Người phụ nữ lập nghiệp từ bàn tay trắng...

15:00 04/04/2008

Báo CAND đã đăng phần đầu bài viết "Người phụ nữ tay không trở thành triệu phú đôla"… Sau vụ thoát chết trong đường tơ, kẽ tóc ở An Giang, khi về Sài Gòn, nỗi bất hạnh vẫn chưa chịu buông tha bà…

Hai lần bị bắt giam oan…

Đầu tháng 12/1982, đang lúc bà Bạch Diệp và bạn bè đồng nghiệp vui mừng hay tin bà đã có quyết định bổ nhiệm... thì một lần nữa, tai họa lại ập đến với bà. Hôm đó là ngày 9-12/1982, khi bà đang có mặt ở cơ quan thì Công an quận Tân Bình đến đọc lệnh bắt giam bà với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản riêng của công dân…".

Bà Diệp choáng váng. Đến khi gặp cán bộ xét hỏi, bà Diệp mới vỡ lẽ rằng, bà làm ơn đã mắc oán. Nội dung chỉ đơn giản là sự quen biết với một người bạn thân của ba bà Diệp. Ông ấy có người cháu biết mối quan hệ của bà Diệp ở Sài Gòn nên đã thông qua bà Diệp nhờ nhập hộ khẩu cho mình vào TP Hồ Chí Minh. Nghe lời anh này, bà Diệp đã viết giấy có nhận của anh ta 13.000đ (trị giá gần 1 chỉ vàng) để bà Diệp đưa cho người giúp đỡ, gọi là chi phí tiền, trà nước...

Khi những người quen cho biết không thể lo được cho người cháu kia, bà Diệp đã nhiều lần gặp anh ta xin trả lại số tiền trên, song anh ta nhất định không nhận. Một lần nữa bà Diệp lại đến năn nỉ những người quen cố gắng giúp và toàn bộ số tiền 13.000đ ấy, bà Diệp đưa hết cho họ. Khi đã được nhận vào làm việc ở Công ty Xây lắp ngoại thương và sắp có hộ khẩu, người cháu của ông bạn ba bà Diệp vội đến gặp bà. Vì anh ta sợ khi xong việc sẽ phải đưa giấy nhận giữ 13.000 trả lại cho bà Diệp nên anh ta nại ra việc mất giấy, yêu cầu bà Diệp viết lại giấy lần 2 (vẫn nội dung như trước).

 Vì tin người và nghĩ rằng mình không vụ lợi nên bà Diệp đã viết giấy. Song sau đó anh ta cầm tờ giấy này làm bằng chứng tố cáo bà Diệp với Công an Tân Bình.

Quá trình điều tra, khi xác minh, biết rõ bản chất sự việc, bà Diệp vì tin người, nể nang bạn bè mà ra tay lo giúp chứ mảy may không hề có vụ lợi, hay chiếm đoạt tiền bạc của người khác, chiều 3-2-1983 (tức chiều 30 Tết) bà Diệp được tạm tha và sau đó là quyết định miễn tố, trả tự do cho bà Diệp.

Bị tạm giam 2 tháng 15 ngày về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân" rồi được minh oan nhưng nào có mấy ai hiểu được. Bà Diệp thở dài. Thấy bà vẫn còn mặc cảm về cảnh tù tội, tôi mang chuyện làm ăn, kinh doanh ra đàm đạo với bà. Như lại gặp phải mồi lửa, bà đứng phắt dậy: "Chuyện kinh doanh, chuyện của doanh nhân ư? Khoan hãy nói đến. Anh là nhà báo Công an hỏi kinh doanh tôi kể cho anh nghe câu chuyện này cũng liên quan đến kinh doanh, nhưng nó lại là chuyện tôi bị… tù oan lần nữa đấy. Tôi sém bị mù vì hơn 6 tháng nằm tại trại tạm giam…". Bà Bạch Diệp thuật lại câu chuyện này như đã thuộc lòng.

Vụ việc liên quan đến hợp đồng mua bán nhà 37 Nguyễn Thị Diệu (NTD). Hợp đồng được lập vào ngày 30/7/1993. Trong rất nhiều đơn thư kêu cứu lúc bấy giờ, bà Bạch Diệp đều khẳng định: Hai bản hợp đồng mua bán nhà 37 NTD là sự lừa lọc, chỉ vì tin người mà bà đã đặt bút ký: "Bấy giờ mỗi khi đọc lại 2 hợp đồng này tôi chỉ muốn chạy ra đường mà không cần biết trước mặt mình là cái gì, vì đó là 2 hợp đồng lừa đảo mà tôi tin người nên đã ký…". Bà Bạch Diệp nói.

Điều oái oăm thay, bà Bạch Diệp đã phải mất không số tiền quy ra vàng lên đến hàng trăm lượng vàng, nhưng ngày 12/11/1994, bà Diệp lại bị bắt giam. Bà Bạch Diệp ngồi lặng hồi lâu, nước mắt ứa ra: "Em cứ hình dung xem, người ta lừa chị, lấy của chị hàng trăm lượng vàng. Chị phải cắn răng chịu đựng. Tưởng mọi việc yên ổn ai dè tai họa ập xuống”. Hơn 6 tháng bị tạm giam, bà Bạch Diệp khóc sưng húp mắt. Hằng đêm bà réo gọi tên con… kêu oan và lại cầu trời, niệm Phật… Thế rồi, điều tra mãi không tìm được bằng chứng gì phạm tội, ngày 23/5/1995 bà Bạch Diệp nhận được quyết định trả tự do.

Con đường lập nghiệp

Trong số đại gia ở các tỉnh, thành phía Nam, chẳng mấy ai không biết đến bà Bạch Diệp. Nhưng những người nổi tiếng ăn chơi sành điệu thì vừa rồi phải giật mình khi hay tin bà Giám đốc Diệp Bạch Dương dẫn về “con xe” Rolls-Royce mới cáu cạnh với biển số "tứ quý 7" đắt tiền và sang nhất Việt Nam. Có người nói rằng bà chơi ngông vậy thôi, chứ cái công ty gia đình chưa đến chục người mà đã có đến 6,7 chiếc xe ôtô loại sang rồi thì việc mua thêm chiếc Rolls Royce rõ là chuyện lãng phí. Trái với luồng thông tin trên, giới buôn bán bất động sản ở TP Hồ Chí Minh đa phần cho rằng: "Bà Diệp có mua đến cả chục chiếc Rolls Royce cũng chẳng thấm vào đâu so với những tài sản kếch sù mà bà đang làm chủ…".

Kể về tài sản, về sự giàu có của bà Bạch Diệp theo như cánh báo chí chúng tôi hay nói: "Có mà kể cả ngày…". Điều tôi quan tâm tìm hiểu chính là cái sự bắt đầu, giai đoạn tay trắng mà bà Bạch Diệp gây dựng cơ đồ kia. Hẹn tới hẹn lui, cuối cùng bà Bạch Diệp cũng dành cho tôi khoảng thời gian, tuy không nhiều nhưng cũng đủ hiểu về cuộc đời bà. Như đã nêu ở phần trên, sau khi bị nhốt giam oan 2 tháng 15 ngày trở về; bà thấy chán nản và không còn mặn mà chuyện công tác ở cơ quan nữa.

Bà xin nghỉ chế độ chính sách. Bà Bạch Diệp nói: Ở nhà mãi cũng chán. Nhìn trước ngó sau tài sản chỉ có vài vật dụng cũ cùng căn hộ chung cư 72/lầu 2 Ký Con, phường 19 - nay là phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Nhiều lần ngược xuôi các con đường trung tâm Sài Gòn, bà Bạch Diệp cứ mông lung nghĩ hoài về nhiều căn nhà ở giữa trung tâm thành phố, bán giá rẻ như bèo mà rất ít người mua. Những căn nhà ấy nếu được nâng cấp, xây mới… chắc chắn khi bán sẽ sinh lợi nhiều…

Để làm thử, bà về nhà thiết kế, sửa sang ngay chính căn hộ chung cư của mình (đây là căn hộ do 2 căn ghép lại khoảng 160m2). Do có đầu óc thẩm mỹ, lại yêu nghề xây dựng từ nhỏ nên bà đã sửa chữa căn hộ rất đẹp. Đúng như dự kiến ban đầu, bà Bạch Diệp bán căn hộ chung cư này với giá 12 lượng vàng.

Cũng trong năm 1984, bà mua ngay căn nhà số 100 đường Trần Hưng Đạo (một trong những con đường trung tâm thành phố) với giá 4 lượng vàng. 12 lượng vàng bán căn hộ chung cư Ký Con, vay mượn bạn bè, bà xây căn nhà số 100 Trần Hưng Đạo lên 3 tầng lầu… tất cả hết 20 lượng vàng. Vừa xây xong, Công ty Savimex đến mua và bà bán ngay được 80 lượng vàng. Có tiền trong tay, bà mua tiếp căn nhà 92 Trần Hưng Đạo, rồi lại sửa, lại xây và… lại bán. Cứ thế, chỉ trong thời gian ngắn, bà Bạch Diệp đã mua được nhiều nhà trên đường Trần Hưng Đạo.

Bà Bạch Diệp kể cho tôi nghe liền một mạch chuyện mua, bán nhà. Trong câu chuyện bà thừa nhận rằng: "Thật không ai tin được, vào thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, chuyện mua bán nhà cửa lại rẻ mạt và dễ dàng đến thế. Mà thời kỳ bao cấp rất ít người nghĩ đến chuyện buôn bán kinh doanh bất động sản…". Có được số vốn trong tay hàng ngàn lượng vàng, bà Bạch Diệp đến các khu biệt thự trong thành phố, nếu ai bán nhà, bất cứ lớn nhỏ bà cũng mua ngay. Chính vì những tính toán, đoán trước được vận hội của đất nước nên khi đất nước đổi mới chuyển sang nền kinh tế thị trường thì bà Bạch Diệp đã có cả chục năm trải nghiệm qua thực tế rồi.

Bà Bạch Diệp phân tích cặn kẽ tình hình thời cuộc ngay từ những năm khó khăn của thời bao cấp. Bà triết lý: Khi mọi người đổ xô chạy trốn ra nước ngoài thì bà lại bình thản đón nhận cuộc sống thực tế. Ngay lúc ấy bà đã tiên đoán rằng: "Khó khăn, gian khổ như thời đánh Mỹ mình còn thắng được, chắc chắn Đảng và Nhà nước sẽ tìm ra được lối thoát để người dân no ấm. Họ có chạy trốn vượt biên hay tìm mọi cách ra nước ngoài, sớm muộn cũng phải về thôi. Và trong số ấy, sẽ có nhiều người tìm đến thuê nhà mở điểm kinh doanh và nhiều người sẽ mua nhà của tôi…".

Bắt đầu mua, bán bất động sản từ năm 1984, sau hơn 20 năm bà Dương Thị Bạch Diệp đã trở thành một giám đốc siêu hạng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; tại TP Hồ Chí Minh, hàng chục căn biệt thự, nhiều khu đất vàng thuộc công ty của bà và các con đồng sở hữu. Có những khu đất bà chuẩn bị xây dựng khách sạn 5 sao trị giá nhiều triệu đôla. Vì rất nhiều lý do tế nhị, tôi không muốn hỏi cặn kẽ tài sản của bà trị giá bao nhiêu trăm, bao nhiêu triệu đôla. Tôi chỉ ghi nhận hơn 20 năm ấy, ở một thành phố năng động và rộng lớn như TP Hồ Chí Minh, một người kinh doanh từng trải và uy tín như bà, nếu như có đến cả tỷ đôla âu cũng là lẽ thường tình.

Vì tuổi thơ bà đã chịu nhiều lam lũ nên bà rất thấu hiểu cảnh đơn côi, gian khó của người bất hạnh, người nghèo. Từ những lợi nhuận thu được trong thương trường, năm nào cũng vậy, bà đều dành tiền, hàng đến tặng những người gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc thông qua các tổ chức xã hội làm từ thiện. Chỉ trong mấy năm gần đây bà đã dành hàng chục tỷ đồng chia sẻ khó khăn với những người nghèo. Riêng các chương trình từ thiện do Báo CAND tổ chức bà đã đóng góp hơn 3 tỷ đồng.

Bà Dương Thị Bạch Diệp có kể cho tôi nghe một ý tưởng, có thể nói là rất mới ở Việt Nam. Từ thực tế cuộc đời mình, đặc biệt là những oan khiên mà bao người gặp phải, bà muốn bước đầu sẽ dành 200 tỷ đồng xây dựng quỹ, tên gọi cụ thể thì bà chưa quyết định, song toàn bộ số tiền trên sẽ gửi vào tài khoản, hàng năm trích ra trao giải cho những "Bao Công" đích thực trong ngành Tư pháp; giải thưởng có thể cả triệu đô la.

Mặc dù đã bước sang tuổi 60 nhưng bà Bạch Diệp vẫn đang ấp ủ hàng loạt những dự án tầm cỡ quốc tế và rất khả thi. Bà vui vì bà sống trong gia đình rất hạnh phúc; các con đều học hành thành đạt từ nước ngoài, nay cùng về giúp bà điều hành công ty. Bà nói chắc rằng phần bà dành cho các con lớn nhất là sự trải nghiệm trong thương trường và đức hạnh làm người. Số tài sản lớn ấy, bà sẽ dành phần nhiều cho các hoạt động xã hội. Khi chia tay, tôi chúc bà mãi mãi như cây bạch dương xanh giữa miền nhiệt đới và ngày càng làm rạng danh người phụ nữ Việt Nam

Xuân Xe

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

Những ngày qua có 4 tàu cá cùng 11 ngư dân của Quảng Bình bị nạn trên biển do lốc xoáy, sau 5 ngày nỗ lực liên lạc, tìm kiếm, 4 ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui vỡ oà của người thân.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文