Những nỗi đau nối tiếp của hai đứa trẻ mồ côi

08:00 27/02/2020
Sau quãng đường gần 200km để đến xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang), nhờ sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến thôn Trại Giăng, cũng là nơi ẩn chứa câu chuyện bất hạnh của hai đứa trẻ mồ côi Hồ Ký Sự (SN 2012) và Hồ Sỹ Nghiệp (SN 2015).


Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh

Khác với những ngôi nhà khác trong thôn nằm trên đoạn đường nhựa mới, đường dẫn đến nhà hai anh em Sự và Nghiệp là một lối nhỏ đầy bùn đất. Từ phía xa, chúng tôi đã thấy hai đứa trẻ nô đùa với nhau trước ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ, tay cầm gói mì tôm ăn sống. Cạnh ngôi nhà là gian bếp quây từ bốn vách đất. Đây là tổ ấm của hai đứa trẻ, cũng là nơi cách đây vài chục ngày là đám tang đầy ai oán.

Nhìn hai khuôn mặt ngây thơ ấy, không nhiều người tưởng tượng được hai cậu bé vừa phải chịu tang mẹ là chị Lăng Thị Hương (SN 1983) vào cuối năm 2019. Trước đó, cha của các em là anh Hồ Văn Nghẻo (SN 1977) cũng đã mất vào năm 2015. Dường như hai anh em còn quá bé để cảm nhận nỗi đau mất đi cả hai người ruột thịt nhất trong cuộc sống, vẫn ngây thơ ở bên bà nội bị liệt chân.

Cháu Hồ Ký Sự chưa tin rằng mình đã mất mẹ.

Nhắc đến câu chuyện bất hạnh của gia đình người con trai Hồ Văn Nghẻo, bà nội của hai đứa trẻ là cụ Vi Thị Pử (SN 1944) lại nước mắt lã chã rơi trên khuôn mặt đầy nếp nhăn. Ở cái tuổi gần đất xa trời, cảm giác người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh là nỗi đau chưa bao giờ khôn nguôi, mà đau đớn hơn, đây không phải lần đầu tiên tiễn con về nơi chín suối của người mẹ già.

Cụ kể, gia đình có tổng cộng 5 người con. Điều chua chát là cả 4 người con trai đều mất sớm, cô con gái còn lại thì bị tật bẩm sinh. Giờ đây sau sự ra đi của anh Nghẻo và chị Hương, kinh tế của gia đình vốn khó khăn lại thêm chồng chất khó khăn, dồn hết lên vai của người con còn lại.

Nắm đôi tay đầy vết đồi mồi run rẩy, cụ khó nhọc chỉ vào chân của mình: "Máu dần tụ lại chỗ này, giờ tôi chỉ có thể ngồi được vậy thôi. Ngẫm lại, vợ chồng tôi vất vả nuôi con nhưng chúng nó đều bỏ cha mẹ mà đi hết cả. Hai đứa cháu nhỏ này rồi sẽ khổ sở lắm đây. Giờ cả bố lẫn mẹ đều mất rồi, sẽ chẳng còn ai bên cạnh chúng nữa. Bản thân tôi cũng chả sống được mấy nỗi nữa…".

Nói đoạn, cụ Pử ngước mắt nhìn lên bàn thờ, nước mắt chỉ chực tuôn ra trên khuôn mặt nhăn nheo khi nhớ về gia đình người con trai út. Từ khi anh Nghẻo mất, chị Hương tần tảo nuôi hai anh em Hồ Ký Sự, Hồ Sỹ Nghiệp ăn học, nuôi cả hi vọng về tiền đồ của chúng như chính cái tên mà hai vợ chồng gửi gắm cho con. Thế nhưng, cuộc sống luôn nghiệt ngã khi chị Hương lại ra đi một cách bất ngờ, để lại nỗi đau và cả tương lại mịt mờ cho những người ở lại.

“Hôm ấy là ngày 12/12, khi con dâu tôi đang nấu cháo cho hai đứa con ăn để đi học thì bỗng nhiên đột tử. Cháo nấu còn chưa kịp chín, hai đứa con nhỏ còn chưa kịp gọi mẹ và nhìn mẹ lần cuối thì đã trở thành trẻ mồ côi”, bà Pử khóc nói.

Khi được hỏi về mong muốn sau này, cụ Pử nhìn hai đứa cháu ngây thơ đang đùa nghịch ngoài sân rồi cho hay, bà chỉ mong muốn Sự và Nghiệp đều được đi học tử tế, sau này sống sao cho nên người như bao người bình thường khác, thế là quá đủ…

Những tấm bằng khen của hai đứa trẻ.

Niềm hi vọng cuối

Người con gái còn lại trong 5 người con của cụ Pử là bà Hồ Thị Pỏng. Người phụ nữ 48 tuổi không kết hôn, mà dành mọi thứ để chăm sóc mẹ già sau cái chết của hai người anh trai và hai người em trai. Từ khi bố mẹ của Sự và Nghiệp ra đi, bà Pỏng dọn hẳn về nhà em trai để tiện chăm sóc hai đứa cháu mồ côi đang tuổi ăn học như người mẹ thứ hai của chúng.  

Chỉ mấy phút sau khi ngồi chơi với anh em Sự - Nghiệp, bà Pỏng về đến nhà. Người phụ nữ này chỉ cao khoảng 1m3 do bị tật từ lâu, nhưng vẫn khá nhanh nhẹn. Cất liềm vào góc nhà rồi rót chén nước mời khách, bà Pỏng mở lời: 

"Tôi ở nhà bé bé ngoài đường ngoài kia. Mẹ hai đứa mất thì tôi vào đây ở. Tôi cũng như người dân ở đây, quanh năm chỉ biết đến ruộng nương, thi thoảng nuôi được con gà đem bán kiếm thêm thu nhập chứ giờ làm được gì đâu. Các cháu còn nhỏ thế này, nếu có làm việc khác thì cũng chẳng ai chăm chúng cả. Giờ tôi cũng có tuổi rồi, lại còn bị khuyết tật chứ đâu có khỏe mạnh như người bình thường".

Giữa căn phòng đầy vỏ mì tôm, bà Pỏng vẫn nhớ cái ngày định mệnh xảy ra với người em trai xấu số cách đây 5 năm. Cho đến giờ, bà vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra với em trai bởi bố hai đứa trẻ vốn là người có sức khỏe tốt, có thể thồ cả tạ hàng. Hôm đó, anh Nghẻo đi chặt mía với mọi người ở ngoài đồng, rồi đi đám ma một người họ hàng cùng làng. Hôm đưa ma, anh cũng đi cùng đám. Đêm cùng ngày, anh bị ngã ven đường. 

"Trời đêm đó mưa to lắm. Sáng hôm sau tôi đi tìm thì thấy chú ấy nằm úp đó, đưa đi trạm y tế xã thì biết tim gan sưng hết, không cứu được nữa. Trước đó năm 2011, chú Nghẻo được chẩn đoán bị tai biến mạch máu não, nhưng được chữa khỏi rồi. Mọi thứ diễn ra quá nhanh…" - người phụ nữ trầm ngâm.

Cụ Vi Thị Pử bên góc nhà.

Nhắc đến mẹ của hai đứa trẻ - người vừa mất cách đây 2 tháng, bà Pỏng tiếc nuối: "Bố hai đứa nó mất, mọi thứ dồn hết lên Hương. Em ấy ra đi cũng đột ngột. Hôm đó là 17/11 âm lịch, nghĩa là 12/12 dương lịch. Buổi sáng, tôi đang ở nhà thì thằng bé chạy ra òa khóc, kêu mẹ ốm. Tôi tức tốc chạy vào, một lúc sau thấy em ấy không nói được gì nữa, ngất đi. Tôi chỉ kịp đưa em dâu đến trạm y tế nhưng đến được nửa đường thì mất". 

Điều an ủi đối với cả nhà chính là ở hai anh em Hồ Ký Sự và Hồ Sỹ Nghiệp. Cậu anh Sự giờ đã biết làm việc vặt ở nhà như cắm cơm, quét nhà hay cho gà ăn, còn Nghiệp vẫn hay lẽo đẽo theo anh, nhìn thấy anh làm gì cũng đòi làm cùng. Ở trường, hai anh em đều là những học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ với lực học khá ở Trường Tiểu học Cẩm Đàn. 

"Bấy nhiêu thứ này là niềm tự hào, bởi hai cháu còn cả tương lai phía trước, dù biết mọi thứ sẽ rất khó khăn. Nhìn thấy các cháu cố gắng phấn đấu học hành thế này, tôi vui lắm" - bà Pỏng vừa cười vừa ngoái đầu về phía sau, nhìn hàng loạt giấy khen của hai anh em được dán thành hàng trên tường.

Điều đặc biệt ở hai anh em, khi chúng tôi hỏi chuyện, chúng chỉ cố cười một cách gượng gạo. Ngồi cùng với chúng tôi một lúc, Sự bỗng chạy xuống bếp. Từ giờ, những người sẵn sàng yêu thương, bao bọc chúng vô điều kiện sẽ không còn nữa. Đôi vai Sự run lên bần bật trong 4 vách đất. Cách đây 2 tháng cậu mới chỉ cùng em trai đeo băng tang, phải chịu nỗi đau của một người trưởng thành. Giá như còn được mẹ Hương nấu cháo cho bữa sáng, giá như mâm cơm vẫn còn đầy đủ mọi người… Mọi thứ chỉ xoay quanh hai chữ "giá như".

Theo ông Hồ Văn Nga - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Đàn, gia cảnh của hai cháu Hồ Ký Sự và Hồ Sỹ Nghiệp rất thương tâm khi gia đình anh Nghẻo, chị Hương là hộ nghèo nhiều năm của thôn. Chị Hương mất, chính quyền địa phương, họ mạc và hàng xóm cùng chung tay tổ chức đám tang.

“Chính quyền địa phương cũng đã nắm được hoàn cảnh khó khăn của gia đình em Sự và đã phối hợp với các cơ quan ban, ngành, đoàn thể đến động viên gia đình, đồng thời phối hợp làm các chương trình bảo trợ xã hội cho gia đình.

Có một số các ban, ngành, đoàn thể và các nhà từ thiện cũng đã đóng góp ủng hộ được một số tiền, sắp tới gia đình cũng có nguyện vọng chuyển nhà đi chỗ khác ở. Gia đình khó khăn nhưng với các chương trình bảo trợ xã hội và các nhà từ thiện cũng đóng góp cho một ít nên cơ bản hiện đã đủ sống”, ông Nga cho biết.

Trâm Hiền

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文