Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Chi tiết nhỏ cho cuộc đời lớn

09:24 19/11/2017
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đi qua làng văn bằng một cái dáng thấp đậm, vừa gần gũi chan hòa, vừa nghiêng ngả phóng túng. 

Chính tính cách Nguyễn Quang Sáng làm phong phú thêm hương vị cho tác phẩm Nguyễn Quang Sáng.

Công chúng thân quen thường lấy lối sống Nguyễn Quang Sáng mà soi vào trang viết Nguyễn Quang Sáng để thấy được những màu sắc lấp lánh khác nhau. Tuy nhiên, khi bình tâm đọc văn Nguyễn Quang Sáng thật khách quan, thì không thể nào phủ nhận ông luôn biết cách tìm kiếm những chi tiết nhỏ để vun đắp một cuộc đời lớn!

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng chọn bút pháp phản ánh hiện thực xuyên suốt hành trình sáng tạo. Trí tưởng tượng đối với ông giống như một món hàng xa xỉ, vì ông tích cực lặn ngụp trong dòng chảy đa dạng và bất tận của đời thường. Nhánh sông Tiền chảy qua ngôi nhà chôn nhau cắt rốn của ông không chỉ xuất hiện trong truyện dài thiếu nhi Dòng sông thơ ấu mà liên tục cồn cào sóng gió trong nhiều tác phẩm của ông.

Vui buồn quê nhà dắt Nguyễn Quang Sáng vào văn chương bằng truyện ngắn đầu tay Con chim vàng viết tháng 6-1956 với bối cảnh hoài niệm “Cây trứng cá trước sân nhà đã hết mùa, sâu đo xanh đỏ thoăn thoắt qua những cành lá li ti màu phấn mốc...”. 

Nghĩa là, nhà văn Nam Bộ Nguyễn Quang Sáng khởi nghiệp trong âm vang văn hóa sông Hồng!

22 tuổi, tập kết ra Bắc, Nguyễn Quang Sáng chỉ có một ưu điểm là đánh bóng bàn rất giỏi. Thế nhưng, khi cư ngụ ở ngôi nhà số 2 phố Cổ Tân (Hà Nội), Nguyễn Quang Sáng đã bái vọng quê nhà bằng hai tiểu thuyết Nhật ký người ở lại viết năm 1961 và Đất lửa viết năm 1963. Vì sao khẳng định như vậy? Vì bối cảnh của cả hai tiểu thuyết đều là xứ sở mà Nguyễn Quang Sáng từng sinh ra và lớn lên.

Nhân vật Quang trong Nhật ký người ở lại sau giây phút bịn rịn tiễn những đồng chí đi tập kết đã quay về làng Mỹ Hưng hoạt động cách mạng và hy sinh oanh liệt. Nhân vật Sáu Sỏi trong Đất lửa cũng trở lại làng Mỹ Long Hưng vận động tín đồ Hòa Hảo đoàn kết đánh Pháp. 

Làng Mỹ Hưng của Nhật ký người ở lại và làng Mỹ Long Hưng trong Đất lửa đều lấy nguyên mẫu từ xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, mà Nguyễn Quang Sáng đã cất tiếng khóc chào đời ngày 12-1-1932.

14 tuổi, Nguyễn Quang Sáng thoát ly theo cách mạng và được học ở trường trung học chiến khu Nguyễn Văn Tố trong rừng U Minh. Tuy nhiên, nền tảng viết văn của Nguyễn Quang Sáng đều học ở thực tế, thực tế tranh đấu và thực tế xã hội.

Những tác phẩm tiêu biểu như Ông Năm Hạng, Tư Quắn thời khói lửa và Bàn thờ tổ của một cô đào, Người đàn bà đức hạnh thời hòa bình, đều được Nguyễn Quang Sáng chưng cất từ thực tế trải nghiệm sinh động. Hầu như toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng không câu nệ vào sách vở và tuyệt đối vắng bóng điển tích.

Nguyễn Quang Sáng trực tiếp va đập với cuộc sống để nhìn, để nghe và để viết. Chỉ cần gạn lọc được chi tiết, thì Nguyễn Quang Sáng lập tức có những trang văn trần thuật hấp dẫn, như ông bộc bạch “Tôi mê chi tiết. Viết văn không chi tiết, chỉ nói như xã luận, thì còn ra gì!”.

Sự khắc nghiệt của thời gian chắc chắn làm mai một nhiều giá trị mang thông điệp minh họa cho một giai đoạn văn chương nào đó. Thế nhưng, Nguyễn Quang Sáng nhờ vào thực tế kháng chiến của quân dân Nam Bộ, đã có được truyện ngắn Chiếc lược ngà xuất sắc.

Đầu năm 1965, Nguyễn Quang Sáng vượt Trường Sơn vào Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, thì tháng 9-1966 ông viết được Chiếc lược ngà. 

Đại diện cho những trang văn trần thuật kiểu Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà kết cấu bằng lời kể của một đồng chí già. Cách dẫn dụ “Các bạn ạ” của đồng chí già chia không gian Chiếc lược ngà ra làm hai lát cắt với khoảng cách 12 năm, nhân vật ông Ba gặp cô bé bơ vơ Thu 8 tuổi và tái ngộ cô giao liên Thu 20 tuổi.

Tín vật kết nối cho khoảng cách 12 năm là chiếc lược làm từ ngà voi của ông Sáu dành riêng tặng con gái mình. Giữa hai lần Thu xuất hiện, Nguyễn Quang Sáng cài cắm hai chi tiết gây xúc động mạnh mẽ.

Chi tiết thứ nhất: Lúc Thu 8 tuổi, ông Sáu về thăm nhà sau 7 năm xa biệt. Cô bé Thu không chịu gọi “ba” vì trên mặt ông Sáu có vết sẹo do bị bom giặc, không giống người cha chụp ảnh chung với má mà cô bé vẫn thường thấy. Suốt ba ngày, ông Sáu nghỉ phép sum họp gia đình, Thu không nhận cha.

Khi ông Sáu đi, thì Thu thét gọi “ba” nghẹn ngào “tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ lòng nó, nó vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó nhảy thót lên và dang tay ôm chặt cổ ba nó”. Cuộc hội ngộ ngắn ngủi kia, cô bé Thu gửi theo một mong mỏi “Ba về, ba mua cho con một cây lược nghe ba!”.

Chi tiết thứ hai: Lúc Thu 20 tuổi, làm giao liên đưa cán bộ qua sông. Trước khi hy sinh, ông Sáu giao lại chiếc lược mà đích thân dùng miếng ngà voi và cái cưa làm từ vỏ đạn để chế tác nên hình nên dáng.

Ông Sáu trao chiếc lược ngà cho Thu với lời nói dối thiện chí: “Ba cháu vẫn khỏe, ba cháu không về được, nên gởi cho bác!” mà không thể ngờ Thu đã biết sự thật “Cháu chịu đựng được, bác đừng ngại, cháu nghe tin ba cháu chết đã hai năm rồi, sau đó thì cháu xin má cháu đi giao liên”. Và cái kết ấm áp từ hành động của ông Ba là “nhìn cháu, tôi bỗng buột miệng nói: Thôi, ba đi nghe con!”.

Truyện ngắn Chiếc lược ngà có độ dài gần 7 ngàn chữ, không chỉ chia theo khoảng cách 12 năm mà còn chia thành hai câu chuyện: câu chuyện về tình cha con của ông Sáu với Thu, và câu chuyện tài trí của giao liên Thu. 

Một câu chuyện văn học và một câu chuyện điện ảnh. Nếu tách câu chuyện điện ảnh ra khỏi câu chuyện văn học, thì phẩm chất thẩm mỹ của truyện ngắn Chiếc lược ngà vẫn không ảnh hưởng gì. Thế nhưng, chính những trang miêu tả tỉ mỉ sự dũng cảm và khéo léo của giao liên Thu với nhiều hình ảnh ấn tượng, đã hé lộ khả năng một nhà biên kịch ở Nguyễn Quang Sáng.

Do đó, ai đã đọc Chiếc lược ngà ngay thời điểm truyện ngắn này ra đời, chắc chắn sẽ không ngạc nhiên khi sau ngày đất nước thống nhất thì Nguyễn Quang Sáng thăng hoa tên tuổi qua các kịch bản phim Mùa gió chướng hoặc Cánh đồng hoang.

Cùng với Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng có một tác phẩm nữa viết ở chiến khu Tân Biên cần phải nhắc đến, là truyện ngắn Chị Nhung. Ngay trong đợt 1 của cuộc nổi dậy Mậu Thân, Nguyễn Quang Sáng và Lê Văn Thảo là hai nhà văn được trực tiếp tham gia. Ngoài vài bút ký, truyện ngắn Chị Nhung là thu hoạch của Nguyễn Quang Sáng từ thực tế khốc liệt tấn công vào đô thị Sài Gòn.

Chiếc lược ngà và Chị Nhung khá giống nhau về mô-típ. Nếu Chiếc lược ngà được kể bởi một đồng chí già, thì Chị Nhung được kể bởi chính trị viên tiểu đoàn Tám Sơn. 

Thu trong Chiếc lược ngà xuất hiện với hình ảnh một cô bé bơ vơ và một nữ giao liên gan dạ, thì Nhung trong Chị Nhung cũng xuất hiện với hình ảnh một cô bé đơn côi và một nữ giao liên can trường. 

Nếu như Thu đưa cán bộ qua sông an toàn “cô vừa chặn địch, vừa bước ra khỏi chỗ nguy hiểm mà mặt cứ phơi phới... Con gái hai mươi tuổi không thể có cặp mắt trong sáng như thế, và cô mới ngây thơ làm sao, cô vẫn còn đeo bông tòn ten, cô đi dần về phía tôi...” thì Nhung mở đường cho bộ đội rút lui “trong trận đánh vào bộ tổng tham mưu của Mỹ - ngụy, lúc đánh trả lại các đợt phản kích của xe tăng địch, có một chiến sĩ bắn B.40 thọc họng súng qua các cửa sổ bắn đến viên đạn thứ mười sáu. Thấy hai bên tai anh rỉ máu, một chị chạy đến không cho anh bắn nữa. Chị giật súng trên tay anh và bắn tiếp. Nghe nói chị ấy cũng tên Nhung. Tôi muốn gặp chị để hỏi lại những chuyện ấy cho rõ hơn và do tính tò mò, tôi muốn gặp tận mắt một cô gái người Sài Gòn”.

Truyện ngắn Chị Nhung viết sau truyện ngắn Chiếc lược ngà khoảng 2 năm, yếu tố lịch sử của Chị Nhung cụ thể hơn Chiếc lược ngà, nhưng tính cách nhân vật nữ và cảm hứng sáng tác rất giống nhau. Nét độc đáo là nhà văn Nguyễn Quang Sáng đều khắc khoải được sẻ chia niềm che chở của tình phụ tử cho Thu và Nhung, vì hai cô bé đều có cha biền biệt kháng chiến.

Trong Chiếc lược ngà là sự bồi hồi “Lúc chia tay, tôi không nghe cháu gọi tôi là ba. Nhưng những lúc nằm một mình, nhớ lại thì tôi nghe tiếng gọi “ba” của cháu, và tiếng “ba” như vang lên từ trong tâm tôi”, còn trong Chị Nhung là sự xao xuyến “Bây giờ tôi thấy mình như một người cha đứng trước một đứa con. Tôi bước lại gần cháu, đưa tay vỗ nhẹ lên vai cháu...”.

Ngoài ra, nhà văn Nguyễn Quang Sáng còn có chút riêng tư dành cho Thu và Nhung, khi ông cố ý dời “hộ khẩu” cả hai nhân vật được thai nghén ngẫu nhiên ấy, cùng về... quê nhà An Giang của ông.

Nhân vật Thu thì nguyên quán “Cù lao Giêng, quận Chợ Mới, tỉnh Long Châu Sa”, còn nhân vật Nhung thì “cháu là người Tân Phú Đông, tỉnh Long Châu Sa”. Có lẽ, cần ghi chú thêm rằng, tỉnh An Giang có lúc chuyển đổi thành tỉnh Long Châu Sa, là địa danh hành chính gộp lại của Long Xuyên, Châu Đốc và Sa Đéc. Rõ ràng, nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một người con nặng lòng với cội nguồn.

Tuy không được đưa vào sách giáo khoa để phổ cập rộng rãi bằng truyện ngắn Chiếc lược ngà, nhưng truyện ngắn Chị Nhung ngay sau khi công bố cuối năm 1968 đã có tiếng vang rất lớn. Năm 1970, Hãng Phim truyện Việt Nam đã đưa truyện ngắn Chị Nhung lên màn bạc, do Nguyễn Đức Hinh và Đặng Nhật Minh làm đạo diễn, Lê Vân đóng vai nữ chính! Nhà văn Nguyễn Quang Sáng thổ lộ nhờ cơ duyên đó “như mở thêm cho tôi một con đường viết kịch bản phim”.

Lê Thiếu Nhơn

Liên quan đến vụ việc một nhóm thanh niên điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng gây tai nạn nghiêm trọng cho người tham gia giao thông tại Hà Nội, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có ý kiến chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý dứt điểm tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe, lạng lách gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Nhắc lại vụ Công ty Pharos của FLC nâng vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ trong 3 năm 2014-2016; vụ án Sài Gòn - Đại Ninh của ông Nguyễn Cao Trí nhiều lần "phù phép" tương tự đã nâng vốn lên 2.000 tỷ đồng, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đề nghị kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu để tránh "sự đánh tráo" với các nhà đầu tư.

Trong nhiều năm, nhiều nhà khoa học đã tin rằng, nguồn gốc của sự sống có thể đã tới Trái đất từ các thiên thạch rơi xuống. Lý thuyết này được gọi là panspermia, và nó trả lời rất nhiều câu hỏi về nguồn gốc của loài người chúng ta. Thật không may, chính những nhà khoa học trên lại tin rằng, vi khuẩn và vi rút ngoài hành tinh có thể vẫn đang tấn công chúng ta. Những kẻ xâm lược siêu nhỏ này đã bị đổ lỗi cho tất cả các loại bệnh tật.

Chủ “phường”, “hụi” thường xây dựng hình ảnh về bản thân, gia đình có cuộc sống giàu sang, hàng tháng trả lãi cao, đúng hẹn, tạo vỏ bọc uy tín… Điều này đánh vào tâm lý tin tưởng trao gửi tài sản của những người tham gia, họ không mảy may nghi ngờ.

Ngày 6/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng vừa hoàn thiện thủ tục, chuyển hồ sơ vụ việc 1 đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép 3 bánh heroin đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cao Bằng để điều tra theo thẩm quyền.

Ngày 7/11, Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) Bộ Công an cho biết vừa phối hợp với Công an tỉnh Tiền Giang và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an triệt phá một băng nhóm tội phạm nguy hiểm. Băng nhóm này không chỉ tàng trữ vũ khí quân dụng mà còn tổ chức các hoạt động đánh bạc phức tạp, quy tụ hàng chục đối tượng và gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Trước bức xúc của dư luận, người dân về tình trạng cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai và các Chi nhánh “hoạch họe” người dân về tình trạng sai phép của các công trình trên đất, ngày 6/11, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN &MT) TP Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trên chấn chỉnh việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động về đất đai…

Ông Patrick Turner - người đứng đầu văn phòng đại diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Thủ đô Kiev, hôm 5/11 đã đến Ukraine để bắt đầu công việc và gặp Bộ trưởng Quốc phòng nước này Rustem Umerov.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文