Nhà báo Lưu Động: Cái tên ấy chính cuộc đời

10:22 04/08/2019
Tên khai sinh của ông là Nguyễn Xuân Canh. Hoạt động cách mạng, ông lấy bí danh Nguyễn Trịnh Liệt.

Bí danh ấy gắn với những hoạt động đầy oanh liệt của cuộc đời ông, đã phải trải qua nhiều nhà tù. Hoạt động báo chí, ông chọn bút danh Lưu Động. Bút danh ấy, ông tung hoành ngang dọc, cơ động trên mọi mặt trận cả thời chiến cũng như thời bình.

Cơ động như... lưu động

Cách mạng Tháng Tám thành công, báo Cứu quốc từ ngoại thành đã công khai ra mắt đồng bào thủ đô, không còn cảnh hoạt động bí mật như trước. 

Tòa soạn dưới sự chỉ đạo của chủ nhiệm Xuân Thủy đã có thêm nhiều cán bộ được tăng cường trong đó có Lưu Động. Trong tình hình mới, báo Cứu quốc là cơ quan của Mặt trận, nhưng thực chất là tiếng nói của Trung ương Đảng và Chính phủ, ra hàng ngày.

Đến cuối tháng 11-1946, trước sự gây hấn của thực dân Pháp, đoán biết chiến tranh chắc chắn sẽ xảy ra, cơ quan báo Cứu quốc đã chuyển dần nhà in từ 44 Hàng Trống (nay là phố Lê Thái Tổ) ra Thanh Oai (Hà Đông).

Chủ nhiệm Xuân Thủy phân công một số phóng viên chiến tranh ở lại 3 liên khu trong nội thành: Liên khu 1 (trung tâm thành phố) có Hoàng Phong và Hải Ly; Liên khu 2 (phía Nam) có Như Phong và Hồng Hà; Liên khu 3 (phía tây) có Lưu Động và Thanh Đạm.

Nhà báo Lưu Động (bên phải) – Tư liệu gia đình.

Kháng chiến toàn quốc nổ ra (19-12-1946), hầu như các tờ báo đều đình bản dài ngày, thậm chí có tờ báo chấm dứt hoạt động. Riêng báo Cứu quốc vẫn ra đều đặn từ đầu kháng chiến.

Ngày 20-12-1946, vì điều kiện chiến sự báo không ra, từ số ra ngày 21-12-1946, báo đăng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch…

Cũng số báo kháng chiến đầu tiên này, những tin chiến sự đầu tiên ở Hà Nội của Hoàng Phong và Hải Ly từ nội thành gửi ra hay những tin của Nguyễn Ngọc Kha, Lưu Động, Thanh Đạm… từ các mặt trận và các địa phương khác gửi về đều được đăng tải.

Mặt trận chống Pháp ở Liên khu 3 Hà Nội, dưới sự chỉ huy của các ông Lê Minh Trầm (sau này là Trung tướng GS.TS Đỗ Trình, Viện trưởng Học viện Quốc phòng), Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến; Minh Quang – Phó Bí thư và hai ủy viên Nguyễn Kỷ (tức Trần Sâm – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội sau này), Hà Đăng Ấn (Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt), đã cản từng bước tiến của thực dân Pháp.

Ông Hà Đăng Ấn, chỉ huy tiểu khu hỏa xa, đã điều động 5 toa tàu chở đầy đá có đầu máy đẩy lên phía bắc, cắt từng toa chặn ngang đường ở các barie Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến) giao phố Hai Bà Trưng; chợ Cửa Nam, đường Nguyễn Thái Học, Điện Biên Phủ, Trần Phú ngày nay, đánh trật bánh xe, tạo nên những chướng ngại vật khó khắc phục.

Còn ở đầu dốc làng Hoàng Cầu, đã diễn ra trận đánh giáp lá cà. Ta dùng lưỡi lê, điếm, dao xông ra đánh giặc. Tiểu đội trưởng Nguyễn Phúc Lai đã anh dũng đâm bom ba càng tiêu diệt một xe tăng địch. Hiện nay, để tưởng nhớ người chiến sĩ cảm tử, thủ đô Hà Nội đã đặt tên phố Nguyễn Phúc Lai trên đất làng Hoàng Cầu xưa.

Nhà báo Nguyễn Văn Hải, người phụ trách quản lý báo Cứu quốc, đã kể lại trong hồi ký sau ngày 19-12-1946: “Trên trục đường Hà Đông – Thanh Oai – Vân Đình, xe đạp, quang gánh, túi, bọc lỉnh kỉnh. Giữa dòng người hối hả, đồ đạc ngổn ngang ấy, bỗng có tiếng mấy người nói to: “A, có báo Cứu quốc đây rồi, có tin đây rồi”. Thế là mọi người ùa đến vây quanh hai chúng tôi. Mươi phút sau, 200 tờ báo đã bán hết sạch”.

Đến năm 1950, một lần nữa tòa soạn báo Cứu quốc được củng cố mạnh. Báo mở ra nhiều mục thường xuyên như xã luận (ý kiến chúng tôi), miệng súng, tai nghe mắt thấy, những nét sinh hoạt, ca dao, thi đua ái quốc, tìm biết (giải thích danh từ), tuần lễ quốc tế, quốc gia. Nhà báo Lưu Động cùng với các đồng nghiệp Hồng Hà, Xuân Thu, Thái Duy vẫn bám sát các mặt trận…

Việt Minh về với quê hương tôi

Tháng 4-2018, tôi về xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, được gặp nhà giáo hưu trí Nguyễn Văn Hách. Trong giờ nghỉ trưa, ông giáo Hách cho tôi xem cuốn Lịch sử Đảng bộ xã An Thịnh in năm 2005. Thật tình cờ, đây chính là địa phương nhà báo Lưu Động về xây dựng cơ sở cách mạng với bí danh Nguyễn Trịnh Liệt.

Trước ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), cùng hai huyện Lương Tài và Gia Bình là vùng sâu vùng xa của tỉnh Bắc Ninh, ông Trần Đình Nam, Ban Cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh đã cử ông Nguyễn Trịnh Liệt - Ủy viên Ban Cán sự Đảng tỉnh về gây dựng cơ sở, để tuyên truyền, giác ngộ và tổ chức nhân dân vùng lên đấu tranh.

Tháng 8-1944, ông Trịnh Liệt vừa về công tác ở làng Trung Mầu thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc huyện Gia Lâm – Hà Nội). Ông về trong tình thế vô cùng hiểm nghèo đó, mật thám Pháp vừa bắt được ông Văn Tiến Dũng tại đây.

Lý trưởng Sen Hồ với chiến công bắt được “ông quan năm Văn Tiến Dũng, tướng Việt Minh, học 3 năm ở Tàu, vừa về nước” đã được thưởng “Nam Long bội tinh”. Cấp trên lệnh cho ông phải cấp tốc mở một lớp du kích đào tạo cán bộ tự vệ cứu quốc để bảo vệ cơ quan và trừ Việt gian, trong đó có lý trưởng làng Sen Hồ đã bắt ông Văn Tiến Dũng.

Lịch sử Đảng bộ xã An Thịnh ghi nhận, cuối tháng 4-1945, ông Nguyễn Trịnh Liệt gặp ông Nho Hoàng tại Trung Màu (nay thuộc Gia Lâm – Hà Nội).

Qua trao đổi, ông Nguyễn Trịnh Liệt hiểu được lúc bấy giờ vùng quê Lương Tài chưa có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng nhưng khí thế cách mạng của nhân dân ở đây, nhất là lớp thanh niên đang sẵn sàng đi theo Việt Minh làm cách mạng. Liền sau đó, ông Nguyễn Trịnh Liệt quyết định tới gặp ông Lý Đáo để bàn bạc và gây dựng cách mạng ở thôn Lôi Châu, xã An Thịnh.

Ngày 30-4-1945, gặp ông Lý Đáo và được đón tiếp chân thành, sau ít phút trao đổi, ông Trịnh Liệt đã tự giới thiệu là cán bộ Việt Minh về Lương Tài xây dựng phong trào cách mạng. Ông Lý Đáo cảm động, sung sướng nắm chặt tay ông Nguyễn Trịnh Liệt và nói: “Thật không ngờ Việt Minh đã trở về với quê hương tôi”.

Từ đây, một vùng quê xa xôi hẻo lánh, vốn có truyền thống yêu nước và cách mạng, đã được cán bộ Việt Minh mang ánh sáng, niềm tin đến, khác nào như ruộng khô lâu ngày gặp mưa…

Ngày hôm sau, 1-5-1945, ông Lý Đáo tiếp tục đưa ông Nguyễn Trịnh Liệt sang thôn An Trụ gặp ông Minh Tiệp, là bạn bè và có chung một chí hướng với mình. Sau đó cả ông Quản Bội, ông Hệ (thôn An Trụ) cũng tìm gặp ông Nguyễn Trịnh Liệt và xin gia nhập Việt Minh.

Nhà báo Lưu Động (thứ 2 từ trái sang) tại báo Cứu quốc (1945) cùng với các nhà báo, nhà văn Xuân Thủy, Tô Hoài, Văn Tân, Như Phong… (Tư liệu KMS)

Dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Trịnh Liệt, phong trào cách mạng tại các địa phương huyện Lương Tài mau chóng phát triển. Nhân dân tổ chức các đội tự vệ cứu quốc, tổ chức các cuộc mít tinh và huy động quần chúng đấu tranh đòi giảm tô ở đồn điền của các địa chủ Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Huy Oánh...

Trong các cuộc đấu tranh, ông Nguyễn Trịnh Liệt luôn đi đầu, đứng lên diễn thuyết và tuyên truyền quần chúng tham gia Mặt trận Việt Minh. Sau đó, ông còn tham gia chỉ đạo thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời Chiến khu Lôi Châu. Từ đây, nhân dân huyện Lương Tài mau chóng làm chủ chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945.

Đánh chiếm thuyền đạn của Nhật

Trong hồi ức của nhà báo Lưu Động ghi lại một chiến công của du kích Chiến khu Lôi Châu. Đó là chỉ với 16 khẩu súng mà dám đánh một thuyền Nhật có liên thanh và bích kích pháo vào cuối tháng 7-1945.

“Thuyền đinh hạng đại của Nhật ngày nào cũng lừ lừ từ phía Cầu Lồ xuống Phả Lại. Đêm xuống, tự vệ Lôi Châu, cạnh đê sông Đuống, đã bắt liên lạc được với một anh chân sào một chiếc thuyền đạn nên đã có kế hoạch khi thuyền đỗ gần Đại Than thì sẽ “tùm” 6 lính Nhật xuống sông để chiếm lấy thuyền đạn.

Nhưng đến 12h đêm vẫn không có tín hiệu. Có lẽ nhân mối bị lộ. Tự vệ liền nổ súng. Địch cũng đáp trả dữ dội. Du kích liều mình lội xuống nước chiếm thuyền. giữa trận đánh thì súng hết đạn. 180 viên đạn đều không còn. Tự vệ phải tuồn cát rút lui. Nhưng hôm sau, tự vệ Lang Tài theo dọc sông Đuống đã chiếm được thuyền đạn này. Thì ra, lính Nhật cũng sợ hãi, bỏ thuyền lại. Tự vệ mang về 5.000 quả lựu đạn Nhật và vô số đại bác”.

Nhà báo Lưu Động đánh giá, đây cũng chính là chiến công đầu tiên của những anh hùng du kích trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và đường 5 sau này với những tên tuổi lừng lẫy trong kháng chiến chống Pháp như Đỗ Viết An, Vũ Thị Hảo, Đông Phương Sóc…

Nhà báo Lưu Động (1920 – 2004) tên khai sinh là Nguyễn Xuân Canh, bí danh Nguyễn Trịnh Liệt, quê huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ông tham gia Cách mạng năm 1932, vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939. Tháng 10-1944 là Tỉnh ủy viên Ban Cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh. Ông tham gia công tác tại nhiều tờ báo như báo Cứu quốc, Thủ Đô, Trưởng ban Nông nghiệp Báo Nhân dân.

Giành chính quyền ngay sát nách Thủ đô

Đêm 25 tháng Giêng năm Ất Dậu (9-3-1945), ông Nguyễn Trịnh Liệt đang ngồi thảo luận với cán bộ Trung Mầu (Gia Lâm – Hà Nội hiện nay) đem du kích đi phá kho thóc nhà huyện Trường ở trong làng thì Nhật đã đảo chính Pháp.

“Sáng hôm sau, du kích đi trinh sát về báo, Nhật đã quét sạch Tây ở Bắc Ninh. Lính khố xanh chạy về Từ Sơn. Thế là lập tức làng Trung Mầu sôi sục không khí cách mạng. Ủy ban Việt Minh họp ngay giữa chùa. Tự vệ đi bắt các lý hào trong làng, tước bằng sắc, sổ sách, triện bạ. 

Đêm hôm đó, toàn dân xã Trung Mầu họp ở chùa. Chính quyền đế quốc bị thủ tiêu, chính quyền nhân dân thay thế. Tự vệ đi chiếm giữ niêm phong nhiều nhà tình nghi phản động. Tự vệ đi gác các ngõ. Tự vệ sang tận Hà Nội, lên Bắc Ninh do thám tình hình. 

Ngày hôm ấy cả xã Trung Mầu treo cờ đỏ sao vàng, hát vang “một hai đi một hai”, rồi hợp với nhân dân tại Long Khám, Bạch Môn, Chè Dọc đi tuần hành thị oai, tịch thu bằng triện của hương lý Dũng Vy, Dương Húc”.

Kiều Mai Sơn

70 năm về trước, phát huy truyền thống của quê hương Xôviết anh hùng, bằng ý chí, quyết tâm, quân và dân xứ Nghệ đã cùng dốc sức đồng lòng, góp máu xương làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều đã cao tuổi, song ký ức về năm tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, về chiến tranh khốc liệt mà hào hùng và cảm xúc hân hoan trong ngày vui chiến thắng vẫn còn nhớ như in...

Theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quý I/2024 của UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết các cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chủ động hơn trong kiểm tra, thanh tra phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát nội bộ chưa thường xuyên…

Hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn mới giữa Israel và Hamas vừa được nhen nhóm vào cuối tuần trước đã có nguy cơ tắt ngấm sau khi Hamas tấn công một cửa khẩu ở Gaza và Israel đóng cửa văn phòng của Đài truyền hình Al Jazeera tại nước này.

Để làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm ngay từ cấp cơ sở. Điển hình, việc xử lý sai phạm tại dự án Khu dân cư (KDC) Nọc Nạng, phường 1, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đã được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Bằng chiêu trò ủy quyền qua nhiều đầu mối trung gian, các đối tượng đã tạo lòng tin cho nhà đầu tư mua những mảnh đất giá rẻ, sau đó âm thầm khởi kiện hoặc đưa ra kịch bản đang tranh chấp để lấy lại đất từ chính người được ủy quyền mà không hề thông báo cho người mua cuối cùng được biết.

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文