Từ điện ảnh thơ đến tiểu thuyết

15:56 16/08/2011
Lý do để Nguyễn Văn Thông theo đuổi điện ảnh thơ vì đây là cách làm phim phù hợp với hoàn cảnh đất nước mình - một đất nước còn nghèo, kinh phí làm phim eo hẹp, không có những diễn viên ngôi sao, nhiều bối cảnh lớn nhưng vẫn có thể "nghĩ ra được những ý lớn trong những chi tiết tưởng là rất nhỏ".

Đạo diễn - NSND Nguyễn Văn Thông sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu ở Đà Nẵng. Cha mẹ ông có đủ khả năng nuôi ông ăn học và theo đuổi niềm đam mê của mình. Nhưng sớm giác ngộ cách mạng, Nguyễn Văn Thông vào bộ đội, rồi đi suốt chiều dài hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ trong vai trò một người lính.

Ông là một người lính làm nghệ thuật. Bởi thế đề tài chiến tranh cách mạng là một đề tài lớn ông theo đuổi suốt cuộc đời. Sinh thời ông từng chia sẻ: "Gần suốt cuộc đời trong quân đội tôi hiểu đề tài về người lính là một trong những đề tài có ích nhất cho dân tộc Việt Nam…".

Trong vai trò một người nghệ sĩ - chiến sĩ, đạo diễn - NSND Nguyễn Văn Thông đã hiến dâng trọn đời mình mà không mảy may đòi hỏi bất cứ điều gì. NSƯT Đàm Thanh nhớ lại: "Suốt cả thời trẻ, vợ chồng tôi không có bất cứ chỗ nào là nhà của mình.

NSND Nguyễn Văn Thông chỉ đạo một cảnh quay. Ảnh tư liệu

Anh Thông đi làm phim triền miên, còn tôi về ở cùng ba má như hồi chưa đi lấy chồng. Mỗi khi anh về, chúng tôi tay xách nách mang đi ở nhờ, nay thì nhà người bạn này, mai thì nhà người bạn khác. Rồi khi anh đi, tôi lại quay về nhà ba má tá túc.

Có lần tôi tỏ ý "cự nự" với anh rằng, anh là người có cống hiến cho nghệ thuật, cho cách mạng nhiều như vậy mà sao không được cấp trên phân cho một chỗ ở dù nhỏ, anh liền bảo: "Lính Cụ Hồ chỉ có quyền cống hiến, phục vụ, không được phép hưởng thụ hay đòi hỏi bất cứ thứ gì cho riêng mình".

Nhiều năm sau, cặp vợ chồng nổi tiếng này an cư được là do NSƯT Đàm Thanh được cơ quan phân cho một ngôi nhà nhỏ 24m2. Nó chật đến nỗi chủ nhân không thể kê đầy đủ một bộ bàn ghế, sợ vướng lối ra vào và "mất phần" của chiếc tủ sách - thứ mà họ không thể thiếu trong ngôi nhà. NSƯT Đàm Thanh kể, có lần mấy vị lãnh đạo vì yêu quý đạo diễn Nguyễn Văn Thông mà muốn đến thăm nhà, nhưng anh đều lảng tránh.

Vì anh không muốn các vị ấy ái ngại cảnh nhà chật của anh. Rồi có đứa cháu ở nước ngoài về, đến nhà chơi lại hồn nhiên bảo, nhà của bác còn nhỏ hơn cả cái bếp của nhà cháu, anh Thông chỉ cười. Anh rất vui vẻ với sự chật hẹp này, chưa khi nào phàn nàn hay kêu ca điều gì".

Đối với đạo diễn - NSND Nguyễn Văn Thông, điện ảnh là một niềm đam mê, một thứ "nghiệp chướng" không sao dứt ra được. Nhưng điện ảnh cũng chính là một "bà mối" tuyệt vời, đã mang ông đến với người phụ nữ sẵn sàng chia sẻ cùng ông những sóng gió cuộc đời. Họ gặp nhau khi ông đang làm phim truyện Con chim vành khuyên. Sau khi Đàm Thanh lồng tiếng thành công vai bé Nga trong phim cũng là lúc họ nhận ra họ không thể thiếu vắng nhau trên cuộc đời. Như là định mệnh, họ thành vợ thành chồng.

Những năm tháng đất nước chìm trong đau thương, khói lửa, người nghệ sĩ - chiến sĩ tiêu biểu Nguyễn Văn Thông có mặt ở những nơi khốc liệt nhất để ghi lại những thước phim tài liệu quý giá về quân đội, về Bác Hồ. Nghệ sĩ Đàm Thanh đã sống qua những tháng năm chờ đợi dằng dặc, có những lúc hoang mang tưởng như người chồng yêu dấu sẽ không thể trở về bên mình nữa.

Với căn bệnh tim hiểm nghèo, nghệ sĩ Đàm Thanh đã phải dứt ruột mất đi đứa con đã hơn 7 tháng hoài thai trong bụng, phải chịu những cuộc phẫu thuật đau đớn để chống chọi với tử thần. Bà phải chấp nhận một sự thật rằng mình không thể sinh cho chồng một đứa con nối dõi.

NSND Nguyễn Văn Thông thấu hiểu điều này và không hề đặt bất kỳ áp lực nào lên vai người đàn bà mà ông yêu mến. Đối với ông, khi ta yêu một ai đó và quyết định gắn bó đời mình với họ, nghĩa là ta đi chung một con thuyền số phận với họ, cùng trải qua những buồn vui, thậm chí là mất mát. Ông động viên vợ đi học đạo diễn ca nhạc.

Rồi khi chương trình đầu tiên của vợ gặt hái thành công tại Liên hoan truyền hình toàn quốc, ông vui như một đứa trẻ. Yêu thương bằng cả trái tim và tâm hồn với người đàn bà của mình, NSND Nguyễn Văn Thông cũng nhận lại tình yêu và sự hy sinh vô bờ bến của vợ. 

Sau ngày ông mất, mặc dù phải liên tục nằm trên giường bệnh, chịu đựng những cuộc phẫu thuật đau đớn, NSƯT Đàm Thanh vẫn trăn trở việc làm một cuốn sách cho chồng mà lúc còn sống ông đã ấp ủ nhưng chưa thành hiện thực.

Cuốn sách ra đời với tên gọi: Đạo diễn điện ảnh - NSND Nguyễn Văn Thông: Từ điện ảnh thơ đến tiểu thuyết, là lý do để tôi đến gặp bà, lắng nghe câu chuyện về cuộc đời nghệ thuật và tình yêu của hai người nghệ sĩ được công chúng mến mộ. Trong suốt buổi trò chuyện, nước mắt bà đã rơi mỗi khi bà nhắc lại một kỷ niệm nào đó dù vui hay buồn về ông.

Tôi nhìn thấy ở đó là chứa chan tình yêu mà bà không thể nói thành lời. Với bà, ông vẫn còn hiện hữu trong ngôi nhà nhỏ này. Ông ngồi viết sách, đàm đạo về một bộ phim hay, hoặc đơn giản là đến ngồi cạnh bà, khẽ khàng trìu mến như buổi ban đầu. "Mỗi khi xem lại những thước phim của anh, tôi biết rằng anh chưa hề xa vắng trên đời. Anh ở lại…".

Bà muốn được dành những lời trang trọng nhất cho người chồng của mình, vì với bà, ông là một người thầy, một tấm gương mẫu mực về lao động nghệ thuật, nhưng có những lúc, ở đâu đó, người ta vẫn chưa đánh giá đúng về ông. Và đó chính là điều bà trăn trở nhất.

Nguyễn Văn Thông không chỉ là một nhà điện ảnh với những bộ phim gây tiếng vang trong nước và quốc tế, mà ông còn là một nhà văn, nhà tiểu thuyết. Trước khi đến với điện ảnh, ông đã có truyện ngắn đăng tải trên báo chí. Kịch bản Con chim vành khuyên cũng là được ông chuyển thể từ truyện ngắn Câu chuyện một bài ca ông viết trước đó.

Ông đã xuất bản 3 cuốn tiểu thuyết: Hồn trúc, Hương trinh nữ, Lãng tử và vũ nữ Chàm, trong đó đáng kể nhất là tiểu thuyết Hồn trúc. Một cuốn sách có dung lượng không lớn, khoảng chừng trên 100 trang, nhưng ông đã dựng lên một câu chuyện đẹp về tình yêu vừa mang màu sắc thực vừa mang màu sắc huyền ảo.

Chất thơ là một đặc điểm thú vị xuyên suốt tác phẩm của Nguyễn Văn Thông từ điện ảnh đến tiểu thuyết. Là người đi nhiều, quan sát và ưa suy ngẫm, nên văn của Nguyễn Văn Thông thấm đẫm một vẻ đẹp tự nhiên, dung dị mà sâu sắc. Giống như trong điện ảnh, ông không bao giờ lên gân lên cốt mà thường diễn giải đời sống nhân vật bằng cái nhìn nhân văn và tràn ngập tình thương mến với cuộc đời.

Ông đã làm nghệ thuật bằng cả trái tim và sự vô tư, trong sáng tận cùng, vì ông hiểu, nghệ thuật luôn ở ngoài mọi toan tính. Đúng như đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh đã viết: "Là một cây đại thụ trong làng điện ảnh, một cây bút xuất sắc trong lĩnh vực văn học, một chiến sĩ với những cống hiến lớn lao trong suốt chín năm kháng chiến chống Pháp rồi hai mươi mốt năm chống Mỹ nhưng Nguyễn Văn Thông lúc nào cũng lặng lẽ. Chính cái lặng lẽ khiêm nhường đó đã làm cho hình ảnh về ông lại càng cao đẹp hơn, nhất là khi ông đã rời xa chúng ta. Đối với tôi, Nguyễn Văn Thông là người anh, người thầy trên bước đường sự nghiệp điện ảnh của mình… Đối với NSND Nguyễn Văn Thông, phẩm chất quan trọng nhất của người nghệ sĩ là tấm lòng với đất nước, với nhân dân, với cuộc đời. Không có tấm lòng ấy, lại không có tài năng nữa thì bao tiền của đổ ra đều vô ích…"

Bình Nguyên Trang

Chiều 8/5, một phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dẫn con đến Văn phòng Thường trú Báo CAND khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về việc con mình bị cô giáo chủ nhiệm đánh. Đáng chú ý, sau khi phụ huynh phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng, thì có 2 người đàn ông lạ mặt, xăm trổ tìm đến nhà đề nghị gia đình rút đơn.

Với nghĩa cử cao đẹp “giọt máu cho đi – cuộc đời ở lại”, Thượng úy Biện Thanh Sơn, cán bộ Đội CSGT trật tự Công an TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) góp phần làm đẹp hơn hình ảnh người cán bộ CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Một trong những yêu cầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đặt ra đối với các Phòng GD&ĐT là rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. 

Ngày 8/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét nơi ở đối với Hoàng Thị Nga (SN 1975, trú khóm Vĩnh Thành, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công an phường Gia Hội (TP Huế) đã nhanh chóng xác minh, làm rõ người chuyển nhầm là anh Trần Đức Minh (SN 1991, trú phường Gia Hội). Ngay sau khi xác minh làm rõ, Công an phường Gia Hội đã mời anh Minh đến trụ sở và tiến hành các thủ tục trao trả lại số tiền 160 triệu đồng…

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 1,578 tỷ đồng, trong đó 6 gói thầu thiệt hại trên 100 triệu đồng với tổng giá trị 1,477 tỷ đồng… Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu trích lại 2-3% giá trị hợp đồng và Đức đã giao Nhật quản lý số tiền trên.

Ngày 8/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Chu Vũ Nam (SN 1986, cựu Phó trưởng Phòng vật tư, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nam được xác định đã làm trái quy định gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文