Nữ sĩ Xuân Quỳnh: Chân thành trước hết

14:05 31/05/2012
Trong một cuộc quây quần trò chuyện của mấy người bạn, trong đó có Xuân Quỳnh, đang vui, một người bạn đọc to câu thơ “Súng là tình nghĩa, đạn là lương tâm”. Mọi người cười. Xuân Quỳnh cũng cười. “Câu thơ của ai nhỉ?”, có người hỏi. Anh bạn kia chi vào Xuân Quỳnh. Xuân Quỳnh nói át đi: “Thì hồi ấy các ông cũng viết như thế, mọi người đều viết như thế”.

Đó là câu thơ trong bài Tuổi thơ của con của Xuân Quỳnh viết ở Vĩnh Linh năm 1969. Bây giờ nghe lại, ta hơi ngỡ ngàng về cách lập ý như thế, nhưng đó là ý nghĩ rất chân thực của cả một dân tộc hồi đó, của cả một thế hệ chống Mỹ, của cả một lớp nhà thơ vừa cầm súng vừa cầm bút. Ngay đến câu thơ “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” cũng đâu có phải là lên gân, là giả tạo. Trên trang viết phê bình của một vài người có ý chê những câu thơ sáng tác hồi chống Mỹ thuộc loại ấy; mà họ khen những câu thơ viết về hy sinh, mất mát, đau xót mới là chân thực.

Thật ra cách khen chê đó cũng chỉ là nhìn từ một phía và thời điểm khen chê đã đứng lùi xa cuộc chiến tranh. Quả là dằng dặc mấy chục năm binh lửa, nhân dân ta đã trải qua bao nhiêu hy sinh mới giành được chiến thắng cuối cùng. Nên ngay thời kỳ đó, một mặt ta chưa tiện nói nhiều đến mất mát, mặt khác khí thế xông lên diệt giặc của cả dân tộc là điều có thật. Vậy thì những câu thơ như trên được viết ngay trong cuộc chiến tranh là lẽ tự nhiên. ở các nước châu âu bị thảm họa phát xít Đức trong Đại chiến thế giới thứ hai, nền văn học được sản sinh ngay trong lửa đạn cũng có những phiến diện tương tự như văn học ta thời chống Mỹ. Càng lùi xa đại chiến, các tác phẩm thơ ca và tiểu thuyết ở các nước đó nói về chiến tranh càng toàn diện và xúc động hơn.

Xuân Quỳnh thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong chống Mỹ, và là một trong những nhà thơ tiêu biểu. Với trách nhiệm của một thi sĩ - công dân, chị đã đặt chân trên nhiều vùng đất chiến sự ác liệt. Chị đến với người nông dân ở ngoại thành  Hà Nội, Thái Bình, Hải Hưng, Hà Nam Ninh… Chị sống với người công nhân ở Quảng Ninh, Hải Phòng… chị cùng chung gian khổ với dân quân Vĩnh Linh, với chiến sĩ giải phóng quân ở Trường Sơn… chị hăm hở đi và viết. Mỗi lần ở chiến trường về thế nào chị cũng mang theo những bài thơ mới. Có lần, ngay tại trận địa, chị gửi thơ về Hà Nội cho bạn bè, cho tòa soạn báo Văn nghệ. Hàng loạt bài thơ của chị ra đời ở Hải Phòng, Cô Tô, Quảng Trị, Cửa Việt, Bảo Ninh… đã in rõ dấu ấn của tâm hồn chị trong những năm tháng gian khổ và đầy hào hứng. Không ít bài trong số đó cũng mang những nhược điểm như nhiều bài của các tác giả cùng thời: nệ vào thực tế, nghiêng về sự hơn là tình.

Do bản lĩnh thi sĩ khá mạnh, trong khi viết những bài phục vụ kịp thời chị viết xen vào khá nhiều những bài tâm tình, và ngay với những bài phục vụ kịp thời chị chuyển khá nhanh từ trạng thái mắt thấy sang trạng thái viết bằng sự suy ngẫm

Khi mới tập làm những bài thơ đầu tiên giấu giếm trong sổ tay, rồi được in lên báo, chị mới có trình độ học vấn lớp ba. Nhờ có bản năng mạnh mẽ, năng khiếu dồi dào, thơ chị đã có nét riêng ngay từ lúc đó. Nhưng bản năng và năng khiếu chỉ là cái đà đầu tiên để bước vào nghề. Nếu trong quá trình sáng tạo, bản năng và năng khiếu không được bồi đắp bằng vốn văn hóa và bằng sự va chạm với cuộc sống thì nó sẽ xói mòn một cách nhanh chóng. Xuân Quỳnh biết rõ điều đó, nên chị nỗ lực học tập để tự mình vươn lên. Chị học văn hóa chung, học thơ các bậc đàn anh, thơ bạn bè, thơ Pháp. Có thể nói, Xuân Quỳnh là một tấm gương tạo nên sự nghiệp của mình chủ yếu bằng sự lao động vất vả của chính bản thân.

Tuổi thơ chị gặp nhiều điều không may mắn. Gia đình ly tán. Hai chị em gái nuôi nhau, nương tựa vào nhau. Chị không được cắp sách đến trường học hành có hệ thống, mười ba tuổi đã phải vào đoàn văn công để tự sống bằng đồng lương.

Bài thơ Cơn mưa không phải của mình bộc lộ khá rõ hoàn cảnh sống khắc nghiệt và ý chí tự lập của chị. Bài thơ nói về những người sống trên đảo trụi, khát khao chờ cơn mưa mà mưa chưa tới, cuối cùng họ phải tự tay moi đất đá, đào giếng, tìm ra nước để uống. Bài Chị chan chứa tình cảm đứa em đối với người chị đã chịu bao nhọc nhằn để nuôi cháu và nuôi em. Bài Gặp cha xót xa nỗi cách chia với người cha trong nỗi đau cách chia của đất nước, giấc mơ gặp gỡ ấy trong thơ chị từ năm 1962, mà mãi đến gần mười lăm năm sau, chị mới thực sự được gặp người cha già yếu sống trong cảnh nghèo túng ở Sài Gòn.

Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ.

Nhân đây tôi cũng xin trình bày lý do Xuân Quỳnh chưa phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Một số bạn bè cũng thường trò chuyện với tôi: Xuân Quỳnh làm thơ hay thế, công việc cơ quan tận tụy như thế, mà Chi bộ không kết nạp chị vào Đảng? Tôi cũng băn khoăn. Sau khi tìm hiểu kỹ, tôi mới biết nguyên nhân là thế này:

Chi ủy Nhà xuất bản Tác phẩm mới gặp chị, nói chị viết đơn xin vào Đảng. Nhưng chị không viết, chị trả lời thẳng thắn: “Cha tôi di cư vào Nam từ hồi 1954. Lý lịch tôi không được trong sạch. Cho nên tôi  không xin vào Đảng”. Bài thơ Gặp cha ra đời trong hoàn cảnh đó.

Có thể còn một số lý do khác. Nhưng rõ ràng ta thấy Xuân Quỳnh rất thành thật. Đức tính thành thật chi phối chị trong việc sáng tác, và trong mọi sinh hoạt hàng ngày, một số người cố tìm cách giấu giếm những nhược điểm của lý lịch. Nhưng Xuân Quỳnh thì hết sức thành thật, không che giấu những nhược điểm của mình.

Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ hoàn toàn thắng lợi, cán bộ trong biên chế Nhà nước có kê khai thành tích, để Nhà nước thưởng Huân chương chống Mỹ, cứu nước. Xuân Quỳnh không khai. Và dĩ nhiên chị không được thưởng Huân chương gì cả…

Tiếp xúc ngoài xã hội, người ta dễ nhầm tưởng rằng Xuân Quỳnh là một phụ nữ ngổ ngáo, không thùy mị, ít chịu thương chịu khó. Chả thế mà bạn bè trêu chị: “ báo Văn nghệ có anh Xuân Quỳnh”. Về nhà, chị là một người con dâu, một chị dâu, một người mẹ, một người vợ rất mực đảm đang. Đến cơ quan, chị mang theo một bọc quần áo của chồng con để giặt tranh thủ trong giờ giải lao. Nửa đêm, chị mang thùng ra vòi nước công cộng ngoài hè phố để xếp hàng lấy nước. Ngày chủ nhật, chị đi chợ, nấu nướng cho chồng con một bữa cơm ngon. Có lần, mải mê mua bán, bỏ quên xe đạp ngoài chợ, về nhà một chốc mới chợt nhớ, quay ra thì xe đã mất. Đối với bạn bè thân thiết, tin cẩn, chị cư xử rất tình cảm và thực lòng. Thiếu tiền mua rau, chị xin 5 đồng 10 đồng; nếu là vay thì một tuần sau chị trả. Bạn thiếu giấy chị cho giấy, thiếu bút bi chị cho bút bi, mặc dầu chị túng thiếu. Đi công tác xa về, chị mang quà đến nhà cho bạn. ở Đà Nẵng, ở Huế ra, chị biếu gói kẹo mè xửng; ở Vĩnh Linh ra, chị biếu vài cân lạc, vài cân khoai lang, có kèm theo mấy dòng thư ngắn ngủi “một miếng khi đói bằng một gói khi no... tình nghĩa nặng hơn của cải...”.

Muốn hiểu sâu về Xuân Quỳnh, không thể không nói đến thơ tình của chị: trong toàn bộ thi phẩm, số bài thơ viết về tình yêu chiếm tỉ lệ khá lớn, và hầu hết bài hay là những bài về tình yêu nam nữ. Lúc sinh thời, chị cho biết: số lượng thơ tình kể cả in rồi và chưa in có tất cả trên 100 bài. Hẳn số bài chưa in có còn nằm trong di cảo?

Một trong những bài thơ tình đầu tiên là Chồi biếc, viết năm 1963, đã chớm có những suy nghĩ của người đứng tuổi. Hồi đó chị mới hăm hai. Thường ở lứa tuổi đó tình yêu đến một cách hồn nhiên, say mê và đầy hy vọng. Nhưng trong Chồi biếc, cặp tình nhân  bước dưới hàng cây, nhìn lá rụng bón cho đất thêm màu để “nhựa lên chồi biếc”, lại chạnh nghĩ đến một ngày họ sẽ như lá vàng rụng và những đôi tình nhân khác sẽ thay họ sóng bước qua đây. Tứ thơ không mới, nhưng ở đây điều làm ta phân vân là đang ở độ phơi phới yêu đương mà đã nghĩ tới ngày lá rụng, dẫu trong hiện tượng lá rụng ấy mang ý nghĩa tích cực.

Tuổi thơ của Xuân Quỳnh không bình lặng. Lớn lên, trong tình yêu cũng gặp nhiều sóng gió, thậm chí không ít bi kịch giáng xuống cuộc đời chị như lưỡi tầm sét giáng vào số phận. Chị giãy giụa gỡ ra khỏi cái rủi ro này thì cái rủi ro khác lại bện vào. Lắm lúc chị cảm thấy mệt mỏi, muốn buông tay. Nhưng rồi chị lại gắng gượng neo giữ lấy cái hạnh phúc mong manh như rễ cây trường xuân cố neo giữ lấy bãi phù sa đang sụt lở.

Có lẽ do quá nhiều mất mát, quá nhiều cay đắng trong quá khứ, cho nên đối với hạnh phúc hiện tại chị luôn luôn có ý thức bồi đắp với một tình yêu cháy bỏng, một tình yêu vĩnh cửu: “Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ”. (Sóng).

Ngay cả lúc sống bên cạnh người yêu mà lòng em vẫn nhớ. Dường như tâm hồn ấy không bao giờ chịu được sự mực thước, sự mức độ, và luôn luôn khát khao một tình yêu khó đạt tới - một tình yêu trọn vẹn có tính chất lý tưởng. Hai lần chị kêu lên: “Anh đi rồi trời nổi cơn giông/ Trận gió mạnh từ phía anh thổi tới”. (Không đề). “Nếu phải cách xa anh/ Em chỉ còn bão tố”. (Thuyền và biển).

Suốt trong quá trình yêu, nỗi ngờ vực, băn khoăn cứ day đi day lại: “Sau tủ kính sách nằm yên tĩnh thế/ Nào ai hay bão táp ở từng trang”. (Trời trở rét), “Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn/ Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi”. (Nói cùng anh), “Hoa ơi sao chẳng nói/ Anh ơi sao lặng thinh/ Đốt lòng em câu hỏi/ “Yêu em nhiều không anh?”. (Mùa hoa doi).

Điều đáng quý ở Xuân Quỳnh và ở thơ Xuân Quỳnh là sự thành thật, rất thành thật, thành thật trong quan hệ với bạn bè, với xã hội và cả trong tình yêu. Chị không quanh co, không giấu giếm một điều gì. Mỗi dòng thơ, mỗi trang thơ đều phơi bày tình cảm và suy nghĩ của chị. Chỉ cần qua thơ, ta có thể biết được khá kỹ về đời tư của chị. Thành thật, đấy là cốt lõi thơ Xuân Quỳnh.

Có một thời, khi đọc một cuốn tiểu thuyết, xem một bức tranh, một cái minh họa, một cái vi-nhét, và nhất là đọc một bài thơ, không phải để thưởng thức cái hay cái đẹp của nó, mà trước hết người ta xoay ngược xoay xuôi, xoay ngang xoay dọc để tưởng tượng ra những điều méo mó của tác phẩm. Bắt đầu từ một số người làm công tác “canh gác cửa ngõ tư tưởng”(!), rồi sau đó tràn lan xuống các cấp ủy Đảng và lây lan ra một bộ phận công chúng. Cứ vài ba ngày lại có một tin đồn: truyện ngắn này có vấn đề! Vở kịch nọ có vấn đề! Bài thơ kia có vấn đề!... Nghĩa là người ta sợ cái lỗi “biểu tượng hai mặt”! Mỗi tác phẩm, mỗi câu thơ, mỗi từ chỉ có quyền được hiểu một nghĩa. Lúc đó Xuân Quỳnh làm biên tập ở báo Văn nghệ, mỗi lần cộng tác viên đến đưa bài, chị nói nửa đùa nửa thật: “Trong bài của anh có các từ buồn, sương mù, hoàng hôn không? Nếu có thì anh phải bỏ sạch. Nền thơ của ta phải loại trừ tất cả những từ mang trạng thái buồn”. Mâu thuẫn với điều chị nói, khi cầm bút, không cưỡng nổi với sự thành thật của lòng mình, chị đã mô tả phố huyện buồn bã với Cửa hàng ăn bụi bặm với “tiếng loa đài nói lớn chẳng ai nghe” với câu hát vang lên say mê: “Có anh dũng sĩ trở về? Tấm huân chương dưới nắng hè chói chang”. Và không ghìm nổi, chị đã mượn một hình ảnh khắc nghiệt của thiên nhiên miền Trung để nói về mình: “Ngọn gió Lào cát trắng của đời tôi/ Tôi của cát của gió Lào khắc nghiệt”. (Gió Lào cát trắng).

Năm 1974, tập thơ Gió Lào cát trắng của Xuân Quỳnh ra đời. Đây là tập thơ đánh dấu sự trưởng thành trong quá trình sáng tác của chị. Nhưng suýt nữa tập thơ trở thành mối họa đối với chị. May sao những người đề xướng ra việc phê phán một cách suy diễn lại trượt quá đà, bị dư luận của quần chúng và của giới nhà văn phản ứng, đành phải dừng lại. Trong khi Gió Lào cát trắng in sắp xong, người ta đồn ầm lên rằng: “Chuẩn bị đánh tập thơ này”. Nhưng đợt đánh đấm vừa dừng lại thì tập Gió Lào cát trắng vừa in xong. Để bảo đảm thật an toàn, nhà xuất bản cho rọc trang đầu có hai câu đề từ: Ngọn gió Lào cát trắng của đời tôi/ Tôi của cát của gió Lào khắc nghiệt, rồi phát hành bình thường. Xuân Quỳnh thoát nạn!... Nhắc lại chuyện cũ để thấy được bản lĩnh của Xuân Quỳnh.

Hồi đó, có một vài đồng chí dự cương vị cao trong ngành tuyên huấn đưa ra kết luận: Các nhà văn muốn “lấy ngoài để nói trong, lấy miền Nam để nói miền Bắc, lấy xưa để nói nay, lấy người chết để nói người sống”. Bây giờ tôi muốn đem chuyện Xuân Quỳnh là một thi sĩ quá cố để nói chuyện hiện tại chăng? Vâng, đúng thế! Nhắc lại để nhớ đời, để đừng quay lại vết cũ. Ngay hồi ấy, khi nghe tin người ta sắp đánh tập thơ của mình, Xuân Quỳnh vẫn cứ muốn nhanh chóng phát hành tập thơ và nói với bè bạn: “Tôi chẳng thấy tôi sai gì cả, tôi vẫn tiếp tục viết như vậy”.

Nếu nói đến cái tạng của nhà thơ, ta có thể nói cái tạng của Xuân Quỳnh là thành thật, thành thật trong suy nghĩ, trong hành động, trong sáng tác. Cũng do quá thành thật mà đôi lúc Xuân Quỳnh làm mất lòng người khác. Chẳng hạn đọc một tập thơ thể hiện quá cầu kỳ, rối rắm như câu đố, Xuân Quỳnh nói: “Đáng đánh gẫy chân thằng cha này!”. Đọc những bản thảo thơ (của cộng tác viên gửi tới tòa soạn) đến hàng chục lần mà không hiểu tác giả nói gì, Xuân Quỳnh ghi bên cạnh: “Gặm xương bò khô! Tôi gặm sái hàm răng rồi, ông đừng gặm nữa!”. Thế thôi, ngắn gọn thế thôi, chị không thích lý sự dài dòng. Những người sáng tác mà chuyển sang viết phê bình, chị chê một cách cực đoan: “Mấy lão này chắc tịt nguồn sáng tác rồi mới quay ra cãi nhau mất thì giờ!”…

1989-2010

Võ Văn Trực

Sau thời gian theo dõi, ngày 12/4/2024, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang nhóm đối tượng do Tăng Khải Văn (sinh năm 1988, trú tại quận 10) cầm đầu đang tổ chức đánh bạc qua mạng, dưới hình thức cá độ bóng đá.

Chiều 27/4, Trung tá Tạ Quang Dung, Trưởng Công an huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị phát hiện một đường dây vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam theo đường mòn, lối mở trái phép trên tuyến biên giới huyện Hướng Hóa, nên xây dựng phương án đấu tranh, bắt giữ.  

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ kết hợp với nguồn tin từ người dân cung cấp, lực lượng Công an đã khẩn trương truy bắt nhanh gọn 3 người nước ngoài đã đột nhập cửa hàng kinh doanh điện thoại ở phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) để cướp tài sản.

Sáng 27/4, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, người dân vẫn tiếp tục rời Hà Nội đi du lịch và về quê qua cửa ngõ phía Nam Thủ đô khiến mật độ phương tiện trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tăng cao, ùn tắc kéo dài đã xảy ra trước trạm thu phí.

Từ nhiều năm qua, hơn 60 hộ gia đình nông dân ở thôn Lễ Lộc Bình, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa (Phú Yên) bức xúc vì con đường đi ra đồng đất Khu A hình thành lâu đời bỗng bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho một hộ dân, cất nhà trên đó; để rồi bà con không có lối đi để sản xuất, vận chuyển nông sản.

Sáng 27/4, 2 đám cháy rừng tại khoảnh 8 và khoảnh 9, Tiểu khu 18B thuộc lâm phần rừng Phòng hộ núi Dài (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) và tại khu vực Kẹt Càng Đước trên núi Cô Tô (ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) cơ bản đã được kiểm soát, khống chế.

Chuỵện xảy ra đã gần 60 năm nhưng bây giờ được nghe kể lại, vẫn thấy nóng hổi. Các chiến sĩ biệt động thành Nha Trang: Võ Đình Thu, Bùi Chạn, Huỳnh Văn Khoa giờ đã trên dưới tám mươi. Một ngày đầu Xuân Giáp Thìn, tôi và các ông đã gặp Thiếu tướng Lê Ngọc Sanh.

Thừa Thiên Huế đang vào mùa cao điểm xây dựng với nhiều công trình, dự án trọng điểm đang được triển khai đồng loạt nên nhu cầu vận chuyển nguồn vật liệu xây dựng tăng cao dẫn đến nguy cơ xe vi phạm quá khổ, quá tải có thể xảy ra. Nhận thức rõ nguy cơ tai nạn, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh đã và đang tập trung tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm…

Đây là thông tin được Bộ Xây dựng khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2024 ngày 26/4. Bộ Xây dựng cho biết, trước tình trạng giá chung cư tăng bất thường từ đầu năm 2024, đặc biệt trong thời gian ngắn vừa qua, cơ quan này đã thành lập đoàn kiểm tra tại một số chung cư đang được rao bán với giá rất cao ở Hà Nội. Tuy nhiên, trái ngược với dư luận về việc thị trường tăng "nóng", thực tế lượng giao dịch rất ít.

Hôm nay, Bắc và Trung Bộ tiếp tục hứng chịu nắng nóng đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 38-40 độ C, nhiều nơi trên 41 độ C. Nắng nóng đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là sức khỏe.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文