Nhà điêu khắc Lê Công Thành: Đứng đầu ngọn gió

06:58 05/01/2015
Những cơn gió mùa đầu đông lùa vi vút, cụ ông dáng vẻ như tiên hiền từ, mái tóc trắng, người nhỏ bé mỏng mảnh khoan thai ngồi đọc báo. Ngày nào cũng vậy, ông có thói quen lần giở tên những cây bút mà ông vẫn thường thích đọc. Xung quanh ông ngổn ngang tượng đá trắng nhiều hình khối nho nhỏ, xinh xinh do chính tay ông nhào nặn và hàng thếp tranh vẽ của vợ ông, họa sĩ Nguyễn Kim Thái.

Nơi trú ngụ của “tiên ông” nằm ở tầng 3 khu tập thể Vĩnh Hồ, Hà Nội. Ông mua và thuê thêm nên có 4 căn hộ liền kề để thỏa thuê trưng bày những tác phẩm điêu khắc do tự tay mình nhào nặn và một căn hộ cho người bạn đời sáng tác và lưu giữ bộ tranh. Cụ ông ngoài 80 mắt sáng tinh anh, nói năng rành rọt, khúc chiết. Ông chính là  Lê Công Thành- người đã có vô số bức tượng đình đám nhất trải dài trên bản đồ địa lí Việt Nam.

Trong kỉ yếu của Hội Mỹ Thuật Việt Nam, nhà điêu khắc Lê Công Thành sinh năm 1932, quê ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ông tốt nghiệp khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957) và khoa điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam khóa I (1957-1962). Thực tập sinh tại Trường Đại học Mĩ thuật Mat-xcơ-va, Liên Xô cũ (1986-1970).

Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ông là giảng viên khoa điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật, Phó chủ tịch chuyên ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa II (1983-1989). Trong quá trình công tác ông đã được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Huân chương kháng chiến chống Mĩ cứu nước hạng Nhất. Huy chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam…

Lê Công Thành là một nghệ sĩ lao động cật lực, đã cho ra đời một khối lượng tác phẩm đồ sộ cả về điêu khắc và hội họa. Ông không ngừng tìm tòi sáng tạo với một cá tính và phong cách riêng. Dường như ông luôn trăn trở, tìm ý tưởng mới, cách tân trong ngôn ngữ tạo hình của mình, vì vậy tác phẩm của ông luôn được đồng nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao. Ông có nhiều tượng đài  về người chiến sĩ, người phụ nữ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tác phẩm và phong cách tạo hình của Lê Công Thành đã có ảnh hưởng lớn đối với nhiều nhà điêu khắc trẻ. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng điêu khắc toàn quốc. Năm 2001, nhà điêu khắc  Lê Công Thành đã được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I.

Đấy là câu chuyện trong sách của Hội Mỹ thuật giới thiệu về ông, còn khi tôi gặp ông đó là một cụ ông đặc biệt khác lạ. Cứ như người “nhà trời” vậy, cái gì từ con người ông cũng toát lên dáng vẻ gió thoảng mây bay. Nhìn ông một chặp tôi lại cứ ngỡ ông cưỡi mây trắng bồng bềnh xuống phố, nói dăm ba câu phán truyền rồi lại theo gió về chốn bồng lai tiên cảnh.

Nhà điêu khắc Lê Công Thành tại nhà riêng.

Một lần cách đây chục năm, trong bữa ăn trưa có ông Ngô Thảo, lúc đó đang giữ chức Phó Tổng thư kí Hội sân khấu Việt Nam, ông Dương Xuân Nam đương chức Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, nhà thơ Hồng Thanh Quang lúc ấy đang là Trưởng Ban Thư kí tòa soạn Báo Công an Nhân dân và nhà thơ Hữu Việt đang công tác tại Báo Tiền phong, cộng thêm ba phóng viên nữa, ông Lê Công Thành chắp hai tay ra trước ngực, mắt sắng quắc từ từ nhìn từng người một rồi cất giọng bảo: “Bây giờ ta xem tướng cho mọi người. Ai tương lai bình an ta sẽ không  nói nhiều. Ai ta bảo cẩn thận thì phải nên cẩn thận”.

Sau đó ông đi vào trọng tâm, với người ông bảo nên đề phòng cẩn thận, chẳng biết thật hư ra sao, chỉ thấy nhân vật chính có chút gì bối rối, rồi sau buổi ăn trưa đó một thời gian đúng là có chuyện với họ thật. Mà cũng toàn chuyện động trời không à.

Ông bảo, ông có thói quen xem tướng người tiếp chuyện  xem họ hung cát ra sao, phúc lộc thế nào. Người càng giỏi đường đời lại càng lắm thăng trầm, va đập. Ông cứ bí hiểm thế, cách ông xưng hô cũng lạ. Ông gọi người trẻ bằng tên của họ và tự xưng tên mình, kể cả cách nhau đến ba, bốn chục tuổi.

Có lần ông bảo nhà thơ Hồng Thanh Quang: “Thành muốn mời Quang đến nhà Thành chơi để xem tượng”. Hoặc có lần nhân đọc bài viết của nhà báo Ngô Hương Sen trên tờ An ninh thế giới Cuối tháng, ông liền gọi điện cho chị và nói: “Sen ơi, Thành đã đọc bài của Sen viết rồi, Sen viết hay. Nhưng bây giờ Sen viết bài về người ta thế nhỡ nay mai Sen mất đi thì ai sẽ viết bài về Sen?”. Nhà báo Hương Sen mất mấy giây chết sững người, rồi bật cười khanh khách. Nhà điêu khắc Lê Công Thành quả là khác người.

Như hôm tôi đến gặp ông, ông bảo: “Con viết bài về ta, đừng ghi tên ta, cứ kí hiệu là LCT, người đọc sẽ biết con viết về ta”. Ông nhìn tôi rồi hỏi: “Con có muốn xem tướng không?”. Đương nhiên, con người ai chả có tính tò mò, nên tôi đồng ý cái rụp và ông nói một vài câu. Nó hay hay, ngồ ngộ, nhưng bảo đảm chả có nhà tướng số hay bói toán nào lại có kiểu phán truyền như thế.  Hôm ở nhà ông tôi lại được nghe một câu chuyện khác về ông, về bức tượng “Mẹ  Âu Cơ” đặt tại công viên Biển Đông, thành phố Đà Nẵng.

Tác phẩm điêu khắc “Mẹ Âu Cơ”.

Câu chuyện về bức tượng này trước đây đã được một số nhà văn và kiến trúc sư thêu dệt và hư cấu gây nên hiện tượng ồn ào, và ảo suốt một thời gian dài. Hôm nay, ông rành rọt bảo tôi: “Con giở giấy bút ra ghi lại đi, ta là cha đẻ của bức tượng. Chuyện này rất nhiều người muốn biết, nhưng trước đây ta chưa thể tiết lộ. Nay con và ta có duyên, ta muốn kể cho con và mọi người cùng biết sự thực về bức tượng “Mẹ  Âu Cơ”.

Tác phẩm điêu khắc “Mẹ Âu Cơ” được dựng lên giữa năm 2007 ở vị trí rất đẹp, nơi đường Phạm Văn Đồng gặp đường Hoàng Sa, tại công viên Biển Đông, nhìn ra cửa biển Đà Nẵng.

Nhà điêu khắc Lê Công Thành từ lâu đã nghe tiếng ông Nguyễn Bá Thanh – (lúc đó đang giữ chức Bí thư Thành Ủy thành phố Đà Nẵng) nhưng chưa bao giờ gặp mặt. Rồi như có một sự thôi thúc mãnh liệt từ bên trong, mà ông bảo có một con người khác nhập vào ông muốn ông dựng bức tượng Mẹ  Âu Cơ nơi quê hương mình ở cửa biển Đà Nẵng.

Một buổi ông đến gặp ông Nguyễn Bá Thanh. Ông Lê Công Thành người nhỏ bé, dáng đi chậm rãi, tất cả sinh lực của con người ông được dồn vào ánh mắt sáng quắc và giọng nói âm vang rành rẽ đầy sức thuyết phục. Sau câu chào hỏi, nhà điêu khắc bảo với ông Nguyễn Bá Thanh: “Tôi muốn xây dựng một bức tượng cho cửa biển Đà Nẵng”. Ông Nguyễn Bá Thanh nhìn nhà điêu khắc chỉ nói gọn một câu: “Tùy anh”.

Sau đó, nhà điêu khắc lên xe ôtô của ông Nguyễn Bá Thanh, lái xe chở cả hai đi lòng vòng quanh thành phố đến nơi đường Phạm Văn Đồng gặp đường Hoàng Sa, và là công viên Biển Đông, nhìn ra vùng biển mênh mông xanh mướt. Nhà điêu khắc chỉ ra khoảng không rồi nói: “Tôi muốn đặt bức tượng ở chính đây”. Ông Nguyễn Bá Thanh lúc này cũng đã xuống xe, mắt hướng ra mặt biển, đáp lại một câu ngắn gọn: “Tùy anh”. Nhà điêu khắc nói tiếp: “Nhưng tôi có một yêu cầu, không ai được duyệt bản vẽ này cả”. Ông Nguyễn Bá Thanh nhìn nhà điêu khắc kì lạ và nói một câu cũng kì lạ không kém: “Tùy anh”. Sau đó ông Nguyễn Bá Thanh căn dặn anh trợ lý của mình và bảo với nhà điêu khắc, ông phải ra Hà Nội họp, trong lúc thi công và xây dựng nếu nhà điêu khắc cần gì cứ qua thư kí của ông.

Quả nhiên không ai duyệt bản vẽ. Nhiều kiến trúc sư giỏi được huy động đến để làm theo bản vẽ của nhà điêu khắc Lê Công Thành. Nhà điêu khắc gia hạn cho các kiến trúc sư trẻ hơn mình được điều động đến làm bức tượng trong thời gian quy định. Các kiến trúc sư đều lắc đầu nói: “Không thể hoàn thành bức tượng trong thời gian như vậy”.

Trợ lí của ông Nguyễn Bá Thanh báo cáo. Bí thư Thành ủy nói đúng một câu: “Ông Thành bảo gì, các kiến trúc sư khác cứ theo y như thế mà làm”. Vậy là, đúng như tiến độ, hơn một tháng sau ngày gặp gỡ giữa nhà điêu khắc Lê Công Thành và ông Nguyễn Bá Thanh, bức tượng được đặt ở công viên đúng vào đêm 30 – 6 - 2007 lấy tên là “Mẹ  Âu Cơ”.

Sáng hôm sau, ngày 1/7, nhà điêu khắc Lê Công Thành điện thoại cho ông Nguyễn Bá Thanh nói: “Tượng đã xong, anh ra xem kết quả đi…”.  Quả nhiên, tượng đài Mẹ  Âu Cơ lừng lững giữa bao la đất trời nơi công viên Biển Đông hướng ra biển Đà Nẵng. Những người dân đi tập thể dục đều ngạc nhiên trước một bức tượng đá trắng đồ sộ không biết được đưa về đây từ lúc nào bởi vì ngày hôm qua nơi đây vẫn chưa có một vết tích gì về bức tượng.

7h30 sáng, Bí thư Thành ủy đến chiêm ngưỡng công trình nghệ thuật. Ông bắt tay nhà điêu khắc thật chặt và cả hai không nói một lời nào. Từ đó về sau ông Nguyễn Bá Thanh và nhà điêu khắc không còn gặp nhau một lần nào nữa. Bức tượng Mẹ Âu Cơ được các nhà kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật đánh giá cao. Nhà phê bình mỹ thuật uy tín Nguyễn Quân đã nhận định: “Mẹ  Âu Cơ” của Lê Công Thành ở Đà Nẵng là một ngoại lệ hiếm hoi và đáng quý.

Một lần, khi ở nhà, nhà điêu khắc Lê Công Thành nhận được giấy ở bưu điện mời ra nhận số tiền là 200 triệu. Thì ra, đây là một người vô danh đến thành phố Đà Nẵng đã say ngây ngất với bức tượng “Mẹ  Âu Cơ” tác phẩm của ông và gửi tặng tác giả của bức tượng số tiền không nhỏ.

Ông còn dựng vô số tượng trên dải đất Việt Nam, mà mỗi câu chuyện là một huyền thoại đầy bí ẩn, ngay kể cả đến giờ con người ông vẫn mãi là “vùng bí mật” về một nhà điêu khắc tài ba.

Trần Mỹ Hiền

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Trong cuộc sống, thiếu vắng đi người cha, người mẹ, đó là nỗi đau không thể bù đắp của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, xoa dịu nỗi đau cho các em nhỏ mồ côi, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những người mẹ đỡ đầu là hội viên của các cấp Hội phụ nữ trong Công an tỉnh Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 6/5, theo nguồn tin riêng của phóng viên, Công an tỉnh Thanh Hoá đang tích cực điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của 2 mẹ con trong ngôi nhà đang cháy xảy ra tại phố Kiều Đại 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Thanh Huệ (SN 1982; trú tại thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 6/5, Cục CSGT cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Châu (Sơn La) đã ra Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lái xe đầu kéo vi phạm nồng độ cồn mức kịch khung đi không đúng phần đường gây tai nạn khiến 1 người chết, 7 người bị thương.

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) đã cận kề. Góp phần vào thành công của lễ kỷ niệm là 11 khối diễu binh, diễu hành của lực lượng CAND (9 khối đi và 2 khối đứng). Để thực hiện nhiệm vụ này, lãnh đạo Bộ Công an giao Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) tổ chức tuyển chọn hơn 1.300 CBCS tham gia luyện tập, trong đó đoàn viên, thanh niên các học viện, trường CAND là nòng cốt, phối hợp Công an một số đơn vị, địa phương, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị quan trọng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文