Nhạc sĩ Thanh Tùng: Trả về hư không Giọt nắng bên thềm

09:46 26/03/2016
Nhạc sĩ Thanh Tùng, ông bạn tôi, đã chia tay đời vào sáng nay ở Hà Nội, sau một thời gian dài lâm trọng bệnh. Giờ ông đã gặp lại người vợ yêu thương của mình, sau bao nhiêu ngày “Một mình”.


Bốn năm trước, khi ông ngã bệnh tôi có viết bài viết này. Và giờ đây, mượn lời thương cũ như một nén nhang tưởng nhớ ông.

Chờ cho đến lúc phai tàn.

Tôi đau lòng nhìn người đàn ông gầy gò, nhỏ thó, ngồi lọt thỏm trong chiếc xe lăn trước mặt. Mái tóc ông lơ thơ làm cho vầng trán càng rộng, đôi má hóp làm cái miệng như móm hơn, trên gương mặt tiều tụy chỉ còn đôi mắt là vẫn tinh anh. Ôi, đã có một thời ông thường ghé nhà tôi, không trên chiếc Datsun trắng thì cũng chiếc Mercedes 220 xanh hoặc chiếc Traction cổ kềnh càng hai màu đen đỏ. 

Cao lớn, đẹp trai, da trắng tươi, kể chuyện tiếu lâm cực duyên, nói cười rổn rảng, năm bảy căn nhà, xài tiền như nước, bạn bè ai gặp khó khăn chỉ cần nói một tiếng là móc ngay tiền ra đưa… Quý mến thằng con trai còi cọc của tôi chưa biết đọc chữ mà đã gọi đúng tên mọi chiếc xe hơi chạy trước mắt, ông cứ mang từng hộp sâm Hàn Quốc tới bắt tôi hấp cơm cho nó ăn mau lớn. 

Ông và các bạn trong nhóm nhạc sĩ Những người bạn (*) uống rượu phà phà, hết chai này đến chai khác, toàn rượu ngoại mắc tiền do ông đem tới. Thời cực thịnh ông vừa giàu vừa nổi tiếng.

Giàu nhờ vợ còn nổi tiếng thì nhờ những Ngôi sao cô đơn, Hãy chôn tôi với cây đàn guitar, Lời tỏ tình của mùa xuân, Giọt sương trên mí mắt, Mưa ngâu, Hát với chú ve con, Tình không biên giới… Ông chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật ở Đoàn Ca múa Bông Sen, đồng thời xây dựng dàn nhạc nhẹ Đài Truyền hình TP HCM thập niên 1980, một dreamteam với những Mạnh Trinh, Lý Được, Sĩ Thanh, Ngọc Bích…

Tôi thân với ông từ  ngày tôi đem cuốn Vĩnh biệt mùa hè tới đưa ông: “Anh Tùng làm ơn đọc rồi viết một ca khúc giùm tôi, làm soundtrack cho bộ phim ông Lê Hoàng Hoa đang quay” (**). Ông trợn mắt: “Tại sao tôi phải làm điều này?”. Tôi cười: “Vì lúc trước tôi nghe Ngọc Bích hát Ngôi sao cô đơn của anh hay quá nên mới nổi hứng viết nên cuốn tiểu thuyết cùng tên. Giờ anh phải đọc sách của tôi và viết nhạc lại cho huề”.

Tôi cứ nhớ mãi khoảng sân nhỏ trong căn nhà ở ngõ Cây Điệp, quận 1 có gốc khế, nơi ông và bạn bè thường ngồi nhậu mỗi chiều, chen lẫn tiếng cụng ly là những tràng cười hào sảng. Đó là nơi ông đàn hát cho chúng tôi nghe bài Hoa tím ngoài sân khi vừa viết xong, vừa cười vừa kể thoạt đầu đã viết là Hoa khế ngoài sân, nhưng rồi lại sợ bà con hiểu lầm là… mồng gà hoa khế - tên gọi hai căn bệnh xã hội -  nên phải sửa lại. Cũng là nơi lần đầu ông phát hiện vũng nước tiểu của mình bị kiến bu đầy, báo hiệu căn bệnh tiểu đường quái ác đã hành hạ ông suýt chết mấy lần đến tận bây giờ.

Nhạc sĩ Thanh Tùng lúc đã ngã bệnh.

Rồi chị Minh, vợ ông, bất ngờ bị bệnh nặng và mất… Dù rất bận rộn chuyện làm ăn nhưng chị vẫn thường đích thân lo tiệc nhậu cho chồng khi bạn bè đến nhà. Bạn ông ai cũng kính nể chị, một tay làm ra tiền nhưng luôn quý người chồng nghệ sĩ hết mực. 

Bạn bè nể một, thấy ông nể hai, ba. Nhưng không rõ lắm ông yêu vợ cỡ nào, vì vẫn đều đều tham gia những cuộc vui với “những bông hoa nhỏ”, rồi bar pub vũ trường, mátxa bia ôm… thảy đều không từ. Chỉ có một nguyên tắc cho tôi hiểu ông nể vợ: ai muốn ngồi cạnh ông là phải chùi thật sạch son phấn. Ông giải thích ngắn gọn: “Sợ bà ấy buồn”.

Chỉ khi chị Minh mất, mới thấy ông thương vợ thế nào, khi Lối cũ ta về bất ngờ ra đời, thấm đẫm kỷ niệm ngày xưa ở Nghi Tàm với niềm thương tiếc khôn nguôi: Dù cho bên anh nay em không còn nữa/ Biết chăng trong con tim anh luôn hằng nhơ/á Người yêu ơi nay em đã bỏ anh đi/ Sao em nỡ bỏ anh đi mãi.

Đó cũng là lúc ông đi uống nhiều nhất. Từ trưa, đến chiều, đến khuya, có hôm một, hai giờ sáng mới về đến nhà, như để nuốt hết nỗi buồn vào lòng. Bạn bè ông rất đông, thay ca chia sẻ với ông trong ngày, vì làm sao đu theo nổi ông (hai người có mặt bên ông nhiều nhất trong thời gian ấy là Trịnh Công Sơn và Từ Huy, nay cũng đều đã… lên đường!). Sau Lối cũ ta về, là Em và tôi, Trái tim không ngủ yên…, bài nào cũng nhanh chóng chinh phục người nghe. Tôi từng ngạc nhiên hỏi ông sáng tác vào lúc nào trong ngày, ông nói lúc khuya đi nhậu về, một mình một bóng trong phòng, không ngủ được. Nghệ sĩ sáng tác luôn là người cô đơn, trước trang viết của mình. Với ông, sự cô đơn ấy còn đậm đặc hơn. 

Rồi Một mình được tung ra (lần đầu do Mỹ Linh hát), gây rưng rưng không chỉ cho bất cứ ai từng bị mất mát, và tôi tin không ai cô đơn bằng ông khi viết ca khúc ấy. Chỉ có bằng một sự cô đơn và nhớ thương tuyệt đối người ta mới có thể viết: Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên/ Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên/ Bao đêm tôi đã một mình nhớ em/ Ðêm nay tôi lại một mình. Và, Vắng em đời còn ai với ai/ Ngất ngây men rượu say/ Ðêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ/ Cô đơn, cùng với tôi về.

Ông không phải là thần thánh, có tài, lại nhiều tiền, sống hào hoa. Không ít phụ nữ đẹp muốn đến với ông, lúc đó. Cũng có lúc đã tưởng ông chọn chung sống với một cô người mẫu. Nhưng rồi ông lại một mình, chăm sóc ba đứa con, cho đi học bên Mỹ, rồi tất cả cùng trở về, quây quần bên ông. Bệnh thì ngày càng nặng - bởi có kiêng cữ gì đâu, lại không ai chăm sóc!                        

Giờ đây tôi và ông đang ngồi trong một ngôi biệt thự trên đường Nguyễn Trung Trực, quận Bình Thạnh, đồ sộ hơn nhiều so với căn ở ngõ Cây Điệp ngày nào. Có dàn huỳnh anh nở vàng rực mấy bờ tường, có hồ nước cá chép Nhật lượn lờ, có đàn gà tre thảnh thơi mổ thóc, và có mấy con chó nằm khoanh đuôi đuổi ruồi không bay trong chuồng sắt. Căn nhà đẹp nhưng buồn bã, nhất là khi nhìn mấy con chó bó gối kia.

Nhạc sĩ Thanh Tùng thời còn công tác ở Đoàn Ca múa Bông Sen.

Sau cơn đột quỵ xuất huyết não năm 2008 tưởng không qua khỏi, giờ đây ông đi bằng xe lăn và nói rất khó khăn, từng tiếng một, đôi khi phải bút đàm. Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra suốt hai tiếng mà chỉ được vài câu, như sau: “Vừa có show kỷ niệm 5 năm ngày mất của Từ Huy, do gia đình tổ chức ở Nhà văn hóa thanh niên… Anh Bảo Phúc thì mất 2 năm rồi… Anh Sơn 10 năm… Nhanh quá phải không anh? Anh có còn nhớ về các anh ấy?”. “Sao không?… Bạn bè… Đời… vô nghĩa…”. “Anh vẫn đọc báo, xem tivi hàng ngày?”. “Vẫn…”. “Anh đã có một tình yêu rất bền, đẹp, dù đứt đoạn. Anh Sơn cũng có một cuộc tình còn lãng mạn hơn. Có phải những cuộc tình buồn sẽ dễ đưa đến những tác phẩm bất tử?”. “Hên xui…”. “Anh nghĩ gì về cuốn Thư tình cho một người của anh Sơn?”. “Tôi nghĩ… nếu được… hỏi, anh Sơn sẽ… không… đồng ý…”. “Vừa rồi ở Hà Nội ông Trần Bình có làm mấy đêm show ca khúc của anh. Anh có ra?”. “Không”. “Anh có thích làm lại một show ở TP HCM?”. “Thích”. Rồi anh cười, đôi mắt sáng đầy hứng khởi như ngày nào… “Bia?”. Bác sĩ cho uống bia lại rồi à? - Tôi trợn mắt. “Rồi… Ngày… 4 lon, trưa 2… chiều 2… Có thể… 3…”.

Tôi uống với ông hai lon bia, chạnh lòng nghĩ tới bao tiệc nhậu ngày xưa, bao gương mặt bạn bè một thời giờ đâu vắng cả… Bia rượu từng chảy như suối, rồi bao nhiêu son phấn vây quanh… Thấy buồn như chưa bao giờ buồn hơn… Câu cuối cùng tôi hỏi ông trước khi ra về: “Anh vẫn nhớ chị Minh nhiều?”. Ông gật đầu, đôi mắt chợt buồn hẳn, xa xăm.

Tôi tin giờ đây càng một mình ông càng nhớ chị ấy nhiều hơn. Nhớ gốc khế trong căn nhà ở ngõ Cây Điệp, nhớ phố xưa Nghi Tàm, nhớ những khóm cúc vàng bên thềm nhà… 

Tôi mở điện thoại của mình cho ông nghe lại Mỹ Dung và ông hát Hoa cúc vàng, gần như là bài hát cuối cùng của ông trước ngày bị đột quỵ và cũng là bài mà tôi thích không thua gì bài Một mình: Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về/ Ta lại ngồi bên nhau, nghe gió lay cành khế/ Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về/ Anh lại ngồi bên em, chờ con nắng ghé qua thềm/ Đêm qua em vừa đến, sao chưa ghé qua nhà/ Sao chưa về thăm anh, anh nhớ em nhiều lắm đấy/ Bâng khuâng trong vườn nắng, cô đơn khóm cúc vàng/ Đang chờ mùa thu sang, chờ cho đến lúc phai tàn.

Bây giờ cũng đang là mùa thu, trong vườn có chút nắng vàng như mật, nhưng không có khóm cúc nào mà chỉ có mình ông đang cô đơn tàn tạ dần.

***

Ông ngồi một mình nhìn theo tôi ra về.

Tạm biệt nhạc sĩ Thanh Tùng! Chắc khó hy vọng ông có thể làm thêm được một ca khúc nào nữa, nhưng với nhiều người nghe, tôi nghĩ chỉ cần mỗi Một mình của ông là cũng đã đủ để ông sẽ sống mãi trong họ…

                                     4/10/2011

___________________

* Thành lập ngày 8-3-1991. Gồm: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thanh Tùng, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Vũ Hoàng. Mục đích động viên nhau sáng tác, trong thời kỳ đầu, hàng tháng họ đều gặp nhau để giới thiệu sáng tác của mình. Ai không có ca khúc mới sẽ bị phạt đãi chầu nhậu hôm ấy.

**  Phim truyện nhựa, với các diễn viên: Lê Công Tuấn Anh, Việt Trinh, Lê Cung Bắc… Hãng phim Giải Phóng sản xuất năm 1992.

Nguyễn Đông Thức

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

Sáng 28/4, trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xảy ra ùn ứ ở nhiều hướng, do gần trăm két bia trên xe đầu kéo rơi xuống đường.

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, về vùng căn cứ U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - "chiếc nôi" cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm thấy tự hào về những đổi thay, phát triển của vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tính đến hết tháng 12/2023, hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM). Riêng trong năm 2023 đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文