"Liệt sĩ" trở về muốn kiện "nhà ngoại cảm" đã tìm mộ cho mình

10:35 20/11/2013

Đã có rất nhiều nhà ngoại cảm rởm bị vạch mặt vì tìm nhầm, tìm sai thậm chí dùng xương động vật để giả làm hài cốt hòng lừa thân nhân liệt sĩ. Thế nhưng câu chuyện tìm mộ cho người còn sống khiến bộ mặt thật của nhà ngoại cảm rởm được phơi bày rõ ràng và hài hước nhất...

Nhờ "con mắt thứ ba" của mình, "nhà ngoại cảm" P. (Thụy Khuê, Hà Nội) đã dẫn đường chỉ lối để gia đình ông Nguyễn Viết Tuynh (An Thọ, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) tìm lại hài cốt anh trai mình trong sự vui sướng và thán phục. Thế rồi khi đã "mồ yên mả đẹp" thì ông Nguyễn Viết Thuấn (anh trai ông Tuynh) trở về bằng xương bằng thịt trước sự ngỡ ngàng của gia đình và bà con lối xóm. Mọi người trong nhà ông Tuynh đã rất tức giận khi tin chắc rằng gia đình mình đã bị "nhà ngoại cảm" dàn xếp việc tìm mộ để lừa đảo.

"Nhà ngoại cảm" tìm mộ cho "liệt sĩ" còn sống

Đã có rất nhiều nhà ngoại cảm rởm bị vạch mặt vì tìm nhầm, tìm sai thậm chí dùng xương động vật để giả làm hài cốt hòng lừa thân nhân liệt sĩ. Thế nhưng câu chuyện tìm mộ cho người còn sống khiến bộ mặt thật của nhà ngoại cảm rởm được phơi bày rõ ràng và hài hước nhất.

Ông Nguyễn Viết Thuấn, sinh năm 1951, là anh trai cả trong gia đình có 5 anh em. Năm 20 tuổi, mặc dù đã thừa tuổi lên đường nhập ngũ, nhưng do vóc dáng "bé như cái kẹo" nên ông Thuấn không được gọi tòng quân. Thấy bạn bè cùng trang lứa vào chiến trường hết cả, ông Thuấn vì không biết chữ nên đã nhờ người viết đơn xin tình nguyện nhập ngũ. Và ông đã được toại nguyện. Năm 1971, ông Thuấn lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu trong mặt trận phía Nam.

Sau khi giải phóng miền Nam, rất nhiều bạn bè cùng vào chiến trường với ông Thuấn đã trở về. Gia đình hồi hộp, chờ đợi nhưng ông Thuấn vẫn bặt vô âm tín. Tháng 3 năm 1976, gia đình ông Tuynh đã nhận được giấy báo tử của anh trai mình. "Mẹ tôi đã khóc ngất khi hay tin anh trai tôi hy sinh. Gia đình chúng tôi rất muốn tìm hài cốt của anh nhưng trong giấy báo tử chỉ ghi hi sinh tại mặt trận phía Nam"- ông Tuynh chia sẻ.

Năm 2010, trước khi qua đời, cụ thân sinh ra ông Tuynh đã gọi ông vào dặn rằng: "Bố chỉ có một ước nguyện là anh em chúng mày tập trung lại lo tìm hài cốt đưa anh mày về quê. Có thế bố chết mới yên lòng".

Canh cánh lời dặn của cha, ông Tuynh thường xuyên nghe ngóng các chuyên mục kiếm tìm đồng đội trên báo, đài nhưng vô ích. Năm 2008, biết tin xã bên cạnh có gia đình tìm được mộ người thân bằng việc nhờ nhà ngoại cảm nên ông đã đến tận nơi để hỏi đường đi nước bước. Hỏi được địa chỉ của "nhà ngoại cảm", ông Tuynh đã về họp gia đình. Anh em ông ai cũng nhất trí sẽ thuê nhà ngoại cảm để tìm "hài cốt" cho ông Thuấn.

"Ngay sáng hôm sau, tôi và vợ theo địa chỉ xin được lên phố Thụy Khuê tìm nhà ông P. để nhờ vả. Mới khoảng 6h sáng nhưng nhà ông P. đã đông kín người. Thấy vậy vợ chồng tôi rất yên tâm vì nghĩ chắc ông này phải có uy tín lắm thì mới có nhiều người đến nhờ tìm như vậy".

Việc đầu tiên vợ chồng ông Tuynh phải làm khi đến đó là đặt lễ và viết vào một tờ giấy với nội dung: gia đình tên gì, tìm hài cốt cho ai, hy sinh ở chiến trường nào, năm bao nhiêu. Sau đó vợ chồng ông lại phải "tùy tâm" đặt tiền lên ban thờ. Sau đó sẽ đợi đến lượt được gọi vào nghe ông P phán.

Ông Tuynh nhớ lại: "Lúc có người gọi tôi lên tầng 2, tôi thấy có rất đông người đang ngồi chầu trực. Căn phòng làm việc của ông P chỉ rộng chừng 20 mét vuông, trong phòng có một cái bàn làm việc rất to, trên bàn để rất nhiều giấy tờ lộn xộn, một chiếc điện thoại bàn, một chiếc di động và một chiếc đài có ăng ten râu. Tôi ngồi gần chiếc bàn làm việc của ông P. thì thấy ông này lầm rầm gì đó tôi nghe không rõ, đại ý là: "gia đình đang tìm người này, hy sinh năm này, ở chiến trường này mong các ngài chỉ cho gia đình biết hiện mộ đang nằm ở đâu" rồi ông ta gật gù vâng dạ. Mồm ông ấy lẩm nhẩm, tay ông ấy ghi chép. Một lúc sau ông ấy lấy một tờ giấy rồi vẽ ra sơ đồ nơi đặt "hài cốt" của anh trai tôi ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước".

<
Ông Nguyễn Viết Thuấn bên ngôi mộ mang tên mình.

Có được sơ đồ cụ tỉ nơi chôn cất "hài cốt" của anh trai, gia đình ông Tuynh vui mừng khôn xiết và chỉ một tuần sau đó 3 anh em ông Tuynh đã hăm hở lên đường tìm mộ người anh cả. Vượt 2.000km, mang theo sơ đồ mà ông P đã vẽ, ba anh em ông Tuynh đã có mặt ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Bình Long. Đến nơi, ông Tuynh đã điện thoại cho "nhà ngoại cảm" P. để hỏi cụ thể. Ông P. đã tỉ mỉ chỉ hàng mộ đầu sau tượng đài thì ngôi mộ ông Thuấn nằm ở hàng thứ 9 và là mộ thứ 7 tính từ đầu hàng thứ 9 vào. Trên mộ có vết sứt chéo, trồng những loại cây cỏ gì. Ông P còn nói thêm người quản trang này là nữ giới. Anh em ông Tuynh đã không khỏi ngỡ ngàng khi những lời chỉ dẫn của ông P. đúng 100%.

Một chi tiết khiến ông Tuynh sau này nghĩ lại mới thấy nghi ngờ khi được ông P. dặn dò: "Lên Phòng Thương binh và Xã hội của huyện Bình Long xin phép mang mộ về nhưng được hay không đều do quản trang quyết định. Nếu muốn "trôi" thì phải đưa 5 đến 6 triệu mới được". Số tiền quả thực không nhỏ nhưng nó chả thấm vào đâu so với niềm vui đã tìm được "hài cốt" của anh trai. "Lúc đó chúng tôi mừng quá, nghĩ chắc chắn đúng rồi. Ở khoảng cách 2.000km mà người ta có thể nói tỉ mỉ như vậy ai mà chẳng tin. Nói gì đến việc nghi ngờ để đi thử ADN".

Niềm vui, sự xúc động dâng trào khi ông Tuynh đưa được "hài cốt" anh trai mình sau nhiều năm nằm nơi đất khách quê người. Lễ an táng được chính quyền và nhân dân tổ chức trọng thể theo đúng nghi thức. Ai nấy trong nhà cũng an ủi nhau: "Thôi thì cũng hoàn thành tâm nguyện của người cha đã quá cố. Sau bao năm lạnh lẽo xứ người nay lại được về quê hương coi như vong linh của anh phần nào được an ủi". Theo tính toán của gia đình ông Tuynh, chi phí để "trả công" cho "nhà ngoại cảm", người quản trang số lên đến gần 100 triệu.

Bóc mẽ trò lừa đảo của "nhà ngoại cảm" khi "liệt sĩ" trở về

Câu chuyện "liệt sĩ" Nguyễn Viết Thuấn trở về sau 40 năm có giấy báo tử như thể một câu chuyện cổ tích. Sự trở về này đã vạch ra bộ mặt trơ trẽn, lừa đảo của "nhà ngoại cảm" tên P. Ngày 17/4/2013, ông Tuynh nhận được tin, anh trai mình là Nguyễn Viết Thuấn vẫn còn sống. Giấy bảo tử, hài cốt liệt sĩ gia đình ông Tuynh đều có hết nên khi nghe tin này ông bán tín bán nghi. Người báo tin đó cho gia đình ông là anh Đinh Văn Toán, quê Ý Yên, Nam Định.

Ông Tuynh nhớ lại: "Vì không biết số điện thoại của gia đình tôi nên anh Toán đã gọi điện về cho xã, xã lại gọi cho thôn, người trong thôn lại gọi điện báo cho em trai tôi. Nhận được tin anh, em tôi đã gọi cho anh Toán sau đó phi thẳng xe xuống Mai Động nơi anh Toán đang làm việc". Khi gặp, anh Toán đã khẳng định: "Bác Thuấn vẫn còn sống. Tôi có người em gái lấy chồng ở An Giang, cạnh nhà bác ấy. Trong những lần trò chuyện với bác Thuấn, bác ấy nói là người ngoài Bắc, bác ấy bị thương ở đầu nên mất trí nhớ suốt một thời gian dài nên không tìm về được quê hương. Sau này khi nhớ lại được thì vì không biết chữ lại vì điều kiện kinh tế khó khăn quá nên cũng chẳng có cách nào liên lạc được với gia đình". Sau đó, anh Toán còn đưa chiếc điện thoại chụp ảnh ông Thuấn cho anh em ông Tuynh xem. Nhìn ảnh, ông Tuynh đã khóc vì nhận ra đấy chính là anh trai mình.

Ngay buổi chiều hôm đó, gia đình ông đã đặt vé máy bay. Đúng 9h cùng ngày, ba anh em ông lại lên đường tìm người anh cả. Mọi người đùa với nhau rằng: "Lần này là vào tìm người bằng xương bằng thịt chứ không đi tìm hài cốt như trước nữa". Ông Tuynh nhớ lại: "Khoảng 12h đêm chúng tôi có mặt ở Sài Gòn. Không nghỉ ngơi phút nào ba anh em bắt taxi về An Giang tìm anh Thuấn. Từ sân bay về đến An Giang ngót nghét 300km. Lúc đó đã hơn 7h sáng".

Lần theo sự chỉ dẫn của anh Toán, ông Tuynh cùng 2 người em đã tìm được quán bún nhỏ ven đường - nơi ông Thuấn sinh sống. Cả ba người dồn mắt về phía quán bún nhưng chỉ thấy duy nhất một người phụ nữ đứng bán. Ông Tuynh dò hỏi, quanh quẩn nhưng vẫn không thấy người đàn ông được cho là anh mình đâu. Khi ông vờ sang ngôi nhà bên cạnh để dò hỏi thì giật mình một giọng nói phía sau: "Anh Hai kiếm ai thế?".

Kể đến đây ông Tuynh như không kìm được nước mắt, đưa mắt về phía người anh thất lạc, ông khóc: "Tôi như chết đứng vì đó là anh trai mình. Định bụng lao vào ôm anh nhưng tôi kiềm chế. Tôi muốn mình có thời gian để kiểm chứng, vì trên đời này thiếu gì người chả máu mủ ruột già gì nhưng vẫn giống nhau như đúc". Tôi nói với anh, tôi là người ngoài Bắc, đang đi công tác theo đoàn, nghe nói có người ngoài Bắc bị thất lạc gia đình đang sinh sống ở đây nên muốn ghé qua hỏi thăm xem có giúp gì được không.

Nghe nói vậy, anh tôi vỗ ngực: "Tôi người Bắc nè". Mừng vì gặp được người Bắc, ông Thuấn mời ông Tuynh qua nhà chơi. Ông Tuynh quan sát dáng đi, khuôn mặt, cử chỉ đã khẳng định đây 99% là anh mình rồi. Ông Tuynh dùng phép thử bèn hỏi ông Thuấn quê ở đâu, nhà có đặc điểm gì thì được ông Thuấn tả lại: "Ông bác tôi có nhà ngói 5 gian, xây hướng Nam, có một cái cổng cổ. Hai bên là hai cái ao, một bên là cái ao to, một bên là cái ao nhỏ. Ao nhỏ là để gánh nước về ăn. Đi vào cái xóm ấy thì có nhà của ông trưởng họ nhà tôi… Cạnh nhà tôi còn có nông trường chuyên chăn lợn, chăn gà và trồng rau rấp". Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, ông Tuynh lao vào ôm chầm lấy anh mà khóc: "Em là Tuynh đây, em trai của anh đây". Quá bất ngờ, ông Thuấn cũng chỉ biết ôm em mà khóc nức nở.

Nghe câu chuyện giữa chúng tôi và ông Tuynh mà ông Thuấn không cầm được nước mắt. Thắp nén nhang cho cha mẹ, ông Thuấn nói lí nhí: "Cũng nhờ phúc đức của ông bà tổ tiên mà con trở lại đoàn tụ với gia đình". Dứt lời ông Thuấn nói như phân trần: "Từng đó năm không phải vì tôi không muốn về mà vì bị trúng đạn vào đầu. Lúc nhớ lúc quên. May có vợ tôi bây giờ cưu mang. Có lần vợ chồng tôi cãi nhau, tôi định treo cổ tự tử thì được hàng xóm cứu. Sau cú sốc đó tôi mới hoàn toàn nhớ ra mình là ai và ở đâu. Cực chẳng đã, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tôi lại mù chữ nên không thể tìm được đường về nhà. Cũng may gặp được người tốt mà tôi lại trở về quê hương".

Nhắc lại đến chuyện "nhà ngoại cảm" tên P. ông Tuynh bức xúc: "Sau khi tìm lại được anh, tôi đã gọi điện lại cho ông P. nhưng ông ta không nghe máy. Chắc chắn ông ta đã móc nối với bà quản trang trong Bình Long để lừa tiền bạc của gia đình chúng tôi. Chúng tôi muốn kiện chuyện này ra pháp luật".

Ông Nguyễn Huy Hoán, Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh chia sẻ, sự việc ông Nguyễn Viết Thuấn trở về là có thật. Năm 2008 khi gia đình báo là tìm được "hài cốt" của ông Thuấn, chúng tôi đã tổ chức đúng nghi thức. Tuy nhiên tháng 6/2013 chúng tôi lại nhận được thông tin gia đình vào An Giang đón ông Thuấn về. Việc này đã được UBND xã xác nhận và nhận lại bằng Tổ quốc ghi công, giấy báo tử. Chúng tôi đã cho gỡ tên ông Thuấn ở nghĩa trang liệt sĩ và đề bia đó là vô danh. Thời gian qua chúng tôi đã làm thủ tục đề nghị huyện Hoài Đức cấp cho ông Thuấn đất nhưng chưa được giải quyết.

Phong Anh

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Với khoảng 1,2 triệu lao động từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống và làm việc đã góp phần rất lớn để phát triển kinh tế của vùng đất công nghiệp Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo không ít đối tượng "đầu trộm đuôi cướp", "đá cá lăn dưa" và những thành phần bất hảo, côn đồ tìm đến ẩn náu và gây án…

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 5h10' ngày 27/11/2024 tại đường Mê Linh theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đi tỉnh Vĩnh Phúc thuộc xóm Soi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội giữa xe ôtô BKS 29C - 733.12 với người đi bộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文