Vũ Huyền Trung: Chuyện "mặc áo" cho ca khúc và những vui buồn thời cuộc

15:52 26/04/2019
Nếu bạn gõ tên Vũ Huyền Trung trên công cụ tìm kiếm của Google, bạn sẽ chỉ có rất ít thông tin về người nhạc sĩ này. 


Nguyên nhân không phải vì anh ta lạ lẫm đâu, thậm chí anh ta còn là người cực kỳ quen thuộc trong âm nhạc.

Những người làm nghề, từ nhà tổ chức biểu diễn, đạo diễn âm nhạc, nhạc sĩ, ca sĩ, đều biết anh ta cả đấy. Một số nhạc sĩ làm công việc hòa âm phối khí "ăn khách" cỡ Vũ Huyền Trung họ chịu xuất hiện, phát ngôn chỗ này chỗ kia và kết quả là tìm kiếm thông tin về họ dễ dàng hơn.

Vũ Huyền Trung thì chỉ xuất hiện khi thực sự cần thiết, còn lại phần lớn thời gian anh ở lì trong phòng thu. Làm một "phù thủy" trong không gian ấy là công việc yêu thích nhất của anh, để từ đó nhiều ca khúc được "mặc áo" mới, mang cảm hứng mới đến cho người biểu diễn và  khán giả.

Trong giới nhạc sĩ, Phú Quang nổi tiếng khó tính, cả trong chọn ca sĩ lẫn chọn người phối khí. Là người học về khí nhạc, lại cũng khá "bảo thủ",  nên Phú Quang rất dễ bắt lỗi nhạc sĩ phối khí. Và dường như chỉ có một cái tên trong giới hòa âm phối khí ông dành thiện cảm hơn cả, đó là Vũ Huyền Trung.

Phần lớn các show diễn của Phú Quang đều có dấu ấn của Vũ Huyền Trung. Phú Quang cho rằng Vũ Huyền Trung chính là người hiểu nhạc của ông một cách tinh tế nhất. Còn trong giới ca sĩ, Vũ Huyền Trung để lại dấu ấn trong sản phẩm của rất nhiều tên tuổi, từ già đến trẻ, từ cũ đến mới.

Những ca sĩ chọn Vũ Huyền Trung để  gửi gắm đứa con tinh thần của mình có thể kể ra như NSND Thái Bảo, NSUT Tấn Minh, ca sĩ Tùng Dương, ca sĩ Đức Tuấn... Vũ Huyền Trung cũng đảm nhiệm vai trò Giám đốc âm nhạc cho nhiều show diễn thuộc nhiều dòng nhạc khác nhau, từ nhạc truyền thống đến nhạc trẻ. 

Bằng kiến thức âm nhạc dày dặn, sự tinh tế, mẫn cảm trong việc hiểu tác phẩm và lắng nghe ca sĩ, những bản phối của Vũ Huyền Trung luôn chinh phục được ca sĩ biểu diễn và người nghe.

Đối với đa số khán giả thông thường trong chúng ta mà nói, thì khái niệm thế nào là hòa âm phối khí rất mù mờ. Chúng ta thậm chí không có nhu cầu hiểu về công việc đó. 

Chúng ta nghe một sản phẩm âm nhạc của một nghệ sĩ, hay xem một chương trình ca nhạc nào đó, thì điều đầu tiên và cũng là điều cuối cùng chúng ta mong đợi là nó phải làm chúng ta xúc động, khiến chúng ta cảm thấy hay, cảm thấy đặc biệt. Chúng ta khen một ca sĩ hát hay, và hiểu biết hơn chút thì khen ban nhạc biểu diễn hay, nhưng chúng ta không biết rằng, trong cái hay tổng hòa đó, có công sức rất lớn của người nhạc sĩ phối khí.

Người nhạc sĩ phối khí có thể không đứng trên sân khấu. Công việc của họ là ở đằng sau sân khấu. Họ là những người đã dựa trên chất liệu là ca khúc của người nhạc sĩ để có thể thêm bớt, pha trộn các nét nhạc, đoạn nhạc để tạo cho tác phẩm một không gian đẹp nhất, tôn được giọng hát của người ca sĩ nhất, tạo cảm xúc mạnh mẽ cho khán giả.

Đối với dân sành nghe nhạc, thì dấu ấn của người nhạc sĩ phối khí trong mỗi một ca khúc hay mỗi một chương trình là cực kỳ đậm nét. Một người không mấy khi xuất hiện trực tiếp nhưng là một người không thể thiếu giúp cho ca sĩ thăng hoa trên sân khấu- đó chính là nhạc sĩ phối khí- những người như Vũ Huyền Trung.

Việc mặc áo cho ca khúc vì sao mà trở nên quan trọng như vậy? Vũ Huyền Trung nói, việc này cũng giống như chúng ta chọn trang phục thôi. Một chiếc áo chỉ được xem là đẹp khi nó hợp với người mặc. Giống như mỗi ca sĩ có một chất giọng riêng, phong cách biểu diễn riêng nên cùng một ca khúc nhưng mỗi người sẽ phù hợp với một bản phối riêng để tôn được các thế mạnh của mình.

Khi "mặc áo" cho ca khúc nào đó, nhạc sĩ phối khí phải làm việc kỹ càng với ca sĩ. Cả hai bên cần phải hiểu nhau và tìm được tiếng nói chung. Cá tính của họ phải được đồng nhất ở một ý nghĩa nào đó để có được một bản phối hài hòa. 

Dĩ nhiên, có không ít nhạc sĩ phối khí có cá tính mạnh và họ luôn muốn chi phối ca sĩ bằng cách áp đặt cách phối nhạc của mình để người ca sĩ phải nương theo. Tuy nhiên Vũ Huyền Trung không phải mẫu nhạc sĩ phối khí đó.

Đối với anh, phối khí cho một tác phẩm âm nhạc không phải chỗ để người nhạc sĩ trưng trổ, hù dọa các ngón nghề của mình. Ngược lại họ phải biết tiết chế, và hiểu rằng, cho dù cá tính đến đâu thì vai trò của người phối khí vẫn là đứng sau ca sĩ. 

Chính vì thế, Vũ Huyền Trung luôn lắng nghe ca sĩ. Có những nét nhạc anh nghĩ là hay, phù hợp với ca sĩ đó, bài hát đó, nhưng nếu người ca sĩ không chia sẻ, anh sẽ bỏ ngay không nuối tiếc để tìm phương án khác cho phù hợp.

"Bởi xét cho cùng, người ca sĩ họ phải thích bản phối thì khi lên sân khấu họ mới hát hay, hát cảm xúc được". Đây cũng là lý do vì sao Vũ Huyền Trung luôn được các ca sĩ thuộc nhiều thế hệ, nhiều dòng nhạc chọn để hợp tác. 

Ngoài vốn liếng âm nhạc giàu có, khả năng hiểu và cảm tác phẩm tốt, anh còn là người chịu nghe ca sĩ và luôn biết được vị trí của mình. Sự nhún nhường của anh trong công việc không phải là sự ba phải như ai đó nghĩ, đó thực sự là cầu thị, là hợp tác với mong muốn mang tới một không gian đẹp nhất cho ca sĩ trên sân khấu.

Ca sĩ Đức Tuấn nói về nhạc sĩ Vũ Huyền Trung thế này: "Anh Trung là một trong những người thuộc top nhạc sĩ vàng của Việt Nam đấy. Anh Trung là đời đầu 7x, cùng lứa với Anh Quân, Huy Tuấn, Đức Trí, Hoài Sa… nhưng anh thuần chất hơn, chỉ biết hòa âm phối khí trong phòng thu chứ không biết gì về thị trường hay truyền thông". 

Tuy nhiên, khi gặp gỡ và trò chuyện cùng Vũ Huyền Trung, tôi không có cảm giác anh chỉ là người "biết mỗi phòng thu", mà còn là người cực kỳ am hiểu về thị trường biểu diễn cũng như đời sống âm nhạc.

Cũng dễ hiểu thôi, một người hòa âm phối khí nếu không hiểu biết về sự chuyển động của đời sống âm nhạc, anh ta làm sao có khả năng đưa đến cho công chúng những bản phối  hợp tai nghe của họ, anh ta làm sao có khách hàng là đông đảo ca sĩ được. Vì xét cho cùng nghệ thuật là phục vụ đời sống. Phải đắm trong dòng chảy của đời sống anh mới có thể đi cùng với đồng nghiệp và công chúng đương thời.

Vũ Huyền Trung không phát ngôn nhiều vì anh không ưa những cuộc vô bổ, nhưng khi cần, anh là người có thể mổ xẻ thị trường âm nhạc một cách rạch ròi thuyết phục nhất. Là người chịu khó xê dịch giữa hai miền Nam- Bắc, tham gia nhiều show diễn trong vai trò Giám đốc âm nhạc, anh Trung cắt nghĩa về sự ồn ào của thị trường Hà Nội trong những năm gần đây.

"Sài Gòn hiện nay là vùng đất chết, không có concert nào cho ra hồn cả. Mặc dù thị trường vẫn có vẻ rất sôi động, nhưng mọi thứ thực ra đều qua cái mobile, các thiết bị cầm tay là chính. Thị trường này không có các show hay, chất lượng. Ca sĩ thì không ra album nữa, đĩa CD vật lý cũng không làm nữa.

Một vài người làm như Đức Tuấn, làm CD rất cầu kỳ nhưng là để chơi thôi. Ngược lại, thị trường Hà Nội lại đang rất rầm rộ các show diễn. Nhưng tôi nói luôn, đó chỉ là một sự sôi động ảo. Các bạn phải thấy rằng, không phải khán giả họ đến với nghệ thuật là vì họ tin vào nghệ thuật đâu. Họ đơn giản là đang bị cái khéo của các nhà tổ chức, các bầu sô lôi kéo mà thôi.

Nhiều show khán giả họ đến nhà hát để xem, nhưng cái quan trọng nhất trong show diễn thì không phải là thời gian họ ngồi trước khán phòng, mà là thời gian trước và sau show diễn.

Cái khoảng thời gian họ chụp ảnh check in trước sảnh, nơi có cái pano của đêm diễn và cuối buổi chụp ảnh với nghệ sĩ là quan trọng đối với họ hơn cả. Bao giờ khán giả có được thói quen nghe nhạc thực sự, họ bỏ tiền ra là bởi họ muốn nghe nhạc cơ, thì mới mừng. Hiện nay chưa phải như vậy, khán giả chưa có nhu cầu nghe nhạc thực sự".

Vũ Huyền Trung kể lại một câu chuyện có thật, về một người bà con của anh rất giàu, một người "không thiếu tiền". 

"Mỗi lần tôi làm chương trình chị ấy đều gọi cho tôi và hỏi là, có vé không, chị mua loại vé 500k. Tôi nói là vé 500k thì thường bao giờ cũng bán hết trước, và chị sẽ phải ngồi tít trên gác cao, chán lắm. 

Sao chị không mua vé loại đắt hơn, chỗ ngồi tốt hơn nghe hay hơn. Chị ấy nói luôn, tiền chị không thiếu nhưng mà chị nghĩ với ca nhạc chị chỉ cần bỏ từng đấy tiền thôi.

Nghĩa là ở đây, những người có điều kiện hẳn hoi, nhưng chi cho giải trí, văn hóa vẫn còn rất dè dặt. Nghệ thuật chưa phải là cái gì quan trọng trong cuộc sống của họ, chưa trở thành nhu cầu thiết yếu. 

Trong khi một xã hội thực sự phát triển về mặt văn hóa thì việc nghe nhạc phải là cái thiết yếu, nhất là với lớp người giàu. Lớp người ấy sẽ là những người đầu tiên bỏ tiền ra mua vé, vì đó là nhu cầu của họ, khi mà họ đã đầy đủ vật chất rồi. Họ phải sẵn sàng bỏ một số tiền giá trị ra mà không tiếc, thì âm nhạc mới khởi sắc được."

Vũ Huyền Trung có cách nhìn vào đời sống âm nhạc một cách tỉnh táo, khách quan. Tâm thế của anh là nhận diện mọi vấn đề, trước cái ảm đạm cũng không bi quan. Anh quan niệm, nhiệm vụ của người nghệ sĩ là luôn hết lòng với từng công việc, và phải thấy rằng, còn được làm nghề là hạnh phúc.

Dòng chảy âm nhạc luôn song hành cũng với dòng chảy xã hội, nó là tấm gương phản ánh nhiều yếu tố khác nhau trong từng giai đoạn, có lúc thăng lúc trầm là hết sức bình thường. Người nghệ sĩ có bản lĩnh thì luôn xem mọi biến đổi như một chất liệu để sáng tạo. 

Tuy nhiên, khi nhắc về những người bạn cùng thời với mình, Ban nhạc Anh Em chẳng hạn, Vũ Huyền Trung có một sự xót xa nhè nhẹ: "Có một thời kỳ tôi rất ngưỡng mộ Ban nhạc Anh Em. Họ là một ban nhạc đẳng cấp. Nhưng đến bây giờ họ phải chơi cho những concert  biểu diễn trong không gian không có khán giả trực tiếp xem thì tôi tiếc vô cùng. Họ biểu diễn qua livetreams cho khán giả nghe, như chương trình "Music Home" đó.

Thì cũng được thôi, nhưng vài số gần đây tôi thất vọng. Không phải tôi thất vọng về ban nhạc, mà tôi thất vọng vì môi trường, xã hội đã khiến cho những ban nhạc ngày xưa kiêu hãnh như thế, giờ phải lùi lại để chơi loại nhạc như vậy. Nhưng tôi cũng biết rằng nếu họ không hạ mình thì không được chơi nhạc nữa.

Không có đất để diễn là nỗi khổ tâm rất lớn với người nghệ sĩ. Không lẽ họ phải khai tử ban nhạc lừng lẫy một thời như vậy. Mỹ Linh, ca sĩ ruột của họ thì năm vừa rồi đã làm show cuối cùng trong sự nghiệp rồi. Họ đang cố gắng cho phù hợp với môi trường sống này, nhưng chính ra là đang làm nhỏ mình đi, thu hẹp mình đi. 

Tôi biết họ khôngg thích chơi nhạc kiểu đó đâu, thẩm mỹ của họ cao hơn nhiều. Những người hay giờ đây hoặc phải thu mình hoặc phải "bán mình" như vậy, bạn bảo không buồn sao được".

Nói chuyện với Vũ Huyền Trung, tôi hiểu thêm một điều rằng, những người làm nghề thực sự bao giờ cũng có những vui buồn thời cuộc. Họ không dửng dưng trước cuộc sống này. Họ bao giờ cũng nhìn vào đáy cốc để nhận diện rõ ràng những thứ đang nổi trên bề mặt. 

Từ đó họ hiểu được con đường mình đi và công việc mình phải làm. Vũ Huyền Trung cũng nói nhiều về sự đứt gãy giữa hai thế hệ nhạc sĩ thời kỳ Làn sóng xanh và thời thời kỳ sau này.

Chưa khi nào đời sống xuất hiện nhiều nhạc sĩ trẻ đến thế. Họ sinh ra cùng với thời đại công nghệ. Họ có thể nổi tiếng chỉ sau một đêm, nhờ mạng xã hội. Họ có thể sáng tác vô số bài hát khi thậm chí chưa hề biết ký xướng âm. 

Họ thông minh, nhanh nhạy nhưng vốn sống và tâm hồn rất nông. Họ bị lấn át bởi những thứ bắt chước, lai căng. Họ có niềm thôi thúc kiếm tiền trên các trang youtube từ rất sớm.

Họ có thể trở thành nghệ sĩ nổi tiếng mà không cần học hành nhiều. Những thứ bình thường như vậy đang có xu hướng lấn át hết mọi giá trị đẹp của âm nhạc. Trong làn sóng rất nhiều rác rưởi lên ngôi ấy, những người tầm vóc có xu hướng thu mình lại, không sáng tác nữa, đấy là thực trạng đáng buồn.

Tuy nhiên, với Vũ Huyền Trung, anh vẫn sẽ tiếp tục con đường của mình, dù có thể rất nhiều khó khăn phải vượt qua. Chỉ cần những người làm âm nhạc chân chính còn tiếp tục, các giá trị đẹp sẽ vẫn luôn còn cơ hội được hiển lộ.

Bình Nguyên Trang

Lời hứa đổi đất của chính quyền địa phương không trở thành hiện thực, một hộ dân ở xã Triệu Sơn và ba hộ dân khác ở xã Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá đã xây tường rào ngăn cách, đòi lại đất của mình…

Liên quan đến chủ trương di dời nhà trên và ven kênh, rạch của TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Trần Kiên từng nêu ra phương án: Để đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả việc di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch, trước hết là để cân đối nguồn vốn ngân sách và huy động nguồn lực xã hội, thành phố đã chia thành 3 nhóm dự án. Trong đó 52 dự án di dời, chỉnh trang kênh, rạch, quy mô 13.827 căn; kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 21.518 tỷ đồng được dự kiến chi từ ngân sách.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết. Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp ở phía Nam khi số ca mắc và tử vong tăng vọt, có tỉnh tăng tới hơn 340% so với cùng kỳ, nhiều trường hợp nhập viện biến chứng nặng phải thở máy, lọc máu, thay huyết tương. Bộ Y tế cảnh báo, hiện nay đang bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết trên cả nước khi thời tiết mưa nhiều, nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và truyền bệnh.

Ngày  14 /7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với đối tượng Phạm Viết Công (SN 10/1/1957, quê quán, HKTT: thôn Cồn Soi, xã Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017. Các quyết định đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phê chuẩn theo quy định.

Liên quan đến đường dây giết mổ, buôn bán lợn chết nhiễm bệnh, VKSND TP Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố đối với 5 đối tượng về tội "Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm", trong đó có 2 chủ hàng thịt lợn ở chợ tạm Phùng Khoang, phường Đại Mỗ là Dư Đình Hợi và Nguyễn Viết Chiếm, Báo CAND đã có bài phản ánh về tình trạng đìu hiu tại chợ Phùng Khoang sau vụ thịt lợn bệnh, lợn chết được 2 đối tượng Hợi, Chiếm bán tại chợ tạm bị phanh phui. Đặc biệt, sau khi vụ việc gây chấn động này, tại chợ tạm Phùng Khoang cũng không còn bóng dáng quầy thịt lợn nào hoạt động.

Tối 14/7, tại Hội trường Bộ Công an, Hà Nội đã diễn ra Chương trình gặp mặt, biểu dương con CBCS đạt giải quốc gia, quốc tế, con thương binh, con liệt sĩ Công an, con đỡ đầu, con nuôi Công an đạt thành tích cao trong học tập năm học 2024-2025.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm qua và sáng sớm nay (15/7), khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa có nơi trên 25mm như: trạm Làng Mô (Lai Châu) 33,2mm; trạm Mường Thín (Điện Biên) 25,6mm; trạm Du Già (Tuyên Quang) 28,8mm…

Bằng nhiều cách sau khi tiếp cận được “con mồi”, bà Châu đưa ra chiếc “bánh vẽ” kiếm tiền khiến cho nhiều người rơi vào “thiên la địa võng”. Những khoản tiền hàng tỷ đồng sau khi vào tay bà Châu, “nhà đầu tư” không thể nào đòi lại được…

TP Huế tiếp tục kích hoạt hệ thống hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến để tháo gỡ vướng mắc cho các xã, phường. Các tổ kỹ thuật chuyên trách được phân công "cầm tay chỉ việc" tại chỗ hoặc kết nối từ xa, hỗ trợ kịp thời cán bộ cơ sở.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.