Trịnh Vĩnh Trinh: Hồng nhan gọi nắng

21:06 08/08/2015
Có giọng hát đơm hoa kết trái trong lòng ta những thứ xúc cảm đẹp. Có giọng hát làm ta đau và kiếm tìm. Có giọng hát làm sống dậy dòng sông đã từng mê mải một thời say đắm. Lại có giọng hát gọi về hồi ức đã qua, tưởng chừng quên lãng. Chẳng hiểu vì lí do gì mà khi nghe Trinh hát, tôi thấy nhớ một con nắng đầu mùa đến vậy.

Trịnh Vinh Trinh là em gái út của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Sinh thời, đây là cô em gái được nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cưng chiều hơn cả và ông thường đưa đi theo những chuyến du ca khắp đất nước của mình. Không biết có phải vì thế mà mạch nguồn khơi sâu của nhạc Trịnh chảy âm ỉ trong chất giọng của người đàn bà hát này từ tình khúc cho đến những nhạc phẩm Da vàng?

Tôi đã thấy nắng đầu mùa tràn về khi Trinh cất tiếng hát. Nắng xôn xao, tươi rói và phập phồng. Nắng vàng rôm khúc đời xưa, tưởng chừng viên tịch vào trăm năm sau ngàn năm nữa, bỗng về đây quây quần một khúc. Đó là nắng hai mươi có trong tất cả mỗi người. Em hai mươi tuổi em bây giờ/ Chân qua phố phường phố ngẩn ngơ/ Sài Gòn hai mươi mùa nắng lạ/ Em mây hoang đường sớm chiều qua (Hai mươi mùa nắng lạ - Trịnh Công Sơn).

Chút hoang đường ở “tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời” đó thời nào cũng đẹp. Để khi nó qua đi rồi, ai trong chúng ta cũng tiếc nuối, xót xa. Trinh chắc cũng nhớ lắm mùa nắng quá vãng trong đời mình nên đã gọi về bằng cảm âm, bằng chút lòng như “nắng mới thêu” một thuở ấy.

Lâu nay, nhắc về nhạc Trịnh người ta nhớ nhiều nhất vẫn là “nữ hoàng chân đất” Khánh Ly với chất giọng tình ái, ma mị, liêu trai. Gần đây, ca sỹ Giang Trang khai thác nhạc Trịnh ở khía cạnh Thiền cũng là một hiện tượng thú vị. Tuy nhiên, ít ai nhắc đến người em gái của nhạc sỹ họ Trịnh với tư cách ca sỹ. Trinh cũng chưa bao giờ tự nhận mình là ca sỹ chuyên nghiệp mặc dù tới nay, chị đã cho ra nhiều abum chất lượng như Hoa vàng mấy độ, Cho đời chút ơn, Em đến từ ngàn xưa, Người về bỗng nhớ, Ru tình…

Khi có nhiều ý kiến xoay quanh việc vì sao chị không xuất hiện trong những buổi biểu diễn lớn, chẳng hạn như show diễn kỷ niệm 50 năm ca hát của ca sỹ Khánh Ly thì chị trả lời một cách khiêm tốn rằng mình chỉ là một ca sỹ nghiệp dư, rất thích nhạc anh mình nhưng chỉ thích thu âm và ghi hình cho CD và VCD như chị đã thực hiện mà thôi. Ngoại trừ các buổi biểu diễn tưởng niệm Trịnh Công Sơn do chính gia đình tổ chức, chị không muốn tham gia bất cứ chương trình nào khác.  

Trong âm nhạc, mọi so sánh đều là khập khiễng. Tuy nhiên, với nhạc Trịnh, không phải bài nào Khánh Ly hát cũng hay mặc dù Khánh Ly và Trịnh Công Sơn là hai cái tên không thể tách rời. Có những bài như Tôi ơi, đừng tuyệt vọng, Đường xa vạn dặm, Con mắt còn lại, Lặng lẽ nơi này, Em đi bỏ mặc con đường… ta phải nghe chính Trịnh Công Sơn hát mới thấy được cái run run, yếu ớt, mong manh và xa vắng. Nghe Sóng về đâu thì phải nghe Cẩm Vân. 

Có những bài hoàn toàn “đo ni” cho Hồng Nhung như Bống bồng ơi, Thuở Bống là người, Bống không là Bống. Lại có những bài như Môi hồng đào, Cho đời chút ơn, Tình khúc Ơ Bai, Hôm nay tôi nghe, Em đến từ nghìn xưa, Hai mươi mùa nắng lạ… có lẽ chỉ có Trịnh Vĩnh Trinh mới diễn tả được nét xôn xao, tinh khôi như nắng sớm như thế. Đó là thứ nắng đầu đời, đầy bao dung, nồng nàn, thiết tha và chờ đợi mà qua ca khúc của mình, cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn muốn gửi gắm đến tất cả chúng ta. Để rồi, sau này có đi qua bao nhiêu giông gió của cuộc đời, lòng mình như “nắng qua đèo” rồi thì người cũng chỉ nhắc khẽ “đừng phai nhé một tấm lòng son”.

Trước đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” - 14 năm nhớ Trịnh diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh trong năm nay, Trịnh Vĩnh Trinh có dịp ngồi ôn lại những kỷ niệm thời thơ bé gắn với người anh trai tài hoa của mình. Chị nói với tôi, hạnh phúc nhất và cũng là áp lực nhất trong cuộc đời mình đó là sinh ra là em gái của một người nổi tiếng. Cái bóng của anh quá lớn nên mình làm em, hát cái gì cũng sợ, lúc nào cũng lo không biết mình đã hát đúng tinh thần bài hát của anh chưa, anh có hài lòng không.

Trịnh Vĩnh Trinh kể chị mê hát từ nhỏ nhưng lúc đó, không ai trong nhà ủng hộ chị đi theo nghiệp ca sỹ cả. Hát chơi chơi thì được, còn theo nghề hát thì không được phép. Người Huế lâu nay vẫn nặng nề mấy chữ “xướng ca vô loài”. Người chị kế của chị (chính là nhà thiết kế áo dài Trịnh Hoàng Diệu) khi đó hát rất hay, cũng chỉ được hát ở nhà thờ. Mỗi lần có lễ, chị Diệu thường là người hát chính. Trịnh Vĩnh Trinh hồi đó bé xíu, ngồi bên dưới đã mơ một ngày nào đó, mình được đứng lên đó và cầm micro rồi hát như chị.

Bài hát đầu tiên Trinh tập là một ca khúc Da vàng và người tập cùng không phải anh Sơn mà là má chị. Lúc đó, chị mới 6 tuổi. Má thường kêu Trinh lấy nhạc ra hát với má, má hát sao mình hát lại. Hát cho vui thôi. “Mình hét chứ không phải hát thì đúng hơn”, chị kể giọng của mình ngày ấy rất kinh khủng, ở xa vẫn nghe thấy. Những ngày còn ở Huế là những ngày giọng Trinh vỡ ra và vang dần. Và bài hát chính thức đầu tiên mà Trịnh Vĩnh Trinh hát trên sóng của Đài Truyền hình Huế là một ca khúc của cố nhạc sỹ Văn Cao. Khi đó chị đang học đệ thất (tương đương trung học cơ sở bây giờ). Thấy em gái út mê hát quá, lại có tố chất, Trịnh Công Sơn không cấm nữa, nhưng cũng không hoàn toàn ủng hộ. Bằng chứng là, chỉ khi nào đi diễn có mình đi, nhạc sỹ mới cho em lên hát. 

Sau này, khi chị đã lập gia đình rồi, các anh chị của chị vẫn chưa hết lo. Để được hát, có đôi lần, chị phải trốn qua tận nước ngoài để hát và làm album. Ngoài anh mình, chị còn ngưỡng mộ nhạc sỹ Trầm Tử Thiêng. “Người ta biết đến nhạc anh Thiêng không rộng rãi như anh Sơn. Điều không may mắn của anh ấy là sinh cùng thời với anh Sơn. Chị thích nhạc anh lắm. Khi anh mất, chị tiếc vô cùng”, chị nhớ lại. 

11 tuổi, Trịnh Vĩnh Trinh cùng gia đình rời Huế, di cư vào Sài Gòn, rồi sau này sống nhiều năm ở nước ngoài. Tuy nhiên, đứng trước mặt tôi trong buổi chiều Sài Gòn đầy nắng ngày hôm đó, vẫn là một người con gái Huế đúng điệu, từ giọng nói, ăn mặc cho đến cử chỉ, ứng xử. 

Cái nét Huế ôn hòa, nhu mì, từ tốn ấy vẫn được bảo toàn gần như là nguyên vẹn. Chị nói, dù ở nơi nào đi chăng nữa nhưng trong nhà, con cái, cha mẹ phải nói tiếng Huế với nhau. Chị yêu Huế, yêu tính cách và văn hóa ấy. Ký ức của chị lúc nào cũng dẫn lối về con đường nơi có ngôi nhà ngày bé gia đình mình ở, nơi có nhà thờ họ Trịnh. Chị nhớ bà ngoại, nhớ những con đường đi học quen thuộc thuở thiếu thời. Huế là mảnh đất neo giữ kỷ niệm, Việt Nam là tâm cảm lớn nhất đời chị.

Vì thế mà, sau mấy chục năm tha hương xứ người, cách đây 3 năm gia đình chị đã quyết định hồi hương. Hiện nay, cả nhà chị đang sống tại TP. Hồ Chí Minh, còn anh chị của chị vẫn đang sống ở Mỹ, Canada. Chị nói với tôi, giống như “lá rụng về cội”, con người có đi đâu làm gì rồi cũng lắng về đất mẹ như một niềm an ủi sau cuối.

Lúc còn sống, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từng nói rằng Trinh “là một người thích hát và hát hay những bài hát của anh mình. Lưỡng lự giữa đời ca hát và đời thường. Tuy nhiên, cái nghiệp ca hát lại trói buộc ở chặng đời mà mọi ràng buộc khác không còn ý nghĩa nữa”. Và “Khánh Vĩnh Hồng hay Ly Trinh Nhung là đều phải có, gần như tất yếu trong cuộc đời sáng tác của một người”.

Tôi nghe trong giọng hát ấy không có màu tàn phai. Tôi cũng không nghe thiên thu réo gọi khi Trinh cất lời. Có đôi lần nghe chị hát, tôi đã cười. Đôi lần nữa, nhớ lắm “một cuộc tình nhỏ bé/ bên đôi môi hồng đào”. Thảng hoặc, “hai mươi mùa nắng lạ” chảy tràn về từ ký ức bỗng xanh ngời. Và có những hôm nào đó như hôm nay, nghe Trinh hát thấy lòng mình dịu lại, nghe “cho đời chút ơn/ biết ơn tà áo nọ”. Đó là tà áo của những người con gái được sinh ra trên cuộc đời để làm cho cuộc đời trở thành một mùa xuân vĩnh viễn, như Trịnh Công Sơn từng nói trong video ra mắt DVD Ru tình của Trịnh Vĩnh Trinh.

“Hạnh phúc và đau khổ nhưng vẫn vẹn toàn một buồng huyết tươi son đỏ cùng năm tháng”. Tôi đã nghe người đàn bà nhan sắc ấy hát và ca tụng về tuổi trẻ như thế. 

Du Nguyên

Chiều 28/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa bắt tạm giam Lê Thị Thanh Nghi (SN 1985, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và Nguyễn Đăng Trình (SN 1983, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 28/4, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với đối tượng Dương Minh Cường về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

“Ngày 3/8/1967, đánh CLB sỹ quan Mỹ (N.O.C) diệt trên 200 tên. Thị ủy Nha Trang đánh giá thắng lợi này rất cao. Những người tham gia trận đánh như Hoài Phong, Lê Thị Mai, Trần Kim Hùng, Bùi Chạn, Trần Thanh Châu (tức Mỹ) đã được tặng tưởng Huân chương chiến công”. Lịch sử Đảng bộ TP Nha Trang giai đoạn 1925 - 1975, trang 205 viết ngắn gọn như vậy.

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文