Chánh Văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov:

Tôi đã gặp ông Putin từ khi còn làm tình báo

10:45 28/03/2013
Đối với hầu hết người dân Nga, Văn phòng Tổng thống là một nơi nào đó rất, rất cao, gần với Vladimir Putin và những ngôi sao cổ kính của Điện Kremli. Nhiều người nhớ đến nó như niềm hy vọng cuối cùng khi họ đã không thể nào vượt qua được những pháo đài quan liêu để giải quyết những vấn đề công ích hay chuyện riêng tư quan trọng. Và vì từ khắp nước Nga, hằng hà sa số những người đã chồn chân mỏi gối đều tìm đường tới Điện Kremli.

Tuy nhiên, tiếp dân chỉ là một phần hoạt động của Văn phòng Tổng thống. Cơ quan này còn phải giải quyết những vấn đề gì nữa? Chánh Văn phòng Tổng thống Sergei Ivanov nghĩ gì về những việc đang diễn ra trong nước và quân đội Nga? Xin trích giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của ông Ivanov cho tờ “Komsomolskaya Pravda” về những  nhiệm vụ đang được đặt ra trước cơ quan mà ông lãnh đạo cũng như về tình hình đất nước và quân đội  Nga.

Ông Ivanov nguyên là một cán bộ an ninh thời Xôviết, xuất thân từ thành phố Leningrad, tức St. Peterburg hiện nay… Khi ông Putin làm chủ Điện Kremli, ông Ivanov đã được đưa lên làm Bộ trưởng Quốc phòng rồi Phó Thủ tướng Nga.

Chuyện thường ngày

- Thưa ông Sergey Borisovich, từ sáng tới giờ ông đã phải làm những gì?

Sergei Ivanov: Hôm nay là một ngày tương đối nhẹ nhàng. Ít nhất là vì hôm nay tôi không phải tham gia vào bất kỳ một hoạt động nào của Tổng thống. Tôi đến nơi làm việc vào lúc 8 giờ 30. Đó là thói quen từ lâu rồi. Giờ đầu tiên tôi thường là làm việc với công văn khẩn cấp. Nó luôn được đặt sẵn ở đó. Và ngày hôm nay cũng có. Tôi đã xem những gì cần thiết nhất, cần phải đưa vào báo cáo ngay lập tức cho Tổng thống. Vào lúc 9 giờ 30, tôi đã đi đến Khách sạn Tổng thống để tham gia vào cuộc họp của các đại diện Tòa án tối cao các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

- Đó là nhiệm vụ mà Tổng thống giao cho ông?

- Tất nhiên là vậy. Công việc của tôi chủ yếu là thực hiện các nhiệm vụ mà Tổng thống giao cho. Lúc 12 giờ, tôi đã một mình tiếp người bạn cũ của tôi là Cố vấn về an ninh quốc gia của Thủ tướng Ấn Độ, Shivshankari Menon. Rồi sau khi gặp gỡ ông Menon, tôi lại làm việc với những tài liệu đã được gửi tới.

- Đó là những loại tài liệu gì?

- Thư tín của công dân, các loại công văn...

- Cho các quân nhân?

- Từ Bộ Quốc phòng cũng như từ các Bộ sức mạnh khác. Nói gì thì nói chứ   có phải ngày nào chúng ta cũng thăng quân hàm cấp tướng đâu. Nhưng ký quyết định thăng quân hàm cấp tướng vào ngày 23/2 là một truyền thống tốt đẹp.

- Có trong danh sách những cái tên họ quen thuộc với ông không?  Có ai là bạn bè của ông trong Bộ Quốc phòng không?

- Bây giờ thì hầu như toàn là những gương mặt mới rồi.

- Ông phải mất bao nhiêu thời gian cho việc xử lý tài liệu hằng ngày?

- Mỗi hôm mỗi khác, tùy thuộc vào sự phức tạp của các vấn đề. Nhưng thường là khoảng nửa ngày. Và khoảng một nửa không quy chuẩn khác trong ngày làm việc của tôi thì được dành cho các cuộc nói chuyện qua điện thoại.

- Và có những ngày mà giờ nhớ lại, ông cảm thấy rùng mình không?

- Tất nhiên là có. Có những hôm phải làm tới quá nửa đêm mới tạm xong việc. Nhưng tất cả mọi sự này đều phụ thuộc vào sự phức tạp của các chỉ đạo và nhiệm vụ mà Tổng thống giao cho.

- Có kiểu gì đó như “tính thời vụ” trong công việc của Văn phòng Tổng thống không, thưa ông?

- Cũng có những ngày cao điểm. Ví dụ, vào giai đoạn trước khi Tổng thống trình bày Thông điệp. Đó chính là những ngày trực sẵn sàng chiến đấu, như người ta vẫn nói. Trước đây, người ta gọi đó là cuộc tổng tiến công gấp gáp.

Nhưng tôi thì không thể nói như thế, vì chúng tôi thường bắt đầu chuẩn bị cho sự kiện này từ bốn tháng trước khi nó diễn ra. Hai ba tuần trước đó là giai đoạn căng thẳng nhất, vì phải đưa vào những điều chỉnh, hiệu đính cuối cùng, những số liệu thống kê mới nhất…  Bất cứ lời nào mà Tổng thống nói ra đều rất trọng đại nên trách nhiệm lại càng lớn.

Khu vực trách nhiệm

- Thường thì ta có thể nghe thấy dư luận cho rằng, Văn phòng Tổng thống Nga bây giờ cũng là một cơ quan tương tự như Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, một cơ chế tồn tại song hành với chính phủ. Phe đối lập đang cằn nhằn rằng, chúng ta đã tạo ra một con quái vật có thể đè bẹp mọi thứ dưới mình.

- Văn phòng, đó là một cơ quan được tạo ra để hỗ trợ cho các hoạt động của Tổng thống. Tổng thống Nga, như chúng ta đều biết, được Hiến pháp giao cho những quyền hạn to lớn, xác định chính sách đối ngoại, chịu trách nhiệm về quốc phòng. Vì vậy nên một phần đội ngũ các Bộ trưởng, các Bộ sức mạnh trực tiếp phải nằm dưới quyền điều hành của Tổng thống.

Tuy nhiên Văn phòng tự nó không giải quyết bất cứ việc gì cả. Nó không có quyền ra lệnh cho chính phủ. Tôi không thể đưa chỉ thị cho các Bộ trưởng. Chỉ có Tổng thống có thể làm như thế. Cũng chính Tổng thống xác định các chính sách chủ đạo. Và để hỗ trợ Tổng thống khi cần thiết có thể đưa ra được những quyết định đúng thì mới cần tới sự tồn tại của Văn phòng.

- Thế ở đâu là “đường ranh giới”  thẩm quyền giữa Văn phòng và  chính phủ?

- Tôi đã từng 10 năm làm việc trong nội các. Tôi có thể phát biểu với sự hiểu biết thế này. Chính phủ đảm bảo tất cả các quyết định quan trọng của Tổng thống. Nhưng trong phạm vi thẩm quyền của mình vẫn đưa ra những quyết định độc lập. Sau đây là một ví dụ, rõ ràng và minh bạch. Các vấn đề quốc phòng nằm trong thẩm quyền của Tổng thống.

Tuy nhiên, việc đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh lại là phần trách nhiệm của chính phủ. Ví dụ, việc thực hiện các chương trình nhà nước về vũ khí và các hợp đồng quốc phòng là chức năng của chính phủ. Bởi đó là cơ quan hành pháp. Và tập trung toàn bộ quyền hành pháp trong phạm vi cả nước.

Nhưng tôi cũng đoán được là vì sao lại có những dư luận trên. Đơn giản chỉ vì sau bầu cử, Tổng thống đã chuyển một số nhân sự từ nội các sang Văn phòng Tổng thống. Như các cựu Bộ trưởng Golikova, Goldfinch, Levitin, Fursenko, Trutnev. Và thế là xuất hiện dư luận cho rằng, Văn phòng Tổng thống, đó là một “chính phủ song song”. Điều này về bản chất là hoàn toàn sai...

- Cơ cấu Văn phòng hiện có thay đổi gì không?

- Có chứ, có thay đổi. Điều này cũng là tự nhiên thôi vì không thể có gì được đóng băng lại cả. Nếu như mọi thứ đều “nguyễn y vân” như 15 năm trước, vẫn cơ cấu ấy, thì đó là con đường dẫn tới vô định. Bởi vì hiện đang xuất hiện những thách thức mới, những nhiệm vụ mới.

Và một số thách thức cũ, nhiệm vụ cũ thì đã bị xóa đi. Cơ cấu văn phòng cũng phải thay đổi theo xu hướng này. Tổng thống đưa ra một số chỉ thị mới, và như là một phản ứng đối với  điều này, phải xuất hiện một số đơn vị mới.

- Biên chế Văn phòng cũng ngày càng tăng?

- Trong những năm gần đây đã tăng thêm 100 người. Vài năm trước biên chế ở mức 1.500, còn bây giờ là 1.600. Đã xuất hiện thêm vài cục nhỏ mới. Và vì thế phải có thêm một số người mới. Vâng, ví dụ, gần đây đã bổ nhiệm thêm một Phó Chánh Văn phòng mới, ông Magomedsalam Magomedalievich Magomedov. Ông ấy đảm nhiệm một lĩnh vực cực kỳ quan trọng. Tổng thống đã ban hành một sắc lệnh đặc biệt ngày 7/5/2012 về các mối quan hệ giữa các dân tộc.

- Và ông Magomedov xuất hiện để theo những nhiệm vụ đó?

- Đúng vậy! Nhưng chúng tôi không lập ra thêm một đơn vị hành chính nào trong Văn phòng để theo những vấn đề đó. Chúng tôi có một đơn vị lớn về chính sách đối nội, ở đó có một bộ phận riêng biệt phụ trách các mối quan hệ dân tộc. Và ông Magomedov bây giờ chỉ đạo đơn vị này.

- Văn phòng có cả một Cục Dân nguyện. Thế hiện nay các công dân Nga mong muốn điều gì nhất?

- Không thiếu gì điều mà người dân muốn. Vâng, ngày càng nhiều những kiến nghị của người dân. Tôi không muốn khoe nhưng bây giờ các thủ tục đã được đơn giản hóa nhiều. Văn phòng Tổng thống hiện có hơn 165 điểm tiếp nhận các kiến nghị của công dân ở các thành phố và thị trấn lớn. Công nghệ điện tử giúp dễ dàng xử lý các kiến nghị này hơn.

Chúng tôi hiện đang có một hệ thống tiếp nhận điện tử hiện đại bậc nhất. Và chúng tôi cũng vẫn tiếp nhận đơn thư chuyển tới theo đường bưu chính thông thường. Năm ngoái, chỉ tính riêng Văn phòng Tổng thống cũng đã nhận tới 835.000 đơn thư của các công dân. Thêm vào đó còn có rất nhiều đơn thư gửi tới cho chính phủ. Tôi sẽ nói một điều có thể là mạo hiểm. Có lẽ người Nga chúng ta vẫn giữ nguyên căn cốt tâm lý cũ: chuyện gì thì cũng phải để Sa hoàng hay Điện Kremli giải quyết.

Một số người tin rằng, ngay cả khi bóng đèn ở dưới gầm cầu thang nhà họ bị cháy thì cũng phải nhờ tới Phủ Tổng thống thay hộ. Thế thì vai trò của chính quyền địa phương ở đâu? Nếu chính quyền địa phương làm việc như nó phải làm thì đơn thư gửi tới điện Kremlin chắc chắn sẽ chỉ còn một phần trăm như thế! Đấy mới chính là vấn đề! Bản thân tôi cũng thường xuyên xử lý các khiếu nại của công dân. Trong những trường hợp đặc biệt, tôi còn tiếp họ ở chính nơi đây…

Ký ức nhà binh

- Đối với ông thì công việc gì là khó khăn nhất?

- Mỗi một công việc đều có những khó khăn riêng, những đặc tính cụ thể của riêng mình. Tất nhiên, vị trí Bộ trưởng Quốc phòng mà tôi từng đảm nhận trước đây là một bước tiến quan trọng trong cuộc sống của tôi. Dù sao đó cũng là một vị trí đầy trọng trách. Quân đội - đó là một cơ thể khổng lồ.

Bộ trưởng Quốc phòng cần phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi thứ. Và như thế là đúng. Khi có một người lính hy sinh thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tìm hiểu xác minh mọi chi tiết. Một tai nạn nào xảy ra thì Bộ trưởng cũng phải chịu trách nhiệm tìm hiểu. Tôi nhớ rất kỹ trường hợp một máy bay trực thăng bị bắn rơi ở Chechnya, làm cho hơn một trăm người thiệt mạng. Đó là vào năm 2003. Khi ấy vẫn đang tiếp diễn chiến sự ở Chechnya. Một máy bay Mi-26 bị rơi gần Khankala. Và hơn 100 người chết ở đó.

Tôi  vẫn nhớ như in tấn thảm kịch này. Tôi còn nhớ tới cảnh tượng một tàu lặn chất đầy những xác người bị mắc kẹt trong lưới kéo cá dưới nước. Chuyện này xảy ra ở Hạm đội Thái Bình Dương, chắc các bạn còn nhớ. Chúng ta đã vớt được nó lên với sự giúp đỡ của người Anh. Thật may là mọi việc ở đó đã được xử lý ổn thỏa. Tôi đã đích thân bay tới đó, lúc ấy tình hình rất nghiêm trọng.

Tôi còn biết có trường hợp một con tàu đã hết thời hạn sử dụng nhưng vẫn được tiếp tục khai thác và bị chìm làm bảy người thiệt mạng. Có lẽ bây giờ nói chuyện này thì không hẳn được hoan nghênh nhưng hầu như mọi sự cố xảy ra đều là do sự tắc trách gây nên. Đó chính là cái “yếu tố con người” đáng phê phán.

- Nhưng dẫu sao vẫn có những trang sáng sủa trong giai đoạn ông làm việc ở Bộ Quốc phòng chứ? Có những điều vẫn khiến ông hôm nay còn thấy tự hào?

- Có, có nhiều cái tốt chứ. Nhưng mình tự đánh giá mình như thế thì xem ra không được khiêm tốn cho lắm. Tôi nói chung luôn cố gắng  để không phải làm việc đó. Hãy để những người khác nhận xét. Tuy nhiên, tôi vẫn còn nhớ là đã có những quyết định đúng đắn, rất có lợi cho quân đội và quốc gia.

- Thí dụ?

- Khi tôi vào làm ở Bộ Quốc phòng,  Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang khi đó là tướng Anatoly Kvashnin đã xem xét rất nghiêm túc việc đóng cửa Vilyuchinsk. Tức là căn cứ hải quân chiến lược của lực lượng hạt nhân Nga ở Thái Bình Dương, trên bán đảo Kamchatka.

Tôi đã nghĩ, và bây giờ vẫn nghĩ rằng, trong thế kỷ XXI, hạm đội mạnh nhất của chúng ta phải là ở Thái Bình Dương, tôi nói điều này và mong muốn các chiến sĩ hải quân Nga ở vùng Biển Bắc không cảm thấy tự ái. Tôi biết chắc chắn là phải như thế. Nói tóm lại, đã diễn ra một cuộc trò chuyện nghiêm túc với Kvashnin, tức là giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với Tổng Tham mưu trưởng.

Tôi đã lắng nghe các lý lẽ của ông ấy. Chúng xem ra rất có lý. Nhưng nếu chỉ nói theo cách là  không có kinh phí nữa, phải đóng cửa căn cứ, giải tán thôi thì nó rất dễ. Tôi không đồng ý với các xử lý như thế. Và tôi đã bay tới Viluchinsk, khảo sát tại chỗ và đưa ra các đánh giá. Tất nhiên, ấn tượng thì cực kỳ không hay, mọi thứ tệ lắm, nói một cách thẳng thắn là như vậy. Khi đó các thủy thủ trên tàu ngầm thực sự chỉ lĩnh được đồng lương quá ít ỏi.

Tôi đã lên gặp Tổng thống và nói rằng không thể làm như thế vì những tính toán chiến lược và lợi ích căn bản của an ninh Nga. Cần phải tìm kiếm nguồn lực để giữ lại căn cứ Viluchinsk. Và chúng tôi đã giữ lại được nó, chuyển thành một căn cứ tốt. Tôi tự hào vì điều này.

- Và còn những việc gì nữa?

- Tôi đã quan tâm rất nhiều đến quần đảo Kuril. Ngay cả khi không còn là Bộ trưởng Quốc phòng mà đã lên làm Phó Thủ tướng. Chúng ta suốt 60 năm nay vẫn hét lên rằng, đây là đất đai của chúng ta mà chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ. Nhưng trong suốt 60 năm qua chúng ta đã không hề động đậy đến ngay cả ngón tay út để thực sự cải thiện cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự ở trên những hòn đảo đó. Tôi đã bốn lần bay tới quần đảo Kuril. Người Nhật từng xây dựng ở đó một sân bay, có cả đường băng giống như trên boong tàu sân bay, nhưng chỉ để cất cánh. Bởi vì nó được xây dựng để cho những phi công cảm tử (kamikadze).

Người phi công ngồi vào máy bay, bay lên là xong, không bao giờ hạ cánh xuống nữa. Cho tới bây giờ đường băng vẫn được lát bằng các tấm sắt Nhật. Nó được xây dựng cho máy bay chiến đấu hạng nhẹ. Thế mà các phi công máy bay vận tải quân sự của ta từ những năm 60 đã hạ cánh và cất cánh ở đó trên những chiếc máy bay hạng nặng! Bây giờ ở đó chúng ta đã xây xong một sân bay rất tốt. Tôi còn đã dồn nhiều công sức cho vùng Novaya Zemlia (Đất Mới). Trước ở đó là một căn cứ quân sự rất nhếch nhác. Mà đấy lại là căn cứ hạt nhân. Chúng ta ở đó không tiến hành các vụ thử vũ khí hạt nhân,  bảo quản nó ở đó. Thuốc súng thì lúc nào cũng phải giữ cho khô. Còn một niềm tự hào nữa là trụ sở mới của Tổng cục Tình báo Quân đội (GRU).

- Người ta nói rằng, xây dựng sân bay trực thăng trên mái nhà trụ sở GRU, đó là ý tưởng của ông?

- Đúng là của tôi. Trên nóc những tòa nhà như thế cần phải có sân bay trực thăng. Bên trong trụ sở đó giờ mọi thứ cũng rất hiện đại, toàn những thiết bị điện tử. Khi ta rời khỏi phòng làm việc mà quên khóa cửa thì hệ thống computer trung tâm sẽ không cho ta rời khỏi tòa nhà. Khi tôi lần đầu tiên cùng Vladimir Vladimirovich Putin tới thăm trụ sở cũ của GRU, chúng tôi đã cảm thấy áy náy lắm. Giấy dán tường bị bong ra, trong hành lang toàn mùi súp củ cải đỏ. Một cơ quan như thế thì cần phải có một trụ sở xứng đáng với danh giá.

- Ông còn có thể nêu thêm thành tích gì cho sự nghiệp Bộ trưởng  Quốc phòng của mình?

- Ít ai biết rằng, khi tôi tới làm việc ở  Bộ Quốc phòng, ít ai có thể nói cho tôi biết quân số thực thế của các lực lượng vũ trang Nga. Có ba loại số liệu khác nhau: trong biên chế, trong thực tế và trong khái niệm quỷ quái gì nữa. Thực tệ. Nhưng rồi tôi cũng moi ra được quân số thực thế. Đó là vào năm 2002. Phải mất một năm mới có được nó, Khi ấy các lực lượng vũ trang Nga đã có 1.360  nghìn người. Còn khi tôi rời khỏi Bộ Quốc phòng, quân số thực tế đã là 1.134 nghìn người. Tôi đã cố gắng giảm quân số một cách từng bước một, hài hòa, không đột biến, không gây xáo trộn nhân sự. Trong thời gian tôi làm Bộ trưởng Quốc phòng, chúng ta đã giảm được 200 nghìn quân. Và thông qua quyết định là tới năm 2012 sẽ chỉ duy trì quân số ở  1 triệu người. Chỉ có những kẻ giáo điều không biết gì về an ninh mới cứ gào lên là giảm quân số xuống chỉ còn 300 nghìn người thôi.

- Chính ông cũng biết là quân đội ta hiện không chỉ có một triệu quân?

- Tôi biết. Nhưng nhìn chung về biên chế thì quân đội ta nên ở mức 1 triệu người. Ít hơn sẽ nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Dù rất tôn trọng châu  Âu nhưng cũng phải thấy rằng, nước Nga, đó không phải là Luxemburg hay nước Bỉ. Nước Nga có diện tích lãnh thổ khác. Hơn nữa, chúng ta còn là một cường quốc hạt nhân. Phần lớn các quốc gia khác đều không có vũ khí hạt nhân.

Tổng thống V.Putin với ông Sergei Ivanov.

Nhân viên tình báo

- Đã trôi qua nhiều năm kể từ khi ông làm việc trong lĩnh vực tình báo. Liệu ông có thể tiết lộ là ông cụ thể từng làm công việc gì?

- Trong lĩnh vực tình báo của bất cứ quốc gia nào trên thế giới chứ không chỉ ở nước ta có một quy tắc đơn giản là: tất cả những gì liên quan tới hoạt động tình báo thì chỉ sau 75 năm mới được giải mật.

- Thế thì phải chờ lâu lắm nhỉ!

- Tôi hiểu rằng sau 75 năm thì ít ai  buồn quan tâm tới những bí mật như thế. Mà cũng ít ai trong chúng ta bây giờ sống được tới lúc đó. Và vì thế mới có quy tắc này. Tôi chưa   bao giờ công khai nói rằng tôi từng làm việc lâu ở đâu. Đó là vấn đề thuộc về ứng xử. Các phóng viên hay đưa ra câu hỏi này. Và họ cũng hay phỏng đoán câu trả lời nhưng thường là không đúng. Họ nói rằng tôi từng làm việc ở Thụy Điển.

Họ nói thế vì tôi biết tiếng Thụy Điển. Nhưng thực ra tôi chưa từng làm việc ở Thụy Điển. Tôi có đếnThụy Điển nhưng không làm việc ở đó. Tôi đã từng làm việc ở Tây  Âu và ở châu Phi. 15 năm tôi theo con đường tình báo chính trị. Tôi có thể nói rằng, tôi từng chuyên về phương Tây. Tôi từng là trưởng chi nhánh khi tới thời điểm được thăng chức. Năm 45 tuổi, tôi được thăng quân hàm tướng trong cơ quan tình báo đối ngoại  rồi sau đó tôi chuyển công tác.

- Trong số rất nhiều huân huy chương của ông có Huân chương Dũng cảm mà ông từng được trao năm 1989. Bây giờ ông có thể tiết  lộ là ông được trao huân chương rất oai này nhờ chiến công gì không? Xét theo năm tháng và nơi mà ông từng công tác trong lĩnh vực tình báo, có thể ông đã thành công trong việc tuyển mộ một quan chức cao cấp nào đó của Kenya? Hay nhờ một chiến công hoàn toàn khác?

- Tôi có một Huân Chương chiến công cho những năm phục vụ trong cơ quan tình báo đối ngoại mà tôi đã dành phần lớn cuộc đời hoạt động chuyên nghiệp của mình. Không thể thêm và không thể bớt được gì trong việc này. Và tôi còn được nhận một Huân Chương nhà nước nữa cho giai đoạn hoạt động ngắn ngủi tại cơ quan an ninh quốc gia nhờ một chiến dịch tình báo cụ thể.

Khi ấy tôi là Phó giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang. Nói thật là tôi tự hào nhất về những huân chương này vì tôi biết tôi được nhận chúng nhờ những công việc cụ thể nào. Tại cơ quan tình báo đối ngoại, tôi từng là Phó cục trưởng thứ nhất Cục châu  Âu. Ở đó tôi cũng nhận được một huân chương nhờ một chiến dịch tình báo cụ thể.

- Chiến dịch đó liên quan tới lĩnh vực nào?

- Đó là một chiến dịch tuyển người. Trong lĩnh vực phản gián. Chúng tôi đã làm tốt. Còn muốn biết cụ thể hơn thì phải chờ 75 năm nữa thôi…

- Chắc chúng tôi không nói thì ông cũng quá biết những cách mà các phương tiện truyền thông được sử dụng vào các chiến dịch tuyên truyền khác nhau như thế nào. Ông đọc báo và xem truyền hình bằng một con mắt khác người bình thường. Đâu là sự khác biệt trong cái nhìn của ông?

- Từ khi tồn tại ngành tình báo và các phương tiện truyền thông thì giữa hai thứ này luôn không ngừng liên đới với nhau. Thực tình mà nói thì tôi cũng ít đọc báo, Không phải vì tôi không thích đọc mà vì không đủ thời gian. Tôi thường đọc những tổng thuật báo chí. Chúng tôi có bộ phận biên soạn những tổng thuật này. Đôi khi có người bảo, ông Ivanov lại bày thêm bộ phận ở Văn phòng. Đúng là tôi đã bày ra bộ phận khá lớn để thực hiện công tác liên quan tới các phương tiện truyền thông.

Bộ phận này theo dõi toàn bộ lĩnh vực truyền thông để hỗ trợ hàng ngày và thường xuyên cho công việc của Tổng thống cũng như đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Văn phòng Tổng thống. Đó là một công việc bình thường. Khi tôi về đây làm việc, tôi hiểu ra rằng không chỉ lo chuyện nước tới chân mới nhảy, mà phải có những dự án thông tin dài hơi, tức là liên quan tới những kế hoạch đã được lập ra cho tương lai.

Bạn bè Tổng thống

- Thế ông lần đầu làm quen với ông Putin khi nào?

- Chúng tôi cùng một năm tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Leningrad nhưng ở hai khoa khác nhau. Tổng thống tốt nghiệp Khoa Luật, còn tôi - Khoa Ngữ văn. Nhưng ở đại học thì chúng tôi còn chưa quen nhau. Đó đã là một trường đại học rất lớn, có tới 16 nghìn sinh viên. Chúng tôi chỉ biết nhau khi cùng rời đại học gia nhập một đơn vị nhỏ đặc biệt trong một cơ quan rất to gọi là KGB.  Trong chi nhánh ở Leningrad chỉ có một đơn vị tình báo rất nhỏ. Đó là nơi chúng tôi, những trung úy trẻ gặp và làm quen với nhau. Tại trụ sở trong tòa nhà ở số 4 phố Liteynyi.

- Hai ông đã cùng làm việc với nhau ở đó lâu không?

- Vài ba năm. Chúng tôi còn được gặp may là các ông thầy của chúng tôi đều rất giỏi. Đó đều là những nhân viên an ninh rất giàu kinh nghiệm. Nhiều người trong số họ từng công tác nhiều năm ở nước ngoài. Trong đó có cả những điệp viên từng hoạt động bất hợp pháp ở nước ngoài, tôi sẵn sàng tiết lộ điều này vì họ đã qua đời từ lâu rồi, nhưng chúng tôi vẫn nhớ rõ họ. Những điệp viên bất hợp pháp này đã trở về được an toàn sau 20 năm hoạt động ở nước ngoài và họ truyền lại cho lớp trẻ chúng tôi những kinh nghiệm của mình. Nói chung, trong ngành tình báo, tôi may mắn là được gặp rất nhiều vị chỉ huy giỏi và tôi rất biết ơn họ đã dạy bảo tôi chu đáo.

- Hiện giờ ông Putin có hay gọi điện thoại cho ông không?

- Gần như ngày nào cũng gọi. Hoặc là tôi gọi cho Tổng thống khi có việc khẩn cấp. Ngày nào chúng tôi cũng hoặc là gặp trực tiếp, hoặc là nói chuyện qua điện thoại, thậm chí không chỉ một lần.

- Ông ấy có mời ông lên gặp không? Có tự mình tới phòng làm việc của ông không?

- Cũng tùy. Nếu Tổng thống có việc cần thì ông ấy gọi. Tất nhiên, tôi không hỏi là để làm gì. Tôi đáp, tôi sẽ lên ngay

Huy Thanh – Huy Phương

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文