Nghệ sĩ Minh Trang: Khúc bình yên

14:54 03/04/2014

Tôi không có may mắn lớn lên trong không khí kịch của Hà Nội để được xem những vai diễn của chị trong “Hà Mi của tôi”, “Tôi và chúng ta”, “Cô gái đội mũ nồi xám”,… những vai diễn đã làm nên một cơn sốt Minh Trang của sân khấu phía Bắc thập niên 80 của thế kỷ trước. Nhưng có lẽ, ấn tượng về chị, với bộ phim “Mê Thảo thời vang bóng” dường như là quá đủ. Một Minh Trang thuần Việt - đắm đuối trong vai diễn của đạo diễn Việt Linh đã khiến tôi bị ám ảnh. Đó là Minh Trang, một vẻ đẹp thuần khiết tỏa ra trong tâm hồn chị, mà không cần cố gắng tô vẽ. Như Minh Trang sinh ra ở trên đời này đã là vậy.

Trong chuyến trở về nước để ra mắt vở kịch Thiên Thiên, sau những công việc, bạn bè, Minh Trang vẫn dành một khoảng lặng riêng cho mình ở Hà Nội. Nơi chị sinh ra và lớn lên. Nơi có tuổi thơ và những năm tháng nhọc nhằn. Và kỷ niệm. Dù sau này theo chồng, dịch chuyển qua nhiều vùng đất khác nhau, nhưng chị vẫn nhớ, văng vẳng trong ký ức tiếng leng keng của tàu điện khi mỗi sớm mai thức dậy vội vã đến trường. Ở đó, có ngôi nhà sân khấu, đã làm nên tên tuổi và thành công của Minh Trang. Ngôi nhà số 8A Tạ Hiện và sau này là rạp Công Nhân. Đây là nơi chị tốt nghiệp sân khấu và cũng là nơi mang lại hào quang của các vai diễn. Đấy cũng là nơi để chị trở về, trong vòng tay của bạn bè, của đồng nghiệp. Tất cả dường như vẫn còn nguyên vẹn ở đó, đầy ắp trong ký ức chị. Chị ngồi trầm ngâm trong một buổi sáng Hà Nội trời u ám, buồn bã. Nhưng chị, tôi muốn mượn câu nói của Nghệ sĩ ưu tú Minh Ngọc, “như một đóa hồng rực rỡ xuất hiện trong gian phòng mà ánh sáng có thể tĩnh mịch nhưng chính sức hút của cánh hồng sẽ làm cho không gian ấy bừng sáng” để nói về cảm giác của mình khi ngồi đối diện với chị. 20 năm sống ở nước ngoài, tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng ở Minh Trang vẫn toát lên vẻ đẹp thanh lịch, nhẹ nhõm của cô gái Hà Nội, không bị pha tạp, lai căng. Cảm giác, như chị chưa từng rời xa nơi chôn rau cắt rốn của mình vậy.

20 năm Minh Trang mới trở lại sân khấu kịch, vì một lời mời hấp dẫn của đạo diễn Việt Linh. Trở lại vì một dự án sân khấu thú vị và vì ngọn lửa nghề vẫn âm ỉ cháy nơi đất khách quê người. 20 năm. Một quãng thời gian quá dài cho một sự trở lại, đủ cho người nghệ sĩ bị lãng quên. Hỏi Minh Trang có sợ mình quá xa cách với công chúng, với đời sống sân khấu trong  nước. Chị cười. Sân khấu chưa bao giờ rời xa chị, ngay cả khi chị sống xa nó. Vì thế, khi trở lại, chị không thấy mình quá lạc lõng. “Vì niềm kiêu hãnh của mình, vì cả sự tin tưởng của đạo diễn Việt Linh đã dành cho tôi. Tôi đã cố gắng đã bắt nhịp với Thiên Thiên. Đó là một trải nghiệm rất thú vị”.

Trong cuộc đời, Minh Trang có nhiều sự lựa chọn khiến mọi người ngạc nhiên. Đó là những tháng ngày cô bé rụt rè, nhút nhát Minh Trang bước chân từ Trường Sân khấu Điện ảnh về Nhà hát Kịch Hà Nội. Vai diễn đầu tiên của chị, Hà My, trong vở kịch Hà My của tôi, đã làm nên một cơn sốt Hà My của thập niên 80 thế kỷ trước vì nó mới quá, tây quá. Vai diễn đầu tiên mang đến thành công cho Minh Trang là một dấu ấn không thể quên trong cuộc đời làm nghệ thuật của chị. Minh Trang đã lấy tên Hà My đặt cho con gái, để  nhớ về một kỷ niệm đẹp. Đó là những tháng ngày cô đơn, một mình lang thang ở Hà Nội khi cả gia đình chị quyết định chuyển vào Sài Gòn sống. Nhưng không thể dứt khỏi sân khấu, mà Minh Trang luôn tâm niệm rằng, chị sinh ra để dành cho nó, Minh Trang quyết định ở lại. Chị nhờ các thầy cô trong trường đứng ra bảo lãnh với mẹ để được ở lại. Ngôi nhà tập thể không còn, Minh Trang lang thang ăn nhờ ở tạm bạn bè, cho đến khi được chuyển về... gầm cầu thang của Nhà hát Kịch Hà Nội. 7 năm, với một tấm ván kê làm giường, thiếu thốn, nghèo đói. Ngày đó, Hà Nội mất điện liên miên. Những cơn mưa dầm dề, giá buốt. Mẹ nhiều lần ra Hà Nội, nhìn con gái xót xa. Minh Trang sợ nhất khi bóng tối phủ xuống, cũng là lúc chị còn lại một mình, đối diện với nỗi cô độc và cả sự sợ hãi. Một mình với ánh đèn dầu leo lét. Chị lại lên sân khấu, quên cả nỗi sợ và nhập tâm vào từng vai diễn. Minh Trang vẫn âm thầm tập hàng đêm như thế.

Đến bây giờ, khi ngồi nói chuyện với tôi, chị vẫn tự hỏi không hiểu sao chị có thể vượt qua những ngày tháng cực nhọc đó. Tình yêu đắm đuối với sân khấu đã giúp cô bé 20 tuổi ấy vượt qua nỗi sợ hãi và những cực nhọc trong đời sống. Nhưng sân khấu cũng trả lại cho Minh Trang những vai diễn để đời. Một Hà My mới mẻ, táo bạo trong Hà My của tôi, một Trâm quyết liệt trong Cô gái đội mũ nồi xám, một Ngà trong Tôi và chúng ta... Minh Trang hóa thân vào từng số phận nhân vật, như chị sinh ra để dành cho nó vậy. Khán giả xem chị ngày đó, giờ đã thành ông, thành bà. Nhưng họ vẫn nhớ chị, như nhớ về một thời hoàng kim của sân khấu nước nhà.

Minh Trang cảm ơn những ngày tháng lăn lộn ấy. Chị đã may mắn được làm việc với những đạo diễn tài danh như NSND Nguyễn Đình Nghi, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, đạo diễn Doãn Hoàng Giang, NSND Đình Quang, NSND Dương Ngọc Đức. Và sau 10 năm, Minh Trang lại khiến khán giả tiếc ngẩn ngơ khi chị quyết định chọn gia đình, vào Nam cùng mẹ. Sau những bỡ ngỡ, chị hòa nhập nhanh vào đời sống sân khấu miền Nam. Ở đâu, với Minh Trang, vẫn là những vai diễn, những số phận ám ảnh người xem. 

Nhưng có lẽ, lần lựa chọn thứ 3 của Minh Trang, khi chị quyết định lấy chồng và ra nước ngoài sống là một lựa chọn nhiều bất ngờ nhất. Nhiều người nghĩ, chắc Minh Trang phải khó khăn lắm khi thế giới của chị đang phủ bóng bởi hào quang và sự nổi tiếng. Nhưng không, Minh Trang nói, sự lựa chọn của chị ở thời điểm đó không phải là sự đánh đổi. Chị cần một mái ấm gia đình. Chị lựa chọn tình yêu. Rời xa Việt Nam theo chồng. Sự lựa chọn của chị rất nhẹ nhõm. Đơn giản, chị lấy chồng như duyên số, không phải đắn đo và suy nghĩ nhiều. Tình yêu đến và con tim đập, chị đi theo tiếng gọi của tình yêu không một chút toan tính. Và cũng bởi, chị chưa từng có ý nghĩ sẽ rời xa sân khấu. Đơn giản, sân khấu luôn sống trong chị. “Cõ lẽ với thế hệ chị, có nhiều suy nghĩ khác với bây giờ. Hồi đó, đối với chị, sân khấu là một thánh đường, rất linh thiêng. Ở đó không có bon chen, tị hiềm. Không toan tính. Ở đó chỉ có sự cống hiến hết mình cho những đam mê”. Còn với tôi, tôi nghĩ, Minh Trang không ân hận vì sự lựa chọn của mình, bởi với nghệ thuật chị đã tận hiến.

 Minh Trang  không thuộc típ người sống bằng những hào quang của quá khứ, hay “ăn mày dĩ vãng”. Chị không nuối tiếc rằng mình đã rời xa danh vọng và sự nổi tiếng. Bởi đơn giản, chị là người đàn bà thông minh và tỉnh táo. Chị biết xếp từng ngăn cuộc sống của mình. Và chị biết, hạnh phúc không phải là những danh vọng phù phiếm. Hạnh phúc, với chị, là những gì có thật, hiện hữu trong đời sống này. Đó là mái ấm gia đình, như mỗi sớm mai thức dậy, chị có gia đình, có bàn tay mềm của cô bé Hà My - con gái chạm vào tay chị. Như mỗi buổi chiều về, chồng và con chị vẫn chờ đợi những bữa cơm Việt do chính tay chị nấu. Bát bún riêu, hay phở bò, những món ăn truyền thống, Minh Trang học được từ mẹ (mẹ chị người Huế). “Có lẽ chị biết ở trong thời điểm nào chị cần làm gì để thu xếp cuộc sống của mình. Thế nên chị không hụt hẫng khi phải rời xa sân khấu. Mọi chuyện trong cuộc đời đều từ một chữ duyên. Chị thuận theo lẽ tự nhiên mà để cuộc sống chảy trôi. Thế mà nhẹ nhõm. Thế mà bình yên”. Có lẽ vì thế mà ngồi với Minh Trang, cảm nhận được ở chị sự an nhiên, nhẹ nhõm, không một chút vướng bận. Chị nói, chị là người may mắn. Và chị trân quý điều đó như một món quà mà thượng đế đã ban tặng. Chị sẽ không đánh đổi nó, bằng bất cứ giá nào. Đó là góc bình yên, mà từ nó, chị sẽ bước tiếp hành trình của mình, cho những thăng hoa nghệ thuật của chị.

Dù dịch chuyển qua nhiều vùng văn hóa khác nhau, nhưng Minh Trang là người dễ thích nghi. “Chị đã từng sống với nhiều số phận nhân vật, và có lẽ, điều đó giúp chị thích ứng nhanh với cuộc sống mới”. Nhưng tôi hiểu, bởi chị có một căn cốt vững chắc, đó là tâm hồn Việt và văn hóa Việt. Đó là cái neo khiến chị luôn vững chãi trước những thay đổi của cuộc sống xa xứ. Và bởi, chị có tình yêu. Những quãng thời gian sống không nghệ thuật, chị dành tâm huyết cho gia đình. Có chăng, chỉ là một chút lắng lòng, rằng những lúc rảnh rỗi, giá như ở Việt Nam, chị sẽ làm được nhiều việc hơn. Nhưng rồi, cái khoảnh khắc một mình ấy cũng hiếm hoi, và chị lại cuốn mình theo cuộc sống, với những niềm vui đủ đầy. Chị nói, giờ con gái đã lớn. Và chị có thể thu xếp những chuyến đi dài ngày cho một dự án thú vị nào đó. Minh Trang hạnh phúc vì điều đó. Bởi, sân khấu vẫn âm thầm chảy trong tâm hồn chị. Dẫu tâm hồn người phụ nữ ấy đang được bao bọc bởi hạnh phúc viên mãn, đủ đầy

Việt Nguyễn

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文