Ký ức về một người bạn của nhân dân Việt Nam
Tối 5/2/2024, bà Merle Ratner đã qua đời ở tuổi 68 trong một tai nạn giao thông khi đang đi bộ trên đường phố Manhattan, New York, Mỹ. Với nhân dân Việt Nam, Merle Ratner là một người bạn thân thiết. Năm 16 tuổi bà đã phất cao lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại chân tượng Nữ thần tự do để phản đối chiến tranh tại Việt Nam…
Trưởng thành từ phong trào phản chiến
Từ năm 1976-1979, bà cùng chồng là giáo sư Ngô Thanh Nhàn thành lập "Hội Việt kiều yêu nước tại Mỹ" nhằm kêu gọi Chính phủ Mỹ bình thường hóa quan hệ và bỏ cấm vận. Bà được Bằng khen "Vì những đóng góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam" năm 2013 và Kỷ niệm chương "Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam năm 2010". Merle và chồng bà, tham gia Ban Vận động Cứu trợ và Trách nhiệm đối với Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAORRC) nhằm đấu tranh bảo vệ quyền lợi và giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Merle Ratner nhớ lại: "Tôi trở thành nhà hoạt động khi mới 13 tuổi. Lúc đó chưa có mạng, chưa có máy tính nên tất cả chỉ biết qua truyền hình. Ngày càng có nhiều thông tin về chiến tranh. Anh em, con trai, chồng và cháu trai của những người láng giềng bị bắt đi quân dịch, và họ trở về cùng những câu chuyện buồn, hoặc họ trở về trong quan tài. Rồi thời gian trôi qua, ngày càng có nhiều phóng sự về người dân Việt Nam và những tàn khốc chiến tranh chính phủ Mỹ đã gây ra cho họ. Chúng tôi bắt đầu thấy sự thật về những trận chiến, có rất nhiều người bị giết, những câu chuyện về việc sử dụng chiến tranh hóa học như bom napalm. Tôi không thể quên cô bé 9 tuổi đang chạy trên đường như thế này trong tình trạng bốc cháy vì bom napalm.
Trước khi học cách đi tàu điện ngầm, tôi đã được bố mẹ đưa đến Quảng trường Thời đại, ở đó chúng tôi diễu hành với số lượng ngày càng đông hơn. Một lần có một cuộc biểu tình lớn ở Washington D.C, và tôi đã được bố đưa đi. Tôi không nhớ nó ở đâu, hình như ở trung tâm thành phố Washington D.C, hay quanh Nhà Trắng. Và sau đó tôi làm việc cho một ứng cử viên tên là Paul O'Dwyer, người đang tranh cử vào Thượng viện theo đường lối phản chiến. Ông ta thua, nhưng sau đó ông ta trở thành quan chức thành phố và tham gia phong trào phản chiến. Vì vậy, tôi đã tiếp tục ở đó và có mặt ở nhiều lĩnh vực khác nhau của phong trào phản chiến".
Càng ngày bà Merle Ratner thấy những hành động tàn bạo mà người Mỹ buộc phải thực hiện thông qua chính sách của chính phủ và bà ý thức về sự cần thiết, với tư cách là người Mỹ, phải chấm dứt chiến tranh. Bà đã làm việc với các cựu chiến binh chống chiến tranh khi họ từ chiến trường Việt Nam trở về, những người có liên quan trực tiếp, những gì họ đã thấy, và những điều khủng khiếp họ đã gây ra cho người dân Việt Nam.
Bà cảm nhận rất sâu sắc về các vấn đề này và muốn đi khắp thế giới kêu gọi các hoạt động đoàn kết quốc tế. Bà đã từng gặp Chủ tịch nước Việt Nam, gặp các nhà lãnh đạo Cuba, gặp những nhà hoạt động từ Nam Phi, mặc dù chưa đến Nam Phi. Bà đã gặp Hugo Chavez đến từ Venezuela. Bà đã gặp những người tuyệt vời và họ là những nhà đấu tranh, vì hòa bình và công lý cho thế giới…
Merle Ratner tham gia vào Ủy ban Đoàn kết Việt Nam với nhân dân Mỹ vì bà tin rằng có sự khác biệt giữa Chính phủ Hoa Kỳ và người dân; bà hiểu rằng lính Mỹ không muốn ở đó nhưng họ buộc phải ở đó.
Cha mẹ bà phản đối chiến tranh. Họ đưa bà đến những cuộc biểu tình đầu tiên. Khi vào trung học, Merle Ratner tham gia các hoạt động phản chiến và dân quyền. Merle Ratner theo học tại Trường Trung học Âm nhạc & Nghệ thuật, vào thời điểm đó, nằm ngay giữa khuôn viên Đại học Thành phố New York (City University of New York - CUNY). Các sinh viên ở CUNY rất năng động nên cùng nhau tham gia các cuộc biểu tình chống chiến tranh. Mỹ đã rải chất độc hóa học xuống miền Nam Việt Nam. Một trong những chất độc nhất trong quá trình sản xuất đã sản sinh ra chất độc dioxin là một loại hóa chất độc hại nhất mà khoa học biết đến. Khi nó xâm nhập vào cơ thể, những người mắc phải nó đầu tiên có thể sẽ bị ung thư, ảnh hưởng đến cấu trúc gien, sau đó con cái, cháu chắt của họ bị dị tật bẩm sinh và đôi khi là ung thư và nhiều căn bệnh quái ác khác. Vậy là trẻ em ở Việt Nam và trẻ em ở Mỹ và vẫn đang phải chịu những di chứng xấu đó. Vì vậy, tổ chức của bà tạo một Ban Vận động - kêu gọi, vận động ủng hộ và tạo ra nhiều áp lực hơn nữa khiến chính phủ Hoa Kỳ phải hỗ trợ các nạn nhân ở Việt Nam.
Trong hàng chục năm trời, Merle Ratner đã có quá trình đấu tranh không mệt mỏi cho công lý và hòa bình trên thế giới cũng như ở Việt Nam, thúc đẩy các hoạt động đoàn kết với nhân dân Việt Nam, đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Trong lễ tưởng niệm về bà tại Hà Nội ngày 16/2/2024 (tức mồng 7 Tết Giáp Thìn), ông Phan Anh Sơn - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu: "Cuộc đời của bà Merle Ratner đã cống hiến cho cuộc đấu tranh vì dân chủ, tiến bộ, hòa bình và công lý cho mọi người, cho nhân dân Mỹ và cả nhân loại…Sự nghiệp của bà đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong cộng đồng Mỹ và nhân dân Việt Nam".
Chia sẻ cuộc đời với người dân Việt Nam
Bà Phạm Hoài Giang, Trưởng ban Đối ngoại - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiều lần đưa "chị Mơ" (tên Việt của bà Merle Ratner) đi thăm các làng xã, các gia đình nạn nhân chất độc màu da cam để tìm cách giúp đỡ. Chị đi hầu hết 64 tỉnh thành Việt Nam và những điểm nóng bị ô nhiễm chất độc da cam/dioxin là sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa- Đồng Nai, sân bay Phù Cát- Bình Định...
Có một kỷ niệm, chị Mơ và 2 cán bộ của Hội nghỉ trong một nhà nghỉ bình dân, chị Mơ muốn nghỉ ở đây cho tiết kiệm tiền và ủng hộ chủ nhà là bác cựu chiến binh tham chiến trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Trong phòng có 2 giường nhưng 3 phụ nữ, chị Mơ cứ đòi nằm ở giữa để chịu đựng những chỗ gồ ghề giữa 2 giường nối nhau.
Có lần bà Giang đưa chị Mơ về gặp một ông nông dân ở Nghi Lộc, Nghệ An tên là Nguyễn Đức Dánh. Ông Dánh trước đi bộ đội, sau đó về quê dạy học, rồi làm thơ và đã về hưu. Chị nghe ông Dánh kể về năm tháng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, nghe ông đọc thơ về cuộc sống hiện nay và chị khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi đúng đường lối, luôn đảm bảo lợi ích cho công nhân, nông dân theo đúng định hướng.
Chị Trần Quế Lương, cán bộ Hội Nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin Việt Nam, kể có lần đi cùng với chị Mơ về thăm một gia đình nạn nhân chất độc màu da cam để giúp đỡ. Nhưng sau khi đến nơi thì chị Mơ nói gia đình này cũng chưa phải là quá nghèo khổ, nên chúng ta phải đi tìm những người nghèo hơn để giúp đỡ. Chị Lương nhớ mãi, lúc nào chị Mơ cũng chia sẻ, động viên chị nên học lên cao nữa để có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống, đặc biệt chị Mơ đã để dành tiền công tác phí của mình gửi thầy Bùi Thế Giang (Đại sứ Bùi Thế Giang) và nhắn rằng: “Số tiền này là chị đóng học phí để Lương đến đây học tiếng Anh và đối ngoại nhân dân nhé vì thầy Giang là thầy giỏi nhất Việt Nam”.
Chị Trần Quế Lương chia sẻ: "Hình ảnh của chị Mơ mãi mãi trong tâm trí tôi, chị ấy như người chị gái, người mẹ hiền, người thầy của mình. Còn nhiều kỷ niệm nữa mà tôi sẽ giữ trong tim cho riêng mình đó là tình yêu, tình cảm thực sự trìu mến và trân quý như khi chị đến nhà riêng thăm tôi khi sinh em bé vào đêm đầu mùa đông lạnh, chị dặn dò phải giữ sức khỏe và không được để bị trầm cảm, chị khen em bé xinh, rất thông minh và sẽ có ích cho xã hội sau này….. Chị Mơ là một người tốt bụng như thế, chị đầy ắp tình yêu thương sẵn sàng chia sẻ cả cuộc đời mình với những hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam".
Theo Ban Đối ngoại, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), hoạt động của bà Merle Ratner rất rộng đối với VAVA, bà là người sáng lập và đồng chủ tịch/điều phối của Ban Vận động Cứu trợ và Trách nhiệm đối với Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAORRC); là người chủ trì và đóng vai trò chính trong VAORRC để thu xếp, tổ chức cho các đoàn Mỹ sang Việt Nam và các đoàn từ Việt Nam sang Mỹ (Justice Tour) để kêu gọi vận động ủng hộ cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam từ khi VAVA thành lập đến nay.
Bà Merle Ratner là đầu mối vận động, giới thiệu các chính khách, cá nhân, tổ chức, trường học, nhà thờ v.v…ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cả tinh thần và vật chất. Tính đến nay các đầu mối ủng hộ vật chất cho nạn nhân chất độc da cam thông qua bà giới thiệu đã ủng hộ được khoảng 200.000 USD.
Bà Merle Ratner là cầu nối giúp VAVA xây dựng phong trào, trực tiếp tổ chức các chuyến đi quan trọng sang Việt Nam (như đoàn Hạ nghị sĩ, đoàn Giám mục Thomas Gumbleton, các đoàn cựu chiến binh sang Việt Nam…) và các đoàn từ Việt Nam sang Mỹ (như đoàn lãnh đạo VAVA, các đoàn nạn nhân sang Mỹ)… Ngoài ra, bà Merle còn hỗ trợ cho vụ kiện của các nạn nhân tại Mỹ từ Tòa Sơ thẩm đến Tòa Tối cao (2004-2009) và các hoạt động khác.