Nhạc sỹ Phong Nhã – Những ân tình trên đường âm nhạc

11:27 15/04/2022

Rất nhiều người già và trung niên ở nước ta đều khắc trong tim những bài hát thời thơ ấu như “Nhanh bước nhanh nhi đồng” hoặc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”… Người tài hoa đã cất lên tiếng hát của hàng triệu trái tim trong sáng ấy là nhạc sỹ Phong Nhã. Ông đã sáng tạo những giai điệu tuyệt vời ấy từ chính thiên tư của mình mà chưa học một trường lớp đào tạo bài bản nào về âm nhạc.

Nhạc sỹ Phong Nhã tên thật là Nguyễn Văn Tường. Ông sinh năm 1924 tại thôn Ngọc Động, xã Hoàng Đông, Duy Tiên, Hà Nam. Mẹ mất sớm. Bố đi bước nữa. Tuổi thơ của cậu bé mồ côi lớn lên trên vùng chiêm trũng rất cơ cực. Nhưng dường như cậu được cuộc đời bù đắp lại cho những ân tình vô giá. Cha của cậu là một người nông dân, song tâm hồn đầy âm nhạc.

Nhạc sỹ kể: "Bố tôi chỉ là một người chơi nhạc nghiệp dư, nhưng so với cụ, tôi chưa thật say bằng. Cụ tự sắm được mấy cây đàn đẹp: đàn nguyệt, đàn bầu, đàn thập lục. Còn về phần tôi sau này, tôi chỉ sắm được:  đàn nhị, hồ và mấy cây sáo. Tôi tiếc không còn giữ được nhạc cụ nào của cha để lại. Vì có lúc  nhà nghèo, đông con, túng thiếu, cụ đã phải bán đi những cây đàn đẹp, có cây đàn được chạm trổ khá tinh vi, khảm xà cừ nữa… Bài học của ông bố tôi là bài học về kí âm pháp dân tộc đầu tiên: Hò, xừ, xang, xê, cống, lìu… Cụ dạy tôi các nốt đó trên một cây đàn nguyệt".

Nhạc sỹ Phong Nhã

Nhạc sỹ có một người chị ruột, nhưng bị tàn tật. Những lúc cô đơn, cậu bé Tường thường trốn nhà, lên rặng cây, nhặt búp đa thổi cho vơi nỗi buồn. Về người chị, ông kể: "Thường đọc đi đọc lại truyện thơ Tống Trân - Cúc Hoa, nhất là đoạn Tiến Lực và Nghi Xuân, sau khi mẹ mất, dắt nhau đi ăn mày. Chị rất nhạy cảm với âm nhạc, phải nói là có năng khiếu nữa. Làm được bài gì mới, tôi thường hát cho chị nghe. Chị biểu lộ ngay tình cảm với đoạn nào chị thích". Đó chỉ là những giai điệu lời ca vụt hiện trong tâm hồn tuổi thơ bé của hai chị em. Song đó là những hạt giống mà đất trời đã gieo vào lòng họ. Nhưng số phận người chị mệnh yểu.

Nhạc sỹ nhớ lại: "Chị Xạn ơi, em chẳng còn được ước mong nuôi chị, an ủi chị lúc tuổi già. Bệnh tật đã cướp mất chị. Nhưng chị đã ảnh hưởng tới em không nhỏ về mặt tình cảm, tâm hồn. Người ta bảo chị giống mẹ như đúc. Và về tính nết chân thật, mộc mạc, nhạy cảm, hiền hòa, chị là hình ảnh của mẹ truyền cảm đến em, khi ở trên đời mấy chục năm sau, chỉ còn hai chị em, hai giọt máu của mẹ còn lưu lại. Tình cảm giữa con người với con người cũng chính là một thứ âm thanh vô hình mà hữu hình, không có nó cũng chẳng ra âm thanh, đặc sắc mà riêng biệt của từng người".

Ở cái làng quê bé nhỏ ấy đã có một dàn nhạc gia đình: ông bác chơi đàn nguyệt, ông bố chơi đàn bầu, ông chú kéo nhị, nhạc sỹ tương lai kéo hồ hay thổi sáo… Đặc biệt, tiếng đàn tranh của ông bác ruột tên là Nguyễn Trình làm ai cũng mê. Nhạc sỹ muốn học nhưng không được vì thuận tay trái.

Một nguồn nữa nuôi dưỡng thiên hướng âm nhạc của cậu bé Tường chính là thiên nhiên đồng quê. Sân đình, hội làng, những đám rước của trò "con đĩ đánh bồng" với những giai điệu dân ca cùng những động tác múa dân gian đã hút hồn nhạc sỹ. Ông cảm nhận: "Những âm thanh quê hương vùng đồng bằng Bắc Bộ cứ thấm vào tâm hồn mình một cách tự nhiên như không khí, ngày lại ngày nuôi dưỡng tâm hồn mình". Đó là những không gian, những bối cảnh. Còn thiếu nhân vật chính. Cậu bé Tường thường thích hát những điệu dân ca.

Nhạc sỹ kể: "Nhưng phải đến khi một bà cô họ tên là Sen nghe thấy tôi hát “Cò lả”, bà uốn nắn lại cho tôi, sau đó bà dạy tôi thêm bài ca trù “Chén muối đĩa gừng”, tôi mới cảm nhận được cái hay của dân ca; nét đẹp ở những chỗ luyến láy, nhả chữ, nhả vần điêu luyện, truyền cảm. Bà cô tôi chỉ là một nữ nhi tài sắc của quê hương hay tham gia hát giao duyên, trong những hội hè, đình đám, thế mà đã cho thấy được cái hay của dân ca chủ yếu qua giọng hát tươi mát, tình tứ của bà. Cứ nghe bà hát là tôi bị lôi cuốn, ngồi ngẩn ra, rồi tôi xin học lại, bắt chước lại…".

Cuộc sống ở vùng chiêm trũng luôn nghèo khó. Ông bố đã đưa con trai lên Hà Nội, giúp việc cho người bác và đến trường. Cậu bé Tường nhiều lần mang gối rút, hương nến, lốp kếp lên bán trên tàu điện. Tuy vất vả, nhưng tâm hồn cậu bé luôn phơi phới vì được bay nhảy giữa trung tâm văn hóa sôi động. Song cũng có những kỷ niệm nhớ đời. Có một thày giáo cấm học trò viết nguệch ngoạc, nhất là các chữ số. Hoặc đọc bài lơ đãng. Thày đánh và bắt quỳ. Có lần, cậu bé Tường bị thầy tát. Một chiếc răng bắn vào góc tường. Miệng ứa máu. Thày cho ra ngoài xúc miệng.

Nhớ lại, nhạc sỹ cảm nhận: "Tôi biết ơn sự nghiêm khắc ấy hơn là sự dễ tính khiến cho học sinh nhờn xác". Nhưng thày giáo này cũng rất quý Tường. Vì cậu đọc rất diễn cảm, sinh động, tự nhiên kèm theo động tác, nhất là phát âm đúng giọng Pháp văn khi đọc các bài văn. Nhạc sỹ tương lai rất thích thơ, nhất là thơ ngụ ngôn La Fontaine. Khi có thanh tra về, thày thường yêu cầu Tường đọc bài thơ “Hai người tranh nhau con sò” bằng tiếng Pháp chuẩn. Cậu bé Tường còn nhớ thày vì một kỷ niệm khác. Hôm thày ra đề làm văn “Hãy tả một người bán hàng rong”. Trong khi các bạn tả những người quen thuộc như người bán cháo, phở gánh… thì Tường tả “Một người mù thổi sáo bán lạc rang”.

Ông mù này, khi có người mua, thường thổi bài sáo tặng khách hàng. Cậu bé Tường không có tiền, nhưng mỗi khi nghe tiếng sáo, cậu thường chạy đến nghe và đi theo. Nhạc sỹ kể: "Tôi ghi nhớ những chỗ nhả hơi, vân vê, mà mình thấy hay rồi mua một cây sáo của ông về tập luyện". Sau này, khi phụ trách đội thiếu nhi, nhạc sỹ lại đến chỗ ông mù mua sáo.

Ở trường Nguyễn Du của Tường, thường có nhiều nghệ sỹ tự do đến biểu diễn. Những tiếp xúc này gợi cho Tường những chân trời mơ mộng. Nhạc sỹ tương lai còn được xem phim câm của Charlie Chaplin. Rồi khi nghệ sỹ cùng vợ sang thăm Hà Nội, cậu bé Tường lại cùng các bạn đứng chờ cả buổi trước khách sạn Metropole để "chộp" nghệ sỹ cùng vợ khi ra ngoài để tận mắt được thấy thần tượng. Cậu còn được tiếp xúc với trào lưu nhạc phương Tây tràn vào. Được nghe các giai điệu mới lạ, được nghe những ca khúc lời Việt nhạc Tây. Rồi lại được xem các nghệ sỹ cải lương miền Nam ra biểu diễn như Kim Thoa, Phùng Há, Năm Châu…Những lần làm khán giả ấy như những hạt phù sa nuôi dưỡng cây nghệ thuật trong tâm hồn cậu bé để sau này trở thành tác giả.

Nhạc sĩ Phong Nhã đệm đàn cho các đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong hát.

Đang vui, nhưng vì nhà nghèo khó, ông bố không muốn cho cậu học lên cấp II. Ông gửi cậu đến một người bạn là thợ may. Ông này ngâm Kiều tuyệt hay và bố Tường thường đệm đàn cho ông. Nhưng Tường '"không dám" với lý do cậu thuận tay chiêu! Song cậu tìm ra  con đường khác để đến trường. Cậu kết thân với những người bạn. Tuy là con nhà nghèo, nhưng lại ham học và có năng khiếu âm nhạc. Họ vừa đi dạy thêm, vừa tự học và bày cách học cho nhau. Tường thi đỗ vào trường Đỗ Hữu Vị. Tại đây, cậu được ông thày người Pháp là nhạc sỹ Robert dạy về ký âm. Mỗi tuần chỉ có một giờ, nhưng những giờ ấy đã chắp cánh cho những mơ mộng của tâm hồn tuổi trẻ cất cánh.

Những năm 1944-1945, không khí chiến tranh và cách mạng thổi vào tâm hồn tuổi trẻ những luồng gió thiêng liêng. Chàng thanh niên Nguyễn Văn Tường tham gia phụ trách đội Nhi đồng cứu quốc. Anh cùng bạn bè tổ chức cho các em đi cắm trại, đá bóng… Anh thường sáng tác những ca khúc ngắn cho các em hát. Những hoạt động ấy đã thúc đẩy anh sáng tác bài “Nhanh bước nhanh nhi đồng” cho thiếu nhi đồng ca.

Ngày ấy, cách mạng chưa thành công, nên câu mở đầu của bài hát là "Nhanh bước nhanh nhi đồng ta cùng nhau bước lên đường". Sau cách mạng tháng Tám đổi thành "Nhanh bước nhanh nhi đồng theo cờ đỏ sao vàng". Nhưng điều đặc biệt là những câu sau: "Kìa lời gió ngàn kìa lời sông núi". Câu này được hát hai lần. Tôi cứ nghĩ, làm sao một thanh niên 20 tuổi lại có thể đưa vào lời ca cho con trẻ những lời của "gió ngàn", của "sông núi" một cách "tự nhiên như nhiên" và ngọt ngào đến thế?  Những thế hệ nhi đồng từng hát lời gió ngàn sông núi ấy, sau này ra trận, đánh đuổi giặc Pháp, giặc Mỹ, giặc phương Bắc, giặc Tây Nam. Phải chăng, trong lúc sáng tác, có một nữ thần âm nhạc đã nhập vào anh? Nội dung bài hát rất giản dị. Trẻ con ai cũng hiểu, ai cũng thích và rất dễ thuộc.

Chuyện kể rằng, trong thần thoại Hy Lạp có nữ thần Âm nhạc và Thi ca. Nữ thần này thường chỉ đến với những ai có tâm hồn trong sáng. Khi tâm hồn người đó bị vẩn đục vì vụ lợi, nữ thần sẽ bỏ đi. Những gì người đó viết ra, chỉ là phế tạp. Tôi hình dung, sáng tác xong bài hát đầu tay, chàng trai Nguyễn Văn Tường, sau  những giờ phút đắn đo, đã quyết định ký tên dưới ca khúc bằng bút danh Phong Nhã. Chắc khi ấy, anh chưa biết những thiên Phong, thiên Nhã trong Kinh Thi. Song cuộc đời anh, tâm hồn anh, chí hướng anh dường như hội tụ để anh chọn cái bút danh rất đẹp này. Nó vận vào, theo nhạc sỹ  cả cuộc đời. Một cuộc đời bình dị mà sâu sắc như con người, năm tháng và cuộc sống  mà nhạc sỹ đã trải.

Cuộc đời của nhạc sỹ Phong Nhã thấm đậm bao câu chuyện ân tình. Những ân tình ấy trải dài theo những chặng đường lịch sử của ông, của đất nước.  Có câu chuyện thế này: Đầu năm 1947, ông cùng đồng đội vượt sông Đáy về Đan Hoài để dự lễ truy điệu người lính trẻ Dương Văn Nội vừa hy sinh. Trở về, quá xúc động, ông sáng tác ngay bài hát về người liệt sỹ. Bài hát được mọi người đồng cảm. Nhưng khi cấp trên muốn tìm trích ngang Dương Văn Nội để truy tặng huân chương thì ít ai biết anh quê đâu. May sao, có một người đồng đội biết anh Nội đã nhận Huân chương và chút tiền tuất, mang về gia đình anh Nội. Và nhạc sỹ cùng những người bạn đã về quê anh.

Tại đây, có câu chuyện lạ kỳ. Một đơn vị bộ đội hành quân qua làng. Có anh bộ đội đã dạy các em thiếu nhi hát bài ca về anh hùng. Trong số thiếu nhi có hai người em gái của chính anh Dương Văn Nội. Bà mẹ nghe các con hát, bỗng giật mình. Tên, tuổi người liệt sỹ thiếu niên đó sao giống tên con trai bà thế! Chính bà tiễn con đến tận nơi đóng quân. Nhưng hàng xóm bảo: "Thiếu gì người trùng tên nhau". Chuyện đó qua đi. Nhưng khi nhạc sỹ cùng đồng đội Dương Văn Nội về quê anh, ai cũng nhận ra, anh Nội rất giống mẹ ở gò má cao và nụ cười đôn hậu.

Và sau này, gia đình  Dương Văn Nội đã lần theo bài hát để tìm hài cốt anh tại nghĩa trang liệt sỹ Sấu Giá, xã Yên Sở, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Những vị muối mặn gừng cay mà nhạc sỹ hát từ thuở ấu thơ đã thành máu thịt và lẽ sống của ông. Những vị muối  của đời đã thấm vào những bài hát của ông chất mặn mòi sâu đậm. Ai đã nghe đều muốn hát. Ai đã hát một lần đều muốn hát nhiều lần. Và những ai đã hát nhiều lần đều không thể nào quên. Tất cả đã trở thành máu thịt và hương thơm tâm hồn của họ. 

Đoàn Tuấn

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文