Chuyện về gia đình 3 người 4 chân

10:08 01/01/2023

Ở đời thực, giống chuyện xưa một cách kì lạ, cũng có một cặp đôi lính chì, đó là chàng trai Đoàn Ngọc Bảo và cô gái Nguyễn Thị Lệ Thu. Vượt qua bao khó khăn, họ tập tễnh đi tìm nhau, tập tễnh sánh đôi, tập tễnh xây hạnh phúc tròn đầy.

Trong 25 chú lính chì được đúc ra từ một khuôn, chỉ có duy nhất một chú bị khuyết một chân. Tuy thế, chú vẫn mặc bộ quân phục xanh nẹp đỏ oai vệ, vai bồng súng đứng nghiêm trang. Rồi chú gặp cô vũ công xinh đẹp được cắt bằng giấy bìa, đứng xòe hai tay trong tư thế đang múa ba lê, một chân cô giơ cao khuất phía sau khiến chú  tưởng cô cũng bị cụt chân như mình. Ngay lúc đó, chú đã nghĩ "phải chi ta lấy được cô ấy làm vợ". Rồi chú bị con quỷ đen hãm hại, trải qua mọi thử thách ngặt nghèo, chú vẫn vượt qua, trong lòng luôn nghĩ đến cô vũ công. Cuối cuộc phiêu lưu, chú bị quẳng vào lò sưởi. Giữa ngọn lửa, chú dũng cảm cháy sáng lên. Và phần thưởng dành cho chú thật xứng đáng khi chú được ở bên cô vũ công yêu dấu.

Gia đình 3 người 4 chân tại một giải chạy diễn ra đầu tháng 12/2022.

Đó là câu chuyện cổ "Chú lính chì dũng cảm" nổi tiếng thế giới. Ở đời thực, giống chuyện xưa một cách kì lạ, cũng có một cặp đôi lính chì, đó là chàng trai Đoàn Ngọc Bảo và cô gái Nguyễn Thị Lệ Thu. Vượt qua bao khó khăn, họ tập tễnh đi tìm nhau, tập tễnh sánh đôi, tập tễnh xây hạnh phúc tròn đầy.

Tập tễnh nhưng thăng bằng

Họ sinh ra đều là những người lành lặn. Nhưng tai hoạ đổ ập xuống khiến họ trở nên khuyết thiếu. Ở quê hương Hiệp Hòa, Bắc Giang, cô bé Nguyễn Thị Lệ Thu khi ấy lên 10 tuổi, bế em gái nhỏ, cùng chúng bạn leo lên chơi trên chiếc máy xúc đang xúc đất. Bất thình lình, máy xúc bị lật, các bạn vội vàng nhảy xuống, riêng Thu vì đang bế em nên quyết không buông em ra, chấp nhận bị máy xúc đè lên một bên chân phải. Phải đến hơn 2 tiếng sau người ta mới nâng được chiếc máy xúc lên để lôi Thu ra, không ai nghĩ Thu còn sống. Lúc cô bé tỉnh dậy ở bệnh viện, bên chân phải dập nát đã bị cắt đi. Mười tuổi, Thu di chuyển bằng cách bò lết trên mặt đất, mỗi khi muốn đứng lên lại ngã dúi dụi. Nhưng Thu không buồn. Thu hồn nhiên tin rằng rồi đến một ngày chân mình sẽ mọc lại.

Nếu việc mất một bên chân của Thu là một tai họa không mong muốn, thì với Bảo lại là sự giải thoát. Từ khi là một cậu bé 3 tuổi, Đoàn Ngọc Bảo quê ở Ứng Hoà, Hà Nội đã bị bệnh phù chân voi và bị mọt xương. Từ lúc lên 5 tuổi đến khi 8 tuổi, Bảo trải qua 3 cuộc phẫu thuật chân trái nhưng bệnh tình không thuyên giảm, di chứng ngày càng nặng nề. Suốt một thời gian dài, Bảo phải chịu đựng nỗi đau đớn và có nguy cơ bị liệt. Năm 2012, Bảo được một tổ chức tài trợ để sang Hàn Quốc cắt bỏ chân.

Chiếc xe máy ba bánh luôn kèm theo nạng và chân giả trên mọi nẻo đường.

Ở hai miền quê, cả hai cùng tập tễnh, nhưng đều học cách chấp nhận và dần tạo cho mình sự thăng bằng. Cú sốc đầu tiên khiến Thu phải đối mặt với sự thật phũ phàng, là một lần Thu nghe người lớn nói rằng chân đã mất đi rồi thì không thể nào mọc lại được nữa. Thu khóc vì buồn tủi và bi quan suốt một thời gian dài. Nhưng rồi sự bản lĩnh, mạnh mẽ trỗi dậy. Đó là lúc Thu lê la ở nhà, nhìn thấy mẹ và em gái mướt mải gặt lúa trong những vụ mùa mà không thể giúp gì được. Đó là lúc Thu bắt gặp bố đi làm thợ xây, nhẫn nại trên dàn giáo cao giữa trời nắng gắt để có tiền nuôi các con. Đó là lúc Thu thấy mẹ tất tả làm đủ nghề, từ thu mua sắt vụn đến bóc lạc thuê để trang trải cuộc sống. Thu thấy mình không thể trở thành gánh nặng cho bố mẹ, phải cố gắng vượt qua buồn đau. Vậy là Thu tập đứng dậy, tập đi nạng, rồi đi xe đạp bằng một chân để đến trường, tất cả rồi cũng thành thục dần.

Không ai có thể tin rằng, cô bé bất hạnh ngày nào đã lấy lại thăng bằng trong tâm trí. Thu đỗ đại học, vừa học vừa làm thêm đủ việc. Năm 2016, Lệ Thu tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi, cô trở thành nhân viên kế toán của một cửa hàng xe máy ở Hà Nội. Chiếc xe máy ba bánh là tài sản đầu tiên Thu có được từ chính sức lao động của mình. Bố mẹ cũng yên tâm hơn khi con gái có thể tự di chuyển đi làm, có thu nhập và tự lo cho bản thân.

Thu cũng đã từng yêu, nhưng hạnh phúc không thể mỉm cười, chính bởi đôi chân khiếm khuyết của cô. Một lần nữa sự mặc cảm lại trỗi dậy trong Thu trước những rào cản vô hình. Nhưng rồi, mọi thứ lại thăng bằng trở lại. Cô gái sinh năm 1994 với má lúm và nụ cười tươi đã tự tin tham gia và lọt Top 10 cuộc thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết năm 2019.

Bảo sinh năm 1993, hơn Thu một tuổi. Cũng giống Thu, Bảo gạt bỏ những bi quan để trải nghiệm cuộc sống nhiều màu. Cũng không ai tin được rằng, cậu bé chịu đau đớn, chịu sự dè bỉu, trêu trọc ngày nào lại có thể chạy nhảy, đi lại tự tin với một bên chân giả. Bảo còn làm được cả những điều không tưởng, đó là khả năng bơi lội, trượt patin một cách điệu nghệ và chinh phục những đỉnh núi cao. Bảo từng tham gia Thế vận hội Thể thao mùa Đông dành cho người khuyết tật được tổ chức ở Hàn Quốc năm 2015, thi đấu bộ môn trượt tuyết.

Chính sự tỏa sáng theo cách của riêng mình mà họ tìm thấy nhau. Khi nhìn thấy Bảo trong một video đang nhảy lò cò trên đỉnh Fansipan, trượt patin trên đường phố, hay lúc Bảo nỗ lực trong những giải chạy, Thu thấy thán phục và ấn tượng. Họ nhắn tin, làm quen qua mạng xã hội. Sự đồng cảnh và đồng cảm đã đưa họ đến gần nhau và nhanh chóng nhận ra là một nửa của nhau. Thời điểm đó, Bảo đang là quản lý kiêm huấn luyện viên patin tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thu chính là động lực để Bảo chuyển ra Hà Nội. Một buổi chiều cuối năm 2019, họ lần đầu gặp nhau và càng quý mến nhau hơn. Thu quý Bảo ở sự hoạt bát, tự tin. Còn Bảo đã bị vẻ dịu dàng, nữ tính và sự lạc quan của Thu chinh phục.

"Quen nhau 3 tháng, gặp nhau trực tiếp 3 lần, nhưng qua những tin nhắn, cuộc gọi, chúng tôi hiểu nhau và quyết định về chung một nhà. Có nhiều người ủng hộ, nhưng cũng có người nói đó là một quyết định vội vàng. Bởi chúng em đều khiếm khuyết, sẽ là gánh nặng cho nhau và cho gia đình. Nhưng chúng em vẫn quyết tâm. Đến giờ, cả hai vợ chồng vẫn thấy rằng đó là điều đúng đắn", Thu khẽ mỉm cười chia sẻ.

Khuyết nhưng vẫn đủ

Cuộc sống của Thu và Bảo mỗi ngày thêm tròn đầy. Họ hạnh phúc bên nhau, nương tựa vào nhau và cùng chăm sóc cậu con trai Minh Trí lên 2 tuổi. Hoàn thành hơn hoàn hảo, đó là phương châm sống của cặp đôi này. Họ luôn muốn con trai được thấy bố mẹ nỗ lực di chuyển theo một cách riêng. Và họ cũng thích cảm giác được chứng kiến con trai chạy nhảy, đi lại với đôi chân lành lặn. Họ cùng leo núi, cùng tham gia nhiều giải chạy. Bằng mọi hình thức, lúc đi, lúc nhảy lò cò, lúc chống nạng, họ luôn cùng nhau và về đích.

Từ khi có con, Bảo nhận dựng video tại nhà, có thời gian chăm sóc con để Thu ổn định với công việc kế toán. Họ còn xoay xở bán hàng thêm để có thêm thu nhập. Căn phòng trọ rộng chừng 20m2 ở quận Cầu Giấy là không gian sống của họ, từ khu bếp nhỏ gọn, chiếc giường nhỏ, bàn làm việc của Bảo đến chỗ con trai chơi đùa. Dù vất vả, nhưng hai vợ chồng không muốn bố mẹ hai bên phải vất vả vì họ, luôn cố gắng tự túc trong mọi việc, từ chăm con đến ổn định cuộc sống.

Bây giờ thì con trai đã đi nhà trẻ, cứ sáng sáng, hai vợ chồng dậy sớm đưa con đến lớp rồi vội vã mỗi người mỗi việc. Bảo mới đi làm ở một chuỗi cửa hàng tiện lợi. Thu làm kế toán ở một công ty chuyên về mảng giáo dục. Chiều đón con về, Bảo tháo chân giả, Thu bỏ nạng, cùng để ở góc nhà, rồi cùng nhảy lò cò tắm cho con và nấu ăn. Ba năm qua, họ vẫn cứ nhảy từng bước như đôi chim, mà cũng ríu rít như đôi chim. Tất cả mọi hoạt động trong ngày, nghe thì đơn giản với người lành lặn, nhưng với họ, mọi nỗ lực đều phải gấp đôi. Căn phòng nhỏ vì thế luôn ấm áp và rộn rã.

Cuối tuần, cả nhà lại chở nhau trên chiếc xe máy ba bánh về quê hoặc cho con đi công viên. Người ta dễ nhận ra vẻ đặc biệt của gia đình 3 người 4 chân này, bởi đi đâu thì trên xe cũng chở thêm hai chiếc nạng cho Thu và chiếc chân giả cho Bảo. "Khó khăn hay không khó khăn, đều do bản thân mình thôi. Vợ chồng em mỗi người một chân, nhưng tụ lại vẫn có hai chân, giờ có thêm đôi chân bé nhỏ của con nữa, thì vững vàng, không ngã được", hai vợ chồng nhìn nhau và cùng cười.

Thu chỉ là một người phụ nữ nhỏ bé, làm một công việc bình thường như bao người khác. Thu thiệt thòi, khiếm khuyết, chồng cô cũng vậy. Vậy mà trang Facebook, Tiktok của cô nổi rần rần. Vào trang Facebook ấy, cũng không có gì đặc biệt, chỉ đơn giản là hình ảnh của cô, của chồng cô và cậu con trai nhỏ đáng yêu trong mọi cảnh huống của cuộc sống thường nhật. Nhưng tất cả đều toát lên sự lạc quan và niềm yêu sống. Bảo và Thu, bằng nghị lực vươn lên, thực sự là những người truyền lửa, cho cả những người lành lặn.

Thái Hưng

Chiều 3/5, Văn phòng cơ quan CSĐT Công an Tây Ninh đã tạm giữ hình sự Trần Lập Duy (SN 1994, ngụ ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành) để điều tra, làm rõ về hành vi giết người. Nạn nhân là con gái ruột của đối tượng và mới được 9 tháng tuổi.

Ngày 3/5/2024, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và ông Kim Sang-sik (quốc tịch Hàn Quốc) đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất đối với các nội dung liên quan đến vị trí HLV trưởng Đội tuyển Nam và Đội tuyển U23 Quốc gia Việt Nam, trong bản hợp đồng có thời hạn 2 năm (từ 1/5/2024 đến 31/3/2026). 

Hàng ngàn mét vuông đất công bị lấy chiếm, quán cà phê chòi, xưởng sản xuất, nhà hàng…cùng hàng trăm ngôi nhà mọc lên từ nhiều năm nay trong khuôn viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Phân hiệu tại TP Hồ Chí Minh (261 Hoàng Hữu Nam, phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) khiến nhiều người bức xúc.

Họ "bắt cặp" với nhau không cần tình yêu, cũng chẳng cần tiền. Chỉ cần trao đổi qua tin nhắn, gặp mặt, đi ăn uống đôi lần, hoặc ngay từ lần đầu tiên, sau khi ưng ý và thỏa thuận vài "điều khoản thuộc vùng cấm" trong mối quan hệ, thì giữa hai người đã có thể tiến tới bước quan hệ thể xác. "Phong cách bạn bè" này mới xuất hiện trong giới trẻ, mang cái tên rất Tây: "Friends with benefit".

Ba người đàn ông từ Thanh Hóa lên các huyện Quế Phong và Quỳ Châu (Nghệ An) để đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, sau đó lên khu vực biên giới mua ma túy để sử dụng…

Trận gió lốc quét qua đã cuốn bay phần mái lợp 6 phòng học tại Trường tiểu học Phú Lương 1, làm hư hỏng 1 phòng học khác. Trong sáng 3/5, khi lực lượng các đơn vị tổ chức khắc phục thiệt hại, toàn bộ 263 học sinh của Trường tiểu học Phú Lương 1 phải nghỉ học.

Có một địa danh, nếu như vì một lý do khách quan hoặc chủ quan mà không đến thăm được, thì có lẽ ta sẽ phải trăn trở suốt đời. Với tôi, Điện Biên Phủ là một địa danh như vậy! Vậy mà mãi gần đây, tôi mới có dịp lên thăm chiến trường Điện Biên năm xưa, với tư cách là một cựu chiến binh, một thương binh, đã từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng vị Tổng tư lệnh huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Làm sao mà không cảm xúc dâng trào, mà không nghẹn ngào xao xuyến!

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文