Nhạc sĩ Hoàng Quý và "cô láng giềng" bị tiếng oan phụ bạc

09:55 21/11/2018
Nhiều thế hệ nghe nhạc vẫn ngỡ rằng, "cô láng giềng" trong ca khúc "Cô láng giềng" của nhạc sĩ Hoàng Quý đã phụ tình chàng trai lãng mạn. Thực tế, "Cô láng giềng" có một mối tình rất đẹp!

Trong ca khúc "Cô láng giềng" của nhạc sĩ Hoàng Quý có lời hát: "Trước ngõ vào sân vang tiếng pháo. Chân bước phân vân lòng ngập ngừng. Tai lắng nghe tiếng người nói cười xôn xao. Tôi biết người ta đón em tưng bừng… Cô láng giềng ơi/ Nay mối duyên thơ đành đã lỡ rồi/ Chân bước xa xa dần miền quê/ Ai biết cho bao giờ tôi về…". 

Nhiều thế hệ nghe nhạc vẫn ngỡ rằng, "cô láng giềng" đã phụ tình chàng trai lãng mạn. Thực tế, "Cô láng giềng" có một mối tình rất đẹp!

Nhạc sĩ Hoàng Quý (1920-1946) là thủ lĩnh của nhóm nhạc Đồng Vọng nức tiếng ở Hải Phòng một thời. Thân phụ của nhạc sĩ Hoàng Quý vốn là một thầy lang từ Quốc Oai - Hà Tây ra đất cảng lập nghiệp, nên tuổi thơ Hoàng Quý gắn với những địa danh Hàng Kênh, Cầu Đất, Tam Bạc… 

Khi phong trào tân nhạc bắt đầu bùng nổ, nhạc sĩ Hoàng Quý cùng với các nhạc sĩ Canh Thân, Văn Cao, Tô Vũ, Phạm Ngữ… lập nên nhóm Đồng Vọng và làm nên một dấu son trong dòng âm thanh tiền chiến.

Nhạc sĩ Hoàng Quý là học trò của nhạc sĩ Lê Thương ở Trường trung học Lê Lợi - Hải Phòng. Khi biết ý định ra mắt nhóm Đồng Vọng của nhạc sĩ Hoàng Quý, nhạc sĩ Lê Thương với tư cách ân sư đã đứng ra làm cố vấn về chuyên môn. 

Sau này, trong các cuộc trò chuyện về nghệ thuật, nhạc sĩ Lê Thương gọi nhóm Đồng Vọng bằng cái tên thân mật là "nhóm hip=pi tiền chiến", đồng thời bộc bạch chính sức trẻ và tinh thần dân tộc của nhóm Đồng Vọng đã thôi thúc ông viết bản trường ca bất hủ "Hòn vọng phu". Mùa hè năm 1939, nhóm Đồng Vọng có buổi biểu diễn chào sân tại Nhà hát Hải Phòng.

Nhạc sĩ Hoàng Quý.

Nhạc sĩ Hoàng Quý tham gia cách mạng và nổi lên với những bản nhạc hùng tráng như "Bên sông Bạch Đằng", "Nước non Lam Sơn", "Bóng cờ lau", "Tiếng chim gọi đàn"… 

Ngoài ra, nhạc sĩ Hoàng Quý còn theo đuổi dòng nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca, mà tiêu biểu là bài "Chiều quê" được viết vào năm 1941, với mơ ước thanh bình: "Sáo diều êm nào khác lời thơ/ Lúa vàng reo ngàn muôn sóng nhấp nhô/ Ôi chiều quê chiều sao xiết êm đềm/ Nhìn xem tơ khói vương chờ giây phút mến thương/ Trông người ra ngồi hay đứng bên thềm/ Chuyện trò chung với nhau đời sống thần tiên…".

Nói về nhạc sĩ Hoàng Quý và nhóm Đồng Vọng, nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng: "Đánh giá Hoàng Quý không nên chỉ thu hẹp vào những sáng tác của ông, bởi vì sự hoạt động cho nền nhạc hùng còn là một điều khiến chúng ta phải ghi nhớ và ghi ơn. Ông là linh hồn của đám nhạc sĩ trẻ ở Hải Phòng, thúc đẩy mọi người sáng tác và ông làm cho những sáng tác đó có một đời sống hẳn hoi, nghĩa là in ra, hát lên trong những sinh hoạt hướng đạo hay học sinh của ông".

Còn nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thuỵ Kha chia sẻ: "Từ cuối năm 1943 đến tháng 2-1945, Hoàng Quý đã tập hợp được ngót 100 bài hát tươi sáng, khởi động lịch sử và dựa vào NXB Lửa Hồng cho in, phổ biến nhiều tập nhạc Đồng Vọng.

Nhiều bài hát của Hoàng Quý cũng như Văn Cao, Hoàng Phú, Phạm Ngữ đã được biết đến ở Hải Phòng rồi loang rộng ra khắp đất nước. Có người đã ví Hoàng Quý trong nhạc như Nguyễn Nhược Pháp trong thơ. Cả hai đều tươi sáng, hồn nhiên rũ sạch ủy mị lãng mạn và buồn nản. 

Bài "Cảm tử quân" của Hoàng Quý được viết ra từ tháng 5-1944 tức là trước "Tiến quân ca" của Văn Cao, "Diệt phát xít" của Nguyễn Đình Thi nhưng lại tiên đoán ngay được về một lực lượng vũ trang đặc biệt trong "Đoàn quân Việt Minh" là "Cảm tử quân". Nhịp hành khúc gọn ghẽ, dứt khoát, mạnh mẽ: "Tiến lên đường - Tới sa trường - Ta xứng danh là cảm tử quân...". 

Dường như nhịp hành khúc này chứa chất một khao khát của nghệ sĩ rất muốn được dấn thân tận cùng cho đất nước nhưng lại bị kìm nén vì một căn bệnh hiểm nghèo. "Cảm tử quân" như những quả đại bác bắn phá vào dinh lũy thực dân trong Cách mạng Tháng Tám. 

Cũng chỉ tròn một tháng sau khi được hát vang trong khởi nghĩa ở Sài Gòn, "Cảm tử quân" của Hoàng Quý lại được các chiến sĩ cảm tử coi như bài hát của chính mình trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến".

Tuy nhiên, nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Quý hôm nay thì công chúng ưu ái nhắc đến ca khúc "Cô láng giềng". "Cô láng giềng" có phải một sản phẩm tưởng tượng không?

Không, nhân vật trong bài hát có nguyên mẫu thực sự ngoài đời. Đó là thiếu nữ tên Oanh quê gốc Thủy Nguyên - Hải Phòng, vừa xinh đẹp vừa hát hay. Hầu hết những ca khúc của nhóm Đồng Vọng đều do cô Oanh hát thử lần đầu tiên. Trong nhóm Đồng Vọng có đến ba người cùng ngưỡng mộ Oanh là nhạc sĩ Hoàng Quý, nhạc sĩ Văn Cao và ca sĩ Kim Tiêu.

Cô Oanh từng là cảm hứng để nhạc sĩ Văn Cao viết ca khúc "Bến xuân" dạt dào: "Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước/ em đến tôi một lần…/ Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân/ Mắt em như dáng thuyền soi nước. Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân…". 

Chính nhạc sĩ Văn Cao trong bộ phim chân dung "Văn Cao - Giấc mơ đời người" do Hãng phim Trẻ sản xuất năm 1995, đã thừa nhận: "Ngày xưa tôi có thầm yêu một người con gái mà không dám nói ra. Nhưng người ấy hiểu lòng tôi và đến với tôi. Vì thế nên mới có câu hát "Em đến tôi một lần" và có bài hát này!". Vì sao "em đến tôi một lần"? Vì sao đó trái tim Oanh đã gửi trao cho nhạc sĩ Hoàng Quý. 

Cho nên, dù ca khúc "Bến xuân" nao nức "nghe réo rắt tiếng Oanh ca" thì chỉ còn dư âm xao xuyến: "Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác? Em vắng tôi một chiều/ Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu/ Từng đôi chim trong nắng khe khẽ ru/ Lệ mùa rơi lá chan hòa…/ Người đi theo mưa gió xa muôn trùng/ Lần bước phiêu du về chốn cũ/ Tới đây mây núi đồi chập chùng/ Liễu dương tơ tóc vàng trong nắng/ Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xưa".

Ca khúc "Bến xuân" được nhạc sĩ Văn Cao viết năm 1942, có thể là mốc thời gian để xác định mối tình nhạc sĩ Hoàng Quý dành cho cô Oanh cũng đã nảy nở từ lúc này. Năm 1943, nhạc sĩ Hoàng Quý lên Sơn Tây làm quản lý trang trại bò cho một người bà con. 

"Cô láng giềng" năm nay tròn 75 tuổi!

Sự cách ngăn làm nhớ nhung dâng đầy, và nhạc sĩ Hoàng Quý đã viết ca khúc "Cô láng giềng" để tặng cô Oanh: "Hôm nay trời xuân bao tươi thắm/ Dừng bước phiêu du về thăm nhà/ Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi, tôi đã hình dung nét ai đang cười… / Tôi mơ trời xuân đôi môi thắm/ Đôi mắt nhung đen màu hạt huyền/ Làn tóc mây cùng gió ngàn dâng song/ Xao xuyến nỗi niềm yêu…/ Cô láng giềng ơi/ Tuy cách xa phương trời tôi không hề, quên bóng ai bên bờ đường quê/ Đôi mắt đăm đăm chờ tôi về…".

Nhạc sĩ Tô Vũ - em ruột của nhạc sĩ Hoàng Quý, lúc sinh thời đã kể rằng: "Anh Hoàng Quý có vóc dáng dong dỏng cao, rất khôi ngô. Xung quanh anh Hoàng Quý luôn có rất nhiều bóng hồng, nhưng anh Hoàng Quý chỉ say đắm mỗi cô Oanh! Mọi người trong gia đình tôi đều ra sức vun đắp cho họ!". 

Nhạc sĩ Hoàng Quý chỉ ở Sơn Tây có 6 tháng, rồi nằng nặc đòi về vì không thể sống xa cô Oanh. Trên hành trình từ Sơn Tây quay lại Hải Phòng, nhạc sĩ Hoàng Quý đã ghé thăm nhạc sĩ Tô Vũ ở Hà Nội, và đưa cho em trai xem ca khúc "Cô láng giềng". 

Nhạc sĩ Tô Vũ rất thích giai điệu của "Cô láng giềng" nên xin phép anh trai cho viết thêm lời 2 của ca khúc. Tất nhiên, nhạc sĩ Hoàng Quý không có gì phải ích kỷ với em trai. 

Vì vậy, ca khúc "Cô láng giềng" có thêm lời hát: "Trước ngõ vào sân vang tiếng pháo/ Chân bước phân vân lòng ngập ngừng/ Tai lắng nghe tiếng người nói cười xôn xao/ Tôi biết người ta đón em tưng bừng… / Đành lòng nay tôi bước chân ra đi/ Giơ tay buồn hái bông hoa tường vi/ Ghi chút tình em nói chờ đợi tôi/ Đừng nói đến phân ly… / Cô láng giềng ơi/ Nay mối duyên thơ đành lỡ rồi/ Chân bước xa xa dần miền quê/ Ai biết cho bao giờ tôi về?".

Với lời 2 của nhạc sĩ Tô Vũ thì nhiều người hình dung "Cô láng giềng" đã bỏ rơi người thương để lên xe hoa theo cuộc hôn nhân khác. 

Nhạc sĩ Tô Vũ trình bày tường tận: "Thật ra lời 2 này không phải là tâm tư của Hoàng Quý mà do tôi hư cấu và Hoàng Quý đã đồng ý. Xem như là một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là sự miêu tả một mối tình có thật, vì thực tế Hoàng Quý không có một bi kịch về tình yêu như nội dung của lời 2!". 

Thực tế, sau khi cầm ca khúc "Cô láng giềng" về Hải Phòng, thì nhạc sĩ Hoàng Quý đã làm đám cưới với cô Oanh. Nhạc sĩ Tô Vũ cho biết, trong đám cưới ấy, chính nhạc sĩ Hoàng Quý đã đệm đàn cho vợ mình hát "Cô láng giềng" rất ấm áp, rất ngọt ngào.

Đáng tiếc, hạnh phúc của nhạc sĩ Hoàng Quý và "cô láng giềng" Oanh hơi ngắn ngủi. Năm 1946, nhạc sĩ Hoàng Quý qua đời vì căn bạo bệnh, để lại "cô láng giềng" Oanh goá bụa cùng "đôi mắt nhung đen màu hạt huyền".

Gia Quan

Ngày 26/12, TAND tỉnh Thanh Hóa sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trịnh Văn Chiến (cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa), bị cáo Nguyễn Đình Xứng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Ngày 10/12, Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa triển khai quyết định kỷ luật đảng bằng hình thức khiển trách đối với ông Lưu Văn Liêm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bạc Liêu, nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi.

Chiều 10/12, thông tin về kết quả điều tra, khám phá một số vụ án lớn của Công an TP Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết: Công an TP Hà Nội đã điều tra, làm rõ vụ "Buôn lậu" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Chiều 10/12, ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản chỉ đạo đơn vị và Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh nghiên cứu các giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Vĩnh Định đoạn qua xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong mà Báo CAND điện tử ngày 10/11/2024 phản ánh.

Thông tin về vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền", "Không tố giác tội phạm" và "Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” tại buổi họp báo chiều 10/12, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết: đến nay, Công an TP Hà Nội đã xác định được 2.661 bị hại trên toàn quốc; đã thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản của các đối tượng, ước tính hơn 5.200 tỷ đồng.

Người trẻ ngày nay dễ bị cuốn vào vòng xoáy của việc xây dựng hình ảnh cá nhân hoàn hảo trên mạng xã hội. Những bức ảnh check-in tại quán cà phê sang trọng, những món đồ hiệu xa xỉ hay những chuyến du lịch đắt đỏ dường như đã trở thành tiêu chuẩn để khẳng định giá trị bản thân. Đằng sau những bức ảnh long lanh, những câu chuyện "sang chảnh" là những áp lực ngấm ngầm mà nhiều người trẻ đang phải gồng mình chịu đựng...

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố ông có kế hoạch chấm dứt chính sách “quyền công dân theo nơi sinh tại Mỹ” trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Meet the Press” phát sóng hôm 8/12. Nếu ông thực hiện kế hoạch đó sau khi nhậm chức, điều này sẽ liên quan đến việc hủy bỏ một chính sách đã có trong hơn 150 năm.

Nhiều năm qua, những sự kiện chính trị lớn của đất nước được đông đảo người dân quan tâm, nhất là dịp diễn ra Đại hội Đảng và các kỳ họp Trung ương có liên quan đến công tác nhân sự lãnh đạo cấp cao...

Những ngày này, cả nước đang "sôi sục" khí thế phải cải tổ bộ máy hành chính các cấp; phải thay đổi lề lối làm việc; sắp xếp lại bộ máy theo hướng "tinh - gọn - hiệu quả"; phải chấm dứt ngay tư duy "cái gì không quản được thì cấm". Và, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói trong Kết luận Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 và một số nội dung quan trọng: "Chúng ta đã đủ điều kiện để triển khai việc sắp xếp lại bộ máy hành chính; và không thể chậm trễ được nữa".

Sau khi sáp nhập xã Phú Đức vào thị trấn Long Hồ (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), Công an thị trấn Long Hồ nhận thấy sự khó khăn của một số người cao tuổi trong việc đến trụ sở để làm CCCD nên đã đề xuất lãnh đạo Công an huyện và UBND thị trấn ra mắt tổ xe đưa, rước miễn phí cao tuổi.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文