Những đại gia nổi tiếng nhất châu Á

18:06 25/02/2005
Hàng thập kỷ qua, nhiều tập đoàn kinh doanh lớn của châu Á trong các lĩnh vực như thiết bị vệ sinh, đồ điện tử… theo truyền thống gia đình trị. Đây đã trở thành một phương châm mà phần lớn các đại gia đang theo đuổi.

Trong số 202 ngôi chùa linh thiêng ở Osaka, chùa Shitennoji nổi bật nhất nơi đây là tác phẩm nghệ thuật về đền chùa lâu đời nhất Nhật Bản, được xây dựng từ năm 593 sau công nguyên. Địa điểm chùa Shitennoji đã trở thành trụ sở của tập đoàn Kongo Gumi do ông chủ tịch Masakazu Kongo (54 tuổi) điều hành. Điều đáng chú ý là ông Masakazu Kongo là người thứ 40 trong dòng họ giữ vị trí cao nhất trong tập đoàn Kongo Gumi. Được biết, tập đoàn này thành lập cách đây 1.410 năm và đã trở thành tập đoàn kinh doanh gia đình lâu đời nhất trên thế giới.

Masakazu Kongo kể rằng ông bắt đầu học cách kinh doanh từ khi còn đang theo học khoa Kiến trúc và Kinh tế của trường Đại học CaliforniaLos Angeles (Mỹ). Ước tính, lợi nhuận của tập đoàn Kongo Gumi trong các sản phẩm đồ gỗ năm vừa qua lên tới 67,6 triệu USD. Ngoài ra, Kongo Gumi còn kinh doanh cả hàng dệt may và một số đồ dùng khác.

Mặc dù nay đã chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước song Kongo Gumi cũng từng trải qua các thời kỳ khủng hoảng trầm trọng và có lúc tưởng chừng phá sản. Đó là vào thời điểm người thứ 37 trong gia đình Kongo lên nắm vị trí Chủ tịch tập đoàn. Cuối cùng, bà nội của Masakazu là Yoshie đã trở thành người phụ nữ đầu tiên điều hành công việc kinh doanh trong gia đình và giúp tập đoàn vượt qua cơn khốn khó.

Tsai (Đài Loan)

Là một trong những người giàu nhất Đài Loan, ước tính tài sản của Daniel Tsai (47 tuổi), Chủ tịch Tập đoàn tài chính Fubon vào khoảng 1,8 tỷ USD. Daniel Tsai từng theo học ngành luật trường Đại học Georgetown, thích phiêu lưu mạo hiểm, chơi gôn và đọc sách.

Tập đoàn tài chính Fubon thành lập năm 1979 khi anh trai cả của nhà Tsai cùng với 2 em trai và 3 con trai thành lập một công ty chuyên về bảo hiểm. Ngày nay, Fubon hoạt động cả trong lĩnh vực ngân hàng, an ninh, bất động sản…Số vốn của tập đoàn này là 37 tỷ USD và trung bình lợi nhuận khoảng 419 triệu USD. Hiện Fubon đang lên kế hoạch thâm nhập thị trường bảo hiểm ở Trung Quốc. Trong một vài năm này, Fubon liên minh với tập đoàn Citigroup (giữ 11% cổ phần) để mở rộng thị trường quốc tế.

Chearavanont (Thái Lan)

Người ta thường gọi đùa Dhanin Chearavanont là người không muốn nghỉ hưu bởi lẽ ở vào độ tuổi 65, ông vẫn làm việc một tuần 7 ngày, mỗi ngày 14 tiếng. Với cương vị Chủ tịch Tập đoàn Charoen Pokphand, tập đoàn lớn nhất Thái Lan, chuyên kinh doanh hàng nông nghiệp và thiết bị viễn thông, Dhanin Chearavanont hiện có tổng tài sản trị giá 1,3 tỷ USD và còn sở hữu một chiếc thuyền buồm mang tên “Fortune Dragon”. Hiện công ty của ông có văn phòng đại diện ở 20 quốc gia trên thế giới với số nhân viên là 100.000 người.

Thời điểm năm 1997 khi Châu Á lâm vào cơn khủng hoảng kinh tế, công việc kinh doanh của Dhanin Chearavanont cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ông nợ ngân hàng khoảng 400 triệu USD và không có đủ tiền mặt để trả. Dhanin Chearavanont đành phải bán một ít cổ phiếu và bất động sản. 5 năm sau, dùng số tiền ít ỏi còn lại, ông mở nhà máy sản xuất xe gắn máy và dự định đến hết năm 2005 sẽ xây dựng 100 cửa hàng lớn, đa dạng và dịch vụ hoá ở Thái Lan. Khó khăn lại đến với Dhanin Chearavanont khi căn bệnh cúm gia cầm bùng phát. Tuy nhiên, công ty của ông vẫn chiếm vị trí số 1 trong thị trường cung cấp gia cầm ở Châu Á.

Về truyền thống gia đình, Dhanin Chearavanont thường tự hào về nguồn gốc bình dân của mình. Ông kể rằng cha và chú của ông đã di cư từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc tới Bangkok (Thái Lan) lập nghiệp năm 1921. Ban đầu, họ mở một cửa hàng bán hạt giống, thức ăn gia súc và đồ dệt may. Dần dần, cửa hàng phát triển thành công ty. Năm 1964, Dhanin Chearavanont tiếp quản công ty và liên doanh với trang trại Arbor Acres của Mỹ để cải tiến công nghệ trong ngành nông nghiệp. Ba cậu con trai của ông là Soopakij, Narong và Supachai đều đã tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng về kinh tế ở phương Tây và giữ vị trí cao trong tập đoàn.

Mori (Nhật Bản)

Minoru Mori, ông trùm đất đai quyền lực nhất Tokyo và là thành viên của gia đình chuyên kinh doanh bất động sản lớn nhất thế giới. Vốn là người có tầm nhìn xa trông rộng, năm nay tuy 69 tuổi song Chủ tịch Minoru Mori của Tập đoàn Mori Building vẫn rất sáng suốt, thận trọng trong các hợp đồng làm ăn. Cha của ông Minoru Mori là Taikichiro Mori, người sáng lập ra Mori Building trước đây là một doanh nhân nổi tiếng ở Yokohama.

Với sự giúp đỡ của người con trai thứ hai Minoru và con trai thứ 3 Akira (67 tuổi), ông Taikichiro đã xây dựng Mori Building thành một trong những công ty bất động sản thành công nhất ở Nhật Bản. (Hai người con khác của ông là Kei và Aiko không theo nghề kinh doanh mà trở thành giáo sư đại học). Những năm 1991 - 1992, Taikichiro có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes. Sau này, khi ông mất năm 1993, Minoru và Akira tách ra làm ăn riêng. Minori vẫn giữ tên tập đoàn Mori Building với số vốn 1,3 tỷ USD, sở hữu 122 toà nhà còn Akira thì đổi tên tập đoàn là Mori Trust với 949 triệu USD và 68 toà nhà.

Nay Akira đã nâng được tổng số tài sản của mình lên 4,1 tỷ USD và vẫn chưa biết chọn ai là người kế vị mình trong số 2 người con trai và một cô con gái làm việc dưới quyền. Gia đình Minoru thì có hơi khác một chút. Tuy chưa tuyên bố chính thức song Minoru có vẻ ủng hộ Hiroo, chồng của cô con gái Kyoko, hiện là giám đốc điều hành cấp cao.

Sy (Philippines)

Ngoài việc  điều hành hãng bán lẻ lớn nhất Philippines, Henry Sy còn thành lập Tập đoàn GM. Hàng tuần ông già 80 tuổi này (tài sản ước tính 1,2 tỷ USD) vẫn chơi thể thao cùng 6 đứa cháu trong văn phòng làm việc của mình ở Manila trong bộ trang phục áo sơ mi kiểu Hawai. Vào các ngày thứ bảy, thành viên trong gia đình Henry Sy sẽ trực tiếp đến thị sát việc bán hàng tại các cửa hàng và siêu thị của gia đình. Chủ nhật, cả đại gia đình sẽ tập trung trên một chiếc cabin trị giá 2 triệu USD để vui chơi, nghỉ ngơi.

Tập đoàn kinh doanh do ông điều hành có khoảng 38.600 nhân viên với doanh số hàng năm thấp nhất là 1,7 tỷ USD. Cũng giống như nhiều tập đoàn kinh doanh gia đình khác, Henry Sy khuyến khích việc con cháu vào làm việc trong tập đoàn của mình.

Ambani (Ấn Độ)

Toạ lạc trên một khuôn viên rộng khoảng 56ha ở ngoại ô thủ đô Bombay (Ấn Độ) là một trong những nơi có công nghệ cao ở Ấn Độ. Tại đây, hơn 8.000 người đã được thuê vào làm ở Tập đoàn Reliance, tập đoàn lớn nhất xứ sở phật giáo với các trung tâm phục vụ mở cửa 24h/24h. Chủ tịch tập đoàn là Dhirubhai Ambani, trước đây là người chuyên kinh doanh hàng dệt may.

Sau khi ông Dhirubhai mất (tháng 7/2002), hai người con của ông Mukesh và Anil đã tiếp quản tập đoàn của cha mình với tài sản trị giá 2,8 tỷ USD. Ngay lập tức, với tham vọng và sự mạo hiểm của giới trẻ, hai anh em đã chuyển hướng công ty sang kinh doanh cả dầu lửa, tài chính, chất hoá học… Năm ngoái, doanh số của công ty đạt được 16,8 tỷ USD. Mukesh (46 tuổi), hiện là Chủ tịch Reliance còn Anil (44 tuổi) là phó Chủ tịch.

Li (Hong Kong)

“Không ai giàu ba họ”, câu châm ngôn của người xưa cứ khiến Li Kashing băn khoăn mãi trong việc tìm người tiếp tục điều hành công việc kinh doanh mà ông đã làm trong suốt mấy chục năm qua. Người đàn ông giàu nhất Châu Á này hiện có tổng tài sản trị giá 7,8 tỷ USD và đã bước qua tuổi 75. Ông có hai người con trai và họ đều tỏ rõ năng lực điều hành Tập đoàn Cheung Kong Holdings và công ty Hutchison Wahmpoa. Thế nhưng có điều lạ là Victor, con trai của ông Li lại tuyên bố không hề thích thú việc tiếp quản vị trí của cha mình. Theo quan điểm của anh, Victor muốn tự mình gây dựng nên cơ đồ mới. Dân chúng ở Hong Kong thường gọi đùa Li là “siêu nhân” còn Victor là người bí ẩn

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文