Nghệ sĩ Nga Vladimir Vysotsky: Người hát thơ bất tử

10:20 06/08/2012
Có những người làm thơ rất thành công với đương thời, thậm chí còn được quyền cao chức trọng, nhưng các tác phẩm chỉ tồn tại khi tác giả của chúng còn sống. Có những thi sĩ mà vinh quang thực sự chỉ tới với họ sau khi họ đã qua đời. Vladimir Vysotsky là một trường hợp khác. Anh đã không thể than phiền rằng anh đã không nổi tiếng khi còn sống nhưng phải nói rằng, càng xa ngày anh vĩnh viễn ra đi vào thế giới bên kia, các tác phẩm của anh càng trở nên thiết thân với đồng bào anh, những người Nga.

Nghệ sĩ sân khấu và điện ảnh kiêm nhà thơ - nhạc sĩ - ca sĩ Nga Vladimir Vysotsky sinh ngày 25/1/1938 và qua đời vào ngày 25/7/1980. Khi còn sống, anh từng rất được hâm mộ với những nhân vật tuyệt vời cả trong nhà hát lẫn trên màn ảnh. Anh cũng đã là người hát thơ được hâm mộ nồng nhiệt nhất trong những năm 70 của thế kỷ trước ở Nga. Thế nhưng, càng có khoảng lùi ra xa sau ngày anh mất, người ta càng nhận ra hơn những chân giá trị của con người từng khảng khái cất lên câu hát: “Tôi tới đây không phải để làm cho ai đó thích. Tôi tới đây để nói ra sự thật”. Xưa nay, người nói thật sẽ luôn được tồn tại bền lâu.

Đa dạng nhưng nhất quán

Trong nền nghệ thuật Nga nửa cuối thế kỷ XX, Vysotsky là một trong những hiện tượng đặc sắc và đặc biệt nhất. Anh đã kết hợp  nhiều tài năng đa dạng vì một mục đích nhân văn duy nhất. Một nghệ sĩ sân khấu có hạng trong đội hình nhà hát Taganca nổi tiếng dưới thời đạo diễn Yuri Liubimov, với những vai có thể để đời như vai vị hoàng tử vạn kiếp trăn trở về ý nghĩa cuộc đời Hamlet trong kịch Shakerspears hay vai Pugachiov, người anh hùng khởi nghĩa nông dân ở vùng sông Vonga trong vở kịch thơ của Esenin...

Ngay ở Việt Nam ta cũng có nhiều người nhớ các vai diễn điện ảnh của Vysotsky trong một loạt các bộ phim Xô viết từng rất phổ cập một thời. Vysotsky không nhận mình là ca sĩ vì “không được thiên phú đặc tính thanh nhạc gì”, nhưng giọng hát khàn khàn của anh cho tới giờ vẫn còn làm day dứt bao nhiêu trái tim, như tiếng nhắc nhở của lương tâm mình (có bao giờ lương tâm nói giọng ngọt như mía lùi đâu!). Và hơn tất cả, anh là một nhà thơ đầy cá tính, có cái nhìn mọi sự kiện một cách tinh tường và tinh tế, dám nói lên mọi góc độ xù xì nhất để cảnh báo cho lương tâm xã hội. Thời đại Xô viết đã được thể hiện trong các tác phẩm của Vysotsky một cách sinh động và trung thực tới xót xa.

Yosif Brodsky, nhà thơ Mỹ gốc Nga, người Do Thái, giải Nobel văn học năm 1987, đã viết về Vysotsky: “Đó là một người tài năng không thể tả được, một người làm thơ được thiên phú nhiều vô cùng và hoàn toàn tuyệt diệu. Vần điệu của anh ấy rất mới mẻ và dị thường. Trong anh ấy có một linh cảm ngôn ngữ đích thực”.

Vysotsky sinh ra tại Moskva ba năm trước khi nổ ra cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Năm 1955, sau khi tốt nghiệp trường phổ thông trung học, anh thi đậu vào Trường Đại học Xây dựng Moskva và đi theo tiếng gọi của trái tim nghệ sĩ. Tuy nhiên, con đường đến tới sàn diễn của Vysotsky không dễ dàng. Với những ai quen hình dung nghệ thuật theo những tiêu chí truyền thống đôi khi hóa thành sáo mòn, Vysotsky có vẻ như không thích hợp với vai trò nghệ sĩ. Anh dân dã và quá nhiều góc cạnh. Giọng nói của anh không êm ái mượt mà, rót mật vào tai người nghe: khi anh cất tiếng thì đó là những thanh âm như rứt ruột mới có và vì thế, người nghe luôn sẵn sàng đặt niềm tin vào những ý tưởng mà anh truyền bá.

Cũng như bất cứ một nhân cách lớn nào, Vysotsky sinh ra không để đáp ứng các tiêu chí sẵn có, mà là để tạo nên hệ thống tiêu chí mới, sát hợp và trung thực với đời sống hiện đại hơn. Cái mới bao giờ cũng gặp khó khăn khi vừa xuất hiện nhưng theo dòng  thời gian, nếu là đích thực thì bao giờ nó cũng được khẳng định.

Thật tới tận cùng

Ngay từ khi còn trong giai đoạn học nghề sân khấu, Vysotsky  với cây ghi ta gỗ giản dị và giọng hát đặc thù đã bắt đầu giới thiệu những ca khúc - thơ của mình. Đó thường là những bài hát giai điệu không phức tạp nhưng luôn sâu sắc về ý tứ, “không nói dối dù chỉ là một chữ”. Đối với Vysotsky, âm nhạc đã là đôi cánh để chở lời thơ đi vào trái tim người nghe đầy đủ, sâu sắc hơn. Trong những ca khúc - thơ của mình, Vysotsky luôn thể hiện nhân vật từ ngôi thứ nhất và nhờ thế, tạo nên được độ tự sự cao, khiến người nghe nhận thức được gần gụi hơn những tâm sự trầm luân của kiếp nhân sinh.  Là một nghệ sĩ kịch, Vysotsky hóa thân như thật thành đủ mọi vai trong cả thơ. Nhân vật chính trong các tác phẩm của anh thường thuộc giới bình dân, chịu nhiều thiệt thòi và mất mát nhưng vẫn luôn có trái tim nhân hậu, rộng mở, luôn cố gắng hướng thiện và mong muốn:

“Uống mừng nước Nga nhà tù không còn nữa,
Mừng nước Nga hết còn trại giam người!”...

Vysotsky cũng viết khá nhiều bài về chiến tranh, với độ chân thực trong cả tâm trạng và chi tiết tới mức mà nhiều cựu chiến binh khi nghe anh hát đã nói, chỉ có những ai từng thực sự biết mùi khói súng mới có thể làm được như anh. Đây là bài Mưa sao của anh:

Trận đánh này tôi quên sao nổi,
Không khí tràn mùi chết chóc quanh tôi.
Và tự trên cao, như cơn mưa lặng lẽ,
Sao rơi, sao rơi...

Thêm ngôi nữa rơi. Và tôi thầm đoán
Trong trận này chắc tôi không hy sinh.
Đấy, tôi đã gắn đời mình vội vã
Với ngôi sao ngốc nghếch, vô tình.

Tôi đã nghĩ: Thế là qua tai họa,
Thế là tôi thoát hiểm nguy rồi.
Nhưng thẳng tự trời, ngôi sao lạc lối
Găm đúng vào chính trái tim tôi.

Mệnh lệnh: Phải chiếm điểm cao!
Mệnh lệnh: Không cần tiếc đạn!
Đấy, ngôi sao thứ hai rơi xuống
Dính chặt vào ve áo các anh.

Sao giữa trời hằng hà sa số,
Sao giữa trời thừa chia cho tất cả.
Không xanh cỏ, chắc tôi cũng đã
Đỏ ngực như đồng đội bây giờ.

Giá có con trai, tôi đã dành cho nó
Ngôi sao kia như kỷ vật sau cùng.
Ở giữa trời, sao mãi treo lơ lửng,
Bởi nếu rơi, ai nhận thay giùm?!”

Anh viết về ngôi mộ chung:

“Trên mộ chung không trồng thánh giá,
Không một người vợ goá khóc than.
Chỉ  có  hoa khách mang tới viếng
Và Ngọn lửa vĩnh hằng lung linh quanh năm.

Trước ở đây đất chồm lên dữ dội,
Giờ dưới  đá hoa cương, đất ngủ yên rồi.
Mọi số phận đã hoà chung một khối,
Không thể tách riêng số phận từng người.

Nhưng trong Ngọn lửa vĩnh hằng ta luôn thấy
Cháy những hình nhà gỗ, xe tăng,
Những Smolensk, Berlin chìm trong khói
Và trái tim người chiến sĩ rực hồng.

Cạnh mộ chung goá phụ không vật vã,
Khách thăm đây đều cứng cỏi lòng hơn.
Trên mộ chung không trồng thánh giá,
Nhưng phải đâu nhờ  thế đỡ đau buồn?”

Như bất cứ một nhân cách lớn nào của nước Nga, Vysotsky luôn bị giày vò bởi những câu hỏi vĩnh cửu về lẽ đúng sai phải trái, về sứ mệnh của con người trong xã hội, thiên nhiên... Những trăn trở đó không xa lạ với nhân loại và vì thế, càng ngày danh tiếng của anh càng được mở rộng ra trên trường quốc tế. Năm 1966, trong ca khúc Giã biệt núi, anh đã viết:

“Chúng ta trở về cùng đô thành náo nhiệt
Và những dòng xe cộ - trốn chúng, biết vào đâu!
Chúng ta rời những đỉnh cao đã chinh phục được
Để lại trái tim mình trong núi sâu.

Vậy hãy bỏ những bàn luận phiếm-
Mọi sự cho mình, tôi đã chứng minh:
Tuyệt hơn núi chỉ thể là những đỉnh
Núi ta còn chưa lên.

Giữa tai họa ai muốn rồi đơn độc,
Cưỡng tiếng gọi con tim, thực sự có ai đành?
Nhưng chúng ta vẫn rời những đỉnh cao đã chinh phục được,
Biết làm sao, - đến thần thánh kia rồi cũng phải xuống trần!

Vậy hãy bỏ những bàn luận phiếm -
Mọi sự cho mình, tôi đã chứng minh:
Tuyệt hơn núi chỉ thể là những đỉnh
Núi ta còn chưa lên.

Bao ngôn từ, hy vọng, bao ca khúc, chủ đề,
Núi đánh thức trong ta và nài ta ở lại.
Nhưng chúng ta vẫn hạ sơn-người chỉ trong 1 năm, người-mãi mãi-
Dù sao chúng ta luôn luôn có nghĩa vụ trở về.

Vậy hãy bỏ những bàn luận phiếm -
Mọi sự cho mình, tôi đã chứng minh:
Tuyệt hơn núi chỉ thể là những đỉnh
Núi ta còn chưa lên...”

Danh ngôn có câu: Để sống cùng hậu thế, nhà thơ cần phải luôn đi trước thời đại. Vysotsky đã làm được hơn thế. Sinh thời, anh đã rất nổi tiếng, các tác phẩm của anh được biết tới và yêu chuộng cả ở trong cả Điện Kremli lẫn các trại giam ở Siberi. Trong cuốn sách tự thuật của mình, đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tâm sự rằng, lúc còn trẻ, ông thường xuyên tự đệm ghi ta và hát ca khúc - thơ của Vysotsky...

Đã hơn ba mươi năm năm sau khi qua đời, Vysotsky càng trở nên cần thiết hơn đối với người Nga và không chỉ riêng người Nga. Tiếng hát của lương tâm không bao giờ lỗi mốt.

* Những tác phẩm thơ trong bài do nhà thơ Hồng Thanh Quang chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Nga

Vũ Anh Quyên

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt ưebsite, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

Nhà đạo diễn kiệt xuất Roman Carmen đã cùng các đồng nghiệp Xôviết đến Việt Nam năm 1954 và làm bộ phim “Việt Nam”, ghi lại chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử của dân tộc ta.

Những suất quà chứa đựng nhiều tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Báo CAND và nhà hảo tâm, với mong muốn đồng hành cùng các em học sinh và giáo viên trường Tiểu học Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; qua đó cùng chung tay, góp sức nâng bước các em đến trường.

Khi biết Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh (Trung tâm CNSH) triển khai dự án trên 425 tỉ đồng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã làm quen, mua chuộc những lãnh đạo chủ chốt, bằng cách thường xuyên thăm hỏi, biếu quà. Khi đã thân thiết, Nhàn nhờ các lãnh đạo nâng giá thiết bị, nâng dự toán theo ý Nhàn. Sau đó, Nhàn lập liên danh dự thầu, bày "quân xanh" , thâu tóm các gói thầu, để AIC ngồi không hưởng lợi hàng trăm tỉ đồng.

Chính trị nội bộ của đảng Cộng hòa Mỹ lại trở nên bất ổn do nghị sĩ Marjorie Taylor Greene quyết tâm phế truất Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson sau khi ông này thuyết phục Hạ viện thông qua gói viện trợ quân sự cho nước ngoài, trong đó có Ukraine.

Ngày 4/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Đức Bình, SN 1994, trú tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, để điều tra về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ khiến 1 người tử vong.

Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đánh giá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12 do Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá mới đây là rất kịp thời, thể hiện sự chính quy, tinh nhuệ của các lực lượng tham gia phá án.

Lê Phương Nam đã lừa của các bị hại xin vào làm việc tại các Chi cục Kiểm ngư với giá 200-250 triệu đồng/suất; xin chuyển công tác trong lực lượng Công an có giá từ 200 - 450 triệu đồng/suất; xin vào học tại Trường Trung cấp Cảnh sát có giá từ 450-700 triệu đồng/suất…

Sự phát triển nhanh chóng của Internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội kéo theo việc người sử dụng tăng nguy cơ phải tiếp xúc với tin giả. Việc người dùng mạng xã hội thường xuyên phải tiếp cận với tin giả có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Thế nên việc nhận diện và xử lý tin giả là rất quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 3/5 cho biết, một lần nữa cầu Crimea lại nằm trong tầm ngắm của Kiev với sự hỗ trợ từ phương Tây. Bà Zakharova cảnh báo, bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Crimea đều sẽ bị đáp trả nặng nề.

Cơ quan phòng vệ dân sự bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil, ngày 3/5 (giờ địa phương) cho biết trận lũ lụt kỷ lục ở bang đã khiến 39 người thiệt mạng và 68 người khác vẫn mất tích, buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文