Người về sau “Mùa ổi”

16:30 22/11/2012
Đạo diễn Đặng Nhật Minh ngồi lẫn vào những khách hàng trong quán cà phê ở phố Lò Đúc một sáng chớm lạnh của mùa thu Hà Nội. Ông lặng lẽ ở một góc quán ngồi đọc vài tờ báo buổi sáng và nhâm nhi cốc cà phê đen đặc quánh. Trong quán cà phê bình dân ấy, nhiều người không nhận ra ông là vị đạo diễn nổi tiếng của rất nhiều bộ phim nổi tiếng mà chắc chắn họ đã từng ít nhất một lần xem trong đời.

Đối với đạo diễn Đặng Nhật Minh, đó là một điều may mắn, vì ông được lẫn vào đám đông, quan sát thế giới con người như bao người để lưu giữ những khoảnh khắc của đời thường ấy, để một lúc nào đó nó tự nhiên đi vào những thước phim của ông. Và ông đã kể cho tôi nghe câu chuyện về cuộc đời làm nghề, về những nhân vật có thật đã đi vào từng trang viết, từng thước phim, mang lại cho ông nhiều điều may mắn như một món quà vô giá của số phận…

1. Tôi có một ý nghĩ bị ám ảnh từ rất lâu khi xem xong bộ phim Mùa ổi của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Đó là nỗi ám ảnh về nhân vật Hòa, một người đã ngoại ngũ tuần nhưng trí óc vẫn dừng lại ở tuổi 13 trong lần ông bị ngã khi trèo cây hái ổi. Qua những đổi thay của thời gian, lịch sử, ngôi nhà có cây ổi xa xưa ấy được một người chủ mới đến ở. Nhưng đối với ông Hòa, đó vẫn là căn nhà của gia đình ông với một cuộc sống tốt đẹp, ấm êm, hạnh phúc của quãng đời thơ ấu mà ông và các anh chị em đã từng trải qua. Suốt cả thời gian diễn ra bộ phim, tất cả cuộc sống, xã hội, nhân cách của con người đều hiện lên qua lăng kính của ông Hòa, một đứa trẻ 13 tuổi với đầy những nỗi buồn vui, bi thương, bất hạnh đến độ cười ra nước mắt.

Một Hà Nội trong ký ức tuổi thơ và một Hà Nội của ngày nay với đầy rẫy những sự khác biệt đã khiến người xem bị hút hồn bởi những hình ảnh đẹp, lãng mạn nhưng cũng đầy xót xa trước những đổi thay của xã hội, của nhân cách con người. Ở đó, ông Hòa hiện lên là một người không bình thường trong con mắt của nhiều người nhưng không ai khác, chính ông lại là người duy nhất còn lưu giữ được những giá trị tốt đẹp của một người Hà Nội trong quá khứ. Một người tốt không thể tốt hơn, một người hiền lành không thể hiền lành hơn. Ở đó, còn có hình ảnh người em gái thương anh đến thắt lòng khi phải chứng kiến những điều anh đã trải qua cũng như đã bị đối xử, phân biệt trong cuộc đời đầy rẫy những bất trắc. Một cô gái quê dù lên thành phố đi làm mẫu vẽ nhưng lại có một tâm hồn đẹp, nhạy cảm. Một cô gái trẻ là chủ nhân mới của ngôi nhà biết chia sẻ, cảm thông với hoàn cảnh của ông Hòa, trân trọng những ký ức tuổi thơ bên cây ổi sum suê trĩu quả mà cô không được chứng kiến. Dĩ nhiên, để có sự thành công của Mùa ổi chắc chắn phải kể đến sự diễn xuất thành công của NSND Bùi Bài Bình. Ánh mắt ngây thơ, non nớt, ngơ ngác trước cuộc đời, dáng vẻ gầy gò nhưng nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi với sự rụt rè của một đứa trẻ trong cơ thể của một người đàn ông đã giúp Bùi Bài Bình lấy được cảm tình của người xem, khi thú vị, khi háo hức, lại có khi rớt nước mắt.

Nhưng Bùi Bài Bình hoàn toàn không thể làm được điều đó, để nhận về cho mình giải diễn viên xuất sắc nhất, nếu không có một nhân vật có thật đang hiện hữu trong cuộc sống hiện tại, ông Nguyễn Văn Hoán, anh vợ của đạo diễn Đặng Nhật Minh, nhân vật nguyên mẫu đã đi vào truyện ngắn Ngôi nhà xưa và sau này trở thành bộ phim Mùa ổi. Ngay khi mời Bùi Bài Bình vào vai Hòa, chính đạo diễn Đặng Nhật Minh đã dẫn ông Hoán đến nhà Bùi Bài Bình để giúp anh hiểu thêm về diện mạo và tính cách nhân vật của mình.

Không quá khó khăn khi tìm gặp ông Hoán, vì công việc chính của ông mấy chục năm nay là ngồi làm mẫu vẽ tại Trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Người ta thường nói rằng, làm mẫu vẽ chỉ có một thời, nhưng ông Hoán là một trường hợp ngoại lệ vì mấy chục năm ông ngồi làm mẫu cho bao nhiêu thế hệ học sinh tại số 42 Yết Kiêu. Hàng ngày, ông đi bộ từ nhà ở phố Hàn Thuyên đến phố Yết Kiêu, bất kể trời nóng, trời lạnh, hay giông bão, trên đôi dép tổ ong cũ, bộ quần áo đã sờn màu, ông vẫn đi tới trường như công việc của một công chức mẫn cán mỗi ngày. Tất thảy những người trong trường đều biết ông, ấn tượng về ông, và luôn dành cho ông những lời đầy thiện cảm vì ông hiền lành, tốt bụng và có một năng lực ngồi làm mẫu… siêu phàm. Ông có thể ngồi liên tục cả buổi sáng, rồi lại cả buổi chiều cho sinh viên vẽ. Mỗi tháng, ông lĩnh lương một lần để trả các khoản tiền chi phí như thuốc lá, cà phê mà khi không có tiền ông vẫn uống chịu ở một quán quen, chính là quán cà phê của chị Ngọc Thu, vợ NSND Bùi Bài Bình.

Chị Thu kể lại, từ ngày NSND Đặng Nhật Minh dẫn ông Hoán đến gặp anh Bùi Bài Bình để chuẩn bị khởi quay bộ phim Mùa ổi thì gia đình chị đã nghiễm nhiên coi ông như người nhà và hình như ông cũng vậy. Ông thường xuyên lui tới uống cà phê. Lúc chưa có lương thì ông nợ, dù nợ vài chục đến vài trăm hay cả triệu bạc thì ông luôn trả không thiếu một xu nào. Mời ông uống không mất tiền, ông cũng không chịu. Có tiền ông hay đi đến các vườn hoa tận Nghi Tàm hoặc ở các làng hoa để mua hoa về cắm. Có khi ông xin hoa của học sinh vẽ tĩnh vật mang về nhà chị. Ông Hoán có tài cắm hoa rất đẹp. Chị Thu phải thừa nhận rằng, dù chị có cố gắng đến đâu thì bình hoa của chị cắm không bao giờ đẹp bằng bình hoa của ông Hoán.

Trong mắt chị Ngọc Thu, anh Bùi Bài Bình, ông Hoán đã không chỉ là một nguyên mẫu của một bộ phim, của một câu chuyện, mà ông là một người thân thiết của gia đình chị với đầy những vui buồn. Bởi vì nếu không có ông Hoán, nếu không có chuyện ông ngã từ cây ổi xuống để mãi mãi trong ký ức của ông vẫn là một đứa trẻ 13 tuổi hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng, dù ngoài 70 tuổi nhưng găp ai ông cũng gọi cô, gọi chú xưng cháu như thể những ký ức của cậu bé trèo ổi 13 tuổi thuở nào vẫn còn hiện hữu thì… chắc chắn, điện ảnh Việt Nam không có một Mùa ổi hay đến thế, chạm tới tận mọi xúc cảm của con người đến thế.

2. Hỏi đạo diễn Đặng Nhật Minh về nguyên mẫu trong Mùa ổi, ánh mắt ông hiện lên đầy ấm áp. Ông bảo rằng, ông phải cảm ơn người anh vợ, chính sự bình thường đến bất thường của ông, chính lòng tốt được phung phí một cách đầy lãng phí của ông, chính sự thật thà đến mức thái quá của ông Hoán, lại trở thành cái mà thiên hạ vẫn gọi là “điên” trong xã hội. Ông Hoán có thể quên ăn cơm, quên cái bụng đang đói meo của mình, nhưng chưa một bữa nào ông quên cho sáu con mèo ăn. Nếu ai nhìn thấy sáu con mèo đẹp trong tranh vẽ và vườn cây xanh tốt của ông được chăm bẵm từng ngày, ông có một tình yêu thiên nhiên, yêu loài vật, tin vào tín ngưỡng thờ cúng vì không có ngày nào ông không mua hương hoa thắp hương cho bàn thờ cha mẹ, thì không ai coi ông là người bất bình thường cả. Nhưng cuộc đời là vậy, những giá trị bị đảo lộn ở chính việc, những điều nhiễu nhương, toan tính, láu cá… lại được coi là bình thường ở cuộc đời này. Đạo diễn Đặng Nhật Minh tâm sự, chính ông Hoán và nhiều những nhân vật “cùng khổ” khác mà ông gặp, đã hình thành cho ông một quan điểm nhất quán trong sáng tạo nghệ thuật: “Giữa một bức tường cứng rắn và một quả trứng đang đụng vào nó, tôi mãi mãi đứng về phe trứng” (Murakami).

Kỳ thực tôi chưa có dịp nào trò chuyện lâu lâu cùng ông để hiểu hơn về suy nghĩ, về những nguồn mạch cảm hứng để người đạo diễn này viết văn, viết kịch bản phim, làm đạo diễn phim cũng như sự thành công kỳ lạ của một người đi ngang vào nền điện ảnh Việt Nam và để lại ở đó những thước phim hay và có giá trị. Những thước phim đã giúp ông được vinh danh không chỉ đối với nước nhà mà cả đối với nền điện ảnh của thế giới. Trong ý nghĩ của tôi, đạo diễn Đặng Nhật Minh là một người nghiêm cẩn, kỹ tính và thẳng thắn. Tôi luôn có cảm tưởng rằng, ông, với dòng dõi của gia đình làm khoa học, không có sự lãng mạn, bung phá hay bay bổng mà thiên hạ vẫn thường khoác lên vai những người những nghệ sĩ. Nhiều lần, trong các cuộc gặp gỡ, ông bao giờ cũng cẩn trọng, tỉ mẩn, “nói có sách, mách có chứng” khi cần dẫn ra những ví dụ, hay những nguyên lý riêng của mình. Nói về điều này, đạo diễn Đặng Nhật Minh chẳng bao giờ chối bỏ. Ông là người của công việc, không đam mê những thứ phù du vặt vãnh, không trà dư tửu hậu, không la cà quán sá hay tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, ông tránh xa những vụ scandal liên quan đến giới nghệ thuật. Và hơn bao giờ hết, dù có trong tay cả chục bộ phim nổi tiếng đi khắp trong Nam ngoài Bắc, ra cả thế giới, nhưng ông luôn luôn tự nhận rằng, ông đứng ngoài cái gọi là showbiz, tránh xa những vụ xì xùm của giới nghệ sĩ để mong kiếm tìm những hư danh trong cái nghề lắm công phu và cũng lắm nhiễu nhương này.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ:“Các đạo diễn điện ảnh khi nói về bước đường và sự nghiệp của mình thường hay bắt đầu bằng một câu: Tôi yêu điện ảnh từ nhỏ... Riêng tôi thành thật mà nói, tôi không có một niềm say mê nào từ thuở bé đối với lĩnh vực nghệ thuật này. Tôi đến với điện ảnh bắt đầu bằng một sự tình cờ, rồi tiếp theo là một chuỗi những sự tình cờ. Bộ phim đầu tiên tôi được xem trong đời là bộ phim của Wall Disney: Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Đó là vào năm tôi lên bảy tuổi. Mãi đến năm lên mười, tôi mới được xem một bộ phim khác ở rạp Tân Tân cạnh đầu cầu Tràng Tiền ở Huế. Đó là phim Zoro, một phim cao bồi Mỹ có nhân vật chính là một gã cao bồi, đội mũ rộng vành, phi ngựa, đeo mặt nạ đen chỉ để hở đôi mắt. Tôi không có nỗi đam mê nào với môn  nghệ thuật này ngoài sự hiếu kỳ của tuổi trẻ”.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng nói thêm rằng, thân phụ của ông, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, cả đời nghiên cứu khoa học và đã hy sinh trong chiến trường. Gia tài cụ để lại cho cậu con trai Đặng Nhật Minh là một chiếc kính hiển vi nho nhỏ bằng một gang tay cụ mang về trong một lần đi Nhật, với hoài bão cậu con trai sau này sẽ đi theo con đường khoa học. Và có lẽ, nếu cuộc đời không có những sự bất ngờ thì bây giờ Đặng Nhật Minh có thể đã là một bác sĩ, một nhà nghiên cứu y học nối nghiệp người cha đáng kính của mình. Nhưng đôi khi cuộc đời rất lạ, lạ và kỳ diệu nên không ai cố gắng để lý giải con đường đi của số phận, chỉ biết bám lấy nó để mà bước đi tiếp và làm tốt nhất có thể những bổn phận mà mình được giao phó.

3. Đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, đạo diễn Đặng Nhật Minh lại đang bắt đầu một chặng hành trình mà ông đã bỏ dở cách đây vài chục năm, đó là viết văn. Tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa và cuốn hồi ký Phim là đời là khởi đầu cho sự nghiệp viết văn trước mắt của ông. Nhưng cho dù viết văn, viết kịch bản phim hay làm đạo diễn chỉ đạo cả một dàn quân nơi trường quay rộng lớn, thì tôi vẫn có thể hình dung ra ông trong tư thế của một người cặm cụi và yêu công việc của mình đến cháy lòng. Một chiếc bàn quen thuộc, với trang giấy quen thuộc, cái bút quen thuộc, cặp kính quen thuộc để sáng tạo nên những số phận con người, mà hầu hết những số phận ấy đều ít nhiều dính dáng đến số phận của chính ông…

Trần Hoàng Thiên Kim

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

Những ngày qua có 4 tàu cá cùng 11 ngư dân của Quảng Bình bị nạn trên biển do lốc xoáy, sau 5 ngày nỗ lực liên lạc, tìm kiếm, 4 ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui vỡ oà của người thân.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文