Nhà thơ Lê Anh Xuân: Mãi mãi tuổi thanh xuân

13:58 09/08/2011
Nữ văn sĩ người Đức Anna Seghers từng đặt tên cho cuốn tiểu thuyết của mình Những người chết còn trẻ mãi. Lê Anh Xuân - trong tâm trí bạn đọc chúng ta - anh còn trẻ mãi, bởi khi nằm xuống, anh mới 28 tuổi. Và còn trẻ mãi bởi anh là nhà thơ có bút danh rất gợi sự thanh xuân.

Vốn dĩ tên thật của anh là Ca Lê Hiến.

Cùng gia đình tập kết ra Bắc sau Hiệp định Genève năm 1954, Lê Anh Xuân luôn mang trong mình một trái tim phập phồng rung cảm. Kỷ niệm lúc nào như cũng chực trào ra đầu ngọn bút, thành những lời thổn thức, tức tưởi. Điều này dễ hiểu: Sự chia cắt hai miền Nam Bắc cũng đồng thời cắt ngang giai đoạn nhạy cảm nhất trong cuộc đời anh, cắt ngang tuổi niên thiếu với bao kỷ niệm không dễ nguôi quên "đã thắm nặng lòng ta những tình yêu chớm hé".

Bài thơ Nhớ mưa quê hương anh viết năm 19 tuổi (1959) và được giải nhì cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ một năm sau đó đã giúp tác giả giải tỏa rất nhiều niềm nhung nhớ dồn ứ suốt bấy lâu đối với vùng đất Mỏ Cày, Bến Tre - quê nội của anh:

Quê nội ơi
Mấy năm trời xa cách
Đêm nay, ta nằm nghe mưa rơi
Nghe tiếng trời gầm xa lắc…
Cớ sao lòng thấy nhớ thương.

Lần theo tiếng mưa rơi, tác giả bồi hồi nhớ lại từng cảnh huống, từng kỷ niệm vẫn vương vấn, quấn quít hồn mình suốt một thời thơ trẻ: "Ơi cơn mưa quê hương/ Đã ru hát hồn ta từ thuở bé/ Đã thắm nặng lòng ta những tình yêu chớm hé/ Nghe tiếng mưa rơi trên bẹ chuối bẹ dừa/ Thấy mặt trời lên khi tạnh những cơn mưa/ Ta yêu quá như lần đầu mới biết/ Ta yêu quá như yêu gì thân thiết/ Như tre, dừa, như làng xóm quê hương/ Như những con người - biết mấy yêu thương".

Chúng ta từng có những thi sĩ viết rất hay, rất gợi về mưa. Huy Cận trong Buồn đêm mưa đã tinh tế lắng nghe được chiều sâu của không gian cùng cái cô quạnh của kiếp người từ những tiếng mưa rơi rả rích: "Đêm mưa làm nhớ không gian/ Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la/ Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn/ Nghe đi rời rạc trong hồn/ Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi".

Hoàng Cầm trong Mưa Thuận Thành cũng tinh tế "đọc" ra được trong tiếng mưa rơi những sắc màu, hình ảnh, "thân phận" khác nhau: "Hạt mưa chèo bẻo/ nhạt nắng xiên khoai/ Hạt mưa hoa nhài/ tàn đêm kỹ nữ/ Hạt mưa sành sứ/ vỡ gạch Bát Tràng/ hai mảnh đa mang". Lê Anh Xuân thuộc thế hệ sau.

Sức trẻ và cảm hứng thời đại đã khiến cơn mưa trong ký ức của anh, dù khoan dù nhặt thế nào đi chăng nữa thì cũng vẫn cứ khơi gợi những kỷ niệm rất đáng yêu, đáng sống: "Ôi tuổi thơ, ta dầm mưa ta tắm/ Ta lội tung tăng trên mặt nước mặt sông/ Ta lặn xuống, nghe xa vang tiếng sấm/ Nghe mưa rơi, tiếng ấm tiếng trong", cũng như đánh thức trong anh những ước vọng dâng hiến: "Có lúc bỗng phong ba dữ dội/ Mưa đổ ào như thác dồn trăm lối/ Giấc mơ xưa có chớp giật, sấm gầm/ Trang sử nhỏ nhà trường bỗng hóa cơn giông/ Nghe như tiếng của cha ông dựng nước/ Truyền con cháu phải ngẩng cao mà bước/ Nghe như lời cây cỏ gió mưa/ đang hát tiếp bài ca bất khuất ngàn xưa…".

Bài thơ Nhớ mưa quê hương của Lê Anh Xuân vì thế - khác với thơ của hai bậc đàn anh trích dẫn trên - dù có chỗ nấc lên, đau xót, cũng vẫn thể hiện được một không khí trẻ trung, tươi mát và có tác dụng nâng dậy tâm hồn con người (chứ không làm họ có cảm giác bi lụy, dẫn tới sự thối chí). Đây có thể được xem là một "bản giao hưởng" đặc sắc về mưa.

Cùng với Nhớ mưa quê hương, trong những tháng ngày được thừa hưởng không khí thanh bình trên đất Bắc, Lê Anh Xuân còn trút nỗi niềm "thương quê nhớ người" vào nhiều bài trong tập thơ đầu tay Tiếng gà gáy xuất bản năm 1965 của anh. Đây là mấy câu trong bài Tiếng gà gáy: "Anh không nằm mơ, anh đang thức đấy/ Cớ làm sao nghe tiếng gà vọng gáy/ Bỗng tìm em tay chạm phải vách tường/ Cứ ngỡ là vách lá quê hương".

Cách đặt vấn đề dễ làm độc giả nhớ tới mấy câu thơ - cũng về đề tài "nhớ miền Nam" của nhà thơ Tế Hanh: "Chiêm bao bừng tỉnh giấc/ Biết là em đã xa/ Trên tường một tia sáng/ Biết là đêm đã qua" (bài Chiêm bao). Lê Anh Xuân viết sau Tế Hanh và cách thể hiện cảm xúc cũng… vụng hơn. Tuy nhiên, tới khổ thơ tiếp theo thì anh đã thực sự gây xao động lòng người bởi những câu thơ trữ tình da diết:

Tiếng gà gáy xa, canh ba có phải
Con sông quê hương đang chảy nước ròng
Ta xa nhau đã là năm thứ bảy
Nhưng lòng em là con nước đầy sông…

Không chỉ ở bài Tiếng gà gáy, ngược trở lại với bài Nhớ mưa quê hương, ta có thể thấy, Lê Anh Xuân có bút pháp khá gần gũi với Tế Hanh, một nhà thơ miền Nam tập kết và là bậc đàn anh của anh. Bài Nhớ mưa quê hương có cách chuyển tải cảm xúc theo kiểu câu nọ gọi câu kia, hình ảnh này mở ra hình ảnh khác và về đề tài rất gần với Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh.

Theo tôi, về chất lượng, hai bài thơ một chín một mười, ngang ngửa nhau. Chỉ ước là giá như Lê Anh Xuân bỏ bớt đi đoạn thơ từ câu "Mấy cô gái bên kia sông giặt áo" tới hết câu "Đã yêu rồi sao bỗng thấy yêu hơn" thì hẳn bài thơ chặt chẽ hơn, mạch thơ bớt phân tán hơn.

Lê Anh Xuân sinh trưởng trong một gia đình gia giáo (cụ thân sinh là Giáo sư Ca Lê Thỉnh, người từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946). Bản thân anh cũng được học hành bài bản. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh được giữ lại trường làm giảng viên.

Tiếp đó, anh được cử đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Lúc này, Mỹ đã đổ quân vào miền Nam, không khí cả hai miền đều sục sôi. Trong tình thế ấy, Lê Anh Xuân đã một mực từ chối "con đường nhung lụa" mà cấp trên dành cho mình, anh viết đơn xin tình nguyện được trở về quê hương công tác và chiến đấu. Nguyện vọng của anh được đáp ứng.

Cuối năm 1964, Lê Anh Xuân lên đường vào Nam. Anh được điều về Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam, sau đó là Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam. Nhà thơ Viễn Phương sau này đã nhận xét: "Đâu phải Lê Anh Xuân không biết rằng đi chiến trường là vô cùng nguy hiểm, là có thể hy sinh. Nhưng Xuân cũng biết rất rõ rằng những bài thơ hay, những bông hoa đẹp không thể nở giữa căn nhà ấm áp thơm ngát phong lan của mình ở giữa khu rừng biên giới mà phải nở giữa vùng xoáy của cuộc đời, nở giữa chiến trường khói lửa và có khi nở chính trong dòng máu rất nóng của trái tim mình…".

Đời thơ của Lê Anh Xuân quá ngắn ngủi, chỉ gói gọn trong vòng chục năm (từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước cho tới khi anh hy sinh vào tháng 5 năm 1968). Trong mười năm ấy, tâm trạng của anh là tâm trạng chung của những người con yêu nước phải hứng chịu nỗi đau chia cắt.

Khi Lê Anh Xuân đến với thơ cũng là khi anh hấp thụ một nền văn hóa đã được mở rộng ra với thế giới, với những cuốn sách dịch rất khơi gợi hoài bão của tuổi trẻ: Đó là các tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của Ostrovski, Đội cận vệ thanh niên của Fadeev, thơ của Petofi, của Mayakovsky, của Aragon, của Lermontov…

Trong nước, những vần thơ da diết của các nhà thơ miền Nam, kể từ lớp trước như Tế Hanh cho đến lớp sau này như Thanh Hải, Giang Nam cũng khiến Lê Anh Xuân như được "tiếp viện". Nhà thơ trẻ đã hăm hở lao vào cuộc chiến. Anh vừa cầm bút làm thơ vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu.

Và trong những trận "giáp lá cà" ác liệt ấy, như biết bao đồng nghiệp văn chương khác, những vần thơ viết ngay tại trận của anh cũng phải chấp nhận nhiều sự… hy sinh. Không chỉ với nhà văn ta mà với nhà văn nước nào cũng vậy, một khi tác phẩm tham gia xung trận, phải đánh trực diện, thật khó tránh được…  thương vong.

Đọc thơ Lê Anh Xuân thời kỳ này, ta thấy anh thiên về kể lể, không ít đoạn chỉ là những dòng ghi vội, đậm chất ký sự: "Mẹ lưng còng tóc bạc/ Ngậm ngùi kể chuyện ta nghe/ Tám em bé chết vì bom xăng đặc/ Trên đường đi học trở về/ Giặc giết mười người trong một ấp/ Bà con khiêng xác chất đầy ghe/ Chở lên Bến Tre đấu tranh với giặc" (bài Trở về quê nội). Đã vậy, thơ Lê Anh Xuân lại có phần dài dòng, dàn trải, thành thử chữ nghĩa dễ bị "hở sườn" (thơ anh rất hiếm bài ngắn và có cấu tứ vững chãi kiểu như Dáng đứng Việt Nam - một bài thơ trứ danh anh viết trước khi mất vài ba tháng).

Dẫu vậy, là một nhà thơ thực sự tài hoa nên dù trong những bài thơ không thật đặc sắc, Lê Anh Xuân vẫn có những câu thơ trang hoàng, có sức sống vượt thời gian. Đây là những câu anh viết về cuộc gặp gỡ đầy xúc động giữa Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và vợ - chị Phan Thị Quyên ở khám Chí Hòa:

Bốn bên cái chết bủa vây

Chẳng cây, chẳng lá, chẳng mây, chẳng trời
Mà thơm hơn cả hoa tươi
Mà xanh hơn cả da trời đã xanh
Tình yêu vào khám tử hình      
Chấn song sắt cũng trổ cành đơm hoa

(trích trường ca Nguyễn Văn Trỗi).

Thật là những câu lục bát đẹp đến hoàn hảo, thuộc vào số "có những lời hơn mọi lời ca" để ca ngợi những con người "như chân lý sinh ra" (mượn chữ của nhà thơ Tố Hữu, bài Hãy nhớ lấy lời tôi viết về Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi).

Đây nữa, những vần thơ anh viết ca ngợi Hà Nội trong những ngày Hà Nội anh dũng đánh trả không lực Hoa Kỳ: "Ôi Thăng Long! Thăng Long/ Đã ngàn năm đứng hiên ngang nhìn sông Hồng cuộn chảy/ Có bao giờ Người lộng lẫy như hôm nay/ Trong tiếng pháo gầm, trong tiếng đạn bay/ Hà Nội súng cầm tay nói cười duyên dáng/ Hà Nội trẻ trung sáng trưng vầng trán/ Hà Nội hồng hào những chiến công/ Đẹp như nàng tiên mặc áo đỏ sông Hồng".

Trước kia, đọc những vần thơ của thi hào Pháp Louis Aragon ca ngợi Paris: "Gì rực rỡ bằng Paris trong thuốc nổ/ Gì sáng trong bằng vầng trán quật cường/ Gì mạnh hơn cả sét trời và ngọn lửa/ Paris của tôi ngạo nghễ trong tai ương", tôi cứ thầm ước có những vần thơ như thế đi liền với chiến tích của thủ đô ta. Rất mừng là khổ thơ vừa dẫn của Lê Anh Xuân đã hoàn toàn đáp ứng được mong mỏi ấy của tôi.

Nhận xét về đời thơ Lê Anh Xuân, nhà phê bình Bùi Việt Thắng đã dùng tới mấy chữ "nghệ thuật vô tư, không vụ lợi". Tôi hiểu ý anh, song vẫn thấy mấy chữ này có gì… chưa ổn.

Thời ấy, nhiều người đã sống, chiến đấu và sáng tác hết mình như Lê Anh Xuân, nào ai là người không "vô tư", nào ai là người "vụ lợi"? Tuy nhiên, khi Bùi Việt Thắng dùng hai chữ "trinh nguyên" để nói về tác phẩm của Lê Anh Xuân thì tôi hoàn toàn tán đồng với anh.

Lê Anh Xuân hy sinh ngày 24 tháng 5 năm 1968 trong một căn hầm bí mật sau một trận càn của Mỹ ở ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Cả đời thơ của mình, anh đã phơi trải mọi trạng huống cảm xúc trên trang giấy. Và mọi vui buồn của anh đều gắn với vui buồn chung của đất nước, của dân tộc. Anh không "cố thủ", giữ cho mình một chút ẩn ức riêng tư, một chút nghĩ suy khuất khúc nào - vốn là điều thường có ở các thi sĩ.

Nói đúng hơn là anh chưa kịp thu vén cho mình một chút riêng tư ấy (hay có thể là chưa kịp thể hiện nó trên trang giấy?). Anh mất quá sớm và đã dâng hiến cho cuộc đời trọn vẹn một hồn thơ bình dị, sáng trong.

21/7/ 2011

P.K.

Thực hiện Chương trình Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80, chiều 26/12, Bộ Công an tổ chức 6 Tổ thảo luận nhằm đánh giá tình hình, kết quả các mặt công tác Công an năm 2024. Với phương châm "đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, với tinh thần nêu gương, nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng, nói thật, nói hết" mà Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo tại phiên khai mạc hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bàn giải pháp khắc phục, phát huy thời gian tới.

Với vai trò là đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Phó Trưởng ban Dân nguyện, tuy nhiên thay vì “công, chính, liêm, minh” nói lên tiếng nói của các cử tri, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lợi dụng vị trí, quyền hạn của mình để “bảo kê” cho một số đối tượng kiểu “xã hội đen” cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp. Sự đan chéo lợi ích nhuốm mùi tiền giữa các đối tượng đã khiến cựu ĐBQH trên bất chấp quy định, bẻ cong luật pháp để trục lợi cá nhân.

Chiều 26/12/2024, tại Họp báo thông báo tình hình kết quả công tác Công an năm 2024 do Bộ Công an tổ chức, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thông tin về xử lý vụ việc liên quan quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).

Nga sẵn sàng hợp tác với chính quyền sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump để cải thiện quan hệ nếu Washington có ý định nghiêm túc thực hiện điều đó và Mỹ phải là người hành động trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 26/12 nhấn mạnh.

Chiều 26/12, thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức, Đại tá Trần Xuân Ánh, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, cho biết: Liên quan đến vụ án tại Tạp chí Môi trường và Đô thị, ngày 25/12, đơn vị đã khởi tố thêm 9 bị can, đồng thời triệu tập 20 đối tượng để mở rộng điều tra.

Chiều 26/12, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã phối hợp với Công an huyện Đức Trọng bắt giữ B.V.L (SN 1994), để điều tra, làm rõ các loại hóa chất dùng để chế tạo pháo nổ trái pháp luật.

Chiều 26/12, thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức, Thiếu tướng Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết: Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 16 đối tượng, trong đó có 12 đối tượng là nhân viên, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Đồng Nai về hành vi môi giới, đưa và nhận hối lộ.

Chiều 26/12, tại họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác Công an năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác Công an năm 2025 của Bộ Công an, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố thêm 5 bị can nguyên là lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ liên quan vụ án Phúc Sơn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文