Nhà báo Hữu Thọ: Rộng rãi để lắng nghe, quyết định theo quy chế

15:12 21/09/2011
Tôi có đọc về nền dân chủ của người La Mã cổ đại. Thời đó họ chỉ có quy chế dân chủ trực tiếp thôi, tất cả đều ra biểu quyết ở quảng trường. Và họ đã đưa ra một quy định rất hay là, khi anh biểu quyết về chiến tranh và hòa bình, thì những ai ủng hộ tiến hành chiến tranh sẽ phải cùng gia đình mình ra trận trước...Quy chế ấy sẽ buộc anh khi quyết định những vấn đề hệ trọng thì phải hết sức cẩn trọng, vì anh sẽ phải gánh hệ lụy đầu tiên vì những quyết định của anh…

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Dạo này, nhà báo Hữu Thọ có để ý nhiều tới tình hình quốc tế không ạ?

- Nhà báo Hữu Thọ: Tất nhiên là mình có theo dõi tình hình quốc tế, nhưng mình không phải chuyên gia trong lĩnh vực này nên cũng chỉ quan tâm tới thôi.

- Tôi cũng không phải chuyên gia về thời sự quốc tế, nhưng tôi có cảm giác này, hình như thế giới đang quay về vòng xoáy trôn ốc cách đây một trăm năm, rất giống như giai đoạn đầu thế kỷ XX. Chúng ta đều biết là những tranh giành như thế đã dẫn tới hậu quả thế nào trong thế kỷ XX.

Còn bây giờ, dường như đại đa số nhân loại, sau những đổ vỡ của thử nghiệm vĩ đại ở Liên Xô, đang bối rối đi tìm một trật tự thế giới mới nào đó khả dĩ hơn hiện tại. Và có cảm giác như trên thế giới đang diễn ra một cuộc tranh giành nhằm chia lại khu vực ảnh hưởng và những lợi ích vật chất giữa một số quốc gia lớn, giữa một số trung tâm quyền lực lớn. Ông có nghĩ như vậy không?

- Thực ra thì thời nào cũng thế, các nước lớn, nhất là những nước lớn có chiến lược chi phối toàn cầu, cũng đều mưu lược để tìm cách gia tăng ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế. Sau chiến tranh lạnh, người ta lại bắt đầu hay nhắc tới một câu nói nổi tiếng mà Kissinger từng nói. Mà cái câu đó thực ra cũng không phải do Kissinger là người đầu tiên nói, đơn giản là ông ta nhắc lại lời của một chính trị gia người Anh thôi...

- Đó có phải là câu: Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn?

- Đúng rồi, không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn! Và tôi có cảm giác rằng, trong tình hình hiện nay cái tư tưởng ấy, cái cách nghĩ ấy đang chi phối các mối quan hệ trên trường quốc tế.

- Ở trong giai đoạn trước, sự tương đồng về hệ tư tưởng đã có thể giúp cho những nước dường như rất xa lạ với nhau, rất khác nhau về nhiều thứ có thể gắn kết lại với nhau. Còn hiện nay, những tư tưởng có thể liên kết các nước lại với nhau không nhiều, và sức tụ hợp của chúng cũng không lớn. Chính vì thế nên theo tôi nghĩ, những nước không lớn lắm - mà nước Việt Nam ta chính là một nước không lớn lắm, dù có trên dưới 80 triệu dân - bắt buộc phải đi theo cách của riêng mình để có được vị trí xứng đáng trên bàn cờ quốc tế và bảo vệ tương lai cho mình…

- Chúng ta luôn có tính khiêm tốn của một nước nhỏ, cơ bản còn nghèo, nhưng về tinh thần độc lập dân tộc thì không thua kém ai. Đây là một vấn đề lớn. Và đấy là một giá trị vĩnh cửu. Và trên thực tế, chúng ta đều biết rằng, trong lịch sử thế giới, những nước có tham vọng…

- Tham vọng đế chế!

- Những nước có tham vọng đế chế đều bị chính tham vọng này làm cho tan vỡ.

- Những thí dụ như thế thì quá nhiều trong lịch sử và cả trong thời hiện đại.

- Và ngay cả ở những nước mà hiện nay đang nuôi tham vọng đế chế thì cũng có những học giả lên tiếng nhắc nhở để nhớ lại những bài học đó của lịch sử. Chính những tham vọng đế chế ấy đang "giết" họ, đang làm tan nát cái mộng, cái ảo tưởng của họ. Chúng ta đều nhớ là trong truyện ngụ ngôn của La Fontaine có câu rất nổi tiếng: “Chân lý của kẻ mạnh bao giờ cũng là cái chân lý đúng nhất, tốt nhất”. Bây giờ người ta cũng đang đi tìm một cái kiểu chân lý như thế, có khi là tiềm lực kinh tế, hoặc tiềm lực quân sự...

Nhưng nói cho cùng, tiềm lực của dân tộc nào cũng là ghê gớm cả. Không dễ gì bắt nạt một dân tộc, dù dân tộc ấy rất nhỏ đi chăng nữa, nếu dân tộc ấy biết đoàn kết lại với nhau và kiên cường bảo vệ chủ quyền của mình. Lịch sử của dân tộc ta cũng đã chứng tỏ cái đó. Ta không dám nói mình là hình mẫu của thế giới, nhưng mình nhìn vào lịch sử mình để rút ra những bài học cho tương lai.

Trong những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bao giờ chúng ta cũng phải chiến đấu với những kẻ thù hơn mình gấp bội về mặt tương quan lực lượng vật chất. Và cái sự chiến thắng của tinh thần, cái ý chí của tinh thần đã giúp chúng ta giữ được độc lập dân tộc và thắng lợi. Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara trong hồi ký của mình khi rút ra kinh nghiệm về thất bại của Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam thì đã nêu ra cái nguyên nhân thứ hai là sự không hiểu biết về văn hóa của người Việt…

Cho nên cái vấn đề giữ gìn được truyền thống văn hóa yêu nước của người Việt Nam, phát huy được sức mạnh yêu nước của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đấy mới là vấn đề cơ bản để có thể bảo vệ được Tổ quốc.

- Và đặc biệt là phải giữ được sự ổn định và đoàn kết nội tại của chính đất nước mình, không để cho những kẻ bên ngoài mượn cớ để gây hấn…

- Trong tình hình hiện nay, chúng ta phải luôn nhớ tới những bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mà những bài học đó thực ra cũng là do Cụ đã đúc kết từ những kinh nghiệm của lịch sử. Nếu chúng ta đọc các tác phẩm của Hồ Chí Minh thì chúng ta sẽ thấy, Bác rất hay dùng chữ "khéo". Trong vận động quần chúng cũng phải khéo, trong quan hệ đối ngoại cũng phải khéo…

Vận động được người ta đi theo mình không phải việc dễ đâu nhé. đây không phải là chuyện chỉ đạo được, không thể chỉ đạo rằng anh phải đi theo tôi… Vì thế phải vận động người ta, phải tôn trọng họ,  phải khôn khéo, phải đúng mực… Và trong quan hệ quốc tế cũng vậy. Tăng cường tiềm lực quân sự, khẳng định chủ quyền quốc gia, tất cả những cái đó đều rất cần thiết trong một đất nước.

Nhưng phát huy được tiềm lực dân tộc, cái ý chí của toàn dân tộc đoàn kết xung quanh Đảng, xung quanh Nhà nước thì đấy mới là sức mạnh vô địch để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Và muốn thế thì phải tạo ra trong nhân dân một sự đồng thuận rất cao. Yêu nước thì ai cũng yêu nước. Và mỗi người có quyền thể hiện lòng yêu nước đó theo một cách khác nhau. Nhưng đồng thời phải nhớ rằng, cái sự thể hiện ấy…

- Phải làm sao nó hài hòa được với không khí chung, với lợi ích chung…

- Thì nó mới thành sức mạnh được.

- Tôi rất tâm đắc với ý này của ông. Lúc nãy ông vừa nhắc tới việc Bác Hồ hay sử dụng từ "khéo" trong các tác phẩm của mình. Trong những thời điểm rất phức tạp của tình hình trong và ngoài nước, trong những hoàn cảnh rất phức tạp, không phải lúc nào người có trách nhiệm cũng có thể đưa ngay ra được một quyết định làm tất cả mọi người đồng thuận ngay được. Và không khéo thì sẽ làm những vấn đề phức tạp nảy sinh…

- Trong quan hệ đối ngoại, những điều mà chúng ta hay nói tới thì những người lãnh đạo họ cũng biết cả. Và họ phải xử lý công việc với trách nhiệm của họ.

- Và với những thông tin mà họ có…

- Và cũng phải nói cho nó công bằng, không phải thông tin nào, trong những cuộc nói chuyện nào cũng được đưa ra công khai ngay. Trên thế giới có nước nào làm như vậy đâu. Thế cho nên mới có những quy định về thời hạn giải mật thông tin này hay thông tin kia.

- Có phải chuyện gì cũng được nói ra ngay đâu. Làm chính trị mà việc gì cũng nói bô bô ra ngay thì có mà mất trí!

- Nước nào cũng phải có những bí mật quốc gia và phải sau một thời gian nào đó mới giải mật…--PageBreak--

- Ông nói rất đúng.

- Mỗi một thế hệ đều có những nhà lãnh đạo của mình và phải để cho những nhà lãnh đạo ấy chịu trách nhiệm trước lịch sử trong nhiệm kỳ của họ.

- Dân chủ là một giá trị rất hay nhưng một khi đã có những người lãnh đạo được bầu lên thì cần phải để cho họ có quyền đưa ra những quyết định mà họ cho là đúng nhất, chứ chúng ta không lấy sự hiểu biết lắm khi là còn hữu hạn của mình và ở vị trí của mình mà đòi hỏi họ phải làm như chúng ta cứ tưởng là đúng.

- Chúng ta có thể đưa ra những ý kiến này hay những ý kiến khác…

- Nhưng phải trên tinh thần xây dựng và không được phá đám. Và phải tuân theo luật chơi chung. Xã hội nào mà chẳng có luật chơi của nó.

- Gần đây tôi cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương cũ có được mời tới dự cuộc họp để thông báo về tình hình mới, về tình hình bảo vệ Tổ quốc... Thì nhiều người mới giật mình rằng, mình cứ tưởng mình có nhiều thông tin, nhưng hóa ra là mình đã không có được đầy đủ thông tin… Tôi thì tôi mong muốn rằng những thông ấy đến sớm hơn, thường xuyên hơn vì khi có đầy đủ thông tin rồi thì mọi người dễ đồng thuận hơn.

- Tôi nhớ một chuyện đã xảy ra năm 1946. Khi đó chính phủ ta đã ký với đại diện chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6- 3, theo tinh thần tạm thời hòa hoãn với thực dân Pháp để đẩy quân Tàu Tưởng ra khỏi Việt Nam… Không phải ai khi đó cũng hiểu được ngụ ý sâu sắc này, thậm chí có nhiều người còn lên tiếng phê phán chính phủ mình bắt tay với kẻ thù là thực dân Pháp. Và một hôm, Bác Hồ đang ở trong Bắc Bộ phủ thì ông Trần Huy Liệu, y phục chỉnh tề, nóng nảy bước vào. Ông kể chuyện là ông vừa thấy cảnh mấy tên lính Pháp tác oai tác quái ngoài phố và ông tỏ ra rất bực bội, phê phán chính phủ yếu tay... Thấy vậy, Bác Hồ không nói gì, chỉ cười cười và ân cần rót cốc nước mời ông Trần Huy Liệu, thậm chí lại gần ông để sửa cái cà vạt hơi bị lệch của ông. Và chờ ông nguôi bực và ra về… Đấy, ngay cả một bậc thức giả như ông Trần Huy Liệu có phải lúc nào cũng hiểu ra ngay được chủ ý của nhà lãnh đạo Hồ Chí Minh đâu… Đâu cứ phải là trí thức lớn mà mọi chuyện chúng ta đều biết, một khi chúng ta không phải là người chịu trách nhiệm chính về công việc.

- Khi mình ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 là chính phủ buộc phải chấp nhận cho quân Đồng minh vào, tức là cho lính Pháp vào lại nước ta. Mà ở thời điểm đấy, người mình căm thù thực dân Pháp lắm. Tôi còn nhớ tôi lúc đó là học sinh Trường Bưởi, đốt cả tự vị, hễ thấy cái gì có tiếng Tây là đốt. Thêm nữa, nếu khi ấy ai mang cái cờ tam tài thì bị coi ngay là kẻ phản quốc…

Nhưng chúng ta bắt buộc phải ký Hiệp định Sơ bộ mùng 6-3 để đẩy quân Tàu Tưởng đi, dù phải chấp nhận cho quân Đồng minh vào. Và phải đến mười năm sau mới xuất hiện câu "Six mars très Marxiste", tức là: “Mùng sáu tháng ba rất mác-xít!”. Nhiều người lúc đó mới hiểu cái ý sâu xa, cái kiên cường và cái khéo của Cụ Hồ.

- Việc gì cần làm trước thì phải làm trước, phải chấp nhận một bước lùi để có thể có một bước tiến cần kíp.

- Còn có một câu chuyện này nữa. Ông Nguyễn Mạnh Tường trong hồi ký của mình có kể về Hội nghị Đà Lạt năm 1946…

- Hội nghị này, theo tôi nhớ, hình như diễn ra từ trung tuần tháng 4 tới trung tuần tháng 5/1946, là một bước chuẩn bị cho Hội nghị Fontenebleau sẽ diễn ra tại Pháp vào tháng 7 năm đó. TS Luật Nguyễn Mạnh Tường là một trong số 12 thành viên chính thức của đoàn Việt Nam.

- Đúng rồi. Ông Nguyễn Mạnh Tường có kể rằng, Cụ Hồ đã tới gặp các thành viên trong đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Đà Lạt và dặn, phương châm chính của chúng ta là: “Căng nhưng không được đứt!”. Khi đó, Pháp thì muốn xâm lược lại đất nước mình, còn mình thì muốn là một quốc gia độc lập thì đàm phán dĩ nhiên là phải rất căng rồi. Nhưng dù căng đến đâu cũng không được để đứt, vì mình cần kéo dài thêm thời gian hòa bình, để chuẩn bị tiềm lực tốt hơn… --PageBreak--

Trước sau thì cũng phải chiến đấu thôi, vì cây muốn lặng mà gió chẳng đừng nhưng càng kéo dài được thời gian hòa bình thì càng có điều kiện chuẩn bị lực lượng tốt hơn cho cuộc chiến đấu tương lai. Ông Nguyễn Mạnh Tường kể, tối nào cũng thế, sau khi kết thúc đàm phán thì đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng triệu tập cả đoàn lại thảo luận, xem hôm nay chúng ta có thực hiện đúng phương châm mà Cụ Hồ đã nêu ra không.

- Nắn chỉnh hàng ngày…

- Tinh thần là phải như thế, căng nhưng không để đứt.

- Kiên định nhưng phải mềm dẻo…

- Đúng thế!

- Có một nhà nghiên cứu lịch sử người Anh tên là Thomas Carlyle, sống ở thế kỷ XIX, nghiên cứu rất kỹ về cách mạng Pháp. Và ông này có một câu đúc kết nổi tiếng, đại ý rằng nghĩ ra tư tưởng cách mạng là các bậc trí giả, thực hiện các cuộc cách mạng là những người "liều mình như chẳng có", nhưng thành quả cách mạng lại rất dễ bị những phần tử láu lỉnh lợi dụng. Câu nói đó cứ khiến tôi suy nghĩ, vậy vai trò của các bậc trí giả, của các nhà trí thức cần được hiểu như thế nào nếu chỉ đơn thuần vì bất mãn với hiện tại mà đưa ra những khẩu hiệu như đòn xoay chế độ hiện hữu nhưng không thực sự giúp mang lại những hoa thơm trái ngọt cho con người bình thường. Ông có ý kiến thế nào về chuyện này?

- Phải nói rằng, trí thức luôn có vai trò rất quan trọng, vì đấy là tầng lớp tinh hoa của xã hội. Gần đây người ta hay nhắc lại câu nói của cụ Lê Quý Đôn: Phi trí bất hưng. Nhưng chỉ nhắc lại thế là chưa đủ mà phải nhắc lại toàn bộ ý của cụ Lê Quý Đôn: Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi trí bất hưng, phi thương bất hoạt…

- Nói thế nó mới hài hòa, chứ cụ Lê Quý Đôn đâu chỉ nhấn vào vai trò của một mình giới trí thức. Trong xã hội thì mọi tầng lớp đều quan trọng, đều có đóng góp riêng vào cái phát triển chung.

- Cũng chính vì lẽ đó mà chúng ta hết sức coi trọng trí thức. Từ Đại hội Đảng lần thứ VIII chúng ta đã nói tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tức là công nghiệp hóa phải gắn với những công nghệ hiện đại.

- Chứ không phải nhập đồ mà người ta không dùng nữa theo kiểu "cũ người mới ta"…

- Và tới Đại hội XI chúng ta có câu "công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với nền kinh tế trí thức". Có nghĩa là vai trò của trí thức nó liên quan tới công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Trong tình hình hiện nay, muốn giải thích câu nói của cụ Lê Quý Đôn thì phải nói như thế này: Muốn ổn định nông nghiệp và muốn cho nông dân giàu thì cũng phải có hàm lượng chất xám.

Và muốn cho công nghiệp phát triển, nâng cao sức cạnh tranh thì cũng phải có yếu tố trí tuệ, phải đưa chất xám vào. Và muốn cho thương nghiệp linh hoạt, thậm chí cả thương mại điện tử vươn ra bên ngoài nữa, thì cũng phải cần tới chất xám. Cho nên vai trò của người trí thức luôn gắn với ổn định, phú cường, sự linh hoạt của xã hội. Nói tóm lại, vai trò của trí thức là rất quan trọng.

- Tôi nghĩ rằng chúng ta cần tôn trọng trí thức đúng với vai trò của họ chứ không nên cường điệu hóa bất cứ một điều gì. Chúng ta cũng cần tôn trọng các doanh nhân đúng với vai trò, đóng góp của họ chứ không nên trong thời kinh tế thị trường lại đề cao doanh nhân lên quá

- Bây giờ nếu ta nói tới nguồn nhân lực thì nên hiểu như thế này: Để xây dựng đất nước, chúng ta cần xây dựng bốn nguồn nhân lực, những nguồn nhân lực chất lượng cao. Bây giờ nhiều người nói tới nguồn nhân lực chất lượng cao thì hình như chỉ nói tới nguồn nhân lực kỹ thuật hay chỉ nói tới các trí thức. Như thế là chưa đủ. Nghị quyết của Đảng đã nói tới bốn nguồn nhân lực. Một là những nhà quản lý, lãnh đạo tài năng. Thứ hai là phải có những nhà văn hóa, trí thức xuất sắc.

- Ở tầm đỉnh cao luôn.

- Đỉnh cao luôn! Thứ ba là phải có những người lao động giỏi trong các ngành nghề.

- Nghệ nhân bậc cao luôn trong ngành nghề của mình.

- Đúng thế. Thứ tư là các doanh nhân tài ba, đủ sức vươn ra thế giới… Và phải nói rằng, chúng ta hiện nay đang rất thiếu cả bốn nguồn nhân lực chất lượng cao này… Chúng ta hiện nay đang coi trọng những người thi đỗ, tức là những người học giỏi. Nhưng Bác Hồ đã từng nói rằng, học giỏi là cần, nhưng phải biến những cái học giỏi của mình thành những giá trị thực tiễn mới là “trí thức đầy đủ” (chữ của Bác Hồ).

- Tức là trở thành như GS Ngô Bảo Châu là rất tốt nhưng tốt hơn nữa nếu những thành tựu, danh vọng ấy có thể giúp tạo được ra những giá trị thực tiễn trong đời sống đất nước.

- Nhân loại ở thời nào cũng có những thiên tài về lý thuyết. Karl Marx là thế, đánh giá và dự báo được những bước phát triển của loài người. Einstein cũng là thế… Nhưng vấn đề quan trọng là làm sao để có thể ứng dụng vào thực tế. Chứ không phải chúng ta chỉ cần những tài năng giỏi học…

- Và sống trong tháp ngà nên không hiểu rõ những nhu cầu thực của cuộc sống hôm nay. Tôi nghĩ rằng, giúp cho cháu con, cho hậu duệ ở mai sau cũng là việc tốt, nhưng tốt hơn là giúp cho những người đang sống cùng thời, cho hôm nay vẫn là việc cấp bách hơn.

- Chúng ta cần những tài năng biết làm chứ không chỉ giỏi nói.

- Nói thì cũng là việc quan trọng, nhưng làm mới là việc quan trọng hơn.

- Và vai trò của trí thức còn cần ở chỗ là phải có trách nhiệm với xã hội, với đất nước.

- Chứ không chỉ dùng tài năng của mình để thỏa mãn những tham vọng của cá nhân mình.

- Đúng thế.--PageBreak--

- Tôi thì nghĩ thế này, chúng ta không bao giờ được sống và làm việc trong những điều kiện tuyệt đối quy chuẩn. Và cũng chẳng có ai được như thế cả. Tất cả chúng ta đều luôn phải sống trong những chênh vênh khúc mắc của đời thường. Cho nên những người có chữ, các trí thức trong hoàn cảnh như thế càng không được quá duy lý, càng không được cực đoan, không được nhất nhất muốn xã hội đi theo đúng ý mình. Thực tế cho thấy, nếu cực đoan, duy lý quá mức thì trí thức rất dễ trở nên tàn nhẫn. Khi anh đòi hỏi quá nhiều thay đổi theo cách hình dung của anh thì anh rất dễ góp tay vào phá vỡ những ổn định phồn vinh còn mong manh mà xã hội đã phải mất rất nhiều công mới gây dựng được.

- Theo tôi, các bạn trí thức dù đã có những đóng góp đến mấy thì cũng nên nghĩ rằng, mình cũng chỉ là một bộ phận trong cái chung của xã hội. Và không ai, thậm chí không một trăm người nào, không vài trăm người nào, có thể đại diện cho toàn bộ giới trí thức Việt Nam.

- Không ai được quyền nhân danh cả tập thể, cả cộng đồng.

- Đúng thế. Cho nên những người muốn đóng góp ý kiến thì cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến, nhưng phải khiêm tốn trong cách đóng góp và hành xử của mình. Và những người lãnh đạo thì cũng phải biết nghe. Gần đây tôi rất lý thú với cuộc đối thoại của anh Phạm Quang Nghị, anh Nguyễn Thế Thảo với một số anh em trí thức. Thì việc này cũng đã giải tỏa được nhiều chuyện.

Rồi cuộc làm việc của hơn 30 trí thức, phần nhiều là những người đã nghỉ rồi, với đại diện của chính phủ. Thủ tướng cũng đến nghe. Rồi chính phủ lại mời cả các trí thức nước ngoài tới đối thoại… Theo tôi, nên tăng cường đối thoại, đối thoại để hiểu biết nhau. Tôi có gặp một số anh em trí thức sau những cuộc như thế và thấy rằng, anh em cũng được giải tỏa nhiều điều.

Đối với họ, được gặp, được nói thì cũng thấy thoải mái rồi. Và trong cuộc gặp, họ cũng nhận được nhiều thông tin và họ hiểu ra rằng, không phải cái gì thì lãnh đạo người ta cũng không biết như một số người lầm tưởng.

- Một số trí thức có cái bệnh tưởng là cứ nghĩ chỉ mình mình mới biết, chỉ mình mình mới nhìn ra được vấn đề… Thực ra, những người có trách nhiệm họ còn phải lo hơn ai hết…

- Họ có nhiều nguồn thông tin hơn.

- Đúng thế.

- Còn có vấn đề này, tôi đã từng đóng góp vào công tác chuẩn bị văn kiện. Không phải lãnh đạo không tôn trọng trí thức đâu. Ngược lại là khác. Nhưng quả thực là có một số đồng chí lãnh đạo ngại gặp trí thức. Bởi vì, đã là trí thức thì họ hay phản biện, họ nói trái với cái điều…

- Mà mình thích nghe?

- Đúng, trái với những điều mà mình thích nghe. Và đối thoại với trí thức cũng không phải là việc dễ… Vấn đề này tôi đã đóng góp trong quá trình chuẩn bị văn kiện và nghe nói trong báo cáo của Bộ Chính trị trình Hội nghị Trung ương có đề cập tới vấn đề này. Nói chung, cần gặp gỡ, đối thoại nhiều hơn với trí thức. Không nên để cho một số người lợi dụng việc ít đối thoại với trí thức để tạo nên mâu thuẫn giả tạo giữa trí thức và lãnh đạo.

- Tôi còn nghĩ thế này, thực ra không ít đồng chí lãnh đạo cũng là trí thức và chẳng qua do sự phân công công việc nên họ mới phải đảm đương các chức vụ quản lý.

- Ở đây ta nên nhớ lại lời Cụ Hồ, khi Cụ viết trong Di chúc, trong Đảng cũng phải “thực hành dân chủ rộng rãi”. Tức là trong những quyết sách quan trọng, cần mở rộng dân chủ, không phải chỉ theo quy chế trong nội bộ, mà càng rộng rãi càng tốt.

- Nhưng cái sự nới rộng ấy sẽ phụ thuộc vào tình hình cụ thể của từng giai đoạn?

- Tất nhiên, rộng rãi thì rộng rãi nhưng vẫn phải giữ quy chế. Rộng rãi để lắng nghe, nhưng quyết định thì phải theo quy chế.

- Tôi nghĩ, dân chủ luôn là một quá trình, một con đường phát triển không ngừng nghỉ, rất dài, có lộ trình cho từng bước…

- Tôi có đọc về nền dân chủ của người La Mã cổ đại. Thời đó họ chỉ có quy chế dân chủ trực tiếp thôi, tất cả đều ra biểu quyết ở quảng trường. Và họ đã đưa ra một quy định rất hay là, khi anh biểu quyết về chiến tranh và hòa bình, thì những ai ủng hộ tiến hành chiến tranh sẽ phải cùng gia đình mình ra trận trước.

- Chứ không được vén tay áo xô đốt nhà táng giấy, mồm hô chủ chiến nhưng toàn để con cái người khác phải ra trận, còn con mình thì cho đi du học ở tận đẩu đâu…

- Quy chế ấy sẽ buộc anh khi quyết định những vấn đề hệ trọng thì phải hết sức cẩn trọng, vì anh sẽ phải gánh hệ lụy đầu tiên vì những quyết định của anh…

- Người ta vẫn bảo rằng, đến một độ tuổi nào đó thì con người bắt buộc phải ngộ ra rằng, anh không thể một mình "độ thế" được và đóng góp tốt nhất của anh cho xã hội là anh hãy làm tốt công việc chuyên môn của mình. Ông nghĩ thế nào?

- Đó cũng là một cách nghĩ. Nhưng đặc điểm của giới trí thức tinh hoa là họ không chỉ nghĩ về họ, mà họ còn đau đáu về xã hội, về đất nước. Cũng như Hồng Thanh Quang làm thơ mà chỉ nghĩ về mình thì làm sao mà có thơ hay được?! Phải nghĩ về cộng đồng, về tính nhân văn của xã hội nữa chứ. Đó là đặc điểm của giới trí thức.

- Muốn nới rộng biên độ của cảm xúc và tư duy…

- Cho nên một số người hay hiểu lầm giới trí thức là anh hay đi xâm phạm những việc không phải của anh. Những người nghe các ý kiến của trí thức thì cũng nên bao dung, thông cảm với đặc điểm này. Nhưng còn về bản thân người trí thức thì cũng phải nhận ra rằng, ta có thể có ý kiến về nhiều việc của xã hội nhưng không có gì ta hiểu kỹ hơn là chính chuyên môn của ta.

- Và vì thế người trí thức nên nghĩ rằng, những ý kiến mà mình đưa ra chỉ mang giá trị tham khảo chứ không thể áp đặt cho những người khác phải tuân theo. Tôi nghĩ rằng, trí thức không thể là người mang dầu đổ vào lửa.

- Tôi hay đọc sách của Cụ Huỳnh Thúc Kháng.

- Tôi cũng hay đọc của Cụ Huỳnh…

- Cụ Huỳnh có trích lại một câu của Louis Pasteur. Đại ý, văn hóa là cái gì của toàn thể loài người. Nhưng mỗi một người làm văn hóa đều sống trong một dân tộc, một đất nước. Cho nên những người làm văn hóa ở Việt Nam thì phải nhớ rằng, văn hóa là một giá trị toàn cầu, nhưng anh đang sống trên đất nước Việt Nam, anh là người Việt Nam… Anh phải có ý thức dân tộc của một người văn hóa Việt Nam.

- Nghĩ thế để chọn đúng góc nhìn của mình, thái độ của mình.

- Anh phải hiểu rằng, ở đất nước này, từ người già cho tới đứa trẻ, tất cả đều muốn ổn định. Và anh đừng làm cái gì để đất nước này không ổn định, đừng làm cái gì cho đất nước chậm phát triển đi. Anh nói là anh đại diện cho dân thì anh phải hiểu toàn dân đều đang muốn đất nước ổn định để phát triển.

- Xin cảm ơn nhà báo Hữu Thọ!

H.T.Q.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hết quý I/2024, thị trường bất động sản đã có thêm những tín hiệu tích cực khi sự quan tâm của người dân dành cho nhà ở đã tăng lên so với giai đoạn quý IV/2023. Theo đại diện Bộ Xây dựng, nguồn cung cũng đã tăng khi số lượng dự án hoàn thành và được cấp phép tăng lên. Tuy nhiên, nhận định về thị trường bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù đã có những chuyển động tích cực nhưng cơ bản thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc dù đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文