Nguyễn Khoa Đăng: Nhà văn khóc với nhà nghèo!

07:31 29/09/2015
Vốn là một giáo viên ở Thái Bình nổi tiếng với bài thơ được phổ nhạc rất quen thuộc: “Em đi giữa biển vàng, nghe mênh mang trên đồng lúa hát, hương lúa chín thoang thoảng bay, làm lung lay hàng cột điện, làm xao động cả hàng cây”, sau khi đất nước thống nhất, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng chuyển vào công tác tại Hội Văn nghệ Kiên Giang.

Mảnh đất cực nam Tổ quốc không chỉ cho ông thêm nhiều cảm hứng sáng tạo, mà còn cho ông cơ hội tiếp xúc với ngành Tòa án để có được tác phẩm “Khóc cười trước vành móng ngựa” khá độc đáo. Tổng cộng nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã ra tòa 216 lần để bào chữa cho những người nông dân nghèo!

Không lẽ nhà văn Nguyễn Khoa Đăng cũng có thẻ hành nghề luật sư? Không, ông chỉ đơn thuần là một người cầm bút, nhiều năm làm Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Kiên Giang. Dịp 2/9/1989, trong một cuộc mít tinh kỷ niệm Quốc khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Nguyễn Tấn Dũng đã gặp riêng nhà văn Nguyễn Khoa Đăng và bảo: “Tỉnh ta chưa có Đoàn Luật sư, nên có rất nhiều người dân ra tòa mà không nhận được sự hỗ trợ tư pháp nào. Tôi muốn mời anh tham gia Đoàn bào chữa viên!”.

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng lúng túng: “Tôi có được học hành gì về ngành luật đâu, làm sao đảm đương được!”. Vị Chủ tịch tỉnh tiếp lời: “Tôi đã tham khảo ý kiến của Mặt trận Tổ quốc rồi, nhiều người giới thiệu anh. Tôi cũng đã đọc nhiều tác phẩm của anh, cách lập luận của anh rất chặt chẽ và có lý có tình. Tôi tin anh có khả năng làm bào chữa viên!”. Trước sự chân thành của vị lãnh đạo, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đành nhận lời, dù bụng bảo dạ rằng mình chỉ ghi tên cho có, chứ dễ gì được ra tòa.

Cuối tháng 9/1989, với tư cách Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Đoàn bào chữa viên tỉnh Kiên Giang, gồm 20 người. Những người tham gia Đoàn bào chữa viên phần lớn là giáo viên, công chức đang công tác ở các ban ngành. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng nhận danh sách ấy, và rất an tâm với vai trò… dự bị. Thế nhưng, chỉ chừng 10 ngày sau, khi đang rung đùi ngồi mần… thơ ở Trụ sở Hội Văn nghệ Kiên Giang, thì Nguyễn Khoa Đăng nhận được hồ sơ của Tòa án nhân dân huyện Kiên Lương yêu cầu bào chữa cho một bị cáo bị truy tố tội danh “xúc phạm mồ mả người chết”. Dù cái quạt trần vẫn quay vù vù, nhưng mồ hôi Nguyễn Khoa Đăng cứ đầm đìa hết giọt ngắn lại giọt dài.

Sau một hồi suy nghĩ, Nguyễn Khoa Đăng vội vàng đến bên máy điện thoại và bấm số văn phòng Ủy ban tỉnh: “Ông Chủ tịch ơi, tui là người cuối cùng trong danh sách bào chữa viên, mà sao… chưa gì đã phải ra tòa rồi!”. Đầu dây kia nghe rõ giọng cười của ông Nguyễn Tấn Dũng: “Chính tôi gợi ý Trưởng đoàn bào chữa viên để anh làm tiên phong!”. Nhà văn càng hoảng hốt: “Ôi, người lơ ngơ, mơ mộng như tui làm sao xuất quân đầu tiên được. Không khéo vừa trông thấy hội đồng xét xử thì tui đã á khẩu!”.

Vẫn giọng cười như ban nãy: “Anh cứ bình tĩnh. Tôi đã tiếp xúc với tất cả 20 người trong đoàn bào chữa viên rồi, anh là người mà tôi hy vọng nhất. Anh có nhớ khi tôi còn làm Bí thư Hà Tiên không? Có lần anh đi thực tế sáng tác xuống đó, đã có một buổi trò chuyện với tôi về chuyện mở đất và chuyện luật lệ Gia Long. Chứng tỏ anh có hiểu biết nhất định, và anh sẽ làm được!”.

Quả nhiên, phiên tòa ấy, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng bào chữa rất rành mạch. Tiếng lành đồn xa, Nguyễn Khoa Đăng bỗng nổi danh… thầy cãi ở xứ Kiên Giang. Với chiếc xe máy cà tàng, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng với vai trò mới nghe rất oách là bào chữa viên, đã đi khắp các huyện Tân Hiệp, Châu Thành, Kiên Hải, Gò Quao, An Biên… để giúp đỡ những người dân nghèo khi đứng trước vành móng ngựa. Thẩm phán tòa án huyện hay tòa án tỉnh đều biết đến ông, và luôn xem ông như một cộng sự uy tín cho quá trình thực thi pháp luật trong giai đoạn Kiên Giang chuyển mình cùng đất nước đổi mới.

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đúc kết kinh nghiệm: “Mỗi khi tôi nhận một vụ kiện thì thức trắng mấy đêm để tìm đọc các văn bản pháp luật. Một điều nữa giúp tôi có động lực làm thầy cãi vì tôi thấy đây là công việc gắn bó với số phận con người sâu sắc. Có những cuộc đời nhiều ngã rẽ và trắc trở đến mức dù giỏi đến đâu cũng không tưởng tượng được! Những người phạm tội, có khi vì nông nổi mà cũng có khi vì không am tường pháp luật. Khi đối diện với hội đồng xét xử, họ cần có người đồng hành để nói ra sự thật mà chỉ có họ mới thấu đáo!”.

Suốt 4 năm có mặt trong Đoàn bào chữa viên tỉnh Kiên Giang, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã tham gia cãi 216 vụ án. 216 lần ra tòa, đối với ông là 216 lần suy tư, vì thân chủ của ông đều là những người nông dân ít học và túng bấn: “Tôi hãnh diện những ngày tháng tôi đã làm thầy cãi giùm những con người lam lũ và nghèo khó ấy!”. Nói về một vụ án khó quên nhất, bào chữa viên thuở nào Nguyễn Khoa Đăng liền nhắc một đối tượng bị phán xử tử hình vì hành vi giết chết bốn mạng người.

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng khi làm bào chữa viên tại một phiên tòa ở Kiên Giang.

Khi kết thúc phiên tòa, bị cáo đã khoanh tay thưa với người bào chữa: “Em cảm ơn luật sư. Luật sư không cãi cho em khỏi tội chết, nhưng đã giúp em nói với mọi người là bản chất em không xấu xa và tàn nhẫn. Em phạm tội chỉ vì bị kích động quá mức...”. Sau ngày đối tượng bị thi hành án, người ta thấy trên vách phòng giam tử tù có mấy câu viết bằng máu: “Xin cám ơn ba má và xin cám ơn ông Nguyễn Khoa Đăng”.

Ngược lại, cũng có trường hợp khiến bào chữa viên như nhà văn Nguyễn Khoa Đăng cũng bất ngờ. Đó là vụ án một phụ nữ bị truy tố tội danh “chống người thi hành công vụ”. Người đàn bà này có đứa con trốn lệnh truy nã, nửa đêm mò về nhà. Bản năng người mẹ đã khiến bà che chở và giấu kín đứa con. Khi công an đến vây bắt, bà đã la lên để con trai bỏ chạy.

Ngày Tòa án nhân dân huyện Hòn Đất xét xử, bào chữa viên Nguyễn Khoa Đăng kiến nghị hội đồng xét xử nên dành cho bà mức án treo, cũng đã đủ sức trừng phạt và răn đe, vì hành vi của bà xuất phát từ tình thương của một người mẹ.

Tòa tuyên “8 tháng tù treo”, Nguyễn Khoa Đăng tưởng thân chủ vui mừng lắm, ai dè người đàn bà kia đi đến trước mặt ông tuôn luôn một tràng: “Tui mời ông làm thầy cãi để cho tui được nhẹ tội đi, sao ông lại khiến tui bị nặng tội thêm. Người ta thì tù giam, còn tui thì tù treo. Ngồi tù đã khổ, mà tui còn bị treo lên xà nhà. Mà treo có ít đâu, treo ròng rã suốt 8 tháng thì thân già của tui sao chịu nổi. Trời ơi trời! Tui đã chuẩn bị một cặp gà rất mập, dự định sau phiên tòa sẽ mang đến cho ông. Bây giờ tôi không cho nữa. Ông là đồ ác độc!”.

Nói xong, đối tượng ôm mặt khóc rưng rức, khiến cả người dự khán lẫn cảnh sát hỗ trợ tư pháp đều bật cười. Trớ trêu quá, chủ tọa phiên tòa đành phải giải thích thế nào là tù giam, thế nào là tù treo. Nghe ra, người đàn bà được hưởng án tù treo, liền lau nước mắt: “Xin lỗi luật sư, ngày mai tui mang cặp gà đến cho ông!”.

Suốt thời gian làm bào chữa viên, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng rất được những người công tác trong ngành tòa án quý mến. Thậm chí, nhiều vị thẩm phán còn cho ông mượn sách luật để trau dồi thêm kiến thức. Thế nhưng, có một chuyện khiến nhà văn Nguyễn Khoa Đăng không bao giờ quên. Đó là phiên tòa ở Tòa án nhân dân huyện Giồng Riềng, xét xử tranh chấp sở hữu một ngôi nhà. Bên nguyên đơn có tiền, mời luật sư trên TP Hồ Chí Minh xuống. Còn bên bị đơn nghèo, đành nhờ Nguyễn Khoa Đăng.

Ông bào chữa viên không bằng cấp đã “đấu” với ông luật sư chuyên nghiệp rất quyết liệt, phiên tòa mấy lần ngắt quãng vì những tiếng vỗ tay ràn rạt. Kết thúc phiên tòa, trời đã xế chiều, Nguyễn Khoa Đăng hối hả leo lên xe rồ ga phóng đi vì nhà ông cách xa nơi xét xử gần 40 cây số. Đang bon bon, bỗng nghe ai gọi phía sau, Nguyễn Khoa Đăng quay lại, thì ra vị thẩm phán vừa ngồi ghế chủ tọa phiên tòa. Nguyễn Khoa Đăng hơi giật mình, không biết lúc tranh biện hăng say có thái độ gì khiếm nhã với hội đồng xét xử không? 

Vị thẩm phán đến gần, dúi vào túi áo Nguyễn Khoa Đăng một cái phong bì: “Nghe danh của anh đã lâu. Anh cãi hay lắm. Em có chút ít gửi anh đổ xăng!”. Khi bóng dáng vị thẩm phán khuất xa, Nguyễn Khoa Đăng vẫn chưa hết ngạc nhiên khi mở cái phong bì thấy có 50 ngàn đồng. Nhiều năm gắn bó với tòa án, Nguyễn Khoa Đăng thừa biết thu nhập của các thẩm phán cấp huyện rất khiêm tốn. Số tiền này có lẽ là thù lao cả một tuần cầm cân nảy mực của vị thẩm phán nọ. Vốn nhạy cảm, nhà văn ứa nước mắt trước tình người giản dị và phóng khoáng!

Năm 1993, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng và gia đình chuyển lên TP Hồ Chí Minh sinh sống. Từ trải nghiệm làm bào chữa viên, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã viết tiểu thuyết Bị cáo ở hồ Uyên Ương và tập bút ký Khóc cười trước vành móng ngựa. Hiện tại, ở tuổi 75, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng vẫn miệt mài sáng tác, mà hai tác phẩm gần đây của ông là Nước mắt một thời và Hoàng hôn lạnh được công chúng yêu mến và được đồng nghiệp đánh giá cao.

Lê Thiếu Nhơn

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Theo thống kê từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dự kiến lượng khách qua bến xe gia tăng. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tổng lượng xe tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8/2024 chúng ta sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải”. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000-500.000ha. Ở giai đoạn 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hôm 28/4, tỷ phú Elon Musk đã bất ngờ tới Bắc Kinh và gặp gỡ Thủ tướng Lý Cường. Đây là lần thứ ba ông Elon Musk đến Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới, trong vòng chưa đầy một năm. 

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, những cái chết đau đớn do tự hủy hoại bản thân của học sinh, sinh viên liên tiếp xảy ra, đang trở thành nỗi ám ảnh đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, nếu gia đình và nhà trường không có giải pháp hỗ trợ kịp thời thì ý nghĩ tự tử trong giới trẻ sẽ có dấu hiệu gia tăng.

Trong trận đấu với Tottenham tại vòng 35 giải Ngoại hạng Anh 2023/2024 diễn ra tối 28/4 (giờ Việt Nam), Arsenal đã dẫn trước tới 3-0 trước đối thủ nhưng suýt chút nữa đánh mất chiến thắng khi để đối thủ ghi liền 2 bàn trong hiệp 2.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文