Vua cũng phải biết tự sửa mình

16:33 19/06/2012
Anh Tông (1276-1320) là vị vua thứ tư của nhà Trần, ở ngôi 21 năm (từ 1293 tới 1314). Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” (ĐVSKTT) nhận xét về ông: “Vua khéo biết kế thừa, cho nên thời cuộc đi tới thái bình, chính trị trở nên tốt đẹp, văn vật chế độ ngày càng thịnh vượng, cũng là bậc vua tốt của triều Trần…”.

Không nhiều người biết rằng, để được đời sau xưng tụng như vậy, bản thân Trần Thuyên (tên cha sinh mẹ đẻ đặt cho ông) đã phải nỗ lực rất nhiều để từ một bậc vương tôn cũng “người ta thường tình”, rượu chè, chơi bời, trở thành một quân vương đức độ và đầy trách nhiệm với xã tắc.

Đòn đau nhớ đời

Vừa bước vào tuổi 17 đã được vua cha nhường ngôi nên Anh Tông trong giai đoạn đầu ngự trên ngai vàng vẫn tiếp tục hành xử một cách phóng túng như trước đó. ĐVSKTT kể rằng, lên ngôi rồi nhưng nhà vua vẫn thích đêm đêm vi hành ra ngoài cung cấm cùng với hơn một chục thị vệ. Ông vua trẻ có vẻ như lại thích thăm thú ở những nơi vui chơi mờ ám, đến nỗi có lần bị bọn lưu manh sở tại ném đá trúng vào đầu… Sáng hôm sau, Thượng hoàng (Trần Nhân Tông) thấy trên đầu nhà vua có vết thương mới hỏi nguyên cớ. Và Thượng hoàng đã rất lấy làm phiền lòng và cứ chẹp chẹp miệng hồi lâu…

Tháng 5/1298, một lần Thượng hoàng bất ngờ từ phủ Thiên Trường lên kinh sư, không để cho bất cứ một vị quan nào trong triều biết trước. Không may đúng lúc đó Anh Tông lại đang say khướt vì đã quá chén rượu xương bồ: “Thượng hoàng thong thả đi thăm khắp các cung điện, từ giờ Thân đến giờ Tị. Cung nhân dâng bữa. Thượng hoàng ngoảnh nhìn không thấy vua, lấy làm lạ, hỏi là Quan gia ở đâu? Cung nhân vào trong nội đánh thức nhưng ngài không tỉnh…”.

Có thể hình dung được là Thượng hoàng đã nổi giận đến thế nào khi ông đùng đùng bỏ kinh đô về lại phủ Thiên Trường sau khi xuống chiếu buộc các quan ngay ngày hôm sau phải kéo tới phủ Thiên Trường điểm danh cho đủ mặt. Trong đầu ông có lẽ đã nảy ra ý định làm một “đại hội” để phế truất ông con đệ tử của Lưu Linh… Tàn cơn say tỉnh giấc ở giờ Mùi, nghe cung nhân thuật lại chuyện đã xảy ra, Anh Tông hết sức kinh hãi và tất tả ra ngoài cửa cung, vừa đi vừa lao lung nghĩ cách tạ lỗi với Thượng hoàng. May gặp được anh học trò Đoàn Nhữ Hài đang ngồi ở cửa chùa Tư Phúc, nhà vua đã sai viết bài biểu tạ tội với cha, lời lẽ cực kỳ thống thiết… Những câu văn tài hoa mà Đoàn Nhữ Hài viết thay mặt nhà vua đã khiến Thượng hoàng động lòng hỉ xả nhưng vẫn gọi Anh Tông vào mắng: “Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà ngươi còn như thế, huống chi sau này”…

Câu chuyện này có lẽ đã trở thành bài học nhớ đời đối với ông vua trẻ. Và cũng vì thế nên như sách Việt Nam sử lược của học giả Trần Trọng Kim ghi lại, từ đó ông đã không bao giờ để ma men làm cho mình quá chén nữa…

Lời hay nhớ kỹ

Thông thường, quyền lực dễ làm cho con người tha hóa. Thế nhưng, ở trường hợp Anh Tông, càng ở lâu trên ngai vàng, ông càng trở nên hiền hậu và thông tuệ hơn. Ông đã thực thi một chính sách nhân sự nghiêm minh và công bằng. Những người tài đều dễ lọt vào mắt xanh của Anh Tông, bất kể thành phần xuất thân. Chính nhờ Anh Tông mà một người không phải là thuộc dòng họ tôn thất như Đoàn Nhữ Hài, xuất thân chỉ là học trò, cũng được cất nhắc lên giữ việc trong Viện Xu Mật. Không ngẫu nhiên mà rất nhiều anh tài đương thời đều tìm được cơ hội để vào triều giúp dân giúp nước. Danh tài về văn thời đó có Trương Hán Siêu với kiệt tác còn được lưu truyền cho tới hôm nay là Bạch Đằng giang phú. Về võ tướng thì có Phạm Ngũ Lão, với nhiều chiến công hiển hách trong việc dẹp loạn và bình định chốn biên cương. Anh Tông cũng là người rất khuyến khích việc học tập trong thiên hạ và đầy ưu ái những người có trí tuệ nên những bậc thông thái như Mạc Đĩnh Chi hay Nguyễn Trung Ngạn đều được cất nhắc sau khi thi đỗ…

Theo ĐVSKTT, Anh Tông “tính trời khiêm tốn hòa nhã, hòa mục với người trong họ, mọi việc trong triều đình đều tự mình quyết đoán”. Sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục (KĐVSTGCM) cũng nhận xét rằng, nhà vua là “người tính khí khiêm tốn, đối với người cùng họ rất hòa thuận, thờ vua cha là Nhân Tông rất kính cẩn”.

Minh họa: Lê Phương.

Khi mới lên ngôi, Anh Tông, như sách Kiến văn tiểu lục của học giả Lê Quý Đôn chép, đã đặt chức triều ban khá nhiều. Thượng hoàng  (Trần  Nhân Tông) thấy thế mới phê vào quan tịch: “Có bao giờ một nước to bằng bàn tay mà lại đặt triều ban nhiều đến thế này?”. Từ đấy, Anh Tông đã thận trọng và dè dặt hơn trong việc cất nhắc quan lại trong triều… Theo ĐVSKTT, có một tôn thất là Bảo Hưng (không rõ tên) rất được Nhân Tông yêu quý nhưng vì không có tài nên đã không được vua trao cho chính sự…

Sách KĐVSTGCM kể, đối với những người từng hầu cận rất tận tụy từ lúc ông còn chưa lên ngôi như Nguyễn Sĩ Cố, Chu Bộ, nhưng “vì hạnh kiểm kém” nên chỉ được Anh Tông dùng vào những chức vụ “vui là chính”, có bổng lộc tước trật “ưu hậu”, nhưng không có thực quyền. Chu Bộ chỉ được giao chỉ huy mấy bộ cấm binh. Còn Nguyễn Sĩ Cố thì được làm tới chức Thiên chương các học sĩ, chức vụ mà theo ĐVSKTT, “thực đặt làm vì chứ không có quyền hành gì”. (Theo một số nguồn tư liệu khác, Nguyễn Sĩ Cố thực ra là một người thông minh, tinh tế, có tài văn chương nhưng lại hay diễn những trò bông phèng hóm hỉnh. Sách Địa chí Hải Dương cho biết, ông có tài làm thơ Nôm, mỗi khi có tiệc vui, ông thường pha trò, diễn xuất có duyên. Nguyễn Sĩ Cố nhiều lần phò vua dẹp giặc. Mỗi lần đi như thế, ông thường làm thơ lưu niệm. Phần lớn các bài thơ của ông mang tính hài hước, trêu chọc, nghi ngờ cả thần linh, bỡn cợt chẳng kể quan hay lính. Đây có thể là những vần thơ trào lộng có sớm của tầng lớp nho sĩ nước ta trong lịch sử văn học. Nhiều nhà nghiên cứu văn nghệ cho ông là người khởi đầu nghệ thuật trào phúng. Có lẽ cũng vì tính khôi hài như thế nên Nguyễn Sĩ Cố không được giao cho trọng trách trong triều mà chỉ được Anh Tông cho dạy Ngũ Kinh là Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu, Kinh Thư và Kinh Thi ở Quốc Tử Giám)…

Anh Tông cũng rất biết lắng nghe những điều tâm huyết của bề tôi và đặc biệt là của những bậc trưởng lão từng vào sinh ra tử qua ba cuộc kháng chiến khốc liệt đánh bại quân Nguyên Mông. Tháng 6/1300, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lâm bệnh nặng ở Vạn Kiếp, nhà vua đã đích thân ngự giá xuống thăm. Nhà vua hỏi: “Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?”. Trần Hưng Đạo đã trả lời rất chi tiết và nhấn mạnh rằng, sở dĩ trong ba cuộc kháng chiến vừa qua, Đại Việt ta cuối cùng đều giành được chiến thắng trước giặc dữ là “vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước nhà góp sức…”. Và Hưng Đạo Vương cũng đưa ra “công thức” tối ưu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của muôn đời: “Nó cậy trường sức, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản chế trường là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cầu thắng nhanh, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”. Sách KĐVSTGCM chép rằng, nghe xong, “nhà vua rất phục lời trình bày của Quốc Tuấn là đúng”.

Công bằng, đức độ

Anh Tông sinh thời rất hiếu học. ĐVSKTT chép: “Khi thư rỗi trong muôn việc bận,” rất “để tâm với việc trước thuật”. Ông cũng là vị vua rất kính cẩn noi theo điển chương cũ. Ở thời đại mà mọi việc đều được phân xử theo ý “con giời”, nhà vua không chủ quan chỉ tin vào chính bản thân mình, mà ông đã luôn biết dựa vào những tiền lệ để đưa ra các quyết định đối với những vụ việc mới. Ông đã từng răn dạy các quan: “Những người ở trong triều mà không am hiểu điển cũ thì lỡ việc nhiều lắm”…

ĐVSKTT nhận xét rằng, Anh Tông “sáng suốt thận trọng về hình phạt”. Khi đã nhường ngôi cho con và làm Thượng hoàng, ông đã được nghe chuyện kể về hai quan nô Hoàng Hộc và Thiên Kiện dùng mưu kế xảo trá, đánh lừa hình quan, khiến người trong hương rốt cuộc phải chịu tội vu cáo. Và ông đã bảo hình quan:

- Tên Hộc gian ngoan xảo quyệt đến thế mà ngục quan không biết suy xét tình lý. Tình ngay lý gian thì không được lấy lý bỏ tình. Phải suy xét cả tình và lý, tình lý không xung đột thì mới là giỏi xử án. Nếu biết tình không gian thì theo lý mà làm là phải, nếu tình quả là gian rồi, thì lại phải suy xét xem lý ngay hay cong. Như vậy, điều gian dối sẽ tự khắc hiện ra, càng không nên tách rời tình lý làm hai mà xét.

Những lời tỉnh táo và phải đạo này có lẽ cho tới hôm nay vẫn còn rất đắc dụng với những ai làm tư pháp!

Anh Tông qua đời năm 1320, con trai thứ tư của ông tên húy là Mạnh lên ngôi thay, tức là vua Minh Tông. Sử gia Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Tôi đọc sử chép về Anh Tông, thấy không ngần ngại sửa bỏ lỗi lầm, kính cẩn thờ phụng cha mẹ, hoà mục với họ hàng, suy tôn tổ tiên làm đế làm hậu, chu đáo trong cúng tế, thận trọng trong tang lễ, đều là phải đạo; trong nhà đủ làm khuôn phép, người ngoài bắt chước theo. Cho nên trên là Nhân Tông khen là hiếu, dưới thì Minh Tông tuân theo khuôn phép. Nước trở nên văn minh, dân tới chỗ giàu thịnh. Như thế chẳng phải là hiệu quả trị nước vốn gốc ở tu thân tề gia là gì?”

Trần Thanh Tịnh

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文