Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Bối rối hương thầm

12:50 15/10/2022

Gần đây chúng tôi có một nhóm chơi khá thân với nhau, gồm Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đoàn Thị Lam Luyến, Phạm Thu Yến và tôi. Tất cả đều là nhà thơ, chị Nhàn có viết văn xuôi, tập "Bỏ trốn" được giải thưởng, được chuyển thể thành phim, được in trong sách giáo khoa.

Chị Ngát là nhà biên kịch điện ảnh cũng nhiều giải thưởng. Hai chị Nhàn, Ngát đều đã được giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Phạm Thu Yến là Phó giáo sư, Tiến sĩ, đang dạy đại học.  Đoàn Thị Lam Luyến là Chủ tịch Hiệp hội Tác giả phi hư cấu, còn tôi ngoài viết văn làm báo thì thêm nghề cầm cọ.

Chúng tôi thân với nhau, trọng nhau, động viên nhau trong sáng tác và chia sẻ những vui buồn cuộc sống. Chị Nhàn được tôn là chị cả. Chị nổi tiếng hơn chúng tôi rất nhiều, không chỉ được giới truyền thông săn tìm phỏng vấn, xã hội tôn vinh, ngưỡng mộ mà chúng tôi cũng thực lòng trân trọng, yêu quý chị bởi tài  năng và tình cảm chị dành cho chúng tôi.  

*

Nhiều lần đi thực tế sáng tác hay đi du lịch với chị, ở đâu tôi cũng thấy chị được đón chào nồng nhiệt. Từ trung ương đến địa phương, từ các cuộc vui nhỏ, ai cũng xin chị đọc bài "Hương thầm", chị đọc xong có ngay một giọng ca xin hát bài hát cùng tên do nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc. Ngoài  "Hương Thầm", bài thơ đoạt giải Nhì cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ năm 1969  là thương hiệu của chị,  chị còn có nhiều nhiều hơn thế nữa những bài thơ đi cùng năm tháng.

"Hương Thầm" được hát lên trên các phương tiện truyền thông và ở khắp mọi nơi, không chỉ trong thời chiến :  "Khung cửa sổ hai nhà cuối phố/ Không hiểu vì sao không khép bao giờ /Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp/ Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa/ Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay/ Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm/ Bên ấy có người ngày mai ra trận/ Họ ngồi im không biết nói năng chi/ Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi/ Nào ai đã một lần dám nói/ Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối/ Anh không dám xin/ Cô gái chẳng dám trao/ Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao/ Không giấu được cứ bay dịu nhẹ/ Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu/Anh vô tình anh chẳng biết điều/ Tôi đã đến với anh rồi đấy/ Rồi theo từng hơi thở của anh/ Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực/ Anh lên đường/ Hương sẽ theo đi khắp/ Họ chia tay/ Vẫn chẳng nói điều gì/ Mà hương thầm thơm mãi bước người đi". Mà trong thời bình, nhiều trai thanh gái lịch vẫn "Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu", nhờ bài hát, bài thơ đó mà tỏ tình với nhau.

Còn bài thơ "Đám cưới ngày mùa" lại để cho cánh trung niên mượn để trao duyên: "Gió heo may gọi rét/ Cây rơm vàng như hoa/ Chú rể là bộ đội/ Về phép rồi đi xa/ Cô dâu bằng lòng cưới/ Má ửng lên thẹn thò/ Thóc vun từng đống cao/ Máy tuốt lúa ngừng reo/ Loáng cái sân hợp tác/ Đã hoa đăng đèn trao/ Nước chè tươi sóng sánh/ Làm say ông trăng vàng/ Bọn trẻ  say tiếng hát/ Cứ hò reo luôn mồm /Các cụ ông say thuốc/ Các cụ bà say trầu/ Còn con trai con gái/ Chỉ nhìn mà say nhau / Hẳn đã quen xa cách/ Trong niềm vui rất sâu/ Nên hai người say nhất/ Chẳng dám nhìn nhau lâu/ Gió bay ngang đám cưới/ Trăng sáng bằng ngọn tre/ Tiếng cười vang mọi lối/ Mắt ai đưa ai về".

Thơ Phan Thị thanh Nhàn chân thật, thành tâm có gì nói nấy mà vẫn đạt được sự tinh tế.  Là người Hà Nội, thanh lịch, yêu kiều, nhẹ nhàng từ giọng nói đến thời trang, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn sống với thành phố này từ nhỏ cho đến bây giờ. Chị như sinh ra để làm thơ, có thơ đăng báo từ khi còn rất trẻ. Rồi chị học Khoa Báo chí, Trường Tuyên giáo Trung ương, sau về làm phóng viên thời sự của Báo Hà Nội Mới trong nhiều năm. Từng giữ các chức vụ: Phó tổng biên tập Báo Người Hà Nội, rồi Phó chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Hà Nội trước khi nghỉ hưu.

Quê ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Giờ chị sống ở trong khu chung cư ở gần chợ Bưởi. Trước đó hai chị em tôi ở cùng chung cư 18 T2, chị ở tầng trên, tôi ở cách 2 tầng dưới... Nhà chị ở đâu thì cũng là nơi tụ hội của nhiều nhân vật nổi tiếng. Các nhà văn, nhà thơ: Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Ý Nhi,  Xuân Quỳnh, Hoàng Thị Minh Khanh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Trần Chiến, Trần Đăng Khoa, Đỗ Bích Thúy, Di Li… đều đã đến vui cùng chị, nhiều khi chẳng có lý do gì, chỉ là lời mời của một người thơ yêu bạn bè. Những lần như thế tôi thường được ăn ké. Chị còn có nhiều kỷ niệm với các văn nghệ sĩ rất nổi tiếng như Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Anh Thơ, Việt Phương… Chị là người dễ gần, hiền hậu, thảo tính thích chăm sóc bè bạn và  các đàn em văn chương. Trước khi đến 18 T2 chị ở trong một căn phòng rộng của khu tập thể  gần Đài Truyền hình Hà Nội. Đó cũng là nơi tụ tập của cánh văn chương. Nhà chị ngăn nắp sạch sẽ. Trên tường treo một số tranh sơn dầu của  nhà thơ - họa sĩ Chu Hoạch. Tôi cũng thích thơ Chu Hoạch và biết tình cảm của anh dành cho chị. Nhưng dường như hai người chỉ dừng ở mức độ yêu thương  quý trọng nhau. (Tôi chưa thấy Chu Hoạch tặng ai nhiều tranh như tặng cho Phan Thị Thanh Nhàn).

Sau khi người chồng thân yêu qua đời, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn sống một mình nuôi con gái lớn khôn. Thời gian của chị thời trẻ luôn đầy ắp công việc. Việc chung, từ quản lý tờ báo cho đến biên tập, hướng dẫn các bạn trẻ ở các lớp sáng tác  làm thơ. Việc riêng là sáng tác thơ và truyện. Cảm hứng đến là tuôn chảy thành thơ. Đến nay chị đã in 8 tập thơ và 6 tập truyện ngắn với nhiều giải thưởng văn chương. Từ ngày nghỉ hưu, thời gian của chị vẫn tràn đầy công việc như thế, nhưng là viết truyện, làm thơ và sống vui với bạn bè. Chị rất chăm chỉ luyện tập nên vẫn giữ được vóc dáng như thời con gái, và có sức khỏe để đi được nhiều nơi, vui được nhiều cuộc. Những cuộc vui ấy, nhiều khi không phải vì bản thân mình mà chị vì mọi người, ai cũng muốn chị có mặt để cuộc vui trọn vẹn.

Chị là người đằm thắm, chung tình. Chị yêu ai thì yêu lâu bền, cho dù "thế gian" biến đổi. Tình yêu ấy là ngọn lửa trong trái tim nhân hậu của chị, là nguồn cảm hứng cho thơ chị:  

Chỉ khi buồn khổ yếu mềm

Nâng em dậy có lòng tin một người

Anh là thực đấy anh ơi

Trong em sáng một mặt trời thân yêu

Ta như hai đứa trẻ nghèo

Quả ngon chỉ dám nâng niu ngắm nhìn

Đừng bao giờ nhé, chín thêm

Sợ tan mất giấc mơ em một thời.

Không ít người đã chép những câu thơ sau đây của chị:

…Nếu anh đi với người yêu

Chỉ xin anh nhớ một điều nhỏ thôi

Con đường ta đã dạo chơi

Xin đừng đi với một người khác em…

Một cái "ghen" rất tinh tế, ý nhị.

Nhiều bài thơ của chị đã đi vào cuộc sống như thế, đủ sức sẻ chia, an ủi, và nương tựa cho nhiều phụ nữ trong nửa thế kỷ qua.

Cho đến nay, chị đã sống một mình trên 40 năm. Chắc cũng có những mối tình thầm kín và đơn phương. Đơn phương phía chị thì ít, mà đơn phương từ phái nam thì nhiều. Có lẽ, chị không quên được cái bóng của người  xưa:  "Một người mang đi hết/ Bao nhiêu là thông minh/ Chẳng còn ai hóm hỉnh/ Ai cũng đều nhạt tênh/ Tấm ván nằm chông chênh/ Sao rơi như nước mắt".

Nói đến những người đơn phương yêu chị, tôi vẫn đùa chị rằng, em có bằng chứng, chị chẳng đơn phương tí nào. Tôi đưa rất nhiều bức ảnh họ chụp đôi cùng chị. Chị tươi cười trước cái ôm eo, ôm vai, cầm tay. Chị cười bảo: "Nếu đây là bằng chứng thì có hàng ngàn bằng chứng". Tôi cũng đùa thế thôi, chứ biết có người yêu chị, có người thích được chụp cùng người nổi tiếng, có người muốn giữ làm kỷ niệm những chuyến đi có chị. Chị bảo, thời đại sống ảo, phây búc (Facebook) là một ví dụ, sống ảo cho đời thêm năng lượng, tội gì mà tự kỷ, mà buồn bã. Nếu có buồn gì đó thì cũng nên chóng giải tỏa, người buồn nhiều dễ sinh thù ghét. Quả thật chưa bao giờ thấy chị thù ghét ai. Các mối tình thật, và ảo chỉ là cái cớ cho chị sáng tạo, những bài thơ từ đó ra đời:

Chiều chia tay ta tránh chỗ đông người

Hai đứa dạo theo bờ đê thân thuộc

Trời vừa mưa vạt cỏ mềm đẫm nước

Đất mịn màng tinh nghịch: vết chân đôi

Lặng im thôi anh nhé lặng im thôi

Sông đang hát theo rất nhiều cung bậc

Nhiều bài thơ đó có sức lay động lòng ta ghê gớm:

"Bàn tay em để trần/ Ngón đan vào năm tháng/ Bàn tay như ánh mắt/ Nói chiều sâu tâm tư/ Chỉ mỗi lần đặt nhẹ/ Lên vầng trán của anh/ Bàn tay em yên nghỉ/ Sau bao nhiêu nhọc nhằn".

Nhắc đến Phan Thị Thanh Nhàn  là nhắc đến một người nổi tiếng với  nhiều bài thơ tình, nhưng cũng có những bài thơ chị viết không phải cho một mối tình mà là viết cho em trai năm 1969, mấy năm sau em trai chị hy sinh trong chiến trường tại A Lưới - Thừa Thiên Huế, năm 1974 như "Hương Thầm" hay bài  "Làm anh" của chị cũng vô cùng cuốn hút vì sự nhân ái và tinh tế của từ ngữ 

"Hương thầm" và "Làm anh" đều đã được chọn đưa vào sách giáo khoa. Cuốn "Bỏ trốn" viết cho thiếu nhi của chị đến giờ được in lại nhiều lần, được Hãng phim truyện Việt Nam lấy làm phim và cũng được giải.

Khi hỏi chị suy nghĩ như thế nào về hạnh phúc, chị bảo ngay: "Ai biết bằng lòng với cuộc sống thì sẽ hạnh phúc. Tôi không so sánh với bất kỳ ai, bạn bè tôi có chồng, có con cháu đầy đủ, đấy là hạnh phúc của họ, còn tôi, tôi có niềm vui của tôi, người ta nói giàu về bạn, tôi có đông bạn bè, ấy là tôi giàu có, và dù có thế nào tôi cũng  thấy bằng lòng với cuộc sống hiện tại".

Trần Thị Trường

Ngày 15/12/1959, lớp đào tạo cán bộ huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ đầu tiên ở Việt Nam khai giảng gồm 44 học viên. Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (15/12/1959 - 15/12/2024), Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an luôn là một đơn vị nghiệp vụ đặc thù của lực lượng Công an nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm...

Ngày 11/12/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã thi hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Hồ Văn Sốp (SN 1973, nghề nghiệp: Luật sư) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau 8 năm được khởi động, đến nay tuyến đường Vành đai 2 của TP Hồ Chí Minh với tổng chiều dài 64km, quy mô 6-10 làn xe vẫn đang bị ngắt khúc tại 4 đoạn, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp; đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng; đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa và đoạn nối từ QL1 vào đường Nguyễn Văn Linh.

Trên đường từ Nghệ An vào Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) đón bạn mãn hạn tù, 12 nam thanh niên sử dụng 6 xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, di chuyển với tốc độ cao, dàn hàng hai hàng ba, lạng lách đánh võng hơn 60km dọc tuyến quốc lộ 1A, gây mất trật tự ATGT và ANTT nên bị tạm giữ.

CSGT Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện, lập biên bản xử lý nhiều trường hợp lái xe ô tô khách sử dụng điện thoại, không thắt dây an toàn khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Đáng chú ý, một số trường hợp được phát hiện khi lực lượng CSGT trích xuất camera giám sát tài xế được lắp đặt trên xe.

Một nhiệm vụ quan trọng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đặt ra trong năm học 2024-2025 là tăng cường chuyển đổi số trong quản lý văn bằng, chứng chỉ. Đồng thời, tiếp tục cập nhật dữ liệu về văn bằng, chứng chỉ trên phần mềm của Bộ GD&ĐT để phục vụ nhu cầu tra cứu, xác minh thông tin về văn bằng, chứng chỉ của cơ quan, đơn vị và người dân; tiến tới việc cấp và sử dụng văn bằng số.

Anh N.H đến cơ quan Công an trình báo về việc bị một đối tượng trên mạng có nick “Lê T Uyên” sao chép nhiều hình ảnh cá nhân từ trang Facebook và trang Zalo của mình. Đối tượng sử dụng Deepfake AI (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo) để ghép clip hoặc hình ảnh nhạy cảm rồi đe dọa gửi cho bạn bè, người quen của anh N.H trên Facebook, Zalo và tống tiền 150 triệu đồng.

Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kép khi bất ổn chính trị tại Đức và Pháp đe dọa làm lung lay cả nền tảng kinh tế và vị thế quốc tế của khu vực. Những bất đồng nội bộ, cộng thêm áp lực từ bên ngoài như căng thẳng thương mại với Mỹ và cạnh tranh toàn cầu, đang đẩy Liên minh châu Âu (EU) vào thế bấp bênh chưa từng có. Trong bối cảnh đó, tương lai của khu vực phụ thuộc vào khả năng hai đầu tàu này phục hồi ổn định chính trị và khôi phục vai trò lãnh đạo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文