Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển: Những trăn trở dài lâu

10:05 01/04/2014

Có lẽ không phải bây giờ mà từ hàng chục năm nay, lĩnh vực giáo dục đào tạo đã luôn là chủ đề nóng trong sự quan tâm của toàn xã hội. Và đã có không ít những ý tưởng cải cách, đổi mới đã được đưa ra và được áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, dù chúng ta có cố gắng bao nhiêu thì vẫn phải nói rằng, đang còn quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong lĩnh vực này. Đến mức mà cuối tháng 2 vừa qua, tại phiên họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã thông qua dự thảo quyết định về việc thành lập Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo do chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm Chủ tịch...

Một trong các chức năng và nhiệm vụ của ủy ban là giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chiến lược, chương trình, đề án quốc gia, dự án quan trọng có tính chất liên ngành, đa lĩnh vực về giáo dục và đào tạo, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước…

Rõ ràng là chất lượng giáo dục đang tiếp tục là nỗi lo không của riêng ai nếu người đó quan tâm tới tương lai phát triển của đất nước. Để cung cấp thêm thông tin cho độc giả của chuyên đề An ninh thế giới Cuối tháng, chúng tôi xin được trích dẫn một phần cuộc trò chuyện của nhóm phóng viên bản báo với ông Nguyễn Minh Hiển, khi ông còn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) (trong giai đoạn từ năm 1997 tới năm 2006). Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra tại chính trụ sở của Bộ GD-ĐT trên phố Đại Cồ Việt, ngay sau một kỳ họp quốc hội mà ở đó, các đại biểu đã đưa ra những câu hỏi cực kỳ gay gắt đối với hiện trạng của ngành giáo dục... Hóa ra là, sau từng ấy thời gian trôi qua, rất nhiều ưu tư của những người chủ trì trong lĩnh vực giáo dục đào tạo vẫn chưa thể nào được xóa bỏ...

Với bài báo này, tôi rất hy vọng là những ý kiến của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển sẽ tìm thấy được sự đồng vọng trong các đồng nghiệp đương nhiệm của ông hiện nay.

- Hồng Thanh Quang: Tất cả chúng ta ngồi đây có lẽ đều là người khiêm tốn, nhưng xét theo chính bản thân mình thì chúng ta không có gì phải quá tủi hổ, tủi phận cho chất lượng giáo dục Việt Nam vì ít ra nó cũng đào tạo ra được những sản phẩm như chúng ta. Chính vì thế, khi nghe chất vấn Bộ trưởng GD - ĐT trên Hội trường Ba Đình vừa rồi, trong lòng người xem có hai cảm giác: thứ nhất, sự gay gắt trong các câu hỏi có vẻ như đúng với mức quan tâm, lo lắng của toàn bộ xã hội với chất lượng của nền giáo dục dành cho con em mình. Mặt khác, dường như ngay cả đến một số đại biểu Quốc hội cũng chưa thấu đáo hết mọi góc cạnh, mọi thành tựu cũng như chưa thành tựu của Bộ GD-ĐT. Điều này phải chăng Bộ GD-ĐT chưa có một công tác tuyên truyền hữu hiệu để cho toàn dân hiểu rõ hơn công việc của các thầy cô giáo? Ông là Bộ trưởng, ông có cảm thấy điều đó không, hay là ông chỉ cảm thấy có một thế lực nào đó đang muốn cản trở, gây rối cho việc cải cách giáo dục của chúng ta?

- Ông Nguyễn Minh Hiển: Xung quanh vấn đề giáo dục và chất lượng giáo dục có rất nhiều ý kiến khác nhau, đó cũng là điều bình thường vì mọi người dân đều quan tâm đến giáo dục và có cách tiếp cận rất khác nhau. Đó cũng là một điều may mắn cho ngành giáo dục vì không phải ngành nào cũng thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội như thế. Một điểm nữa, cứ nhìn từ gia đình mình mà suy ra, chúng ta bao giờ cũng mong muốn cho con em học hành tốt hơn chúng ta, cho nên đòi hỏi đối với chất lượng giáo dục của con em rất cao, và điều đó rất dễ hiểu. Thực sự mà nói, nếu so sánh với những yêu cầu chúng ta đặt ra để phấn đấu trở thành một nước cơ bản công nghiệp hoá - hiện đại hoá vào năm 2020 thì những yêu cầu về nhân lực rất lớn, cho nên, cái lo lắng, sốt ruột, không hài lòng về hiện trạng của nền giáo dục là điều dễ hiểu và thực sự chính đáng. Đấy là chưa kể ta nhìn sang các nước trong khu vực và trên thế giới có trình độ phát triển cao thì còn thua kém nhiều. Chúng tôi luôn luôn thấy được vấn đề đó, thực sự luôn cảm thấy lo lắng, thấy những yếu kém, bất cập trong giáo dục, những ý kiến phê phán rất gay gắt cũng có tính hợp lý, và mình phải hiểu được điều đó. Nhưng cũng phải thấy là những đánh giá cũng phải hoàn thiện, phải công bằng, phải đặt trong một hệ quy chiếu nào đó...

Nếu mà so sánh với yêu cầu về nguồn nhân lực đang đặt ra, so sánh với các nước trong khu vực, so sánh với mong muốn của chúng ta thì đúng là có những cái chúng ta không hài lòng, rất sốt ruột. Nhưng nếu so sánh với những gì chúng ta có để làm giáo dục, hoặc là so sánh với một thời gian không xa, khoảng mươi mười lăm năm trước chẳng hạn, thì phải nói là chúng ta có rất nhiều cố gắng, và kết quả chúng ta đạt được tôi nghĩ cũng nên ghi nhận. Tôi nghĩ rằng, đánh giá mỗi một con người, mỗi một sự vật, mỗi một lĩnh vực... thì trước hết phải nhìn thấy mặt được, mặt tốt ở trong đó đã, lấy đó làm nhân tố để khơi dậy, động viên, thúc đẩy người ta. Chứ còn khi anh nhìn nhận một con người mà chưa gì đã nhìn vào những thiếu sót, những bất cập, thì nặng nề quá, không nên! Chúng tôi khi xử lý những công việc bình thường cũng như khi đánh giá các công việc của ngành cũng xuất phát từ quan điểm này.

Mà tôi thấy phần lớn các ý kiến phát biểu phê phán, thậm chí rất gay gắt... thông thường xuất phát từ việc quan sát đánh giá giáo dục ở các thành phố lớn. Chứ còn nếu đi ra các tỉnh miền núi, đặc biệt là những địa bàn khó khăn, quả thực tôi thấy những gì anh chị em giáo viên làm được rất đáng trân trọng. Mình không thể nói các đồng chí còn yếu kém, giáo dục địa phương còn có những vấn đề này, vấn đề kia. Tất nhiên là tôi chưa đi được nhiều, chưa được đến những vùng khó khăn khác, nhưng tôi đã gặp những cô giáo 30-40 tuổi, không có gia đình, không có con cái, thực sự là cả cuộc đời gắn bó với giáo dục. Khi mình bắt tay thì cảm thấy bàn tay thô ráp, và nhiều cô cũng nói là nếu mà rời nhà trường ra thì chúng em cũng không có một nguồn thu nhập nào, tìm một nụ cười trên khuôn mặt của người ta khó lắm... Với những người như thế thì mình đánh giá như thế nào? Mình có nên đem những cái gì ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để phán xét nền giáo dục của các địa phương không?

Thực sự mỗi lần lên trên đó là tôi cảm thấy lỗi trước hết thuộc về mình, nhưng đối với những đồng chí đó, nhất là đối với những địa phương thì mình phải thấy trân trọng, thấy quý. Những cái người ta làm được có lẽ chưa được đánh giá một cách đúng mức. Trong rất nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, việc thấy những yếu kém, những bất cập hiện nay, trách nhiệm của ngành là điều phải làm nghiêm túc, nhưng làm sao cũng phải thấy hết được sự cố gắng, thấy những gì mà chúng ta làm được trong giai đoạn vừa qua. Đây là một sự nghiệp lớn lao lắm, không phải của một bộ, một ngành, càng không phải do một nhóm người, một người có thể làm nên. Đó là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Mỗi gia đình, mỗi một người đều góp phần vào sự nghiệp đó.

- Hình như quan điểm này của Bộ GD-ĐT cũng chưa được tuyên truyền rộng rãi nên ngay cả những nhân tố ưu tú của xã hội như các đại biểu Quốc hội cũng không phải ai cũng hiểu được thấu đáo mọi góc cạnh khác nhau trong nền giáo dục của chúng ta?

- Đó là một trong những điểm yếu trong công tác của ngành. Giáo dục liên quan đến mọi người, mọi gia đình, các tầng lớp xã hội nhưng công tác tuyên truyền, vận động, giải thích làm sao cho nhân dân có được thông tin, nắm bắt được các chủ trương... còn rất yếu. Cho nên nhiều vấn đề người ta nêu lên có phần là do thiếu thông tin hay do thông tin bị sai lệch. Trước hết cái thiếu sót đó là do chính mình!

- Giáo dục là một ngành không tự thân tồn tại, nó tồn tại theo những nhu cầu nhất định của xã hội, và mục tiêu đào tạo ra những sản phẩm của mình cũng là để nhằm đáp ứng những yêu cầu của xã hội. Và nếu có những gì khúc mắc thì phải chăng nên tìm căn nguyên của những điểm mạnh cũng như những điểm yếu của ngành giáo dục trong chính hiện trạng xã hội ta? Ví dụ, xã hội cần loại sản phẩm như thế nào thì dù bộ trưởng có muốn hay không nhưng mặc nhiên ngành giáo dục sẽ hoạt động theo hướng đào tạo ra những sản phẩm theo đúng như thế. Xã hội nếu chỉ cần những trí thức được vũ trang bằng những loại bằng cấp khác nhau thì ngành giáo dục sẽ lập tức cho ra lò hàng loạt ông cử, ông nghè bằng cấp sáng choang nhưng thực chất tri thức, năng lực sáng tạo thế nào chưa ai rõ. Hoặc khi xã hội cần những trí thức thực tài thì giáo dục sẽ chú trọng vào việc đó. Nhìn từ góc độ này, chuyện nảy nòi ra việc quá nhiều bằng cấp hiển nhiên không chỉ là lỗi của ngành giáo dục mà chúng ta phải nhìn sâu xa hơn trong công tác chọn người tài, công tác chọn cán bộ của chúng ta. Ông có đồng ý với ý kiến ấy không?

- Cái ý mà nhà báo nêu ra có điểm rất thật là ở chỗ, giáo dục là đào tạo ra nguồn nhân lực, những con người sống và làm việc trong một điều kiện lịch sử nhất định nào đó. Rõ ràng, xã hội cần một nguồn nhân lực như thế nào thì giáo dục phải định hướng theo cái đó, đó là cốt lõi của vấn đề. Tuy nhiên giáo dục không chỉ có như vậy, có những người học chỉ là để biết thêm, đảm bảo cho chất lượng của cuộc sống cao hơn, nâng tầm hiểu biết của mình lên thôi... Nhưng rõ ràng yêu cầu về nguồn nhân lực là số một. Thực tế xã hội của chúng ta hiện nay có một vấn đề lịch sử là nhu cầu nhân lực xét trên tổng thể với mong muốn của từng cá nhân, từng gia đình còn có những cái chưa trùng khớp lắm. Thí dụ, hiện nay dư luận đang phê phán nhiều về tâm lý coi trọng bằng cấp, nhưng thực ra ngay trong tiềm thức của chúng ta vẫn quan niệm càng học cao càng tốt, tôi nghĩ điều này trong chừng mực nào đó cũng có lý của nó. Nhưng trong điều kiện hiện nay khi đang có những biến đổi sâu sắc cả về mặt kinh tế và xã hội, theo tôi nhận thức đó cũng phải thay đổi. Trước hết, trách nhiệm của ngành giáo dục là làm xã hội hiểu được điều đó. Cái quan trọng của con người được đào tạo ra là làm việc như thế nào, thực chất đóng góp đối với xã hội ra sao, và hơn nữa công tác cán bộ của chúng ta cũng cần có những thay đổi cho phù hợp, nhiều khi hơi nặng quá về vấn đề bằng cấp nên cũng gây những tác động không tốt đối với xung quanh. Tất nhiên, tôi cũng rất thông cảm và chia sẻ với công việc của tổ chức khi cân nhắc đề bạt 2 người cùng vào một công việc nào đó thì chọn người có học thức cao hơn, việc này có lý của nó, nhưng có lẽ nên đi vào thực chất con người như thế vào một vị trí như thế có phát huy được không.

- Ông có cảm giác rằng trong vài năm gần đây, một bộ phận nào đó trong ngành giáo dục của chúng ta đã bị cơ chế thị trường lợi dụng trong việc cấp nhiều bằng cấp cho những người thực chất không xứng đáng. Người tài thực sự thì họ đi sâu vào chuyên môn của họ và không có nhiều thời gian để thực hiện tất thảy những thủ tục hành chính quan liêu để được dán nhãn bằng cấp... Cho nên thông thường những người thực hiện hết những thủ tục đó thì lại không phải những chuyên gia giỏi nhất.  Với cương vị của một người đứng đầu ngành, ông có thấy trách nhiệm của mình trong đó, và liệu chúng ta sẽ làm được gì để khắc phục tình trạng này trong tương lai?

- Nhà báo đề cập đến một vấn đề tôi cho rằng hết sức nhức nhối trong xã hội chúng ta. Khi chúng ta chuyển từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, các ngành đều phải chuyển sang cơ chế ấy, nhưng thực sự trong lĩnh vực kinh tế, tôi thấy rõ ràng chuyện đó thuận lợi hơn, còn các lĩnh vực xã hội thì khó hơn, thực sự mà nói là còn rất lúng túng. Chuyển như thế nào để vừa giữ được mục tiêu XHCN với những gì tốt đẹp của thời kỳ trước, ngay cả trong giai đoạn quan liêu bao cấp cũng không phải tất cả mọi thứ đều dở, có nhiều cái rất tốt và phải duy trì nó. Bên cạnh đó, cũng lại phải thích ứng với cơ chế kinh tế mở, không phải Nhà nước cứ đứng ra bao sân hết tất cả. Không có một nhà nước nào dù mạnh đến đâu đi chăng nữa lại có thể hoàn toàn trang trải hết các chi phí được, phải để các tầng lớp nhân dân tham gia, các thành phần xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục, tức là phải xã hội hoá giáo dục. Phải nói là chủ trương xã hội hoá giáo dục là đúng và chúng tôi hiện nay rất ủng hộ và phải làm mạnh hơn nữa, nhưng do quản lý không chặt chẽ và chưa có kinh nghiệm, thành thử ra có những nơi này nơi kia quản lý lỏng lẻo, dẫn đến việc lợi dụng mong muốn học hành của con em để làm những điều không tốt, mà gọi chung là thương mại hoá giáo dục. Cái này thì không phải 2-3 năm nay mà ngay từ Nghị quyết TW II khoá VIII, tức là tháng 12-1996 đã tổng kết, đánh giá và đưa vào đó, rất nhấn mạnh việc chống lại thương mại hoá trong giáo dục, tức là anh lợi dụng một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích lĩnh vực này để có tính chất làm giàu, việc đó không đúng. Cái này một phần lỗi là do quản lý của ngành chưa nhạy bén, chưa theo kịp, các giải pháp chưa phù hợp, chưa kịp thời, rồi khi phát hiện thì thiếu sự kiểm tra, thanh tra, uốn nắn nghiêm túc, có tác dụng răn đe... Cho tới hôm nay, cái đó vẫn là một bài toán hết sức nan giải. Con người làm giáo dục cái quan trọng nhất là tâm huyết, nhiệt huyết, nhưng tôi cũng không nghĩ rằng người ta bỏ đồng vốn ra mà lại không thu lại một lợi ích nào đó, điều đó là không tưởng, và thực sự nó không khuyến khích được nguồn tài lực. Nhưng mà dừng đến mức nào?

- Có không ít những đánh giá khác nhau về thực trạng của ngành giáo dục hiện nay và cả về chất lượng thực hiện nhiệm vụ của của lãnh đạo ngành. Tôi muốn hỏi rằng trên cương vị Bộ trưởng, cái gì là khó khăn nhất đối với ông trong cơ chế để lại cho ông? Hay là ông cảm thấy tất cả đều thuận lợi, và những gì ông chưa làm được là do yếu tố chủ quan trong con người ông?

- Đánh giá về công việc, về mức độ hoàn thành trách nhiệm của mình được giao đến đâu thì tôi nghĩ là ý kiến của các giới trong xã hội, của công luận rất quan trọng, nhưng dù sao thì còn có những đánh giá chính thức khác, những người mà tôi cho là rất am hiểu công việc, tôi làm được gì, những gì tôi chưa làm được... Đối với những đánh giá chính thức đó, chúng tôi luôn luôn phải theo. Còn mình làm công việc, ngoài trách nhiệm còn theo sự phân công, Đảng phân công, nhân dân tín nhiệm thì mình cố gắng hoàn thành đến mức tối đa. Theo tôi, cái khó khăn lớn nhất bây giờ là giải quyết được mâu thuẫn giữa yêu cầu, mong muốn chúng ta vừa phát triển nhanh, quy mô lớn, có chất lượng cao với khả năng đáp ứng. Khả năng ở đây là  đội ngũ,  là điều kiện vật chất, khả năng quản lý... và nhiều vấn đề khác nữa. Có lẽ mâu thuẫn đó là mâu thuẫn của một quá trình phát triển, với yêu cầu càng cao như thế trong một điều kiện hạn hẹp như vậy thì anh phải phấn đấu làm sao cho tốt. Tôi cho cái đó là có tính bao trùm, là khó khăn lớn nhất hiện nay.

- Cũng không ít người chân chính và có trí tuệ đánh giá rằng con tàu giáo dục đã đến lúc quá rệu rã và ông Nguyễn Minh Hiển được trao nhiệm vụ làm thuyền trưởng. Và  như vậy, trong những điều phê phán Bộ GD-ĐT, ông Hiển cũng bị “oan” rất nhiều. Bất kỳ ai đó không được toàn quyền làm bất kỳ những gì mình khát vọng thì không thể thay đổi được bao nhiêu, ông chỉ có thể chữa chỗ này và lại hỏng chỗ khác. Ông có nghĩ rằng với cỗ máy đó chúng ta phải bỏ hết đi, tháo hết ra và phải bắt đầu từ những chiếc đinh ốc đầu tiên không? 

- Tôi suy nghĩ rằng, và cũng như tôi đã báo cáo ở Quốc hội, thực trạng giáo dục của chúng ta hiện nay không đến nỗi bi quan như vậy. Thật sự mà nói, bên cạnh những yếu kém bất cập thì chúng ta đã làm được nhiều việc. Tôi nghĩ tình hình giáo dục hiện nay có những mặt rất tốt, những nhân tố mới, điều đó rất đáng mừng. Bên cạnh đó, tôi vẫn luôn ý thức được những bất cập, thậm chí như anh nói là rệu rã. Chứ còn đặt vấn đề nó có phải là do cả một quá trình để lại hay không thì tôi nghĩ có lẽ không nên đặt vấn đề như thế, nhất là với cương vị được giao để quản lý ngành thì anh không nên nói rằng việc đó vì quá khứ để lại. Thực sự tôi bao giờ cũng cám ơn các đồng chí đi trước, người ta có những điều kiện lịch sử nhưng những đồng chí đó đều rất cố gắng làm tốt hơn công việc của mình. Tôi luôn tôn trọng những gì các đồng chí đi trước đã làm, và mình cũng đã kế thừa được những điều các đồng chí để lại. Có thể có ý kiến này, ý kiến kia thì mình lắng nghe tất cả, nhưng trong suy nghĩ thì không bao giờ tôi trách cứ một ai. Trước hết là trách mình cái đã. Tôi cũng hy vọng là với thời gian sau này nữa, các đồng chí đảm nhận công việc thay chúng tôi thì mình cũng chỉ có thể nói những ý kiến ủng hộ cho họ thôi, chứ trong suy nghĩ không bao giờ có chuyện nói thời kỳ mình đã làm những việc này việc kia, còn bây giờ là dở quá. Thực sự là tôi rất chân tình đấy!

- Tư duy và lời cám ơn của ông trên cương vị Bộ trưởng, có lẽ đấy là đạo đức của người Việt. Nhưng đôi khi việc đó lại gây ra rất nhiều cản trở, chúng ta phải phân định rõ ràng thời gian của người đi trước là như thế nào. Có thể lớp người đi trước để lại những sai lầm, mà đôi khi sai lầm của người đi trước để lại hậu quả có thể kéo dài tới tận 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Cũng như chuyện “tứ đại đồng đường”, đôi khi bốn thế hệ ở với nhau trong một gia đình thì có vẻ như tuân thủ nếp đạo đức hơi phong kiến của người phương Đông, nhưng thực ra đôi khi việc này cũng gây nên phiền nhiễu vô cùng. Tất nhiên, người đi sau là Bộ trưởng thì có thể cám ơn sai lầm của người đi trước đã chỉ ra và chúng ta sẽ không đi vào con đường đó nữa... Nhưng nếu chúng ta không chỉ rõ trách nhiệm của từng thế hệ thì những người đang phải chèo lái con thuyền giáo dục dễ bị oan lắm. Thực sự là lâu nay Bộ GD-ĐT đã bị phê phán quá nhiều, và có lẽ cũng có những phần oan. Vậy trong những lời phê phán ấy, theo ông, Bộ GD-ĐT bị oan bao nhiêu và cá nhân ông trên cương vị Bộ trưởng bị oan bao nhiêu?

- Quả tình mà nói người này người kia phê phán tôi là hơi phong kiến một chút, nhưng thực sự mà nói tôi thấy chuyện tôn sư trọng đạo trong nghề giáo quan trọng lắm. Mình phải cám ơn những người đi trước. Chúng tôi có ngày hôm nay thực sự là có phần rất quan trọng gây nền móng của các đồng chí đi trước, còn phán xét cụ thể như thế nào thì tôi thấy nên để cho xã hội, nên để cho những người khác có khoảng cách rộng ra một chút nhìn thấy vấn đề nêu lên, như thế khách quan hơn. Tôi chưa bao giờ đặt ra vấn đề xem xét xem cái gì là do quá khứ để lại, cái gì là do mình. Tất cả những gì đương xảy ra hiện nay đều có bộ trưởng chịu trách nhiệm. Có thể có những việc trước đây làm chưa được thì đáng ra anh phải giải quyết cho tốt hơn. Quả tình điều đó cũng như là những quan hệ hàng ngày trong đời sống xã hội, nhiều khi mình bị phê bình là hiền lành quá, có vẻ một chiều quá... Nhưng như tôi đã trình bày với các anh, tôi bao giờ cũng nhìn nhận con người ta trước hết ở mặt được, thậm chí cả những người rất gay gắt đối với mình thì biết đâu trong con người ta còn có những cái gì rất hay mà mình chưa tìm, chưa học được hết. Thôi, thì mình cứ bình tĩnh lắng nghe kiên trì, anh thực sự cầu thị thì tôi nghĩ cuối cùng dư luận xã hội cũng hiểu.

- Ông có cảm giác rằng ông là một người quá mát tính? Và như người ta nói làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng như là làm chính trị, không phải lúc nào cũng đeo găng trắng được. Và trong thời điểm hiện nay, với sự tích luỹ những hệ lụy của bao nhiêu đời bộ trưởng, chúng ta thực sự có một số vấn đề về mặt cơ chế, về đội ngũ; và cũng đã đến lúc theo nhu cầu của Đảng và Nhà nước cần một nguồn nhân lực rất mới, rất giỏi để đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hoá-hiện đại hoá, nhu cầu hội nhập kinh tế-quốc tế... Vậy nên chúng ta cần có những cuộc cải cách tương đối, đôi khi hơi đau đớn trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Nếu chúng ta dịu dàng quá, nói như Olga Berggoltz là “dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi” thì...

- (Cười): Tôi nghĩ rằng có lẽ tôi cảm nhận được ý đó. Thực sự tôi bao giờ cũng nghĩ mình là thầy giáo, 21 năm giảng dạy đại học, cái đó lớn lắm, in dấu vào cả phong cách làm việc, cả suy nghĩ... Hơn nữa gia đình tôi cả hai bên tuyệt đại đa số đều là giáo viên cả... Đúng là đứng trước một trách nhiệm rất lớn thì đòi hỏi người lãnh đạo cũng phải có những quyết định nhiều khi rất đụng chạm, và tôi cũng cố gắng làm điều đó, nhưng dù sao đi nữa trước khi xử lý, trước khi làm một vấn đề gì tôi hết sức cân nhắc. Thực sự mà nói bao giờ bên cạnh cái lý thì phải có cái tình bên trong, mà tôi cũng rất tiếc là có một số trường hợp vì mình quá thiên về cái đó mà dẫn đến những cái mình phải chịu những hậu quả... Nhưng mà tính con người rất khó thay đổi, mình cũng không nên thay đổi khiến mình trở thành một con người hoàn toàn khác, xa lạ với những suy nghĩ của mình...

- Tính cách đó có lẽ đã giúp ông đi qua được dư luận không thuận chiều, những sự phê phán dữ dội trên báo chí. Trong thời gian vừa qua, ông chắc đã có những lúc hết sức mệt mỏi. Trong những lúc mệt mỏi nhất, ông thường nghĩ gì và làm gì?

- Hết sức cảm ơn nhà báo vì những chia sẻ mà tôi ít khi được nghe, cái đó chỉ có ở những người bạn... Tôi rất ngại phải nói điều đó lên báo chí, ngay cả những người có liên quan trực tiếp đến mình, dù là đang làm việc hay đã làm việc với mình, dù là ủng hộ hay chống đối lại mình... thì tôi bao giờ cũng tránh việc đó. Dù sao cũng là những người đã cùng làm việc, tôi không nỡ nói lại những điều đáng lẽ tôi... nói thật là nó ngược hoàn toàn với những gì đã xảy ra trong thực tế. Có lẽ có những đồng chí trong Bộ biết có những sự kiện người ta làm um lên, tưởng là những việc rất lớn, nhưng thực chất là do cách giải quyết của chúng tôi, của tôi thì đúng hơn, là muốn thu xếp cho đồng chí đó có thể phát huy những mặt mạnh, cái mặt không mạnh lắm thì thôi, chứ đâu phải là anh tự “từ quan”. Nhưng mà chuyện đó người ta nêu thành một cái rất lớn, một sự kiện gì đó trong ngành giáo dục. Thế còn đúng là đứng trước những dư luận, những phê phán, có những cái tôi thực sự buồn vì mình hoàn toàn không có. Tôi có thể bị anh em phê phán về công việc, về những giải pháp, về cách quản lý, về thời gian thế nọ thế kia nó không trúng, không phù hợp, nhưng tôi tin tất cả anh em làm việc với tôi đều phải thấy có những điều tôi không bao giờ có: rất quan cách chẳng hạn, rồi dung dưỡng một bộ máy hết sức tùy tiện, thế nọ thế kia, rồi thậm chí người ta vẽ như là tham nhũng...

Cũng có những chuyện như thế, và mình rất đau lòng. Người ta không thể nói như thế được! Nhưng mà phải nói cuộc đời mỗi con người đều phải trải qua những giai đoạn thăng trầm, mỗi người đều có những nỗi khổ riêng, cho nên mình cũng đừng đem nỗi khổ đó để cho người khác phải khổ, vì khi mà anh có gì đó ác ý với người khác, anh đánh đến mức không gượng dậy được thì chính có lúc rồi anh cũng sẽ bị như thế. Trong cuộc đời con người có phải ai cũng thuận lợi từ đầu đến cuối đâu? Khi hôm nay anh làm cái gì đó không đúng với người ta, dù có khi chỉ là sự ác ý vô tình thôi, nhưng nó gây đau cho người khác. Chính điều đó trái với lương tâm của mình. Tôi cũng hiểu là bản thân tôi cũng như người khác, lúc này thuận lợi, lúc khác không thuận lợi, thì cần có một sự chia sẻ, cảm thông. Tôi vẫn nói triết lý sống là nhìn cái nhân bản, cái tốt của con người, và đặc biệt là đừng đem thêm nỗi khổ đến cho người khác. Còn những lúc ấy thì trước hết tôi nghĩ đến gia đình, đến bạn bè. Gia đình, bạn bè là những người hiểu tôi hết tất cả, và tôi rất tin.

Nói chung, tôi thường hỏi bạn bè, gia đình, người thân. Hôm nay chức vụ này, ngày mai tôi có thể trở về với cuộc sống bình thường, nhưng mà tình cảm gia đình, bạn bè sẽ còn mãi, tôi hết sức giữ gìn và trân trọng. Khi một người bạn nói rằng làm việc đó là không nên, rất là dở thì tôi thấy ngay, còn nếu nói việc đó là đúng, cứ thế mà làm thì tôi rất tin. Tất nhiên làm công tác quản lý thì mình phải hết sức lắng nghe các ý kiến khác nhau, nhưng thực sự mà nói gia đình và bạn bè là chỗ dựa rất lớn, nếu không có cái đó thì có những lúc mình cũng quỵ, anh làm sao mà chịu đựng được tất cả những thứ như thế?

H.T.Q.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文