Tổng biên tập CAND Hữu Ước: Làm báo để nhân lên sự tử tế trong mỗi con người

16:14 24/01/2006
"Tôi “thu nạp” một nhân viên cũng vừa gặp hoạn nạn về làm công tác phát hành. VH-VNCA có mặt ở tất cả các sạp báo. Cuối tháng, tôi thuê một số người khác đi mua lại tất cả các tờ báo ế, tạo ra thị trường khan hiếm giả. Số báo mang về ấy, tôi biếu cho các hội nghị, các trí thức, các chiến sĩ biên giới và hải đảo. Tôi đã tiếp thị từng quyển báo đến tay bạn đọc. Phương án “vết dầu loang” của tôi sau một thời gian cũng giúp tôi cân đối đủ thu chi", Đại tá, nhà văn Hữu Ước, Tổng biên tập (TBT) Báo CAND, nói về những ngày đầu làm tờ Văn nghệ Công an.

Cho đến nay, Văn nghệ Công an (VNCA) đã đi qua chặng đường dài 10 năm. Bằng sự cố gắng, với điểm khởi đầu hết sức khó khăn, chật vật, đội ngũ những người làm VNCA đã vượt qua nhiều vất vả, buồn vui, thăng trầm để tờ báo ngày càng giành được nhiều hơn sự tin yêu của độc giả cả nước.

 

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày ra số báo đầu tiên, VNCA đã có một cuộc phỏng vấn Đại tá, nhà văn Hữu Ước, Tổng biên tập (TBT) Báo CAND, người làm văn đã khởi xướng và chèo lái con thuyền VNCA từ những ngày đầu. Chính ông là người đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng tờ báo, với rất nhiều tâm huyết và niềm tin về một tương lai tốt đẹp của nền văn học Công an trong sự nghiệp văn học cách mạng nước nhà. 

 

- Thưa Tổng biên tập, những ngày đầu tiên khi Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công An (VH-VNCA) (nay là báo Văn nghệ Công an) ra đời, ông hình dung hình hài của ấn phẩm sẽ như thế nào?

- Tôi là người đề xướng ra tờ báo. Ban đầu tôi cũng định lấy tên là VNCA như bây giờ. Nhưng lúc đó tôi nghĩ  là văn nghệ thì khó làm. Tôi muốn có một hành lang rộng hơn và tôi quyết định chọn là VH-VNCA.  Nhiều người hỏi tôi là ngành Công an sao lại có Văn hóa - Văn nghệ? Nhưng tôi nghĩ đối với ngành Công an thì rất cần cách ứng xử văn hoá. Trong cuộc sống và với công việc hằng ngày, đặc biệt, trong văn học nghệ thuật thì an ninh trật tự là một đề tài lớn thu hút sự quan tâm của rất nhiều văn nghệ sĩ, không chỉ trong nước mà trên cả thế giới. Đây là một mảnh đất hết sức màu mỡ mời gọi các nhà văn. Tuy nhiên ở Việt Nam chưa có nhiều nhà văn tham gia vào lĩnh vực này và thực sự cũng chưa có được các tác phẩm xứng tầm về đề tài này.

Quan điểm của tôi khi bắt tay làm VH-VNCA là làm một tờ báo trước hết để cho các văn nghệ sĩ trong Lực lượng Công an viết về ngành mình, và đăng tải tác phẩm của các nhà văn viết về đề tài công an. Mặt khác, tờ báo cũng dành để bàn về những vấn đề văn hóa trong công an. Để có được nét riêng, lạ cho ấn phẩm mới trình làng, ngay từ số đầu tiên ra vào tháng 1 năm 1995 tôi đã dành 1/3 số trang cho mảng gọi là “thâm cung bí sử”.

Giai đoạn 1995 là giai đoạn bắt đầu đổi mới. Tôi nhận ra là tất cả các mảng tư liệu về chiến tranh, đặc biệt là các nhân vật lịch sử có dấu ấn trong mọi thời đại đều nằm trong các thư viện, chưa được phủi bụi để đi ra với đời sống. Tôi có lẽ là người làm báo đầu tiên quan tâm đến mảng tư liệu. Tôi cho rằng đây là một mảng đề tài sẽ hết sức ăn khách. Sau khi tôi thể nghiệm thành công mảng đề tài này nhiều báo đã đi theo khai thác.

- Thưa Tổng biên tập, được biết, vào thời điểm 1995 khi bắt tay làm VH-VNCA, gia tài của tòa soạn không có gì ngoài một căn phòng nhỏ, một chiếc xe Angel trả góp, một chiếc hòm đựng tiền (tất nhiên trong đó không có nhiều tiền) và nhân sự thì không có ai ngoài chính ông. Khi ấy ông chỉ có những người bạn tốt làm nghề bên cạnh. Bạn đọc rất muốn biết rằng, những người đầu tiên tham gia làm VH-VNCA với ông khi ấy là những ai và thực ra thì ông đã nói những gì với họ?

-  Câu hỏi làm tôi nhớ lại câu chuyện hết sức hài hước về những ngày làm VH-VNCA đầu tiên. Có lẽ chẳng ai làm báo như tôi cả. Khi tôi xin phép lãnh đạo Bộ để làm tờ báo, tôi chưa có đủ một sự tin cậy để các đồng chí giao phó cho nhiệm vụ nặng nề này. Có nhiều người tỏ ra không đồng ý để tôi làm tờ báo. Rất dễ hiểu vì giai đoạn này trên mọi phương diện tôi chưa thành đạt, tác phẩm văn chương chưa viết nhiều, hơn nữa lại vừa trải qua một cơn hoạn nạn. Nhưng tôi đã hứa với các lãnh đạo Bộ rằng, tôi sẽ đảm đương được tờ báo dù chỉ có một mình. Tôi mượn được một căn phòng nhỏ khoảng 8m2 tại 70 Trần Quốc Toản, Cơ quan văn phòng đại diện của Báo Công an TP HCM. Tôi không có một xu nào cả. Tài sản là một con số không tròn trĩnh. Để có một bộ máy hợp thức hóa về mặt hành chính thì tôi phải có một hội đồng biên tập.

Tôi quyết định mời một số nhà báo, nhà văn có tên tuổi như  Đỗ Chu, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Thị Thu Huệ, Hoàng Nhuận Cầm, nhà báo Xuân Ba, Nguyễn Quang Thiều.  Nói chính xác thì đó là những người thành danh nhưng “lười nhác” trong công việc làm báo. Chưa ai trong số họ là người tổ chức một tờ báo bao giờ. Tôi mời họ đứng tên để xin giấy phép nhưng thực ra họ rất ít việc làm; có chăng biên tập chút chút, cứ để mặc một mình tôi “bày vẽ”. Thỉnh thoảng tôi mời họ đến chơi, bù khú, nhậu nhẹt và bàn chuyện văn. Anh Trần Đăng Khoa đã từng nói trên VTV3 rằng đây là một hội đồng “gật, lắc”. Tôi tự tổ chức đặt bài, tự bỏ tiền túi ra làm. Rất may là khi ấy anhHà Phi Long ở báo Công an TP HCM, rất yêu quý tôi, đã giúp đỡ tôi rất nhiều về giấy in và công việc đánh máy bản thảo. Những số đầu tôi in từ 5.000 đến 7.000, thậm chí là 10.000 bản.

Tôi “thu nạp” một nhân viên cũng vừa gặp hoạn nạn về làm công tác phát hành. VH-VNCA có mặt ở tất cả các sạp báo. Cuối tháng, tôi thuê một số người khác đi mua lại tất cả các tờ báo ế, tạo ra thị trường khan hiếm giả. Số báo mang về ấy, tôi biếu cho các hội nghị, các trí thức, các chiến sĩ biên giới và hải đảo. Tôi đã tiếp thị từng quyển báo đến tay bạn đọc. Phương án “vết dầu loang” của tôi sau một thời gian cũng giúp tôi cân đối đủ thu chi. Và sau 5,7 số thể nghiệm, VH-VNCA được dần dần bổ sung các cây viết văn nghệ của lực lượng công an là: Phan Quế, Nguyễn Như Phong, Đặng Vương Hưng, Trương Nam Hương, Phạm Khải... Và một điều tuyệt vời là tôi được lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục XDLL CAND, Ban TT-VH TƯ, Bộ VH-TT rất ủng hộ, tin tưởng và tạo mọi điều kiện để chúng tôi tồn tại và phát triển. Vì thế mới có việc đồng chí Thiếu tướng, Tổng cục trưởng Phạm Văn Dần kiêm Tổng biên tập trong những ngày ngày đầu thành lập VH-VNCA.

-  Thực tế là thời điểm khởi đầu ấy ông có hình dung 10 năm sau tờ báo mình làm trở thành như ngày hôm nay không?

- Tôi, khi ấy, đã là người “ở cuối đường hầm” rồi. Tôi không có cách nào khác cả. Tôi phải làm bằng tất cả niềm đam mê và bầu nhiệt huyết của mình, với ý nghĩ lớn nhất là cố gắng tạo ra một mảnh đất cho anh em văn nghệ sĩ trong và ngoài Lực lượng Công an tham gia sáng tạo. Vì thực ra mà nói, tôi đã có 36 năm gắn bó với ngành Công an. Tôi cũng giống như một người lính, một cầu thủ, bóng đến chân thì đá. Trong khi làm VH-VNCA, tôi nhận thấy độc giả rất thú vị với mảng tư liệu, tôi nghĩ cần phải có một tờ phụ mang tính thời sự hơn và chuyên về các vấn đề an ninh trong nước và quốc tế. 

Để có một hành lang rộng, tôi chọn cái tên An ninh thế giới (ANTG). Và báo ANTG tiếp tục gia nhập làng báo với khuôn khổ nhỏ, dày 32 trang, nhiều chuyên mục hấp dẫn như “Hồ sơ Interpol”, “Hậu trường chính trị”... Tuy nhiên, tôi không gặp may, ngay số đầu tiên ANTG đã bị thu hồi vì một tai nạn nhỏ, tất nhiên là sau đó giải trình được. Tôi và các đồng sự  tiếp tục thực hiện chiến dịch “vết dầu loang”. ANTG phát hành ban đầu mỗi tháng 1 kỳ sau tăng lên 2, 3, 4 kỳ và giai đoạn đỉnh điểm đã phát hành lên tới 780.000 bản.

- Giải thưởng “Cây bút vàng” là một giải thưởng văn học uy tín, đã phát hiện, bồi dưỡng và góp phần xây dựng một đội ngũ nhà văn công an đông về số lượng, mạnh về chất lượng. Xin TBT cho biết, ý tưởng về giải thưởng văn học này đã đến với ông như thế nào?

- Như tôi nói ban đầu, với một tờ báo văn nghệ thì sáng tác văn học là chủ yếu. Muốn thu hút người trong và ngoài Lực lượng Công an viết về công an, và muốn cho tờ báo đứng được, phải có nhiều tên tuổi xuất hiện. Tôi thấy cần thiết phải tổ chức một cuộc thi viết về đề tài An ninh trật tự. Thể tài mạnh nhất chính là truyện ngắn và bút ký. Tôi thích bút ký văn học vì nó đầy ắp hơi thở cuộc sống mà lại gần với báo chí. Nó cũng làm cho giải thưởng “Cây bút vàng” lạ hơn, xù xì, gai góc và đầy đặn hơn so với một số giải thưởng văn học thuần túy khác.

- Thưa Tổng biên tập, làm một tờ báo văn nghệ hay, có đông đảo bạn đọc là rất khó. Ông cũng biết là hầu hết các báo văn nghệ hiện nay đều có tirage phát hành thấp. VNCA đã có được một lượng độc giả ổn định, tương đối cao so với các tờ văn nghệ khác. Theo kinh nghiệm của ông, để làm được một tờ báo văn nghệ hấp dẫn thì điều gì là quan trọng nhất?

-  Điều hiển nhiên đã là một tờ văn nghệ thì phải đăng tải các sáng tác văn học. Mỗi một số báo phải có được một vài truyện ngắn hay cùng những bài thơ độc giả tâm đắc. Đây là hai món ăn chủ đạo. Nhưng tiếc là hiện nay rất ít tờ văn nghệ thực hiện được tiêu chí này, một phần do khách quan đời sống sáng tác không có nhiều tác phẩm đỉnh cao, một phần do những người làm báo chưa hiểu rõ nhu cầu của độc giả. Những người làm báo văn nghệ phải nhận thức rõ một điều là văn hóa đọc đang có những thay đổi, do sự tác động của đời sống bùng nổ phương tiện giải trí với quá nhiều lựa chọn hấp dẫn. Hiểu, để mang đến cho độc giả những món ăn mà họ có nhu cầu thưởng thức.  


Trong sự cảm nhận của tôi, làm báo văn nghệ thời buổi này là vô cùng khó khăn, vì người đọc có xu hướng thờ ơ với văn chương và người sáng tạo thì cũng ít người còn giữ được cảm giác run rẩy, xúc động khi tác phẩm của mình được đăng báo. Vậy nên, ngoài truyện và thơ, tờ báo văn nghệ muốn hấp dẫn độc giả cần phải phản ánh thẳng thắn, sâu sắc các sự kiện, các vấn đề của đời sống văn hóa văn nghệ, những điều mà độc giả và chính đội ngũ những người làm văn hóa văn nghệ quan tâm. Rất đáng buồn là hiện nay có một số tờ văn nghệ sa đà vào các vấn đề chẳng liên quan gì đến lĩnh vực của mình như tranh chấp đất đai, vụ án...

Tất nhiên các báo văn nghệ cũng có thể viết về một vụ án nào đó, nhưng anh phải viết bằng bút pháp văn học, ngôn ngữ văn học, phải quan tâm đến số phận các nhân vật và phải phân tích, mổ xẻ để dự báo và cảnh báo, chứ không phải là những thông tin giật gân, hời hợt. VNCA của chúng ta thực ra cũng chưa làm được như chúng ta mong muốn. Mặc dù trong chặng đường 10 năm đã đi qua, VNCA đã đạt được một số thành công nhất định, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là chúng ta chưa tạo ra được một ấn tượng thật sâu đậm trong lòng độc giả.

- Thưa TBT, vậy thì theo ông một phóng viên văn nghệ cần phải có những yếu tố đặc thù nào so với các phóng viên hoạt động trong các lĩnh vực khác?

-  Trước tiên, phóng viên văn nghệ phải được trang bị đầy đủ các tri thức về văn hóa văn nghệ. Anh ta phải là người có chiều sâu về kiến thức và chiều rộng về văn hóa. Đặc biệt, phải có niềm đam mê mãnh liệt đối với công việc. Theo tôi, những người yêu văn chương nghệ thuật thì hãy nên làm phóng viên văn nghệ. Giống như tất cả phóng viên lĩnh vực khác, anh ta phải thường xuyên bám sát đời sống văn hóa văn nghệ, có góc nhìn độc đáo của riêng mình, hiểu biết về các bộ máy, các tổ chức văn học nghệ thuật trong nước. Tôi đánh giá là một phóng viên làm văn nghệ đúng nghĩa anh ta phải ở tầm văn hóa cao hơn so với các phóng viên các lĩnh vực khác. Vì ai cũng biết rằng, nghệ thuật là lĩnh vực gần với tâm hồn con người nhất. Nó đề cập, phản ánh những góc khuất sâu thẳm trong mỗi con người.

- Thưa ông, nhiều độc giả thường có suy nghĩ rằng do đặc thù của một tờ báo văn nghệ của ngành Công an nên VNCA “ngại” in các tác phẩm văn học có xu hướng mới. Với cương vị là người đứng đầu VNCA, ông có thể giải tỏa suy nghĩ này của độc giả?

-  Tôi là người rất quý trọng những cái mới trong cuộc sống. Vì cuộc sống chỉ có thể tiến bộ, phát triển khi nó luôn luôn sản sinh ra cái mới, để thay thế cái cũ. Nhưng phải đặt lại câu hỏi thế nào là cái mới, và mới như thế nào đây? VNCA cổ xúy cái mới, nhưng phải là cái mới nhân văn, có sức lan tỏa và có ảnh hưởng tích cực, sâu sắc đến đời sống xã hội. Còn những cái mới lạc điệu, những cái mới tiêu cực thì đương nhiên không thể cổ vũ.

 

Người làm báo VNCA phải phục vụ tiêu chí đúng đắn mình đã đề ra, không thể làm “người đốt đền”.  Báo CAND nói chung và VNCA nói riêng luôn hướng tới một mục đích là giúp cho văn hóa trong mỗi con người, sự tử tế trong mỗi con người được nhân lên, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. VNCA không câu khách một cách rẻ tiền. Xây dựng một tờ báo văn nghệ sang trọng, lịch thiệp mới chính là điều mà tôi muốn hướng tới.

- 10 năm, con đường chưa phải là quá dài, nhưng cũng đủ để ngoái lại, nhìn ngắm và đúc rút kinh nghiệm. Xin TBT cho biết đôi điều về định hướng sắp tới của tờ báo, để VNCA ngày một hoàn thiện hơn, xứng đáng với lòng tin yêu của độc giả?

- Nói một cách chính xác thì 10 năm đã qua là một chặng đường chưa dài nhưng cũng không còn quá ngắn. VNCA đã đi qua những bước thăng trầm, đã vượt qua nhiều khó khăn để mỗi ngày đến được gần hơn với độc giả của mình. Tôi ghi nhận nhưng cũng thẳng thắn trước bạn đọc rằng, VNCA vẫn chưa có được một hình ảnh như ta mong muốn. VNCA mới chỉ dừng lại ở chỗ là tạo ra một sân chơi cho những người viết văn, làm thơ đến gặp gỡ nhau qua các sáng tác. Những người làm VNCA phải cố gắng nhiều hơn nữa, phải làm việc vì niềm thôi thúc của tình yêu nghề và cống hiến cho độc giả nhiều hơn nữa. Ở một góc độ nào đó, VNCA vẫn bị lẫn vào nhiều tờ văn nghệ khác, chưa tạo được dấu ấn riêng, bản sắc riêng.

Điều này cũng phản ánh đúng một thực tế khách quan là đời sống văn học nghệ thuật nước ta những năm gần đây không có nhiều điểm đột khởi, không có tác phẩm đỉnh cao, thành tựu lớn. Chúng ta nằm trong dòng chảy ấy của đời sống. Thay mặt những người làm VNCA, tôi xin cảm ơn độc giả, những người bạn đồng hành yêu mến đã luôn luôn theo sát từng bước đi, ủng hộ và cổ vũ cho VNCA trên suốt hành trình dài. Với những nỗ lực của mình trong thời gian sắp tới, VNCA mong muốn sẽ đáp ứng ngày một tốt hơn  nhu cầu cập nhật thông tin và thưởng thức văn hóa nghệ thuật của các bạn. Đúng như tiêu chí mà báo CAND chúng tôi đã đề ra, “nhân văn, tin cậy, kịp thời”.

- Xin cảm ơn TBT về cuộc trò chuyện này

Bình Nguyên Trang (thực hiện)

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Một phụ nữ hôn mê gan cấp trên nền bệnh viêm gan B, cuộc sống chỉ tính bằng giờ đã may mắn được hồi sinh nhờ được ghép gan kịp thời từ nguồn hiến của người chết não vì tai nạn giao thông (TNGT).

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文