Họa sĩ Đức Lâm - Vẽ một đời vui một đời

09:03 02/08/2022

Đầu năm 1975, một chú bé 16 tuổi sống ở khu Cống Bà Xếp (Sài Gòn) sau nhiều tháng cặm cụi đã hoàn thành một bản thảo truyện tranh vẽ bằng bút sắt lá tre trên giấy tập học trò. Truyện mang tên “Hiệp sĩ mù”, nội dung dựa theo một cuốn phim Nhật Bản ăn khách thời ấy.

Cuốn truyện gần trăm trang được một nhà xuất bản tư nhân mua - với giá bèo cho một tác giả nhóc tì còn vô danh - và chuẩn bị in để tung ra thị trường. Chú bé ngồi ở nhà chờ đợi sách trong  lúc tình hình chiến sự trên khắp miền Nam càng lúc càng căng thẳng, và cuối cùng, ngày 30 tháng 4 ập đến. Cuốn sách đầu tay ấy của chú bé không bao giờ ra đời nữa, đến nay không biết lưu lạc nơi đâu.

Vài năm sau đó, có những truyện tranh xuất hiện trên báo Khăn Quàng Đỏ khoảng đầu thập niên 1980 đã mang đến những ấn tượng mạnh mẽ cho độc giả từng sống ở Sài Gòn - Gia Định trước kia, những người từng mê tranh truyện và minh họa của  họa sĩ ViVi, một người từng tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn vẽ từ trước năm 1975 và vẽ hình họa cực tốt. Những truyện tranh mới xuất hiện đó, lại không phải từ một họa sĩ học trường Mỹ thuật, mà từ một kiến trúc sư. Tranh truyện của anh thể hiện một căn bản hình họa rất vững. Anh còn vẽ minh họa thường xuyên cho các truyện rất ngắn của Tagore, Lý Lan… trên báo Khăn Quàng Đỏ. Anh là kiến trúc sư Bùi Đức Lâm, thường ký là Đức Lâm, là chú bé 16 tuổi ngày xưa từng hụt ra sách “Hiệp sĩ mù”.

Như tất cả các họa sĩ, Đức Lâm mê vẽ từ nhỏ và năm 1974 đã đậu vào hệ trung cấp trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật (nay là Đại học Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh), nhưng chỉ học đúng một tuần lễ rồi bỏ ngang. Lý do: bị bố phản đối. “Ông cụ tôi vốn là thợ mộc kiêm thầu khoán nhà cửa, nên rất muốn tôi thi vào trường Kiến Trúc để sau này phụ việc ông, với lại cụ nghĩ, nghề họa sĩ không có tương lai (!). Chiều lòng cụ, năm 1977 tôi thi đậu vào Đại học Kiến Trúc. Vào trường học rồi tôi cũng dần thích ngành này, vì phần nào cũng phát huy được khả năng vẽ vời…”.

Những năm sau 1975, cả nước gặp khó khăn. Dù cả nhà đi hồi hương, anh Đức Lâm vẫn ở lại Sài Gòn tiếp tục học. Để tồn tại, anh vẽ báo kiếm thêm tiền. Đầu tiên anh cộng tác với trang “Măng non” của báo Sài Gòn Giải Phóng, về sau chuyển qua vẽ thường xuyên cho các Báo Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím, Nhi Đồng,… Lúc đó, anh xác định vẽ báo chỉ là việc thời vụ để trang trải việc học nhưng về sau, càng vẽ cho trẻ con lại càng đam mê. Lại thêm những năm cuối đại học, khi có dịp đi theo các kiến trúc sư đàn anh làm công trình, anh bỗng ngộ ra: nghề kiến trúc quá “gai góc”, không hợp với tính cách nhạy cảm của mình… Trong suốt cả tháng làm luận án tốt nghiệp kiến trúc sư, anh trăn trở và suy nghĩ rất nhiều về lời đề nghị của anh Lê Văn Nuôi - lúc đó là Tổng biên tập báo Khăn Quàng Đỏ - mời về báo. Cuối cùng, anh quyết định nhận lời dù vẫn tiếc nuối gần sáu năm học ngành Kiến trúc. 

Nhưng khi bảo vệ xong luận án, chuẩn bị về báo thì xảy ra chuyện ngoài dự tính: nhà văn Cửu Thọ lúc đó vừa về làm Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Măng Non cũng tha thiết mời anh về làm sách thiếu nhi. Cuối cùng, anh chính thức làm họa sĩ cho NXB Măng Non. Chính tại đây, anh thỏa chí phát triển nghiệp vẽ cho trẻ con, làm đúng nghề từng mơ ước. Nhìn lại, trong nghề kiến trúc anh chỉ vẽ đúng ba căn nhà, hai cho bạn bè, và… ngôi nhà gia đình đang ở!

Thời gian 5 năm làm ở NXB Măng Non, anh thực hiện được vài chục truyện tranh lẻ, vẽ bìa và minh họa gần trăm tập sách, vẽ được vài bộ truyện dài nhiều tập như “Chú khỉ Elix”, “Maika - cô bé trên trời rơi xuống”, “Tề Thiên”… Riêng với báo Nhi Đồng TP. Hồ Chí Minh, nơi cộng tác thân thiết sau này, anh đã viết lời và vẽ tranh khoảng 5-6 truyện dài kỳ với đủ dạng nhân vật, đủ thể loại viễn tưởng, cổ tích, thần thoại… Đức Lâm kể: “Từ bé, tôi thích quan sát mọi thứ quanh mình, mong muốn thể hiện tất cả lên trang giấy. Không chỉ quan sát bên ngoài, tôi còn thích mổ xẻ mẫu vật để hiểu cấu tạo bên trong của nó. Khi vẽ người, tôi quyết tìm hiểu môn giải phẫu học”. Hồi trẻ, anh may mắn vớ được một “bảo bối” từ gánh ve chai là cuốn giáo trình cũ gồm nhiều hình ảnh cơ, xương khớp cấu tạo cơ thể con người… dành cho sinh viên trường Y. Anh ý thức rằng nhờ thói quen tìm tòi ấy nên khá vững hình họa, đặc biệt khi vẽ người rất ít khi mắc lỗi về anatomy!

Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, Đức Lâm cảm thấy đang có một đội ngũ họa sĩ trẻ xuất hiện, được đào tạo bài bản kỹ năng vẽ trên máy, sử dụng nhuần nhuyễn các phần mềm đồ họa tiên tiến. Tranh của các em khá sắc nét, sáng sủa tươi tắn và đặc biệt tương thích với công nghệ in ấn mới… Anh đánh giá: “Đó là những ưu thế vượt trội so với những bản vẽ tay chúng tôi thực hiện nửa thế kỷ qua. Họ đóng góp nhiều cho sách báo thiếu nhi, khi ngành xuất bản đang phát triển rất nhanh, số đầu sách ra ngày càng nhiều”. Đến một ngày, anh quyết định rút lui khỏi việc vẽ sách báo để nhường chỗ cho lớp họa sĩ sau này với những ưu thế nói trên.

Đến với Kamishibai

Đầu thập niên 1990, đầu thời kỳ đổi mới, Việt Nam mở rộng tăng cường quan hệ với các nước trên thế giới. Nước Nhật tổ chức một số hoạt động giao lưu văn hóa với Việt Nam. Trong đó, là phổ biến nghệ thuật kể chuyện Kamishibai. Đây là loại hình kể chuyện lưu động cổ xưa ở Nhật, sâu sắc trong nội dung, đậm triết lý nhân sinh, kể chuyện bằng tranh vẽ trên giấy. Người kể đặt từng bức tranh ở phía sau một khung hình trống và thay đổi chúng dựa theo diễn biến của câu chuyện đang kể.

Họa sĩ Đức Lâm cùng vợ là biên tập viên Thiên Nga - Một cộng sự đồng hành trong công việc vẽ tranh.

Đợt tập huấn Kamishibai hai tuần đầu năm 1992 tại Hà Nội mở ra, vợ chồng Đức Lâm - Thiên Nga được mời tham dự. Cuối khóa, anh chị có ba tác phẩm nộp lên, đều theo thể đồng thoại, vẽ bằng màu nước, màu bột và xé giấy màu. Một truyện được phía Nhật  Bản chọn in là “Chuột và hươu cao cổ”, phát hành song ngữ Nhật – Việt. Đợt tập huấn này đã tạo cơ duyên cho Đức Lâm tham gia một dự án rộng lớn hơn.

Tham gia biên tập truyện Doraemon từ đầu

Từ 30 năm nay, truyện tranh Doraemon phổ biến rộng rãi, gắn bó với nhiều thế hệ người Việt. Đức Lâm nhớ lại: “Một buổi tối tháng 8-1992, khoảng 7 giờ, anh Nguyễn Thắng Vu, giám đốc NXB Kim Đồng vừa từ Hà Nội vào đến nhà tôi. Sau lời thăm hỏi, anh Vu đưa cho xem một chồng dầy, gồm nhiều tệp giấy A4 photo những trang truyện tranh đen trắng. Anh cho biết đây là bộ truyện Doraemon rất nổi tiếng của Nhật, nhiều năm qua các nhà xuất bản bên Thái đã in nhiều lần và bán rất chạy, anh xem qua thấy nó khá lành mạnh nên muốn xuất bản tại Việt Nam. Vướng mắc ở đây là bản thảo có nhiều vấn đề không ổn. Các biên tập viên đã làm hết sức mình trong suốt gần 2 năm. Bản thảo dịch xong, cả nhà xuất bản cùng đọc và cùng không cảm, không hiểu được mạch truyện (thì làm sao trẻ con cảm và hiểu được?). Đến lúc đó, nhiều biên tập viên đã nản, muốn bỏ cuộc, nhưng anh Vu thì không nên quyết tâm tìm người xử lý bộ truyện cho kỳ được,… và đã nghĩ đến tôi!”.

Lý do ông Thắng Vu chọn Đức Lâm vì biết khả năng của anh từ lớp tập huấn Kamishibai tại Hà Nội. Còn biết anh giỏi vẽ truyện tranh, viết tốt kịch bản, quan điểm giáo dục lại vững do từng làm việc ở nhà xuất bản. Sau đó, Đức Lâm bỏ ra hai đêm sắp xếp và viết lại (Việt hóa) toàn bộ bản thảo cho vừa đủ 2 tập (trên 200 trang), đọc lại thấy hài lòng: tính cách các tuyến nhân vật đã ổn, lời thoại đã nuột nà hơn, cốt truyện đã mạch lạc rõ ràng, không còn rối rắm…

Hơn hết là nội dung tổng thể đã sạch sẽ, lành mạnh, tính giáo dục được nâng cao tối đa (anh quyết định cắt bỏ thẳng tay những hình ảnh nhạy cảm trong truyện - nhiều nhất là cảnh Xuka tắm truồng, Chaien bạo lực với bạn…). Anh nhờ con gái 8 tuổi đọc thử xem có thích không, và bà xã Thiên Nga biên tập lần cuối câu chữ, mo-rat… Thiên Nga cũng rất khen ngợi và ủng hộ cách chồng xử lý kịch bản. Anh thở phào, khâu khó khăn nhất là bản thảo đã được giải quyết!

Câu chuyện làm sách Doraemon này rất dài, có thể kể trong cả cuốn sách. Đức Lâm đã được NXB Kim Đồng tạo điều kiện rất tốt để tiến hành bộ sách qua nhiều năm tháng, gây dấu ấn rất lớn trong đời sống xã hội và thế giới tinh thần của trẻ em Việt. 

Bộ tranh tuyệt đẹp của tình bạn

Do mê vẽ, khi quyết định rút lui khỏi việc vẽ sách báo cho thiếu nhi, Đức Lâm cảm thấy chênh vênh. Anh trải qua vài tháng trời như vậy với cảm giác giống như bị tước bỏ quyền được vẽ, được sáng tạo, thành kẻ vô dụng.

Thật may mắn, lúc đó còn có chị Thiên Nga bên cạnh anh. Chị là biên tập viên kỳ cựu của báo Khăn Quàng Đỏ và tờ Nhi Đồng. Ngoài tình nghĩa vợ chồng, cả hai là đôi bạn tri kỷ cùng quan điểm sống và quan điểm giáo dục trẻ, luôn biết động viên khích lệ nhau, cùng nhau vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống. Chị Thiên Nga đã kéo anh lại bằng cách khuyến khích anh lần nữa cầm cọ vẽ. “Giờ anh được vẽ những gì anh thích chứ không lệ thuộc ai nữa, hạnh phúc quá còn gì…”.

“Tôi như sực tỉnh. Tôi rà soát lại những kỹ năng mình vốn có, tìm tòi đủ thứ chất liệu, kết bạn làm quen, học hỏi các tiền bối đủ thể loại: thư pháp, thư họa, oil abstract và cả digital art…  thử qua hết để cuối cùng tìm thấy thứ thích hợp nhất với tính cách mình: Caricature (chân dung hí họa nhân vật) với chất liệu màu nước aquarelle”. Năm 2016, có thêm điều thúc đẩy anh phải làm điều mình muốn. Anh liên tiếp nhận tin dữ từ người thân và bạn bè. Họ là những người đàn ông đang là trụ cột của gia đình bỗng dưng đột ngột ra đi, để lại những người thân yêu. Anh chạnh lòng, nhìn lại hạnh phúc mình đang có, để rồi cảm nhận rõ sự vô thường của cuộc sống, thấy quý vô cùng những giây phút hiện hữu.  Ý thức đó tác động mạnh mẽ, là động lực để anh bắt tay thực hiện album “Những cặp đôi bè bạn”, gồm những tác phẩm màu nước mà anh thể hiện những đôi bạn bè ở thời khắc thăng hoa hạnh phúc nhất, bằng ngôn ngữ hí họa tươi vui và sinh động, với thông điệp nhắn nhủ: “Hãy trân quý những phút giây còn được hạnh phúc bên nhau”.

Đức Lâm không phải là người lạ đối với loại tranh hí họa mà từng nằm trong số những người đầu tiên vẽ tranh biếm trên báo Tuổi Trẻ Cười. Khi có ý định thực hiện bộ tranh trên, anh quay trở lại nghiên cứu nghệ thuật vẽ tranh biếm họa đã bỏ từ lâu. Bộ đôi nhân vật đầu tiên anh vẽ là nhà văn Đinh Lê Vũ và vợ ở Hội An. Đôi vợ chồng này rất nhộn, chưa có con nên thảnh thơi lang thang phố xá như hai đứa trẻ đường phố. Anh thể hiện ý tưởng đó và sau khi vẽ xong, bạn bè rất thích. Tranh cuả anh vẽ biếm hồn hậu và chừng mực, duyên dáng và trêu ghẹo nhẹ nhàng, không nhấn nhá quá sâu cay. Chất liệu thể hiện đơn giản là màu nước, bút chì màu và acrylic trên giấy calson khổ 30X40. Thủ pháp của loại tranh này là bóp méo hình tượng, nhưng anh thích thể hiện vừa phải, mà anh tạm gọi là caricature nửa vời.    

Đến nay, anh đã vẽ gần 100 tấm tranh hí họa trong album này và khoảng 90 chân dung bạn bè thân thiết. Đó là những tấm tranh vẽ bằng cảm xúc. Khi nhìn lại, anh luôn cảm nhận niềm vui của tình bạn những ngày đã qua. Vài người trong số đó đã không còn nữa. Thân nhân của họ, chia sẻ với anh sự biết ơn vì đã kịp lưu giữ giùm gia đình những ánh mắt, nụ cười và niềm vui tỏa sáng trên gương mặt người thân, mà anh kịp nắm bắt để đưa vào tranh.

Gần đây, Đức Lâm đang quay trở lại với việc minh họa sách. Anh vẫn miệt mài đi tiếp con đường đã đi gần nửa thế kỷ nay. Nó mang đến cho anh hạnh phúc bên người vợ thân yêu, bạn bè và sự sung túc không chỉ vật chất mà là cuộc sống tinh thần. Đó là cuộc sống mà Đức Lâm xứng đáng có được từ sự đam mê và chuyên tâm cống hiến của mình.

Phạm Công Luận

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文