NSND Hoàng Dũng: Người sinh tạo giấc mơ

11:09 12/03/2017
Với nghệ sĩ, giấc mơ nghệ thuật là quý giá và thiêng liêng nhất. Để theo đuổi và đạt được, cần có đam mê, khổ luyện và tài năng vượt bình thường. Hoàng Dũng - một nghệ sĩ hàng đầu bền sáng của sân khấu kịch nói Việt Nam, có một giấc mơ đã hơn 40 năm. 

Ông sống cho nó từ tuổi thanh xuân tới bây giờ, từ đó có bao cái đẹp, những số phận, biến đổi được sinh sôi trong giấc mơ mà ông kết nối với đồng nghiệp cùng thời và kế tiếp, trong hiện thực cuộc đời tận hiến.

Người đàn ông sinh ngày 31-12-1956, trải qua một nguy hiểm sống chết đầu tháng chót của tuổi 60, khi đang quay Người phán xử. Ông phải cấp cứu, chuỗi ngày vất vả liên miên. Một cơ thể khỏe mạnh bình thường có 10 đơn vị máu.

Khi cấp cứu hồi cuối tháng 11 vừa qua, NSND Hoàng Dũng chỉ có chưa đầy 4 đơn vị máu. Phải truyền liên tiếp 6 bịch máu, ông mới đạt được 9 đơn vị. Ngay khi vừa ngồi dậy được, ông tiếp tục trở lại trường quay để kịp tiến độ. 

Dòng máu qua trái tim ấy luôn là nguồn nhiệt lượng, để tiếp tục các dự định như chuỗi giấc mơ nhỏ - chi lưu của dòng chảy, của giấc mơ lớn mà lưu tốc, lưu lượng của nó chuyển hóa một tinh thần coi những vở diễn, bộ phim, giảng dạy là động lực sống. Dù cho niềm tin, lòng yêu nghề đã thất tán và xói mòn ở chính người làm nghề lâu năm, cũng như sự sụt giảm khán giả và người xem.

Hoàng Dũng - Hoàng Cúc là cặp NS tôi ngưỡng mộ từ thơ bé, và tôi đã nuôi mong muốn được gặp, được hợp tác với họ. Tôi biến giấc mơ thành sự thật bằng việc viết tác phẩm chất lượng, bộc lộ vào đó quyền không giới hạn của ước mơ giữ lại những vẻ đẹp, lên kế hoạch mời họ cộng tác. Cuộc gặp trong mơ từ trang viết ra hiện thực mà tôi chỉ muốn kí thác NSND Hoàng Dũng.

Ảnh trong bài: Nguyễn Đình Toán.

Đêm diễn ra mắt tập tùy bút Hộ chiếu tâm hồn (NXB Kim Đồng) tối 6/3/2014, tại Trung  tâm Văn hóa Pháp, khán giả kín khán phòng, các lối đi không còn một khoảng trống. Hoàng Dũng, chất giọng ấm và tinh tế truyền cảm tác phẩm. Ông thở văn chương của tôi qua sự trải nghiệm tâm hồn ông.

Sự hợp tác với Nhà hát Kịch HN trong đêm diễn quan trọng của đời mình, khiến tôi rất hãnh diện in ở bìa gấp 2 của cuốn sách. NSND Hoàng Dũng là “đinh” của chương trình. Ông xuất hiện ở phần sau, nhưng đến sớm, tự mình trang điểm, ngồi ở phòng DV xem lại tác phẩm.

Không ai thích hợp hơn Hoàng Dũng khi tái hiện hình ảnh Thạch Lam (1910 -1942) - một bậc thầy về tiếng Việt mà tôi trân quý. Nỗi xúc động nhân lên khi tôi cùng ông thể hiện tác phẩm Gặp Thạch Lam ở Cẩm Giàng. Tựa giấc mơ, tôi khẽ chạm vào “Thạch Lam”. Hoàng Dũng đã gây cảm hứng và làm cho tôi thực sự tin, Thạch Lam đang sống, nơi ông. Không cách biệt thế giới âm - dương, DV đóng vai, hay nhà văn ảo giác.

Hoàng Dũng giúp tôi gặp Thạch Lam, sự kì diệu của văn chương khi lên thánh đường sân khấu, hay nhờ sự ngưỡng mộ thơ ấu, làm tôi rơi lệ, khi tôi là nhà văn VN đầu tiên được diễn cùng NSND Hoàng Dũng. Tôi thực sự đã đến gần Thạch Lam, hơn cả tưởng tượng của mình. Hoàng Dũng trong hóa thân Thạch Lam, đã dắt tôi về ga không/thời gian như thế.

Từ lúc tiểu học, tôi đã biết tiếng ông, khi cơn sốt vé Tôi và chúng ta thành hiện tượng chấn động cả nước. Lịch sử sân khấu VN ghi nhận 10 năm sau giải phóng, khán giả phía Nam, nhất là Sài Gòn (SG), chưa có thói quen thưởng thức kịch nói, chưa biết kịch Bắc.

Sự xuất hiện của Tôi và chúng ta (KB: Lưu Quang Vũ, ĐD: Hoàng Quân Tạo) tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1985, vang dội với hàng loạt HCV cho vở và DV, làm choáng váng giới nghề và công chúng.

HCV đầu đời của Hoàng Dũng là vai phản diện - Phó Giám đốc (PGĐ) Chính. Hoàng Dũng, Hoàng Cúc là cặp đôi vàng sáng giá của sân khấu cùng thăng hoa và làm nên ấn tượng nhiều vở kịch và bộ phim. Họ đóng thành công đến mức, lắm khán giả tưởng là đôi vợ chồng, nhất là khi Tướng về hưu - một phim nổi tiếng ngày ấy của ĐD Nguyễn Khắc Lợi, từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp, từ văn chương lên màn bạc.

Từ ngôi nhà 78 Hàng Đường, người con út trong 3 anh em sớm mất cha mẹ đã không được đi một con đường ngọt ngào như tên phố. Hoàng Dũng chọn đường nghệ thuật vào đúng năm mất người mẹ thân yêu - 1974.

Ông học tại Trường Nghệ thuật HN, nổi trội ngay từ thời sinh viên, về Đoàn Kịch HN (lúc đó ở phố Tạ Hiện) năm 1977, trước khi tốt nghiệp năm 1978, song không phải sớm được lên kép chính. Đã có lúc Hoàng Dũng nản chí, may thầy chủ nhiệm, NSND Huỳnh Nga động viên trò kiên trì, không bỏ nghề. Người cha mất năm 1980 không chứng kiến được thành công, các sự kiện quan trọng của con.

Khi sân khấu bắt đầu giảm tốc, không còn rầm rộ hút khách do xu hướng phim video, mì ăn liền, NS phải làm thêm đủ nghề, từ trang điểm cô dâu, quay phim chụp ảnh đám cưới, mở quán. Người vợ đảm ngoan của anh tận dụng mặt tiền nhà chồng bán quần áo trẻ em từ 1990, vun vén gia đình, làm hậu phương cho chồng. Điên, say trên sân khấu, rời khỏi rạp, phim trường thì lại toàn vẹn nghĩa vụ, đồng thời học hỏi, tích nạp vốn sống để theo nghề lâu dài. Ông học đạo diễn khi là PGĐ Nhà hát từ 2002, sở hữu trong tay hàng chục vai diễn đáng nhớ.

Sự đa dạng vai diễn mà Hoàng Dũng thể hiện cho thấy trình độ nghề và tư duy sáng tạo không dễ gặp. Ông có biệt tài nhớ thoại và biểu cảm phong phú, như thể bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng diễn lại. Ông còn tham gia lồng tiếng các phim truyền hình dài tập nước ngoài, từ khi Đài truyền hình Việt Nam mua bản quyền: Oshin, Cô chủ nhỏ.

Yêu nghề, ông thôi thúc trao kiến thức, kinh nghiệm và lửa đam mê cho thế hệ tiếp nối khi trở lại trường cũ, dạy 2 khóa DV năm 2005 và 2011, mỗi khóa 3 năm. Các học trò: Hồng Đăng, Nguyễn Thùy Linh (con dâu NSND Hoàng Cúc), Thanh Hương, Thanh Hoa, Việt Dũng,...
NSND Hoàng Dũng (tóc dài) vai Bá Nhỡ, khóc nghẹn ngào sau khi diễn vở chia tay trong nước mắt của đồng nghiệp và khán giả.

Đã có người trách Hoàng Dũng thiếu năng động, ít chịu quan hệ, móc nối khi làm chủ rạp Công nhân, 42 Tràng Tiền, địa thế đẹp nhất HN, mà không duy trì lịch diễn hằng đêm. Song tiêu chí của Nhà hát Kịch HN không chú tâm diễn hài, mà thế mạnh ở chính kịch. Các đời GĐ Nhà hát luôn hướng tới khán giả yêu chính kịch, thích dư âm suy ngẫm, không chiều theo thị hiếu dễ dãi, bình dân.

Đến thời GĐ Hoàng Dũng, Kịch HN mới xuất ngoại. Từ năm 2011, Nhà hát Kịch HN bắt đầu tham dự Liên hoan sân khấu châu Á tại Masan (Hàn Quốc). Rồi năm 2012, 2013 đều mang vở diễn tại Masan và Gwangju. Tháng 11-2013, Cát bụi, Trinh phụ hai chồng sang Moskva. Năm 2015, Cát bụi tiếp tục trình diễn tại thủ đô của Ba Lan, Czech. Sau cấp cứu 10 ngày, NSND Hoàng Dũng lại dẫn đoàn sang châu Âu trong vai trò GĐ.

Từ 2005, Hoàng Dũng đóng góp cho đào tạo, dạy môn Kĩ thuật biểu diễn tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Ông muốn chuyển giao và tạo điều kiện cho lớp trẻ để làm lực lượng kế tiếp, khi NS gạo cội của Nhà hát lần lượt nghỉ hưu, dù có những vai chỉ có “gừng già” mới diễn ra chất, thấu đạt.

Từ những vở do Hoàng Dũng dựng đã đem lại những HCV hay danh hiệu NS xuất sắc cho hàng loạt thế hệ trẻ như DV Linh Huệ, Công Lý, Tiến Lộc hay Hồng Đăng, Thu Hà... Chẳng hiếm người lớn tuổi sợ về hưu, thậm chí phải khai man tuổi và tìm mọi cách bám trụ lại, quyết không nhường bước cho lớp sau. Hoàng Dũng khác.

Ông yêu “măng”, vun xới, chăm bón cho măng. “Măng” mọc nhiều, tươi tốt là niềm vui và hãnh diện của ông. Rất nhiều học trò trực tiếp và gián tiếp coi ông là thầy, gọi ông là ba, bố. Hoàng Dũng còn đào tạo các khoá DV của Trung tâm Sản xuất phim TH VN (VFC) từ khóa đầu tiên 2003, tới 2008 và 2016.

Ông là chủ khảo 8 năm của cuộc thi MC Én vàng, giám khảo uy tín của các kì Liên hoan Phim TH toàn quốc, BGK sân khấu truyền hình, là Ủy viên BCH và Hội đồng Nghệ thuật của Hội NS sân khấu VN 3 kì liên tiếp. Hoàng Dũng tham gia rất nhiều phim như: Tuổi thanh xuân, Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ, Người phán xử...

Nhà gốc Hàng Đường của họ vẫn còn. Gia đình NS Hoàng Dũng chuyển về Núi Trúc 12 năm nay. Một ngôi nhà 4 tầng dùng tông nâu chủ đạo ấm cúng và bình yên trong tiếng chim sơn ca, cu gáy. Trong khoảnh sân nhỏ, ông trồng bưởi, cau, lộc vừng, hoa hồng, nhài, lan. Vợ chồng NS sống cùng 2 con trai.

Cậu bé Hoàng Duy (1988) đóng phim từ khi lên 4 tuổi, đóng các tiểu phẩm thư giãn, lên sóng VTV năm 7 tuổi, tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ tiếng Anh, nay kinh doanh trong công ty gia đình của anh họ, mới lấy vợ người HN ngày 8/2. Cậu út Hoàng Triều Dương (1999) đang học năm cuối cấp 3, Hè này sẽ thi lớp DV, Trường Sân khấu điện ảnh, nối nghiệp cha.

Hai vở diễn cuối mà Hoàng Dũng dựng tại Nhà hát Kịch HN khi ông đương nhiệm, là lựa chọn duyên nợ với Xuân Đức. Sự sắp đặt của số phận (2015) và đặc biệt ấn tượng là Vùng lạnh (2016). Chủ tịch Hội Nhà văn HN Phạm Xuân Nguyên tinh đời khi chọn Vùng lạnh làm vở chiêu đãi hội viên chiều cuối năm, 26 tết Đinh Dậu (23/1/2017).

Với khán giả trí thức đối tượng thưởng thức khó tính, Kịch HN vẫn thuyết phục bởi đẳng cấp nghề. Sự cảm động kéo dài ngay cả khi vở kết thúc. Bộ ba cựu chiến binh Phú Thăng (Hoàng) - Tiến Hợi (Sinh) - Công Lý, điểm nhấn của tình đồng đội, phẩm giá trước lòng tham và phản bội. Tôi đã bị chấn động bởi lối diễn rất sâu của NSƯT Công Lý, thể hiện độ chín nghề bằng xúc cảm của chân thật, không chỉ là kĩ thuật.

Đấy là sự đốt nóng của Hoàng Dũng tới Công Lý (vai Do), cảnh Do đầy tủi thân khi gặp lại tiểu đoàn trưởng Tô Hoàng, khóc với nỗi oan ức kéo dài 45 năm; như Hoàng Dũng đã truyền cho Mạnh Hà lối diễn kìm nén, chỉ bằng tiếng thét oan khuất, khi Tư “lập lơ” bị Năm SG nghi ngờ gian díu với Tám Bính. Nước mắt khán giả đã rơi qua nhiều vai của Hoàng Dũng đóng, vở do ông dựng.

Lệ ấy cùng nước mắt của đồng nghiệp và chính ông trong buổi chiều 1-1-2017, khi Tiếng đàn... công diễn để Hoàng Dũng chia tay Nhà hát, nghỉ hưu. Bá Nhỡ đã chọn cái chết, chấp nhận chết khi chơi đàn, chết để cứu người, dùng cái đẹp của âm nhạc cứu rỗi, như chính người NS nơi ông, sẵn sàng sinh nghề tử nghiệp, hiến dâng cho sân khấu đến phút cuối cùng.

Đương thời, dàn DV của Nhà hát Kịch HN có ngoại hình và chiều cao đẹp nhất trong các nhà hát, phần nhiều là do công tuyển lựa của Hoàng Dũng. Họ tỏ ra yêu mến ông nồng nhiệt. 3 đoàn DV lần lượt lên tặng quà, người hô to nhất khi trao quà Trưởng đoàn kịch 2: “Hoàng Dũng, người truyền lửa!”. Công Lý tiết lộ: “Quà là chiếc bật lửa hàng hiệu”. Bản thân Hoàng Dũng là ngọn lửa mà nhiên liệu là hồng cầu, chan chứa tình đời, tình nghiệp.

Hiện nay, Hoàng Dũng vẫn gắn bó Nhà hát Kịch HN, ngôi nhà thứ hai của đời ông. Tối 7/3, cán bộ, học viên của Học viện Quản lý giáo dục nô nức đến rạp Công nhân xem vở Cát bụi, để gặp NS mình mến mộ, nhất là Hoàng Dũng, Tiến Đạt, mà họ yêu mến từ lâu và muốn có một buổi dành riêng để cảm ơn.

Không đơn thuần một suất diễn theo hợp đồng, mà là tình cảm quý báu mà khán giả ruột của Kịch HN muốn “chiếm đoạt” và tạo kỉ niệm với Hoàng Dũng trong một tối kỉ niệm chung quý báu của riêng họ. Còn Hoàng Dũng thì vẫn tiếp tục những cơn mơ trong giấc mơ lớn, sinh tạo từ ông, cho ông để dâng tặng người xem trong cuộc đời sân khấu.

Vi Thùy Linh

Đêm 21/11 rạng sáng 22/11, các tổ công tác của Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai lực lượng tuần tra, xử lý xe quá tải lưu thông trên địa bàn đơn vị quản lý. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị phát hiện xử lý, cánh tài xế “méo mặt” bởi mức phạt nặng.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文