Nguyễn Vĩnh Tiến: Bóng nắng trên đường làng?

08:34 05/07/2020
Tôi có 2 kỷ niệm đặc biệt với Nguyễn Vĩnh Tiến. Cả hai kỷ niệm đó khiến cho tôi và Tiến cùng ở một thành phố, cùng sinh hoạt Hội Nhà văn Việt Nam và thậm chí là tôi thích thơ, nhạc, hội họa của Nguyễn Vĩnh Tiến mà tôi vẫn ngần ngại gặp.


Kỷ niệm thứ nhất: Hồi còn viết bài cho Tạp chí Tia Sáng, tôi được giao viết về một kiến trúc sư (KTS), cụ thể là Nguyễn Vĩnh Tiến. Tôi gặp Tiến cùng một KTS khác, thấy cả hai cùng trẻ quá, chưa đầy 30 tuổi, nhất là dáng vẻ chả giống một KTS mà tôi hình dung. Chắc từ tâm lý đó nên tôi đặt một câu hỏi ngớ ngẩn và lập tức nhận được một câu trả lời thâm thúy của Nguyễn Vĩnh Tiến khiến tôi giật mình... 10 năm chưa hết.

Kỷ niệm thứ hai: Trong một chuyến đi dã ngoại dự Hội nghị Viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi không biết trên xe có Nguyễn Vĩnh Tiến, một số người hỏi tôi nghĩ thế nào về bài hát Bà tôi đang rất nổi tiếng, họ nghi ngờ Nguyễn Vĩnh Tiến không hiểu nhạc lý. Tôi bảo đây chỉ là một thành công tình cờ, một ám ảnh tuổi thơ và là những âm thanh ngẫu nhiên được sắp đặt bởi một bản năng, một năng khiếu trời cho mà thôi... Trên xe nhiều người im lặng, không biết có ai cười thầm cái sự chủ quan của tôi. Tôi thao thao bất tuyệt, xong, thì xe dừng để mọi người xuống uống nước, tôi thấy Nguyễn Vĩnh Tiến đi qua tôi với một sự im lặng, chịu đựng...

Bạn đã bao giờ mắc phải 2 điều khủng khiếp ấy chưa? Tôi đấy. Nó khủng khiếp đến nỗi mà 20 năm qua mỗi lần gõ phím viết bài, tôi đều nhớ đến. Và nó, chính nó, giúp cho tôi làm nghề được như hôm nay, nói cái gì, viết cái gì phải công bằng không chỉ được dựa vào cảm tính...

Dĩ nhiên, đó phải là với Nguyễn Vĩnh Tiến, người đã có thơ Con gà trống từ 12 tuổi và cho đến giờ có đến vài trăm bài mà dường như bài nào cũng hay một cách... sửng sốt. Hay vì sự giản dị, viết cứ như không, chữ như cỏ cây sẵn có ven đường, Tiến chỉ cần cúi xuống nhặt lên, đặt cạnh nhau mà chữ nào cũng xanh, đọc lên thấy rưng rức, thấy bỏng rẫy, thấy mắt mũi có gì cay nồng. (Bạn chỉ cần đọc một bài thôi: Bố tôi Cẩm Khê, mẹ tôi Hoài Đức là thấy những gì tôi nói còn chưa tới. Trong đó có câu: ...“Tôi thì từ thuở biết đi/ Đến giờ vẫn chiếc bút chì giắt tai/ Dao sắc mà chẳng dám mài/ Vì tan nát cỏ trong ngoài miếu môn...”.

Trong câu thơ này ta thấy rõ nhất chân dung Nguyễn Vĩnh Tiến, giản dị khiêm tốn đấy mà tự tin ngạo cốt thế đấy... Chiếc bút chì chính là Nguyễn Vĩnh Tiến, một người tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 1996 (22 tuổi) và Cao học Pháp ngữ chuyên ngành Thiết kế đô thị với di sản và phát triển bền vững (Toulouse-Hà nội 2001-2004) - học bổng của Bộ Văn hóa Pháp 2003 và con dao sắc tài năng cũng là anh, sắc có đến mấy cũng chả làm gì được...

Chỉ sau ít năm bài phỏng vấn không thành kia, tôi đã thấy một Nguyễn Vĩnh Tiến với danh sách dài những công trình mà anh đã thiết kế hoặc tham gia, chủ trì thiết kế, rồi còn từng là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng Hạ tầng Việt-Pháp, còn tham gia các hoạt động về quy hoạch đô thị với đề tài liên quan đến đô thị đa cực, đến mô hình thành phố trong tương lai. Và, nếu kể đến giải thưởng thì rất khó vì khá nhiều, ngắn gọn nhất cũng là: Giải nhất Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC 1994 về đề tài Kiến trúc cổ Việt Nam, Giải nhất Nghiên cứu khoa học Bộ Giáo dục và Đào tạo 1994, Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo 1994, được chọn là một trong 10 gương mặt trẻ xuất sắc của Việt Nam năm 2005...

Thơ, ca, nhạc, họa…

Trường Đại học Kiến trúc quả là một cái nôi sản sinh ra rất nhiều người đặc biệt. Trường có nhiều ban nhạc, nhạc sĩ, ca sĩ mà tác phẩm của họ chẳng thua kém dân chuyên nghiệp, lại có phần sinh động bởi trẻ, ngầu và cái khả năng phá đám sự mô phạm, cổ hủ, trì trệ của cánh văn nghệ đã từ lâu ngủ quên trong ảo giác...

Nghệ thuật tạo hình của kiến trúc luôn thúc đẩy cảm xúc của các KTS đến với lĩnh vực khác nhưng Nguyễn Vĩnh Tiến thì vượt trội hẳn. Không phải đến khi Bài hát Việt 2005 trao giải cho Nguyễn Vĩnh Tiến bài Bà tôi thì tôi mới nhận ra đó là bài hát đã "vượt qua hết rào cản của kỹ thuật để chiến thắng bằng cảm xúc rất lớn của tác phẩm mà bài hát sau đó là Giọt sương bay lên được chọn là “có phong cách dân gian đương đại nổi bật nhất" của Bài hát Việt 2005 đã làm tôi hoàn toàn nể trọng một hiện tượng Nguyễn Vĩnh Tiến...

Âm nhạc đã vậy, viết bài hát, tự hát hay nhất những bài hát của mình, sử dụng tốt ghi-ta và tự tổ chức show diễn cho nhóm thời sinh viên và cho bản thân mình một show hoành tráng: Cắt tiền duyên thành công  lớn về nghệ thuật tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm vừa rồi, Nguyễn Vĩnh Tiến còn vẽ như một họa sĩ thực thụ. Những bức tĩnh vật màu nước của Nguyễn Vĩnh Tiến đẹp và có sức hấp dẫn như thơ và nhạc của Tiến vậy...

Người Phú Thọ?

Tôi quen nhiều người sinh ra và lớn lên ở đất Phú Thọ. Họ có nhiều tố chất lạ, từ anh nông dân đến chị gồng gánh chạy chợ bán hàng, người nào cũng có giọng, cũng thích hát và hát hay. Nhiều người hiện đang là phát thanh viên truyền hình, là nhà thơ của các báo văn...

Nguyễn Vĩnh Tiến cũng sinh ra trong một gia đình tương tự, bố là nhà thơ, chú là nhạc sĩ ca sĩ biên chế của Văn công Quân khu 2 nhưng Tiến thừa hưởng tất cả, nổi trội hơn cả. Anh còn theo gương mẹ. Bà vốn là chuyên gia y tế ở Algeria, bà giỏi tiếng Pháp. Tiến đi học tiếng Pháp và thi thoảng hai mẹ con nói chuyện bằng tiếng Pháp. Sau anh thi cao học và đoạt học bổng của Chính phủ Pháp... 

Song, Phú Thọ không phải nhà nào cũng trọng sự học và bản lĩnh để học bằng được như nhà Tiến. Bố cũng đi bộ đội nhưng vất vả mấy thì đã có thơ làm bạn đồng hành, khi hết chiến tranh, ông về với mảnh vườn vui tiếng gà trưa, vạt nắng chiều. Tiến là anh cả trong gia đình có 3 anh em. Chắc hẳn ý chí và khát vọng của một nhà thơ và một chuyên gia y tế đã khiến cho 3 người con của họ đều chọn ngòi bút, trang sách làm hành trang vào đời. Em gái Tiến cũng là KTS, em gái út là tiến sĩ từng làm việc ở Đức, giờ làm việc cho Đức trong lĩnh vực địa hóa môi trường. 

Về sáng tác, ngay từ thuở ban đầu, Nguyễn Vĩnh Tiến đã có ý thức tẩy chay cái nhàm chán, kiên quyết chống lại cái cũ. Anh là sáng lập viên nhóm thơ Hoa Lạ (1992) chủ trương đổi mới thơ, đi sâu vào những "những phi lý", đề tài thường pha trộn giữa con người và hiện tượng, sự vật, đề cao tính tượng trưng và ẩn dụ trong thơ ca, chú trọng yếu tố lạ và độc đáo.

Nhưng, trong đời thường, Nguyễn vĩnh Tiến lại chọn hình thức sống gia đình truyền thống. Do làm việc ở Hà Nội, anh đưa bố mẹ từ Phú Thọ về, sống cùng như cách mọi gia đình Việt Nam: con trai cả phụng dưỡng cha mẹ nhưng anh vẫn giữ nhà của bố mẹ trên Phú Thọ, còn phát triển thêm để vừa có chỗ cho giấc mơ kiến trúc chỗ ở xanh, có không gian thơ mộng vừa giữ được ngôi nhà của ký ức...

Gặp lại…

Tôi đã viết nhiều chân dung văn nghệ sĩ, cũng nhiều lần tôi định viết về Nguyễn Vĩnh Tiến, lần gần đây nhất là 2018, khi tôi đang ở Mỹ. Nhớ nhà, tôi giở các đĩa hát Việt mang theo của: Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Đông, Phó Đức Phương, Trần Tiến... Nhưng rồi mấy người Việt trẻ từ tận Cali đến chơi, hỏi có CD VOL 1 Giọt sương bay lên của Nguyễn Vĩnh Tiến không, cho họ nghe.

May quá, tôi có mang theo bản phát hành năm 2007 với 7 ca khúc được trình bày qua giọng hát Ngọc Khuê và phần phối khí của nhạc sĩ Phan Cường. “Này là gió cuốn mây trôi đưa tôi về làng/ Này là bóng nắng liêu xiêu theo tôi đường làng/ Làng tôi quanh co quanh co quanh co có sợi rơm khô/ Nhớ làng tôi từng dòng mương xanh bay bay bay bay...”. Hôm đó là một ngày xúc động. nỗi nhớ nhà bùng lên, nước mắt thi nhau chảy. Cùng với Bà tôi, tác giả của nó đã được mọi người nhắc đi nhắc lại, chả khác nhắc đến... các vị anh hùng.  

Qua Facebook, tôi nhắn. Tiến đáp lại, hẹn lịch gặp. Tới nơi, thư ký của Tiến xuống sảnh của tòa nhà Daewoo đón. Tôi cũng có bạn làm việc tại đây nên biết, giá thuê mặt bằng rất đắt, 30 USD/m2, Tiến hiện là KTS trưởng Tập đoàn Hasco, có văn phòng ở tầng 4. Chỉ cần thế đủ biết công việc và vị trí của Nguyễn Vĩnh Tiến hiện nay là như thế nào.

Nói vui một tí thế này, người đời thường thấy văn nghệ sĩ là những người nửa điên dại, nửa thiên thần, túi rất rỗng nhưng óc rất đầy, nói chung là nghèo vật chất nhưng tinh thần thì... bay bổng chả có điểm dừng. Nguyễn Vĩnh Tiến cho ta thấy một hình ảnh khác hẳn. Vẫn trẻ đấy, vẫn hóm hỉnh và sắc sảo đấy, nội lực mạnh hơn, một đời sống đầy đủ hơn nhưng dường như bình thản hơn và dễ gần hơn.

Tôi chợt nhận ra, lỗi của tôi ngày xưa cũng có một phần của Tiến, còn bây giờ, chắc Tiến quên hẳn chuyện cũ khó chịu mà tôi gây ra đó rồi. Trước mắt tôi là một người giản dị trong sự sang trọng... Để kết thúc một bài viết với định lượng chữ cố định, tôi đành phải dừng ở đây và mượn mấy câu thơ của Tiến, chứ lẽ ra tôi còn phải viết rất dài:

“...Hồn giang hồ nhón gót canh khuya/ ...Rượu như rắn bò trong cổ họng/ Anh em về nọc độc rưng rưng.../ Em ơi nông cạn đã từng/ Sao không đợi mùa quả chín/ Anh vít mùa thu cành bịn rịn/ Giờ ngồi trơ khấc vết dao khuya...“ (Hồn Giang hồ).

Hay: “Sách vừa rơi khỏi tay/ Quên hết chữ vừa đọc/ Chỉ thấy ngày khó nhọc/ Xếp hàng diễu hành qua/ Lại một mình sân ga/ Chuyến thời gian xuôi ngược/ Không ai đợi bên cầu/ Mà rung rinh bóng nước...” (Bóng ngày khó nhọc)

Nguyễn Vĩnh Tiến có 4 người con, gái lớn đỗ thẳng Đại học Kinh tế quốc dân. Gái sau đang sắp thi đại học và gái 3, 4 còn nhỏ. Tôi nói đùa “Tiến đã thiết kế một cuộc sống rất độc đáo...”. Tôi vẫn nghĩ, không bao giờ là dễ dàng cho một cuộc sống chung với nhiều thành viên xu hướng khác nhau, nhất là đối với văn nghệ sĩ - những người dồi dào nhu cầu sáng tạo, thiết kế/tạo dựng thế nào để mỗi thành viên được lựa chọn sống tự do mà vẫn đủ điều kiện vật chất cũng là một xu hướng của cuộc sống hiện đại.

Trần Thị Trường

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文