Một nhận diện sau một lần va đập...

15:26 12/04/2014
“Sơn ạ, hồi tôi đọc tin trên báo là Ánh và Sơn lấy nhau, tôi thấy mừng cho hai bạn lắm. Theo tôi, đó là một cuộc hôn phối tuyệt vời giữa thực hành và lý thuyết suông”. Đó là câu nói cách đây 3 năm, bên một bàn nhậu, khi tôi và Nguyễn Thanh Sơn lần đầu tiên giáp mặt nhau, và tranh luận, và gân cổ, và nói như quát vào mặt nhau, và làm cho bạn bè xung quanh sợ sắp xảy ra chiến sự.

Một câu nói ác ý, thẳng thừng muốn chọc tức đối thủ, thẳng thừng muốn hạ bệ đối thủ, thẳng thừng muốn đoạt lấy chiến thắng trong cuộc đấu khẩu rất nặng tính ăn-thua. Tan cuộc, tôi bước xuống đường đợi xe taxi. Cũng vừa lúc đó, Nguyễn Thanh Sơn dắt Hồng Ánh đi xuống lấy xe. Và chúng tôi vẫn bắt tay nhau, đúng kiểu lịch sự, xã giao. Thậm chí, chúng tôi còn trao đổi số điện thoại để sẵn sàng cho một lần tái ngộ “khét lẹt mùi thuốc súng” nữa. Đó là cái giao lưu ngầm mang một thông điệp hẹn thách đấu thực sự.

Ấy vậy mà không có cuộc thách đấu nào đã xảy ra sau đó, cho tới tận bây giờ, và chắc chắn là cho tới tận sau này. Sau dịp gặp nhau sứt đầu mẻ trán kia, chúng tôi có vài dịp gặp lại nhau một cách ngẫu nhiên và kéo theo đó là những lần gặp nhau đều hơn do chủ động lên lịch hẹn. Và tôi cũng không còn kiêu ngạo rởm để xưng hô với Nguyễn Thanh Sơn là “tôi với Sơn” nữa mà thay vào đó là “em và anh”. Tôi nhỏ hơn anh sáu tuổi. Ngày đầu tiên gặp gỡ, tôi đã ở một chủ trương phải thách đấu “tay” này chỉ vì trước đó khá lâu chúng tôi có một cuộc tranh luận nhỏ trên mạng và vì thế kiên quyết không gọi “hắn” bằng anh. Nhưng rồi khi nhận ra sự chân thành, lịch thiệp, cao thượng của nhau trong cách đối thoại, tôi đã chủ động trở lại đúng vị thế của mình, là một người nhỏ tuổi hơn, xưng hô lễ độ hơn, đúng như ông bà xưa đã dạy. Tiếng Việt mình bị nhiều người nói là phức tạp vì quá nhiều đại từ nhân xưng. Nhưng tôi lại thích sự phức tạp ấy bởi lẽ nó cho người ta có cảm giác mình sống trong một cộng đồng có thứ tự, có trật tự, có trên có dưới đàng hoàng. Còn bình đẳng hay không là do cách người ta xử sự với nhau chứ đâu phải chỉ do cái xưng hô bề ngoài ấy.

Phải thừa nhận rằng kể từ khi còn chưa gặp mặt Sơn mà chỉ biết anh qua cuộc tranh cãi trên mạng, tôi đã nhận ra đây là một con người cực kỳ thông minh, nhanh trí và rành rẽ sự đời. Đến khi đối diện rồi, tôi càng nhận thấy điều ấy rõ hơn qua đôi mắt rất tinh anh của anh. Đôi mắt Sơn, nếu đối diện đàn bà, chắc chắn sẽ bị coi là đôi mắt đa tình, với những cú “đong” rất duyên pha chút tinh nghịch. Còn nếu đối diện đàn ông, đôi mắt ấy luôn nhìn thẳng, cái nhìn xoáy sâu vào đối tượng trò chuyện và nó biến những điều anh Sơn nói càng trở nên thuyết phục hơn. Nhiều lúc, ngồi đối diện anh, nghe anh nói chuyện với các bạn bè quanh, tôi nhận thấy anh như vẫn còn nguyên là một cậu học trò nhỏ chứ không phải là một người vẫn đều đặn đi dạy truyền thông cho rất nhiều học trò đến từ các công ty, tập đoàn khác nhau. Cái nét học trò ấy ở Sơn toát lên từ sự tinh nghịch, dí dỏm của anh trong từng nhịp nói, từng cử chỉ, dáng điệu khi kể lại câu chuyện nào đó cho mọi người.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn.

Nhưng vẻ ngoài ấy của Sơn không giấu nổi một điểm nổi bật của con người anh. Đó là sự lý tính. Anh Sơn lý tính đến cùng cực trong từng phân tích riêng, từng bước nhập đề hay triển khai câu chuyện của mình. Cái lý tính đó không có nghĩa là Sơn không tình cảm. Ngược lại là khác. Anh sống chu đáo với bạn bè, anh em, đâu ra đó và rất có tình. Nhưng khi bước vào một công việc cụ thể nào, một tranh luận cụ thể nào, anh luôn đề cao lý tính. Phải chăng đó là tàn dư sót lại của một cậu bé Nguyễn Thanh Sơn ngày còn nhỏ luôn được ba mẹ hướng theo con đường học các môn tự nhiên? Có lẽ là vậy. Tư duy logic cụ thể của toán, lý, hoá đã tạo nên thói quen lý tính cho anh Sơn và tôi nghĩ rằng cũng chính vì thói quen lý tính ấy mà anh viết phê bình văn học sắc bén hơn. Khi đặt mình vào vị thế người cầm bút phê bình, anh Sơn gạt bỏ mọi tình cảm riêng thân thiết đối với những tác giả có tác phẩm mà anh mổ xẻ. Đơn cử như Nguyễn Việt Hà, với cuốn Cơ hội của Chúa. Tôi đã phì cười khi đọc trên một số diễn đàn những “gạch đá” ném về phía bài phê bình của anh Sơn, trên cơ sở những người viết vì quá yêu mến Nguyễn Việt Hà mà nghĩ rằng anh Sơn thù ghét gì Hà lắm mới viết như thế. Nhưng nào ai biết ngoài đời anh và Nguyễn Việt Hà chơi với nhau thân ra sao, gần đến mức nào? Chẳng qua, người-bạn-Nguyễn-Thanh-Sơn đã đào thoát ra khỏi cơ thể nhà-phê-bình-Nguyễn-Thanh-Sơn khi anh ngồi xuống, tư duy và đặt bút mà thôi.

Dạo này, anh Sơn cũng bận nhiều nên chúng tôi không có nhiều dịp ngồi uống với nhau. Nhưng chắc chắn, mỗi khi mật độ công việc thư lại, chắc chắn chúng tôi sẽ lại chọn một góc quen nào đó, như quán 209 Nguyễn Văn Thủ chẳng hạn, để ngồi cà kê, tâm sự, và đôi khi tranh luận về những câu chuyện nào đó ngoài đời. Mỗi lần ngồi đó, tôi đều nhớ cái dáng đi rất nhanh của anh Sơn, với từng bước dứt khoát, những bước chân thể hiện sự mạnh mẽ, dữ dội của một người đàn ông. Tôi chưa gặp anh Sơn bày tỏ sự dữ dội bao giờ nhưng tôi tin là có những lúc anh là như thế. Có thể, trong những lần ngồi với chúng tôi, chưa có chuyện gì đáng để anh phải dữ dội và quyết liệt cả. Hoặc cũng có thể, anh sẽ chỉ dữ dội khi đứng trước những chuyện khác của đời riêng, chứ không dành sự dữ dội kia cho những cuộc tranh luận dù là nảy lửa. Trong tranh luận, anh Sơn lý lẽ, quyết liệt nhưng vẫn luôn giữ được thái độ rất mềm mỏng và lịch sự. Còn trong đời tư, chắc chỉ có Chúa, và anh, và Hồng Ánh biết được anh thực sự dữ dội ra sao thôi. Mà cũng biết đâu chừng, đó chỉ là tôi đoán mò qua cái dáng đi của anh, mỗi khi anh rảo bước rất nhanh băng qua phía bên kia con đường vắng nhỏ và quen thuộc…

Thật lạ, không hiểu tại sao tôi cứ có thói quen đoán về một con người qua dáng đi của họ đến thế. Và nhiều khi, đoán xong lại tin vào điều mình đoán cứ như thể đó là chân lý, là sự thật. Tự nhiên, tôi nhớ đến một cái tạp bút anh Sơn đã viết, về cái bật lửa mà anh đã tặng ông ngoại anh ngày xưa, món quà của ngày đầu tiên anh bước ra đời và đi làm. “Đừng bao giờ xem thường một vật có thể trông rất tầm thường. Có thể, trong nó chứa cả một câu chuyện, hay thậm chí cả một cuộc đời”, đó là điều anh Sơn đã viết khi nhớ lại chiếc bật lửa cũ kỹ ngày đó. Những dòng ấy không còn cái chất phê bình lý tính mà anh vẫn đeo mang nữa. Nó dàn trải hơn, cảm xúc hơn, tản mạn hơn. Phải chăng, vẫn có một thế giới riêng như thế mà ít khi anh Sơn có dịp phô bày ra bởi những việc anh đang làm buộc anh phải dành thời gian chủ yếu cho những gì cần lý tính hơn?

Tôi nhớ trong lần đầu tiên gặp Sơn, tôi đã thách thức anh bỏ tiền ra đầu tư làm phim với hàm ý muốn anh hiểu cái vất vả, khổ sở của nhà đầu tư là như thế nào. Thế mà chẳng ngờ anh Sơn làm thật. Hồi năm ngoái, anh Sơn và Ánh ra mắt phim đầu tay của họ, bộ phim Đường đua. Khen chê đủ cả nhưng cá nhân tôi thì tôi thích bộ phim ấy. Dù nó thất bại về doanh thu nhưng tôi vẫn không thấy anh Sơn tỏ ra buồn nản sau đó. Anh vẫn giữ nguyên nụ cười hồn nhiên của mình. Chắc hẳn, anh nghĩ đến khát vọng làm phim của Ánh và anh quyết tâm dồn sức, dồn của để cùng Ánh đạt được khát vọng đó. Không biết, sau phim đầu tiên này, anh và Ánh có còn muốn làm phim tiếp nữa hay không, nhưng tôi muốn anh tiếp tục làm, vì không hiểu lẽ nào, tôi có một niềm tin chắc chắn là phim thứ hai của họ sẽ thắng. Anh Sơn vốn là người cẩn trọng, kỹ lưỡng đến từng chi tiết trong công việc và điều đó đảm bảo khả năng thành công cao hơn là những gì không được hoạch định kỹ càng dù ai cũng hiểu chuyện thành hay bại còn phụ thuộc nhiều vào thiên mệnh. Mà tuổi anh Sơn thì vẫn còn trẻ, cuộc đời vẫn còn dài, thiên mệnh sẽ đến lúc ưu ái cho phim của anh. Như thế, kết hợp thêm với cái tính cẩn trọng, khoa học của anh, mức độ thành công chắc chắn là sẽ lớn.

Bây giờ, Sài Gòn đã trở về chiều, giờ này chắc anh Sơn vẫn còn chưa về tới Sài Gòn? Anh đang ở nơi nào trong số những thành phố mà anh vẫn thường ghé chân, khi thì vì những khóa đào tạo mà anh là người đứng trên bục giảng; khi thì vì những chuyến công tác ngắn ngày. Tôi chợt thèm cảm giác ngồi cùng anh, và một hai người anh em khác nữa, rót một chai bia lạnh tê, thơm mát, nhấm nháp với nhau chút mồi ngon trong cái gió lồng lộng luồn qua con phố nhỏ êm đềm. Và giữa một buổi chiều đẹp như thế, có một đôi mắt sáng tinh anh cứ ánh lên từng tia lấp, láy nhìn ra ngoài hè phố vàng li ti những đốm lá me bay. Nơi đuôi khoé mắt ấy là một cái nhìn lém lỉnh, dí dỏm và thân tình. Tự nhiên, tôi lại thầm cảm ơn ông trời đã run rủi để buổi đầu tiên chúng tôi va đập thẳng với nhau mạnh mẽ đến thế. Đơn giản, từ trong va đập mà anh Sơn vẫn gọi là “thiếu mỗi nước bàn bay, ghế bay, chai cũng bay” đó, chúng tôi dễ nhận diện nhau hơn, để xích lại gần nhau một cách nhanh hơn như thể muốn tiết kiệm khoảng thời gian được làm anh em, bằng hữu của nhau trong cuộc đời vốn dĩ đầy bừa bộn và bung xung này...

Hà Quang Minh

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文