Nhà báo Chánh Trinh: Phong lưu không cần danh thiếp

16:21 21/04/2016
Trong nội các Việt Nam Cộng hòa những ngày cuối cùng tháng 4-1975, có một nhà báo đảm nhiệm cương vị Tổng trưởng Thông tin là Lý Quí Chung, sau này nổi tiếng với bút danh Chánh Trinh.


Làm báo ở hai chế độ khác nhau, Chánh Trinh vẫn mang đậm phong cách tri thức Nam Bộ, chân thành và phong lưu. Nhà cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng từng nhận định về nhà báo Chánh Trinh: “Anh đại diện – nếu hiểu chữ đại diện theo nghĩa chẳng ai bầu mà là sự đương nhiên – cho lớp trung gian của xã hội, trung gian cả về kinh tế lẫn chính trị”.

Chớp mắt, nhà báo Chánh Trinh đã rời khỏi cõi trần 11 năm. Cuộc đời 65 năm của nhà báo Chánh Trinh gắn liền với một giai đoạn nhiều biến động của đất nước. Do đó, như sự tình cờ của số phận, ông trở thành một nhân chứng, vừa dự phần, vừa quan sát, vừa chiêm nghiệm. Tôi có một may mắn là khi chập chững bước chân vào nghề báo, đã được làm việc chung với ông nhiều năm. Dạo ấy, nhà báo Chánh Trinh đã qua tuổi tri thiên mệnh nhưng vẫn phong độ và hào hoa. Dạo ấy, ông dắt tôi vào làm chung một tòa soạn, và thỉnh thoảng có thêm tờ báo nào mời cộng tác thì ông lại rủ rê “anh em mình chạy show viết thuê cho vui”.

Nhà báo Chánh Trinh lớn tuổi hơn cả thân phụ của tôi. Thế nhưng, ngày đầu tiên tôi rụt rè đến chào ông, thì ông đề nghị ngay: “Xưng hô anh – em thôi!”. Cho nên, mỗi khi có tiệc tùng gì đó, tôi quay đầu nọ gọi nhà báo Lý Quí Chung là anh, rồi quay sang đầu kia gọi các con trai của ông như Lý Quí Hùng, Lý Quí Dũng hay Lý Quí Trung cũng bằng… anh. 

Mỗi lần nghĩ lại, cứ thấy buồn cười. Tuy nhiên, điều khiến tôi bất ngờ nhất là ngày đầu tiên gặp gỡ, ông đã bắt tay rất chặt và thổ lộ: “Chữ nghĩa của anh rất tốt. Anh học trường Tây từ nhỏ, nên thường xuyên viết tiếng Việt sai chính tả!”. Phải cực kỳ cầu thị và cực kỳ sòng phẳng, một nhà báo bậc trưởng thượng mới có thể nói một câu như vậy với một cậu sinh viên tập tò làm phóng viên!

Tôi theo học nghề Chánh Trinh và cũng theo chân ông lang thang nhiều nơi. Ông có cách làm việc và cách sinh hoạt khá đặc biệt. Mỗi ngày, khoảng 10 giờ sáng, ông lái chiếc xe hơi khá cũ có tiếng máy nổ như một cơ sở xay xát gạo, tới cơ quan. Hành trang của ông là mấy tờ báo thể thao nước ngoài vừa phát hành và… một ổ bánh mỳ kẹp thịt. 

Ông không nghỉ trưa, cứ làm việc say mê, đói thì gặm bánh mỳ. Đến 3h chiều thì rời tòa soạn để đi uống cà phê, 5 giờ thì ra sân đánh tennis. Sau bữa cơm tối thì ông đi… khiêu vũ, rồi về nhà xem bóng đá và viết bài đến nửa khuya. 

Nhà báo Chánh Trinh đánh tennis không tệ và khiêu vũ cũng không tệ. Ông không giấu giếm hai sở thích tennis và khiêu vũ của mình. Hai sở thích đó mang lại cho ông hai cơ duyên. Trên sân tennis, ông đã hạnh ngộ và thân thiết với tướng Dương Văn Minh. Còn trên sàn khiêu vũ, ông đã quen biết và kết hôn với người vợ thứ ba – Võ Thị Thanh Thủy, trẻ hơn ông có… 37 tuổi!

Nhà báo Chánh Trinh lúc tròn 60 tuổi.

Nhà báo Chánh Trinh viết rất nhanh. Thuở ấy, vi tính chưa phổ cập lắm, ông chủ yếu viết bài trên giấy A4. Ông tự tính toán mỗi tờ A4 viết được 350 chữ, và cứ lia bút theo dung lượng cần thiết của mỗi bài báo. 

Những ngày làm Tin nhanh Bóng đá, tôi mới cảm nhận hết sức đọc, sức nghĩ, sức viết của ông. Trước mỗi trận đấu, ông đã tư duy trước đề tài, và phân chia chuyên mục. Mắt ông không rời màn hình truyền hình trực tiếp, và tay thì vẫn vẽ maket cho từng trang. Hết hiệp một, ông bốc điện thoại để… bình luận cho đài phát thanh hoặc đài truyền hình. Hết hiệp hai, ông cũng xong bài viết cho số báo ngày mai. 

Ông thuộc lòng tên tuổi và lai lịch mỗi cầu thủ, mỗi huấn luyện viên và đánh giá rất chuẩn xác ưu điểm lẫn khuyết điểm của mỗi đội bóng. Có lần, ông và tôi đang trà thuốc chờ xem trận đấu sắp diễn ra, có một khách lạ bệ vệ mang gói quà đến tìm ông để… xin kết quả dự đoán. 

Hỏi mấy câu, biết gã đàn ông kia có ý định cá độ bóng đá, Chánh Trinh xua tay từ chối luôn: “Ông đừng nói thêm câu nào nữa. Tui rất ghét cờ bạc! Bóng đá không phải trò đỏ đen!”.

Nhà báo Chánh Trinh làm dân biểu trước năm 1975 như thế nào, tôi thực tình không rõ. Tôi chỉ nghe ông kể rằng, ông làm chủ bút tờ nào cũng nhanh chóng bị đóng cửa, vì ông hay in những bài đả kích Nguyễn Văn Thiệu. 

Mỗi lần nhắc chuyện xưa, Chánh Trinh thường cười hề hề: “Anh làm Tổng trưởng Thông tin được hai ngày rưỡi. Ngồi chưa nóng ghế đã quay về làm thứ dân. Chỉ có nghề báo là anh làm từ tuổi hai mươi đến khi nhắm mắt!”. 

Trong cuốn Hồi ký không tên do Nhà xuất bản Trẻ in lần đầu tiên vào tháng 12-2004, Chánh Trinh có một chương viết về ngày 30-4-1975 được đặt tên là Thời khắc lịch sử: đầu hàng. 

Sau khi cùng Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn để đọc tuyên bố đầu hàng, Chánh Trinh – Lý Quí Chung đi bộ trên phố với tâm trạng: “Trong đầu tôi rất lộn xộn: mừng vui xen lẫn buồn tủi. Cái hình ảnh được anh em ôm lấy và hôn lên “mình thắng rồi” nhưng trong tư thế hai tay giơ cao đầu hàng, vẫn quay tới quay lui trong đầu… Tôi điện thoại về nhà cho vợ tôi. Lúc này tôi không kìm được nước mắt. Như thể bị ngăn chặn lại từ sáng, nước mắt bây giờ tha hồ tuôn ra. Vợ tôi chia sẻ sự xúc động của chồng nhưng dĩ nhiên vợ tôi chưa hiểu hết những gì đã xảy ra với tôi trong ngày 30-4 này, từ sáng đến giờ. Tôi đã trải qua những giây phút kỳ diệu và kỳ lạ nhất của đời mình… 

Đêm 30-4, tôi quá mệt, nằm xuống ngủ như chết. Sáng hôm sau tôi thức dậy sực nhớ biến cố lịch sử đã xảy ra, một cảm giác thật lạ lùng lan tỏa trong người tôi. Tôi nằm yên một lúc lâu, lắng nghe cái cảm giác ấy. Không hiểu sao, nó làm tôi nhớ lại buổi sáng tôi mới có đứa con đầu tiên, Thức dậy và thấy mình không còn như trước…”.

Theo nhà báo Chánh Trinh bộc bạch, sau ngày 30-4-1975, với tư cách anh cả trong gia đình, ông đã khuyên 7 đứa em ở lại hòa nhập với cuộc sống mới. Nhà báo Chánh Trinh trải qua 3 lần kết hôn, có tất thảy 7 người con. Ông và người vợ đầu Quỳnh Nga dù ly dị vào năm 1984 nhưng thời gian sau vẫn đối đãi với nhau rất tử tế và ân tình. 

Có lẽ gắn bó với nhà báo Chánh Trinh từ thời cơ hàn và hiểu chồng rất thích ăn nhà hàng nên bà Quỳnh Nga rất giỏi kinh doanh dịch vụ ăn uống. Người vợ thứ hai Cúc Phượng cũng từng mở nhà hàng “Đôi đũa tre” ngay tại cơ ngơi của họ trên đường Bà Hạt, quận 10, TP HCM.

Nội các Việt Nam Cộng hòa ngày 29-4-1975 (từ trái qua): Tổng thống Dương Văn Minh, Tổng trưởng Thông tin Lý Quí Chung và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu.

Ngoài làm báo, Chánh Trinh còn có tài hội họa. Ông vẽ tranh sơn dầu theo trường phái bán trừu tượng và từng có nhiều triển lãm cá nhân. Chánh Trinh nửa đùa nửa thật: “Tui có hai chỗ bán tranh là bà vợ cũ Quỳnh Nga và đứa con gái Lý Quỳnh Kim Trinh. Khi nào hết tiền, thì tui lại mang tranh qua chỗ họ, lập tức có thể phong lưu tiếp tục đánh tennis và đi khiêu vũ!”.

Bút danh Chánh Trinh của ông được ghép từ tên cô con gái và cậu con trai út Lý Quí Chánh - người về sau cũng nổi danh là một bình luận viên bóng đá trên truyền hình!

Sở dĩ nhà báo Chánh Trinh có đôi chút quý mến tôi, không chỉ vì tôi hứng thú với nghề báo, mà còn vì tôi theo đuổi văn chương. Ông rất thích đọc tiểu thuyết. Ông có thể nói về tiểu thuyết Pháp suốt một buổi, như một nhà nghiên cứu tầm cỡ. Không những đọc, Chánh Trinh còn dịch tiểu thuyết. Cuốn The thorn birds của nữ văn sĩ Úc - Colleen McCulough, được ông dịch qua bản tiếng Pháp, lấy tên là Những con chim ẩn mình chờ chết in ở NXB Trẻ năm 1988. 

Mới đây, NXB Trẻ kỷ niệm 35 năm thành lập, đã chọn ra 35 tác phẩm ghi dấu ấn trên hành trình phục vụ bạn đọc, cuốn Những con chim ẩn mình chờ chết nằm trong danh sách ấy! Với bản dịch cuốn Những con chim ẩn mình chờ chết, Chánh Trinh lấy bút danh Trung Dũng, là ghép tên hai người con trai Lý Quí Trung và Lý Quí Dũng!

Khi tôi in tập thơ thứ hai Dốc gió vào năm 1999, nhà báo Chánh Trinh bày tỏ thiện chí vẽ bìa và trình bày cho cuốn sách. Ông bảo: “Anh không rành thơ, nhưng cũng thích thơ. Đôi khi có những sự khắc khoải, chỉ có thơ thể hiện được!”. Tất nhiên, Chánh Trinh có lý của ông. 

Bằng chứng là khi người vợ thứ hai Cúc Phượng qua đời đã tình nguyện hiến xác cho y học, Chánh Trinh xúc động viết một mạch hai bài thơ mà theo ông là “như cách trò chuyện với người đầu ấp tay gối vừa xa khuất”. Hai bài thơ ấy, tôi nghe ông đọc vài lần, và cứ nhớ mãi mấy câu: Anh đốt cây nhang/ Khói làm em nheo mắt/ Nhưng em vẫn nở nụ cười hồn hậu/ Bởi cả đời em, không biết giận ai, ghét ai.

Lê Thiếu Nhơn

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Với khoảng 1,2 triệu lao động từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống và làm việc đã góp phần rất lớn để phát triển kinh tế của vùng đất công nghiệp Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo không ít đối tượng "đầu trộm đuôi cướp", "đá cá lăn dưa" và những thành phần bất hảo, côn đồ tìm đến ẩn náu và gây án…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文