Hàng triệu trẻ em ở Tây và Trung Phi buộc phải nghỉ học vì bạo lực

11:41 27/08/2019
Một báo cáo mới công bố của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, do tình trạng xung đột gia tăng, số lượng trường học buộc phải đóng cửa tăng gấp ba lần ở khu vực Tây và Trung Phi trong hai năm gần đây. Cùng với đó, hơn 1,9 triệu trẻ em buộc phải nghỉ học.


Hàng ngàn trường học phải đóng cửa

Hơn 9.000 trường học đã phải đóng cửa kể từ tháng 6-2019 đến nay tại 8 quốc gia là Burkina Faso, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Cộng hòa Dân chủ Congo, Mali, Niger và Nigeria. 

Kể từ cuối năm 2017, số lượng trường học buộc phải đóng cửa đã tăng gấp ba. Việc đóng cửa các trường học cũng đã ảnh hưởng đến gần 44.000 giáo viên, khiến trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, kết hôn và mang thai sớm.

Báo cáo cho biết, trẻ em gái đối mặt với nguy cơ bạo lực giới và thường bị ép buộc kết hôn với trẻ em. Việc mang thai và sinh con khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ em gái. Đồng thời, cả trẻ em trai và gái trở thành mục tiêu của những kẻ buôn người và nhanh chóng trở thành “con mồi” để tuyển dụng vào các nhóm vũ trang.

5 quốc gia ở phía Tây và Trung Phi chiếm hơn một phần tư trong số 742 cuộc tấn công nhằm vào trường học được ghi nhận trên toàn cầu trong năm nay. Ở Mali, các cuộc tấn công như vậy đã tăng gấp đôi trong hai năm qua, dẫn đến 900 trường học phải đóng cửa.

Cameroon, nơi sự bất an xảy ra ở nhiều nơi, nhất là khu vực tây bắc và tây nam, chiếm gần một nửa số trường học bị đóng cửa ở phía Tây và Trung Phi với hơn 4.400 trường, ảnh hưởng đến hơn 600.000 trẻ em. 

Số trường học buộc phải đóng cửa ở Burkina Faso do bạo lực đã tăng lên 2.000, trong khi con số này của Cameroon, Chad, Niger và Nigeria vẫn ở mức cao (981 trường phải đóng cửa năm 2017 so với 1.054 trường phải đóng cửa năm 2019). UNICEF cảnh báo rằng, gần 1/4 trẻ em trên toàn thế giới cần hỗ trợ nhân đạo trong lĩnh vực giáo dục sống tại 10 quốc gia ở phía Tây và Trung Phi.

Nhiều trẻ em sống tại các khu vực bạo lực không có cơ hội đến trường học.

"Cần có hình thức học tập phù hợp với cách tiếp cận sáng tạo"

Hussaini, 14 tuổi đến từ một ngôi làng ở phía bắc Burkina Faso cho biết, em đã không được đến trường hơn một năm nay. “Cháu còn nhớ rất rõ, khi đang học trong làng thì nghe thấy tiếng la hét, gào khóc của nhiều người. Sau đó là tiếng súng. Những người lạ mặt đã bắn vào giáo viên của chúng cháu khiến một người thiệt mạng”, Hussaini nói với nhân viên của UNICEF.

“Họ đốt cháy các phòng học. Chúng cháu hoảng sợ, kêu khóc và bỏ chạy toán loạn. Từ thời điểm đó, chúng cháu không đến trường nữa”, Hussaini nói tiếp. Giờ đây, thay vì đến lớp, Hussaini chuyển sang học thông qua radio với chương trình “Radio Education in Emergencies”. Đây là một chương trình hợp tác giữa UNICEF và Children Radio Foundation nhằm giúp đỡ trẻ em ở các quốc gia bị xung đột kể từ năm 2016.

Fatoumata, 12 tuổi sống ở vùng Ségou, miền Trung Mali đã nghỉ học được hai năm. Em kể rằng, vào năm 2017, khi đang học cùng các bạn trên lớp, hai người đàn ông lạ mặt xuất hiện, khống chế bắt giữ hai giáo viên. 

Sau đó, tình trạng bạo lực khiến trường Fatoumata theo học phải đóng cửa. Fatoumata hiện là một trong số 1.200 trẻ em ở vùng Ségou tham gia 19 trung tâm học tập cộng đồng, giúp đỡ trẻ em không được theo học tại các trường học chính thống.

Fanta, 14 tuổi, em đến sống trong khu định cư dành cho người tị nạn ở miền bắc Cameroon một năm trước khi các chiến binh Boko Haram bắt cóc em gái, giết cha và anh trai. 

“Cháu đã sống với nỗi lo lắng mỗi ngày. Các chiến binh Boko Haram thường xuyên đến nhà để tìm bố cháu. Chúng đã giết bố và anh trai, bắt em gái cháu đi. Cháu chưa được gặp em từ thời điểm đó”, Fanta nói. Fanta cho biết, em đã nghỉ học được vài năm.

Marie-Pierre Poirier, Giám đốc UNICEF khu vực Tây và Trung Phi cho biết, rất nhiều trẻ em từ 6 đến 14 tuổi ở miền Tây và Trung Phi bị mất quyền được giáo dục. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các đối tác phải đa dạng hóa các hình thức giáo dục để trẻ em có sự lựa chọn phù hợp. 

“Cần có hình thức học tập phù hợp với cách tiếp cận sáng tạo, toàn diện và linh hoạt, đáp ứng các tiêu chuẩn học tập chất lượng, tạo điều kiện để nhiều trẻ em tiếp cận tri thức, nhất là trong các khu vực xung đột”, Marie-Pierre Poirier nói. 

Tường Phạm (tổng hợp)

Theo các quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) của TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập sẽ có chiều dài lên đến 1.012 km. Trong đó, địa bàn thành phố trước khi sáp nhập có 12 tuyến, tổng chiều dài khoảng 582km; tỉnh Bình Dương trước sáp nhập có 12 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 305km và trong số này có 6 tuyến kết nối với TP Hồ Chí Minh. Riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước sáp nhập có 3 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 125km.

Nhiều ngày qua, tiết trời nắng nóng như trút lửa xuống dải đất miền Trung. Trong cái nắng nóng oi ả giữa trưa hè tháng 7, những CBCS Công an tỉnh Thanh Hóa vẫn căng mình “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để vận động, đưa đón những thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính đến các điểm thu nhận mẫu ADN…

Những khu dân cư hiện hữu với đường hẻm nhỏ hẹp ở khu vực nội thành TP Hồ Chí Minh là do lịch sử để lại, nếu muốn cải tạo, chỉnh trang đòi hỏi phải có nhiều thời gian, công sức. Vì vậy công tác phòng cháy hiệu quả nhất vẫn là ý thức của mỗi hộ gia đình, phải biết cứu lấy sinh mạng, tài sản của mình trước vì “giặc lửa” cũng như cơn cuồng phong, chỉ trong chớp mắt đã cuốn phăng tất cả nên không thể chủ quan chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.

Dẫu nắng hay mưa, dẫu ngày hay đêm, khó khăn vất vả, 2.233 tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn La thời gian qua vẫn luôn cần mẫn, năng nổ, nhiệt tình cùng lực lượng Công an cơ sở hàng ngày góp sức mình giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Chiều 11/7, tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an và Thượng tướng Lê Quý Vương, Chủ tịch Hội Cựu CAND Việt Nam, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an đã đồng chủ trì Lễ ký Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Hội Cựu CAND Việt Nam trong công tác bảo đảm ANTT.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.