người: quan niệm về giá trị, chứng tỏ nỗi lo của thầy là đúng:

"Chưa biết rõ: 2000 con sống tới
Sẽ ở vào thế chủ, thế nô?
Khát độc lập, khó hàng giờ làm chủ
Chán tôi đòi, đừng tưởng khó làm nô!"

Nhưng bằng niềm tin ở con mình và cũng là niềm tin ở một thế hệ, có thể vượt lên trên mọi hấp dẫn danh lợi thấp hèn để cất mình lên sống cho xứng đáng một con người. Xin phép thầy cho in đoạn cuối bút tích của bài thơ.

Vinh, tháng 11 năm 2010 

Lê Văn Tùng

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文