Người đàn bà suốt một đời bất hạnh

20:25 23/02/2017
Không nhà cửa, không việc làm, vợ chồng con cái chị Hoàng Thị Ngọc dắt díu nhau về sống trong ngôi nhà tồi tàn, lụp xụp của bà ngoại, trông mong vào sự giúp đỡ của hàng xóm láng giềng và những nhà hảo tâm.


Sau 6 năm lấy chồng, "tài sản" duy nhất của chị là hai đứa con bị suy dinh dưỡng, đứa lớn 6 tuổi mới 10kg, đứa nhỏ 14 tháng mới hơn 4kg và người chồng quanh năm ốm đau quặt quẹo, chẳng thể làm nổi việc gì. 

Không nhà cửa, không việc làm, vợ chồng con cái chị dắt díu nhau về sống trong ngôi nhà tồi tàn, lụp xụp của bà ngoại, trông mong vào sự giúp đỡ của hàng xóm láng giềng và những nhà hảo tâm. Đó là hoàn cảnh đáng thương của chị Hoàng Thị Ngọc, xóm Bình Lê, xã Lan Giới, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Nói về hoàn cảnh của chị Ngọc, anh Nguyễn Viết Diện Trưởng xóm Bình Lê, cũng phải sụt sùi thương cảm: "Gia đình nhà Ngọc khó khăn thực sự, lấy chồng 6 năm rồi nay tay trắng về nương nhờ mẹ già. Chồng ốm, con đau, đến cái ăn cũng phải chạy từng bữa, chỉ tội 2 đứa nhỏ vì thiếu ăn, bệnh tật nên bị suy dinh dưỡng nặng. Thằng anh đã 6 tuổi mới được có 10kg, thằng em thì 14 tháng tuổi mà chỉ được có hơn 4kg…".

Quả thật nếu tận mắt chứng kiến hoàn cảnh của chị Ngọc mới thấy cuộc đời của người đàn bà ngoại tứ tuần ấy bất hạnh chẳng kém gì chị Dậu trong "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố. Nơi ở của gia đình khốn khó này là gian buồng nhỏ ẩm thấp, nhìn quanh chẳng có gì đáng giá, ngoài cái giường cũ kỹ với cái chăn bẩn thỉu rách tả tơi, 1 cái thùng tôn móp méo đựng vài bộ quần áo cũ, cái chạn xập xệ với dây rợ chằng chịt…

Chị Ngọc sụt sùi chia sẻ hoàn cảnh gia đình.

Anh Giáp nằm co quắp trên chiếc giường ọp ẹp, thi thoảng lên cơn hen suyễn, anh lại ho một tràng khó nhọc. Đứa nhỏ từ khi sinh ra chẳng biết đến một giọt sữa ngoài. Chị Ngọc gầy yếu, sau khi sinh một thời gian không có gì ăn uống tẩm bổ nên cũng chẳng có sữa cho thằng bé bú.

Thức ăn duy nhất là chút cháo loãng mà mẹ nó chạy vạy khắp nơi mới xin được chút gạo để nấu. 14 tháng tuổi mà thằng bé mới hơn 4kg, bị suy dinh dưỡng nặng, còn không bằng một đứa trẻ 2 tháng tuổi. Nhiều ngày trở lại đây, bệnh tình của anh Giáp trở nặng, chị Ngọc mải lo chạy vạy thuốc thang chăm sóc cho chồng mà chẳng có lúc nào ngơi chân ngơi tay để đi vay gạo nấu cháo cho con.

Nhìn người đàn bà gầy guộc, lam lũ ấy không ai nghĩ chị đã gần 40 tuổi. Vừa đưa tay vuốt ngực cho chồng, vừa nựng đứa con nhỏ, chị rưng rưng nước mắt khi nhắc đến hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình. Từ nhỏ chị Ngọc đã thiệt thòi khi là đứa nhỏ kém phát triển hơn các bạn cùng trang lứa. Hơn 30 tuổi, lại thường xuyên bệnh tật, ốm đau, gia đình khó khăn nên chị Ngọc chỉ nặng hơn 30kg.

Kém sắc, kém duyên, ở cái tuổi quá lứa lỡ thì chị được mai mối với anh Giáp người trong xã. Anh Giáp kém chị 8 tuổi nhưng cũng hoàn cảnh không kém. Anh Giáp mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lại bị bệnh hen suyễn và sơ gan từ bé nên cuộc đời cũng cơ cực chẳng kém gì chị. Anh sống vất vưởng, bấu víu vào sự giúp đỡ của anh em, họ hàng, làng xóm. Sức như anh chẳng thể nào làm được việc gì nặng nhọc, quanh năm chỉ quanh quẩn ở trong làng trong xóm. Nhà cửa không có, anh phải sống tạm ở nhà người quen.

Dù biết chị Ngọc hơn nhiều tuổi, nhưng anh vẫn đồng ý lấy chị mong có người chăm sóc lúc ốm đau, trái gió trở trời. Hoàn cảnh gia đình cả hai đều khó khăn, nên trong ngày hạnh phúc nhất cuộc đời chị cũng chẳng có cơ hội được mặc váy cưới.

Cỗ bàn cũng chỉ vài mâm cơm đạm bạc gọi là ra mắt họ hàng hai bên. Những tưởng rằng từ khi lấy chồng, cuộc sống của chị sẽ khá hơn, nhưng ngược lại, cuộc sống ngày càng khó khăn bế tắc hơn khi hai đứa con lần lượt chào đời. Vì không có tiền thuốc thang chạy chữa nên bệnh tình của anh Giáp càng trở nặng. Chị Ngọc vừa chăm chồng vừa làm việc đồng áng, buôn thúng bán mẹt nhưng cũng chẳng đủ ăn.

Cháu bé thứ 2 bị suy dinh dưỡng nặng.

Đứa con đầu lòng (bé Chính) ra đời trong cảnh nghèo khó, túng quẫn, chồng thì cứ đau ốm liên miên, mới sinh mà chị phải thường xuyên nhịn ăn để có tiền mua thuốc cho chồng. Không có sữa cho con, thằng bé cũng càng ngày càng teo tóp. Hơn 6 tuổi, nó chỉ nặng bằng đứa 1 tuổi, vỏn vẹn 10kg, không hơn không kém.

Trong lúc anh Giáp ốm đau nhất thì chị Ngọc lại mang thai đứa con thứ 2. Có bầu đến tháng thứ 5, thấy bụng to lên chị mới biết mình có thai. Sang tháng thứ 8 vì lao động quá sức, chị bị băng huyết phải mổ cấp cứu. Đứa con phải nuôi trong lồng kính để theo dõi và chăm sóc đặc biệt.

Dù vợ nằm viện nhưng anh Giáp cũng chẳng thể vào viện chăm vợ chăm con vì những cơn hen suyễn liên tục khiến sức khỏe anh kiệt quệ, lại thêm đứa lớn phải ở nhà chăm sóc, cơm nước. Bà ngoại đã già nên cũng chỉ lên viện thăm con gái được 1 - 2 lần.

Hai ngày nằm viện chị Ngọc phải trông chờ những suất ăn từ thiện từ bệnh viện vì chẳng đủ tiền mà mua đồ ăn và cũng chẳng có ai đi mua hộ chị. Thương cho hoàn cảnh của người đàn bà bất hạnh, nhiều người nhà bệnh nhân còn gom góp chút tiền nhỏ để chị thuốc thang, tẩm bổ.

Nhưng cũng chỉ hai ngày sau, dù đứa bé còn quá yếu, sức khỏe của chị chưa bình phục nhưng chị Ngọc vẫn một mực xin bệnh viện đưa con về vì không có tiền trả viện phí. Hoàn cảnh cơ cực, không thể ở mãi nhà người quen khi đứa con thứ 2 chào đời, nên một thời gian sau hai vợ chồng chị khăn gói trở về nương nhờ trong gian nhà nhỏ lụp xụp của bà ngoại.

Tài sản duy nhất của chị sau sáu năm lấy chồng là hai đứa con suy dinh dưỡng và người chồng bệnh tật. Anh Giáp thỉnh thoảng lại lên cơn hen suyễn, phải đi bệnh viện cấp cứu. Lúc ấy, chị Ngọc lại chạy ngược chạy xuôi lo tiền viện phí.

Vì sinh thiếu tháng, không có điều kiện chăm sóc đầy đủ, mẹ lại thiếu sữa nên bé Thư bị còi xương, suy dinh dưỡng nặng, lại mắc thêm căn bệnh hen suyễn di truyền từ bố nên càng yếu ớt. 14 tháng tuổi mà bé chỉ nặng có 4,5kg, cơ thể gày còm, teo tóp khiến bé vẫn chưa biết ngồi hay bò.

Gần đây nhiều lần bé Thư tự dưng khóc thét lên, cơ thể tím tái rồi ngất lịm đi, chị Ngọc cũng chỉ biết ôm con lên trạm xá xã cầu cứu mà không có tiền đưa thằng bé đi khám bệnh.

Gia đình chị Ngọc đang rất cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Nghĩ đến tình cảnh cơ cực của mình, chị Ngọc tủi thân khóc nức nở: "Từ ngày sinh cháu Thư, sức khỏe em yếu đi nhiều, lại phải trông con nhỏ không làm được gì cả, đến gạo ăn cũng phải chạy từng bữa. Người ta còn có cái nhà, hay cái gì để đến khi túng thiếu còn đem đi bán được, chứ vợ chồng em chẳng có gì cả… Bố bệnh, con bệnh, em chỉ biết chạy ra trạm xá xã xin thuốc. Chị ơi có cách nào để có tiền thuốc thang cho chồng con em không?"

Kể từ khi sinh đứa con thứ 2, chị một nách hai con lại phải chăm chồng bệnh nặng nên chẳng còn thời gian đi buôn bán, làm đồng. Tất cả trông chờ vào người bà đã già yếu.

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng hàng ngày mẹ chị Ngọc vẫn phải bươn trải ngoài đồng, bắt con tôm cái cá, buôn bán qua ngày để kiếm tiền nuôi con gái, con rể và các cháu. Hôm nào kiếm được vài đồng, các cháu còn có gạo mà ăn, hôm nào không có, cả nhà lại phải nhịn đói, ăn rau trừ bữa. Chị Ngọc lại phải chạy vạy khắp nơi vay gạo nấu cháo cho con.

"Nhưng đâu thể cứ vay mãi thế này, biết bao giờ mới trả được người ta. Cũng xấu hổ lắm chứ nhưng hoàn cảnh nhà em như thế, không có gạo các cháu làm sao mà sống được", chị Ngọc vừa nói vừa lấy tay gạt nước mắt.

Anh Giáp lại lên cơn ho kéo dài không dứt, đứa bé thì khóc ré lên vì đói. Đứa lớn thì đứng bám vào bậu cửa sổ, mắt dõi ra đường trông chờ bà ngoại ra đồng về sẽ kiếm được cái ăn… Giữa thế kỉ XXI, quả thật cuộc sống của chị Ngọc chẳng khác gì chị Dậu thời xưa. Cuộc sống của gia đình chị Ngọc đang rất cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về gia đình chị Hoàng Thị Ngọc, xóm Bình Lê, xã Lan Giới, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Hoặc Quỹ từ thiện Báo Công an nhân dân, 92 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Phong Trâm

Rạng sáng 1/5, trận bán kết lượt đi Champions league 2023/2024 đã diễn ra giữa hai đội Bayern và Real Madrid. "Kền kền trắng" vươn lên dẫn trước rồi để đại diện nước Đức dẫn ngược trước khi kết thúc trận đấu với tỷ số hoà.

Từ ngày 6 đến 8/5, các tay vợt bóng bàn Việt Nam bước vào vòng tranh vé dự Olympic Paris 2024 khu vực Đông Nam Á. Hy vọng giành vé dự Olympic Paris 2024, cũng là lần thứ ba góp mặt ở sân chơi này của các nhà quản lý, HLV và các tay vợt bóng bàn Việt Nam là có thật dù biết rằng không dễ thực hiện.

Đã 70 năm đã trôi qua, những người lính tuổi mười tám, đôi mươi năm nào nay tuổi đã cao, chân đã yếu, mắt đã mờ nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng ấy vẫn in đậm trong tâm khảm, không thể nào quên.

Nắng nóng gay gắt chấm dứt ở miền Bắc với sự xuất hiện của mưa lớn diện rộng với lượng mưa có nơi trên 50mm, nền nhiệt giảm nhanh gần 10 độ C. Khu vực Trung và Nam Bộ duy trì nắng nóng như "thiêu đốt".

Bắt đầu từ ngày 2/5, thí sinh đang học lớp 12 trên toàn quốc sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 bằng hình thức trực tuyến. Thời gian đăng ký kéo dài đến 17h ngày 10/5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lưu ý, trước khi khai phiếu đăng ký dự thi, thí sinh cần đọc kỹ các mục và bản hướng dẫn ghi phiếu mà Bộ GD&ĐT đã ban hành, những điểm nào chưa rõ phải hỏi cán bộ tiếp nhận để được hướng dẫn đầy đủ bởi thí sinh chịu trách nhiệm hoàn toàn về thông tin khai trong phiếu.

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文