Cạm bẫy rình rập những cô gái tuổi teen trong trại tị nạn ở Nigeria

20:46 07/09/2019
Tờ Guardian (Anh) đưa tin, nhiều cô gái Nigeria tuổi teen sống trong những trại tị nạn bị những kẻ buôn người dụ dỗ bằng lời hứa hẹn về công việc nhàn hạ với mức lương hấp dẫn ở nước ngoài. Thực chất, đó chỉ là những lời hứa suông.


Câu chuyện của Aisha và Halima

Vào năm 15 tuổi, Aisha và Halima đã bị quân nổi dậy Boko Haram bắt cóc ở khu vực phía đông bắc Nigeria. Hai em bị giam cầm và hãm hiếp trong một năm. Sau nhiều lần tìm cách trốn thoát, cuối cùng Aisha và Halima đã đi bộ đoạn đường dài, băng qua sa mạc, đến trại tị nạn Madinatu, thuộc bang Borno.

Sau khi trở lại trại tị nạn, Aisha (giữa) quyết định bất chấp nguy hiểm, thực hiện nhiệm vụ lên tiếng cảnh báo với những cô gái khác về nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người.

Mặc dù cuộc sống trong trại tị nạn tương đối an toàn nhưng nó không hề dễ dàng với những người từng bị tổn thương tâm lý như hai em. Aisha và Halima đã không liên lạc với gia đình kể từ khi bị bắt cóc. Hai cô bé cho biết, luôn phải sống trong tình trạng đói ăn và những người cung cấp thực phẩm luôn muốn “đổi tình dục lấy đồ ăn”.

“Cháu cảm thấy rất bực bội khi phải đi xin thức ăn và thường xuyên tiếp xúc với những người chỉ muốn khai thác mình. Chúng cháu sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có thể rời Madinatu. Chúng cháu sẽ tìm cách rời khỏi nơi này bằng mọi giá”, Aisha nói.

Một buổi sáng, khi hai cô gái đi kiếm củi bên ngoài trại tị nạn, một nhóm phụ nữ đã tiếp cận và hỏi có hứng thú với công việc của thợ làm tóc ở Italia không. “Họ nói rằng, với công việc mới, chúng cháu sẽ được trả lương cao, có nơi ở lịch sự, rộng rãi, thoải mái. Chúng cháu rất vui vì cuối cùng có thể giải quyết tất cả những rắc rối ở Madinatu và kiếm được tiền ở nước ngoài”, Halima kể lại.

Nhóm phụ nữ tiếp cận Aisha và Halima thực chất là những kẻ buôn người. Aisha và Halima được đưa đến một ngôi nhà được gọi là “nhà kết nối” ở trung tâm thành phố Agadez của Nigeria. Tại đây, hai cô bé phải chờ đợi một thời gian ngắn cho đến khi những kẻ buôn người khác sẵn sàng tiếp tục hành trình qua Bắc Phi, vượt qua Địa Trung Hải để đến miền đất hứa châu Âu.

Một đợt truy quét tội phạm của Chính phủ được tiến hành khiến những kẻ buôn người lo sợ. Chúng đưa Aisha, Halima cùng nhiều cô gái trẻ chuyển từ nhà này sang nhà khác để tránh bị phát hiện.

Một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, vấn đề khai thác tình dục trong các trại tị nạn, khu định cư xung quanh khu vực Maiduguri vẫn diễn ra phổ biến.

Khi đoàn người đang di chuyển về phía thị trấn Sebha, phía nam Libya, những kẻ buôn người phát hiện xe cảnh sát đang tuần tra trên tuyến đường qua sa mạc, chúng yêu cầu những cô bé ra khỏi xe và bỏ chạy.

Bị bỏ rơi trên sa mạc, những cô gái trẻ vô cùng sợ hãi. “Chúng tôi cảm thấy gần như chết vì nóng, buộc phải uống nước tiểu để sống sót khi không còn sự lựa chọn nào khác. May mắn, sau khoảng hai giờ đồng hồ di chuyển dưới nắng nóng, chúng cháu được một tài xế giải cứu. Anh ấy đưa chúng cháu trở lại Agadez. Tại đây, một phụ nữ Nigeria đã thương hại, cho chúng cháu tiền mặt để mua vé trở về trại tị nạn”, Halima kể lại.

"Cháu cảm giác như mình đã mất tất cả"

Câu chuyện của Aisha và Halima đã trở nên phổ biến trong các trại tị nạn ở Nigeria. Báo cáo không chính thức dựa trên lời khai của những người may mắn sống sót cho thấy, đã có ít nhất 17 trường hợp bị buôn bán ra khỏi trại Madinatu trong hai năm qua. Phần lớn nạn nhân là những cô gái dưới 18 tuổi.

Một bản báo cáo về nạn buôn bán người của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố gần đây cho biết, vấn đề khai thác tình dục, bao gồm nạn buôn bán người làm nô lệ tình dục trong các trại tị nạn, khu định cư xung quanh khu vực Maiduguri vẫn diễn ra phổ biến. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, đã phát hiện, nhân viên an ninh cũng tham gia vào hoạt động phạm tội này.

Khi họ trở về trại tị nạn Madinatu, Aisha và Halima quyết định bất chấp nguy hiểm, thực hiện nhiệm vụ lên tiếng cảnh báo với những cô gái khác về nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người. Hai cô bé tham gia vào tổ chức “Sáng kiến Hòa bình và Phát triển Caprecon” - nơi cảnh báo, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cô gái trong trại tị nạn về phương thức hoạt động của đường dây buôn người.  Đồng thời, Aisha và Halima cũng tích cực tham gia chiến dịch đấu tranh chống nạn buôn người ở Madinatu.

“Họ chính là tội phạm. Họ không có việc làm để cung cấp cho bất cứ ai. Khi rơi vào bẫy, họ sẽ bán bạn làm nô lệ.”, Aisha nói với một nhóm phụ nữ trong trại tị nạn ở Madinatu. Sarah, một cô gái khác ở Madinatu cũng tham gia vào chiến dịch chống lại nạn buôn người. Sarah kể lại, năm 15 tuổi, em may mắn sống sót khi Boko Haram tấn công vào nơi gia đình sinh sống, giết chết mẹ, bắt cóc và cưỡng hiếp em.

Một phụ nữ trong trại tị nạn Maiduguri, đông bắc Nigeria.

Sarah trốn thoát đến Madinatu nhưng tuyệt vọng vì thiếu thức ăn, em tìm đến công việc bán dâm trên đường phố ở Maiduguri. Tại đây, Sarah gặp một người phụ nữ nói rằng, sẽ giúp em có cơ hội làm việc trong một tiệm tóc ở Italia. Tuy nhiên, giống như Aisha và Halima, Sarah chỉ đến được Agadez.

Sau vài tháng chờ đợi trong “ngôi nhà kết nối”, Sarah tiếp tục phải đi bán dâm để trả tiền thuê nhà. “Cuối cùng, cháu đã trốn thoát. Cháu trở lại trại với cảm giác bất an, lo lắng về tương lai của mình. Cháu cảm giác như mình đã mất tất cả, kể cả linh hồn của mình. Cuộc sống của cháu gần như bế tắc hoàn toàn”, Sarah nói.

Với sự hỗ trợ từ Caprecon, Aisha, Halima và Sarah đã thành lập một nhóm riêng để theo dõi các hoạt động trong trại. Tham gia nhóm còn có Abdullahi, từng là nạn nhân của tội phạm buôn người được đưa đến trại vào năm 2015 và Hajja Alooma, người từng bị một kẻ buôn người tiếp cận vào năm 2018.

“Chúng tôi nghĩ rằng, chỉ nói chuyện với phụ nữ và trẻ em về nạn buôn người sẽ không đủ để ngăn chặn những kẻ buôn người nhắm vào họ. Chính vì vậy, cần đến sự giám sát chặt chẽ hoạt động của các cô gái trong trại.

Mỗi buổi sáng, chúng cháu sẽ theo dõi, lên danh sách ai rời trại, đi đến đâu và tổ chức tìm kiếm nếu người đó không quay trở lại sau ba giờ. Chúng cháu muốn chắc chắn rằng, các cô bé không bị một kẻ buôn người nào đó lôi kéo, dụ dỗ, không ai phải trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người nữa”, Hajja Alooma nói.

Hajja Alooma cho biết thêm, em từng bị một người đàn ông tiếp cận, dụ dỗ làm nhân viên bán hàng vào năm ngoái. “Cháu đã không nhận lời đề nghị của người đàn ông lạ mặt vì cảm thấy anh ta không chân thật. Nếu chúng ta không cảnh giác, nhiều trẻ em sẽ rơi vào tay những kẻ buôn người”, Hajja Alooma nói thêm.

Khi những người lạ đến trại, các cô gái sẽ chào đón họ một cách lịch sự và hỏi lý do của chuyến thăm. “Nếu không hài lòng về câu trả lời, chúng cháu mời họ đến phòng làm việc của quản lý trại tị nạn để thẩm vấn thêm. Nếu có lý do gì để nghi ngờ họ có ý đồ xấu, chúng cháu sẽ ngay lập tức liên lạc với cảnh sát.

Vào một buổi chiều, chúng cháu phát hiện một phụ nữ trẻ đến trại và nói chuyện với một số trẻ em. Khi người phụ nữ lạ mặt không thể giải thích lý do đến trại, chúng cháu đã đưa đến gặp lãnh đạo trại. Sau đó, người phụ nữ đã phải cam kết không bao giờ đặt chân đến trại nữa”, Abdullahi nói.

Jibrin Bukkar, điều phối viên của dự án Caprecon cho biết, rủi ro lớn luôn rình rập là khi các cô gái rời trại đi lấy nước, kiếm củi và thực phẩm ở bên ngoài. Những kẻ buôn người luôn theo dõi sát sao sự di chuyển của phụ nữ và trẻ em gái để tìm kiếm cơ hội tiếp cận.

T. Phạm (Tổng hợp)

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文