Mộng mị Phương Bình

08:00 01/07/2014

Những người đàn bà nhảy múa, hoan lạc, mộng mị, như vừa trở về từ kiếp nào, rất ám ảnh đôi mắt và tâm trí người xem, trong tranh Phương Bình. Tôi cứ ngồi lần giở từng bức tranh, từ chiếc va ly kềnh càng chật cứng của Phương Bình, mà vì thân tình, tôi được chị mời tới nhà xem. Tôi trôi qua những người đàn bà, trên giấy dó, trên mực tàu. Những người đàn bà hầu hết có khuôn mặt giống nhau, đôi khi tôi không nhìn thấy mặt họ. Ánh mắt của họ càng không nhìn thấy. Tóc họ thường rất dài, buông xuống bí ẩn. Chỉ có dáng điệu của họ là không giống nhau. Mỗi người đàn bà một tư thế, một dáng điệu. Dáng điệu họ là tâm trạng họ. Hân hoan, ưu phiền, khổ đau, trầm cảm, mạnh mẽ, yếu đuối, cô độc... đủ cả. Và tuyệt đại, họ làm người xem chìm đắm, vì tính nữ của họ...

Tôi vì tình cờ mà biết Phương Bình, rồi biết tranh của chị. Xưa nay, chúng ta thường thấy, những họa sĩ nam vẽ đàn bà thì “thuộc” đàn bà hơn họa sĩ nữ. Không phải vì người nữ không “thuộc” mình, mà đơn giản, phải trong cái nhìn khác giới, thì nữ tính mới bộc lộ hết. Giống như chúng ta thường nhận biết mình rõ hơn qua sự soi chiếu của người khác. Nhưng Phương Bình thì không hẳn vậy. Chị “thuộc” đàn bà đến mức, rất nhiều họa sĩ nam phải ngạc nhiên. Như thể trong lúc vẽ, chị đã là một người khác chị. Như thể, chị thoát xác đàn bà, để nhìn ngắm đàn bà vậy.

Phải, tôi đã dùng từ thoát xác. Thực sự, đàn bà trong tranh Phương Bình có nhiều khi như đang trong trạng thái thoát xác. Một sự nhảy múa, mời mọc, một sự bay, một sự vỡ, một sự “ở ngoài” rất rõ rệt. Phương Bình học hội họa một cách căn bản, lại làm công việc giảng viên, nên chị có một kỹ thuật vẽ điêu luyện. Nhưng tôi cũng chẳng muốn bàn về kỹ thuật, thứ mà tôi mù mờ. Đối với tôi, xem tranh, hay thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật, là nó phải để lại cho tôi một trạng thái nào đó. Có thể là hụt hẫng, xúc động, hay tức giận. Nhưng nó nhất định không thể làm mình dửng dưng. Nó làm mình bất an cũng được, hoang mang cũng tốt, và hạnh phúc càng diệu kỳ. Tranh Phương Bình cho tôi cảm giác về sự mộng mị. Tuồng như ngồi trước những bức tranh của chị, là tôi đang lang thang trong một giấc mơ. Một giấc mơ không rõ ràng. Chỉ biết, không gian của giấc mơ đó ngập tràn tính nữ. Những người đàn bà khỏa thân, chối từ xiêm áo, lẫn vào mây, vào nước, vào cây, lẫn vào bóng tối và suy nghĩ của tôi. Rồi, trong tư thế nguyên sơ đó, họ bộc lộ chính mình. Mỗi dáng điệu của họ là một phức hợp của tâm trạng. Ở đó, đời thường không thể chạm tới. Ở đó, ngay trong hoan lạc, trần tục cũng không được đếm xỉa tới. Họ mang khuôn mặt của khát vọng. Được Yêu, được Tự do, được phá dỡ mọi rào chắn, được là mình, hoàn toàn là mình.

Phương Bình vẽ những giấc mơ. Và người xem, thật có lợi, khi có thêm một giấc mơ trong đời.

Chất liệu giấy dó thu hút Phương Bình. Dù chị học sơn dầu. Nhưng ngay lần đầu tiên gặp giấy dó, Phương Bình đã biết, chị sẽ “chung thân” với chất liệu này. Một chất liệu của tự nhiên, độ bền không thể bằng các chất liệu khác. Nhưng nó lại hoàn toàn phù hợp với những giấc mơ mà Phương Bình muốn kể bằng màu và hình. Cùng với kỹ thuật tốt, từ mực tàu, và tận dụng triệt để thế mạnh của giấy dó, là những vết loang, Phương Bình làm người xem bất ngờ vì không gian mà chị tạo ra.  Một không gian của mộng mị, mơ hồ, hư thực. Tôi biết, có họa sĩ nam “chơi” với giấy dó, anh thường phải tiết chế những vết loang của giấy dó, khi biểu đạt những gì thuộc về tinh thần mạnh mẽ, nam tính của anh. Còn Phương Bình, chị tuồng như không cần kiềm chế. Một sự bung tỏa của cảm xúc, đôi khi tràn lan trên mặt giấy. Vì đơn giản, chất liệu đã cho chị một sự vừa vặn phù hợp, để chị tự do bộc lộ những gì chị muốn biểu đạt. Và kể chuyện, một cách tự nhiên.

Phương Bình thường vẽ đàn bà khỏa thân, bên sen. Những bức tranh nude đó thường được đặt tên chung, là Sen. Một ẩn dụ nghệ thuật đẹp. Một mỹ cảm khiến người xem rung động. Đôi khi chị vẽ đàn bà khoả thân với thuyền, rất tình. Đôi khi, chán ánh đen của mực tàu, chị dùng màu, vẫn trên giấy dó. Rồi đôi khi, mực tàu giấy dó thành phác thảo, để chị chơi một cuộc cùng sơn mài, hay sơn dầu. Nhưng sự mộng mị thì vẫn nguyên vẹn, như là phong cách riêng không thể trộn lẫn của người họa sĩ nữ tài hoa.

Phương Bình tuổi Dần. Con gái xứ Nghệ, tính cách quyết liệt. Không muốn, nhưng lận đận từ đâu, như là số phận, cứ buộc vào vai những người đàn bà trót dan díu cùng nghệ thuật. Cuộc hôn nhân không hạnh phúc, chóng vánh đến mức Phương Bình phải một mình nuôi con từ lúc còn đang tuổi 20. Rồi hội họa cuốn phăng chị đi. Những năm tháng học hành vất vả, trở thành thạc sĩ, họa sĩ, một giáo viên hội họa, đã mang đến cho chị một mối tình khác đủ để làm nguồn vui sống. Vâng, hội họa là một mối tình. Bởi vì, nghệ thuật chưa khi nào thôi dụ những kẻ trót ăn phải bả của nó bằng những khoái cảm ngọt ngào. Phương Bình mê đắm hội họa. Nó là năng lượng cho chị sống qua những ngày tháng tuổi trẻ, cô đơn và quăng quật. Sống giữa thủ đô, vừa làm nghề, vừa nuôi con, không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có lúc cũng chật vật để sống, để vẽ. Và tình yêu nghệ thuật hơn lúc nào, nâng đỡ chị bay qua những giờ khắc như vậy, để thấy, được vẽ mới là hạnh phúc đáng kể nhất với mình.

Hai mẹ con Phương Bình sống trong một căn gác nhỏ, đi thuê, với mức giá đủ thấp để mẹ con chị có thể đảm đương nhiều thứ khác nữa trong cuộc sống. Khách tới chơi ngồi chen với tranh pháo, màu vẽ tràn ngập. Chật kín cầu thang và bốn bức tường, là tranh. Những lúc vẽ sơn dầu hay sơn mài, Phương Bình phải đi thuê xưởng, mượn xưởng để lao động. Còn lại, phần lớn những tranh giấy dó của chị, được sinh ra từ căn xép bé nhỏ chật hẹp này. Phương Bình thường vẽ khổ nhỏ, và với chất liệu tự nhiên như vậy, nên không gian bé xíu đó cũng đủ để cho chị thăng hoa. Phương Bình kể, nhiều đêm đang nằm ngủ, chợt tỉnh giấc, rồi bỗng như thể ai xui khiến, chị tìm bút, giấy, vẽ như nhập đồng. Vẽ, mà không thể kiểm soát mình. Những màu, những đường nét cứ đòi như nó phải thế. Vẽ một “cơn” 5-7 bức tranh, rồi mệt lử, nằm vật ra, ngủ tiếp. Sáng hôm sau trở dậy, bàng hoàng không hiểu sao đêm qua mình lại vẽ màu như thế, hình như thế. Nhiều đêm, trong cơn mộng du của tâm trí, Phương Bình cảm giác như có ai đó choàng ôm chị từ phía sau, cầm tay chị mà dẫn dụ từng đường nét, trên giấy. Đến nỗi, một chút ý trí tỉnh táo của chị cũng không thể nào chống cự được. Những bức tranh mộng mị không thể giải thích, như thể ai đó mượn tay chị để vẽ vậy.

Đối với Phương Bình, vẽ là tìm tri kỷ. Tri kỷ của chị là những người đàn bà trong tranh. Chị nói chuyện với họ, rồi cùng họ kể chuyện với cuộc đời. Chạy loanh quanh đâu đó những hôm chán chường, rồi chợt thấy chả bấu víu vào đâu bằng bút mà màu và giấy dó, lại chạy về, ngồi im lìm mà vẽ. Những ngày mùa đông ẩm ướt, trên trang facebook cá nhân của Bình, chốc lát lại một bức tranh mới được up lên. Bạn bè choáng vì sức lao động của Phương Bình. Nhưng kỳ thực, với chị, không thể dừng lại việc vẽ. Vẽ, để lấp đầy mọi thiếu vắng, để chống lại những giờ khắc hoang mang, những phút giây như không thể nhận diện mình. Vẽ, để tìm ra mình. Vẽ như điên.

Có người bảo, vẽ thế nó hư tay đi. Nghệ thuật phải chắt lọc, phải tinh. Nhưng Phương Bình chả đoái hoài. Chị còn bận đuổi theo những cảm xúc của mình, chiều chuộng những cơn điên của tâm trạng, và đổ hết nó lên màu, lên giấy. Hôm nào có tiền bán tranh, lại hăm hở đi mua nguyên liệu, lại đắm đuối tối ngày trong góc nhỏ của mình. Và chia sẻ, thì thuận tiện quá rồi, cứ “up” lên facebook, nghe bạn bè tương tác nhận xét, khen chê hay bông phèng. Cũng chỉ là để vui, rồi sau đó lại tiếp tục công việc của mình.

Có hôm ngồi ăn trưa cùng bạn bè, cơn thèm vẽ bỗng từ đâu tràn đến. Lại thèm vẽ sơn dầu, chứ không phải ký họa, Phương Bình tất tả đi mua toan, mua màu, rồi quay lại vẽ. Phải vẽ ngay, vẽ bằng được, không thì khó ở trong người, không thì điên. Chết cười những cơn điên của nghệ sĩ. Và cũng yêu đến chết người những cơn điên nghệ sĩ.

Không có bất cứ một giới hạn nào trong nghệ thuật. Người nghệ sĩ cần được là mình trong mọi khoảnh khắc. Họ không cần phải câu nệ hay giấu giếm những xúc cảm cá nhân của mình. Họ cần được tự do để chạm đến những giới hạn cao hơn của nghệ thuật, để cống hiến cho công chúng. Phương Bình có một đời sống thực sự nghệ sĩ. Chị không vướng víu nhiều vào những nghĩa vụ, trách nhiệm của một người đàn bà bình thường. Con trai thì đã đủ lớn để tự lo lắng cho mình, và để mẹ có thể sống theo những nhu cầu riêng của mẹ. Chán thì đi một chuyến. Nguội cảm xúc thì đi một chuyến. Dù chỉ là về quê với mẹ thôi, thì những di chuyển thường xuyên cũng mang tới cho họa sĩ nhiều ý tưởng mới.

Phương Bình thường xuyên có mặt trong các triển lãm nhóm của các họa sĩ trẻ. Một gương mặt nữ họa sĩ được chú ý. Chị đang ấp ủ một triển lãm cá nhân trong năm nay. Ngặt nỗi vẫn câu chuyện tiền. Và phải dành dụm tiền bán tranh cho câu chuyện riêng tư đầu tiên này được như ý muốn...

Làm nghệ thuật là đuổi theo một cái bóng. Cái bóng đó có thể là của mình hay không, đôi khi phải mất cả một cuộc đời để nhận diện. Nhưng Phương Bình đang ở những năm rực rỡ nhất của cuộc đời người đàn bà làm nghệ thuật. Chị đã chọn hội họa để tìm bóng mình. Chị chưa phải là họa sĩ nổi tiếng đến mức tranh có thể bán để mua nhà lầu xe hơi. Nhưng chị đã là một khuôn mặt nữ ám ảnh trong tâm trí những người đã gặp chị và đã xem tranh chị. Chỉ vậy thôi, là đủ lý do để Phương Bình tiếp tục niềm đam mê của mình, trang trải mọi vui buồn, khổ đau, hân hoan đàn bà trong mỗi câu chuyện bằng màu và hình. Để tìm chính mình trong vô cùng vô tận của đời sống. Và, khi người nghệ sĩ tìm thấy công chúng của mình, cũng chính là phút giây họ gặp được mình vậy…

Bình Nguyên Trang

“Tôi đã được gặp rất nhiều người từng tiếp xúc và gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện xúc động và những kỷ niệm đã nằm lòng về Người. Qua câu chuyện của họ, tôi thật sự ngưỡng mộ Bác Hồ. Ông không chỉ là nhà lãnh đạo của riêng Việt Nam, ông còn là nhà lãnh đạo của những người bị nô lệ trên toàn thế giới”, nhà văn người Mỹ Lady Borton nói.

Ngày 17/5, ông Nguyễn Tân Hiếu, Phó giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết, trong đợt tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng mới đây của đơn vị, tại các tiểu khu 638S và 642 nằm trên địa bàn xã Hướng Sơn thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, đã phát hiện nhiều loại bom đạn sót lại sau chiến tranh vẫn còn nguyên ngòi nổ.

Ngày 17/5, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự và tạm giữ Dương Quốc Quân (SN 1997), Dương Triệu Phú (em ruột Quân, SN 2004, cùng ngụ huyện Lấp Vò) và Tiêu Thái Hưng (cậu vợ Quân, SN 1993, ngụ huyện Lai Vung) để điều tra về hành vi tổ chức đánh bạc qua mạng Internet.

Ngày 17/5, Cơ quan CSĐT Công an quận Hải An (TP Hải Phòng) cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Hoàng Thị Tha (SN 1958, trú phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng), để điều tra về hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông.

Xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới có 475 tàu cá; trong đó, có 200 tàu trên 15m theo quy định đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, thời gian qua các ngư dân có các đội tàu xa bờ đều liên tục phản ánh tình trạng mất kết nối từ thiết bị giám sát hành trình do lỗi hệ thống từ nhà mạng viễn thông.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), chiêu trò lừa đảo giả danh, mạo danh đã không còn xa lạ đối với người dùng thời gian qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thủ đoạn này đang có dấu hiệu bùng phát. Điều đáng nói là các đối tượng giả danh, mạo danh đã liên tục thay đổi kịch bản, thao túng tâm lý người dùng một cách tinh vi nên vẫn có không ít người dân bị sập bẫy.

Trong khi khu tái định canh của Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng đã đầu tư xong cơ sở hạ tầng nhưng bị hàng trăm hộ dân kéo tới lấn chiếm, trồng hoa màu, xây dựng nhiều công trình kiên cố thì công tác bồi thường, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng để khai thác quặng bauxite tại huyện Bảo Lâm đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, một phần vì thiếu đất bố trí tái định canh, định cư cho các hộ trong diện bị thu hồi đất. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文