Vị lão tướng và bài học lòng dân Tây Bắc

17:02 27/08/2014

Thuở ông còn, có dịp chúng tôi lại đến thăm ông, một vị tướng dày dạn kinh nghiệm trên trận tuyến bảo vệ an ninh Tổ quốc. Mỗi lần gặp gỡ là mỗi lần chúng tôi nhận ra ông vẫn vẹn nguyên nhiệt tình cách mạng. Ông luôn quan tâm và trăn trở với nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự trị an...

Được dự lễ đón nhận Huân chương Sao vàng do Đảng và Nhà nước trao tặng ông (tháng 5/2007), tôi vẫn nhớ sau khi gắn huân chương cao quý nhất lên ngực áo vị lão thành cách mạng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trân trọng phát biểu: “Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí Trần Quyết cũng phấn đấu hết mình vì mục tiêu, lí tưởng cao cả của Đảng là đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước... Đồng chí luôn là tấm gương sáng về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

Trung tướng Trần Quyết là một vị tướng nổi tiếng của miền biên ải Tây Bắc, nơi ông đã có mặt từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Căn duyên để Trung tướng Trần Quyết gắn bó với Tây Bắc, bắt nguồn từ chủ trương trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau Cách mạng Tháng Tám không lâu, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã xác định phải tích cực chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến, do thực dân Pháp ngày càng bộc lộ dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Trong số các cán bộ được điều động đi xây dựng căn cứ địa kháng chiến, ông Trần Quyết được Trung ương chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh Sơn La; rồi Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Giám đốc Công an khu Tây Bắc…

Thuở ấy, Tây Bắc còn xa xôi, cách trở và hoang vắng; trình độ cán bộ và dân trí rất thấp. Một câu chuyện đầy ý nghĩa từng được đồng chí Trần Quyết kể lại: Thời kì đầu lên Sơn La, trong một lần tiếp xúc với người dân xã Hiếu Trai (vùng tả ngạn Mường La), tôi hỏi: “Cán bộ Việt Minh có tốt không? Bà con có thích cán bộ không?”. Bà con đều nói: “Cán bộ Việt Minh rất tốt, nó không như Phìa, Tạo ngày xưa”. Hầu hết người dân đều khẳng định, họ rất yêu quý cán bộ Việt Minh... Tôi lại hỏi: “Thế Pháp nó về lùng bắt cán bộ, bà con có chỉ cho Pháp không?”. Họ hồn nhiên trả lời: “Có chứ. Có chỉ chứ!”.

Thực trạng đó cho thấy, đồng bào Tây Bắc rất tốt, nhưng trình độ nhận thức, sự giác ngộ về chính trị ngày ấy còn quá thấp. Bao đêm trăn trở, ông nhận định, việc quan trọng nhất là công tác cán bộ và tăng cường giáo dục, giác ngộ quần chúng. Ông bèn họp cán bộ tỉnh (lúc ấy có rất ít người), kêu gọi anh em đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng phong trào cách mạng; đồng thời tập trung mở các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ, đặc biệt chú trọng đào tạo cán bộ tại địa phương.

Trung tướng Trần Quyết nhớ lại: “Tôi trực tiếp giảng bài cho anh em 15 ngày về chương trình Việt Minh và các bước công tác trong việc tuyên truyền tổ chức các đoàn thể cứu quốc. Độ hai ba tháng sau, tôi lại triệu tập số cán bộ khác, huấn luyện về chủ nghĩa cộng sản sơ giải  để nâng cao trình độ cho anh em...  Thực ra lúc bấy giờ cũng chẳng có chương trình huấn luyện nào sẵn có. Tôi phải sử dụng vốn hiểu biết mà các anh trong tù đã trau dồi cho tôi khi ở căng (trại) Bá Vân, cộng với sự suy nghĩ của mình, để soạn thảo ra chương trình huấn luyện phù hợp với trình độ cán bộ và tình hình thực tế địa phương”. Nhờ những lớp huấn luyện này mà trình độ cán bộ và giác ngộ của nhân dân các dân tộc Sơn La được nâng lên rõ rệt, bà con luôn một lòng một dạ theo cách mạng, bảo vệ cán bộ Việt Minh.

Một bài học rất cụ thể vẫn được ông Trần Quyết kể lại: Cụ Sa Văn Minh là Tri châu Mộc Châu rất có uy tín với đồng bào Mông. Khi cụ đi sơ tán ở Tuyên Quang, địch tung tin: “Việt Minh đã giết cụ Sa rồi”, khiến đồng bào Mông rất ngờ vực. Chúng tôi bèn đón cụ Sa Văn Minh từ Tuyên Quang về Sơn La và tổ chức họp mặt các đại diện người Mông. Gặp lại cụ Sa, bà con người Mông rất vui mừng, có người còn đến gần, sờ tay vào mặt cụ để tin rằng cụ còn sống thật. Có người thốt lên: “Pháp nói Việt Minh đã bắn chết Bố rồi. Nay gặp Bố khỏe mạnh, chúng con mừng lắm”. Cụ Sa Văn Minh giải thích: “Bố đi theo Chính phủ, được Chính phủ chu cấp, nuôi nấng đầy đủ. Bố về thăm các con, muốn lên thăm bản xã của các con, có được không?”... Khi đi thăm bà con, cụ Sa Văn Minh nói cho dân biết tội ác của thằng Tây, kêu gọi bà con ủng hộ kháng chiến, ủng hộ Việt Minh. Từ đây, con cháu của cụ Sa Văn Minh và hầu hết người dân đều ủng hộ cách mạng; thông qua đó, Việt Minh nắm được cả huyện Mộc Châu.

Trung tướng Trần Quyết lúc sinh thời.

Là người được giao trọng trách bảo vệ trật tự trị an vùng Tây Bắc, ông Trần Quyết đã dành thời gian tìm hiểu, nắm rõ đặc điểm tình hình các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung. Vùng đồng bào Thái có chế độ Phìa, Tạo là tầng lớp trên quản lí toàn bộ ruộng đất và núi rừng. Người dân hầu như không có tư liệu sản xuất gì; phải làm công quả, phục dịch cho các gia đình Phìa, Tạo, gần giống như nô lệ. Trong khi đó, vùng đồng bào Mông có chế độ Thống lý, Chống quán; vùng đồng bào Dao có chế độ Quản Mán... Họ đều thuộc tầng lớp cai trị, có nhiều đặc quyền đặc lợi, ra sức bóc lột người dân. Thực dân Pháp đã triệt để thực hiện “chia để trị”, nắm lấy tầng lớp trên để thống trị, cai quản các vùng đất và cư dân.

Nắm vững đường lối đại đoàn kết, ông Trần Quyết đã kiên trì phương châm “Dựa vào quần chúng cơ bản, tranh thủ tầng lớp trên” để vận động nhân dân tích cực ủng hộ cách mạng, ủng hộ kháng chiến. Do vậy, ngoài huyện Mộc Châu đã tranh thủ được cụ Sa Văn Minh; tại huyện Mai Sơn, cán bộ đã tranh thủ được cụ Cầm Văn Vinh, Tri châu và cụ Sa Văn Bun, Bang tá. Các cụ và con cháu trong gia đình đều đi theo kháng chiến, làm cán bộ. Ở huyện Phù Yên, Việt Minh cũng tranh thủ được cụ Cầm Văn Nò, là Châu úy, nên cũng giành được sự ủng hộ trong toàn huyện. Nhờ nắm vững quan điểm, đường lối và chính sách đại đoàn kết dân tộc và trường kỳ kháng chiến, ông Trần Quyết và đội ngũ cán bộ Sơn La thời kì này đã “thu phục nhân tâm” của bà con các dân tộc. Được sự ủng hộ của nhân dân, công cuộc kháng chiến, kiến quốc ở Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung đã thu được nhiều kết quả, góp phần đi đến thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Cuộc đời Tướng Trần Quyết gắn liền với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, với những chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp để tiến tới Điện Biên Phủ. Ông cũng là một vị chỉ huy nổi tiếng trong những chiến dịch tiễu phỉ, cùng các “trò chơi nghiệp vụ” câu nhử, truy bắt các toán gián điệp, biệt kích Mỹ ngụy. Nếu như trong cổ sử Trung Quốc có tích “Khổng Minh thất cầm Mạnh Hoạch”, thì ông Trần Quyết cũng không ít lần bắt - tha những thủ lĩnh người dân tộc có tội ác với cách mạng, với nhân dân; để hoàn toàn thu phục họ. Nông Văn Kiểm là một tướng phỉ, bị ta bắt đưa đi quản huấn. Lớp quản huấn sắp kết thúc, ông đến gặp và hỏi Kiểm: “Có gì anh cứ nói thật”. Kiểm thành thực: “Nếu tôi không bị hỏng điện đài thì Pháp đã cho máy bay trực thăng đón tôi đi rồi, giờ chẳng còn phải ở đây”.

Rồi Kiểm tỏ ra thành khẩn: “Lúc đầu tôi rất oán hận các ông, vì các ông đã bắt tôi lên đây nghe giảng, lại còn bắt đi lao động. Nhưng sau tôi rất phục các ông. Trước kia, lúc còn ở với Pháp, bọn châu tổng đoàn bị tôi đánh cho như két, mà chúng vẫn cứ gây lộn, đánh chửi nhau. Nay các ông coi giữ  chúng tôi, chỉ có mấy ông cán bộ mà kỉ luật đâu ra đấy. Các ông không sỉ nhục mà lấy chính nghĩa, lẽ phải để làm cho chúng tôi phải cảm phục”.

Thấy Nông Văn Kiểm hối lỗi, ông hỏi: “Hết lớp học, tôi tha anh về Phong Thổ, anh có dám gây phỉ, nổi loạn chống lại chúng tôi không? Nếu cần, tôi cấp cho anh 400 khẩu súng, liệu anh chống được chúng tôi bao lâu?”. Tiếp đó, ông phân tích rõ tình hình ta - địch, vạch rõ cả các đường tiến quân, bao vây của ta... Trước bản lĩnh và uy lực của người cán bộ cách mạng dày dạn kinh nghiệm Trần Quyết, Nông Văn Kiểm xin theo Chính phủ. Những lời sám hối của Kiểm rất chân thành: “Tội tôi đáng bị giết. Các ông đã khoan hồng, dạy bảo, cho về gia đình. Tôi không dám làm phản”. Từ đó, Nông Văn Kiểm được ông Trần Quyết cho trở lại đất Phong Thổ và giao nhiệm vụ “nếu có bọn nào muốn nổi loạn, gây phỉ, thì phải báo cáo ngay”. Quả nhiên sau này, Nông Văn Kiểm hoàn toàn cải tà quy chính, trở thành ủy viên Mặt trận Tổ quốc địa phương.

Cũng thuộc tầng lớp Phìa, Tạo, Đèo Văn Ngảnh là Phó tỉnh trưởng Phong Thổ, tay sai đắc lực của thực dân Pháp. Xét thấy Ngảnh là người rất có uy tín trong châu tổng đoàn ở Phong Thổ, ông Trần Quyết đã thu phục Ngảnh bằng biện pháp mềm dẻo. Tại khu Công an, một căn nhà khang trang được dựng lên cho Đèo Văn Ngảnh sinh hoạt - thay vì bị bắt giam. Hằng ngày, Ngảnh được ăn uống, sinh hoạt khá phong lưu; được đọc sách, báo, thi thoảng còn được xem chiếu phim. Một thời gian sau, Đèo Văn Ngảnh bộc bạch với ông Trần Quyết: “Tôi đã làm phó tỉnh trưởng, gây phỉ, chống lại các ông. Nay các ông không bắt bỏ tù, nhưng cũng chưa thể tin tôi. Thế là phải, vì tôi đã theo Pháp, theo Quốc dân đảng. Tôi hiểu ra và biết mình đã lầm. Tôi rất tiếc được gặp các ông khi quá muộn”... Sau hai năm được an trí, Đèo Văn Ngảnh trở về địa phương và sống một cuộc đời bình an, không làm gì có hại cho cách mạng.

Nắm vững đường lối đại đoàn kết dân tộc có được lòng dân, Trung tướng Trần Quyết và nhiều thế hệ cán bộ Công an đã góp phần giữ vững bình yên và xây dựng Tây Bắc ngày càng giàu đẹp

Trần Duy Hiển

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文