Nghị lực phi thường của cô giáo nhiễm HIV từ chồng

09:00 19/06/2015
Mất chồng, mất con, cả em trai cũng mất vì căn bệnh thế kỷ, bản thân mình cũng mang trong mình án tử. Vậy mà hơn 10 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Hoàn, 37 tuổi (Trường THPT Mỏ Trạng, Yên Thế, Bắc Giang) đã cố gắng bước qua nỗi đau để sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.

Mấy ai có thể ngờ rằng người phụ nữ đẹp mặn mà và nụ cười luôn nở trên môi ấy đã phải trải qua những năm tháng sóng gió và nghiệt ngã nhất của cuộc đời. Trong mỗi câu chuyện cô giáo Hoàn chia sẻ với chúng tôi đều ánh lên tình yêu thương và niềm lạc quan.

"Những mất mát ấy càng làm mình trân quý hơn cuộc sống này. Vì vậy, được sống thêm dù chỉ một ngày thì cũng phải sống thật ý nghĩa để không bao giờ phải hối tiếc" - cô Hoàn tâm sự.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở Tân Yên, Bắc Giang, từ nhỏ, Hoàn đã nuôi trong mình mơ ước lớn lên sẽ trở thành cô giáo dạy văn. Để toại nguyện niềm ao ước ấy, cô đã cố gắng học thật giỏi và thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, cô được phân công về giảng dạy tại Trường THPT Mỏ Trạng. Chính tại đây, bi kịch bắt đầu đến với cô.

Cô giáo Hoàn luôn hết mình với học sinh.

Định mệnh đã cho cô gặp lại người bạn học thuở nào. Trong một lần cùng nhau đi đám cưới một người bạn học ở Lương Tài, Bắc Ninh, phải đi qua phà, phà chòng chành khiến cô Hoàn chao đảo, người bạn học bất chợt túm lấy tay cô để giữ thăng bằng, tránh cho cô không bị ngã.

Chính trong khoảnh khắc ấy, cô giáo Hoàn chợt nghĩ: "Có lẽ nào đây chính là người đàn ông sẽ che chở cho mình trong cuộc đời này?". Cũng chính vì ý nghĩ ấy đã khiến cô Hoàn mở lòng với người bạn học cũ. Rồi họ chính thức yêu đương, hò hẹn. Năm 2011, người đàn ông đã ngỏ lời với cô: ''Làm vợ anh em nhé!".

Quyết định lấy chồng, nói chính xác là lấy người đàn ông ấy, cô Hoàn đã vấp phải sự phản đối của bạn bè và người thân. Nhiều người đã nói với cô rằng người đàn ông đó nghiện ma túy nhưng cô không tin. Có lẽ sức mạnh tình yêu đã khiến cô không còn đủ tỉnh táo để suy xét. Cũng có thể cô đã quá tin vào người mình yêu. Và đám cưới vẫn cứ diễn ra như dự định.

Sống với nhau chỉ một thời gian ngắn, cô Hoàn phát hiện chồng mình nghiện. Dù rất đau đớn nhưng cô vẫn cố gắng mạnh mẽ để khuyên chồng cai nghiện. "Mình nói, anh hãy cố gắng vì bố mẹ, vì em và vì cả đứa con sắp chào đời của chúng ta nữa" - cô Hoàn nhớ lại. Dù vẫn biết ma túy là thứ khó từ bỏ nhất nhưng cô Hoàn vẫn hy vọng rằng, với tình yêu chân thành và mãnh liệt của mình sẽ giúp chồng từ bỏ nàng tiên nâu.

Mọi thứ chỉ thực sự suy sụp khi cô sinh đứa con đầu lòng và được bác sĩ thông báo nó đã bị nhiễm HIV từ mẹ. Nhìn đứa con gái bé bỏng nằm thoi thóp thở ôxy mà lòng người mẹ đau như cắt. 5 tháng sau sinh, cháu bé đã qua đời.

Mất con, lại biết cả chồng và mình đều đang mang trong mình án tử, thế giới của cô hoàn toàn sụp đổ. Dù vậy, cô vẫn cố gắng tỏ ra mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho chồng. Còn sống là còn hy vọng. Lại một lần nữa cô khuyên chồng đi cai nghiện. Hai năm chồng đi cai nghiện tại Phú Thọ là hai năm cô lặn lội thăm nuôi chồng và không thôi hy vọng vào một tương lai tốt đẹp.

Trước tình yêu lớn lao của vợ và hiểu những thiệt thòi, đau khổ mà vợ đã và đang phải trải qua nên chồng cô đã quyết tâm cai nghiện. Hạnh phúc đang dần quay đầu lại ngôi nhà nhỏ bé. Bởi bắt đầu lại luôn không bao giờ là quá muộn. Những tưởng người chồng đã bỏ được nàng tiên nâu vĩnh viễn, cô Hoàn đâu ngờ chỉ một thời gian ngắn sau, anh ta lại tái nghiện.

Đau đớn, nhưng cô Hoàn cũng không một lời trách móc chồng. Bởi với những gì đã tận mắt chứng kiến thì cô hiểu ma túy là một thứ cám dỗ khủng khiếp, không dễ gì từ bỏ. Lại một lần nữa cô cùng chồng quyết tâm cai nghiện tại nhà. Nhưng lần này, may mắn đã không mỉm cười với vợ chồng cô nữa.

Đúng 5 tháng sau khi tái nghiện, chồng cô qua đời. Trước khi chồng cô mất một ngày thì người em trai của cô đã vĩnh viễn ra đi cũng bởi căn bệnh thế kỷ. Đêm đêm nhìn bóng mình trên tường, cô Hoàn chỉ biết lại khóc. Những giọt nước mắt âm thầm, chỉ một mình cô biết, bởi sáng mai khi gặp đồng nghiệp, học sinh, người thân và nhất là bố mẹ mình, cô lại gượng cười.

"Cùng lúc mất đi 3 người thân yêu nhất, thế giới của mình như thu hẹp lại. Không chỉ thế, hồi đó hiểu biết của nhiều người về HIV còn ít nhưng sự ghẻ lạnh và xa lánh thì có thừa. Đã có thời gian mình cảm thấy không còn đủ tự tin và bản lĩnh để đứng trên bục giảng nữa. Nhưng trong khổ đau, hoạn nạn vẫn có những người tốt luôn sát cánh bên mình. Họ động viên, an ủi và xóa tan những mặc cảm bệnh tật trong mình khiến mình có thêm dũng khí để bước tiếp mà sống" - cô Hoàn nhớ lại.

Cho đến tận bây giờ, khi đã trải qua quãng thời gian hơn 10 năm chống chọi với bệnh tật và nỗi đau mất người thân, nhiều lúc cô Hoàn cũng không tin là mình vẫn có thể sống tiếp. Nghị lực phi thường mà cô có được có lẽ cũng xuất phát từ bản tính hy sinh, luôn nghĩ cho người khác.

Cô bảo, nếu chọn cái chết thì đơn giản và nhẹ nhàng cho mình quá, chỉ tội những người ở lại. "Nếu lúc đó mình tự giải thoát cho mình, không hiểu mẹ mình sẽ sống thế nào. Cả đời mẹ đã quá vất vả, chưa một ngày được an nhàn, hạnh phúc. Bà đã mất một đứa con, nếu mất nốt mình nữa bà sẽ sống ra sao!".

Vì mẹ, cô Hoàn đã cố gắng gạt đi những tự ti, những đau đớn để sống. Đó cũng như một sự báo đáp ơn nghĩa sinh thành. Cô Hoàn nói rằng, thế giới của hầu hết những người phụ nữ bình thường khác là chồng, là con, là nhiều mối quan hệ khác, còn thế giới của cô chính là những trang thơ. Chính trong thế giới ấy cô mới được sống là mình, được khóc, được cười, được tận cùng với nó.

Trong cuộc sống hằng ngày, lúc nào cô Hoàn cũng cố tỏ ra là một người cứng cỏi, mạnh mẽ, để làm chỗ dựa cho những người thân yêu. Chính người mẹ mang nặng đẻ đau ra cô cũng phải thừa nhận rằng: "Bình thường bác không bao giờ thấy Hoàn nó khóc, kể cả những lúc bệnh tật đau đớn cũng vẫn cắn răng chịu đựng".

Trong những vần thơ của cô, hình ảnh người mẹ lúc nào cũng ăm ắp: "Mẹ buông tay con ra khi con tròn mười bảy/ Ngã ba sao rộng vậy/ Bước chân con run rẩy/ Hốt hoảng giật mình với lối rẽ đầu tiên/ Một mình con không đủ tự tin/ Để bước đầu tiên con sẽ chạy/ Để trên đường đời không một ai nhìn thấy/ Đầu gối con máu tóe gai cào/ Nước mắt con sẽ không thiếu giọt nào/ Cho những rung cảm lần đầu tiên tặng riêng người ấy/ Mẹ ơi, tình yêu sao lạ vậy/ Con phải đi qua bao nhiêu ngã ba để hiểu nổi mình…?".

Hạnh phúc trong ngày cưới.

Nhìn cảnh mẹ mình vật vã trước sự ra đi của người em trai, cô Hoàn đã nghĩ mình phải sống. Cả đời người phụ nữ tảo tần ấy chưa có nổi một ngày hạnh phúc. 

Với nghị lực phi thường đó, nhiều năm qua, cô Hoàn đã cố gắng làm thật tốt công việc chuyên môn của mình. Cô liên tục đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi của tỉnh và những học sinh do cô phụ trách cũng đạt được nhiều thành tích cao trong học tập.

Nhớ lại những ngày đầu biết mình nhiễm HIV, cô Hoàn đã từng ao ước, dù được sống thêm một năm, hai năm hay mười năm thì cô cũng sẽ cố gắng sống thật tốt để "trả nợ" công ơn cha mẹ. Số phận đã quá nghiệt ngã với cô, không cho cô được thực hiện thiên chức làm mẹ nhưng chính những học sinh thân yêu đã đem đến cho cô cảm giác của những đứa con. Cô bảo, vì những đứa con ấy cô sẽ gắng cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời.

 

Thầy Vũ Đình Nghiệp, Hiệu trưởng trường THPT Mỏ Trạng, Yên Thế, Bắc Giang cho biết: Hoàn cảnh của cô Hoàn dù rất đặc biệt nhưng suốt nhiều năm qua cô đã rất nỗ lực vươn lên trong cuộc sống cũng như trong công việc chuyên môn của mình. Bản thân cô là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền, từng nhiều lần tham gia chấm thi giáo viên dạy giỏi. Các học sinh được cô Hoàn dạy dỗ cũng đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Dù phải chống trọi với bệnh tật và trải qua nhiều đau khổ nhưng cô Hoàn luôn tỏ ra cứng cỏi, mạnh mẽ và hòa đồng với những người xung quanh. Cô xứng đáng là tấm gương để nhiều người noi theo.

Ngọc Anh

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文