Nỗi đau dần nguôi ngoai

15:10 05/02/2018
Đã gần một năm trôi qua kể từ cái ngày khủng khiếp ấy khi mà cả 3 người con trai của bà Tăng Thị Mơ, 60 tuổi (trú tại thôn Đồng Bào, xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đều ra đi do bị ngạt khí biogas. Gia cảnh vốn đã nghèo, nay bà Mơ lại phải một mình nuôi 3 đứa cháu nội bơ vơ.

Bố mất, lẽ ra các cháu sẽ được bù đắp bằng tình thương yêu của mẹ. Nhưng thật bất hạnh vì mẹ của các cháu cũng bỏ các cháu mà đi. Tết đang sầm sập đến nhưng bên trong ngôi nhà nhỏ ấy chẳng có gì ngoài nỗi đau, nỗi sợ Tết. Bà Mơ bảo: “Năm nay nhà tôi thì làm gì có Tết”.

Nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai nhưng dường như nỗi đau khi mất đi những người thân yêu là nỗi đau dai dẳng nhất. Với bà Mơ, cái ngày định mệnh ấy cảm giác như mới chỉ xảy ra hôm qua. Bởi nỗi thương và nhớ các con chưa khi nào vơi đi trong lòng người mẹ bất hạnh này.

Bà Mơ bên di ảnh 3 người con trai.

Ba người con trai của bà Mơ là các anh Tăng Văn Đượm (SN 1983), Tăng Văn Đươm (SN 1985) và Tăng Văn Đới (SN 1989) đã “dắt” nhau đi trong một buổi tối định mệnh. Hôm đó là ngày 10-5-2017, anh Đươm sau khi ăn cơm xong đã ra hố biogas của gia đình để sửa chữa nhưng chẳng may bị thụt chân xuống hố. Khi nghe thấy tiếng con kêu cứu, bà Mơ đã đi gọi người con trai út là anh Tăng Văn Đới đến để trợ giúp. Khi đến nơi, anh Đới thấy anh trai bị tụt xuống hố nên đã tìm cách kéo lên nhưng không may anh Đới cũng lại trượt chân và tụt xuống hố.

Thấy con trai út cũng bị trượt chân nên bà Mơ lại vội vàng chạy sang nhà người con trai cả là anh Đượm để kêu anh Đượm đến cứu hai em. Tuy nhiên, trong lúc loay hoay tìm cách kéo hai người em của mình lên thì anh Đượm cũng bị sa chân và rơi xuống hố biogas. Khi gọi cả 3 con ở phía dưới hố gas nhưng không thấy ai trả lời, bà Mơ hốt hoảng hô hoán mọi người đến trợ giúp nhưng đã quá muộn.

Khi hàng xóm vớt được 3 người con trai của bà Mơ lên khỏi mặt hố gas thì cả 3 đều đã tử vong do ngạt khí biogas. Cùng một lúc mất đi cả 3 người con trai, bà Mơ như phát điên. Có lúc bà gào thét gọi tên các con mình, có lúc lại ngồi lẩm nhẩm một mình khiến ai chứng kiến cảnh tượng đó cũng không cầm được nước mắt.

Những ngày giáp Tết Mậu Tuất này, chúng tôi có dịp trở lại thăm bà Mơ cùng 3 người cháu của bà. Hiện cả 4 bà cháu đang sống trong ngôi nhà của anh Tăng Văn Đươm. Hai ngôi nhà dột nát, xập xệ của anh Đượm và anh Đới đã được bà Mơ cho dỡ bỏ làm vườn.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Mơ nghẹn ngào: “Từ hôm xảy ra chuyện đau lòng tôi chưa đêm nào được ngủ ngon giấc. Cứ nhắm mắt lại là lại nghĩ đến các con. Nhiều khi nằm mơ thấy các con cùng trở về với mẹ, vậy mà khi tôi chồm dậy chạy theo chúng nó thì chúng nó lại đi đằng nào mất. Nhiều lúc tim tôi như thắt lại, khó thở lắm, chỉ muốn chết theo chúng nó cho được yên thân nhưng cứ nghĩ đến 3 đứa cháu nội còn nhỏ quá, tôi lại không đành lòng”.

Hố biogas được bà nhờ người lấp đi.

Có lẽ, hiếm thấy người phụ nữ nào lại bất hạnh như bà Mơ. Khi còn trẻ bà lập gia đình với một người đàn ông nghèo nhất nhì trong làng. Khi các con đến tuổi trưởng thành thì chồng bà mất vì căn bệnh ung thư. Một mình bà phải lo dựng vợ cho các con.

Ngồi cạnh chị gái, ông Tăng Văn Dung nghẹn ngào chia sẻ: “Nhà các cháu tôi nghèo lắm, cũng vì nghèo mà vợ của đứa đầu và đứa út lần lượt bỏ đi hết. Chúng nó phải chịu cảnh gà trống nuôi con, kiếm ăn từng bữa. Thậm chí, đến khi khâm liệm cả 3 đứa đều không có lấy một bộ quần áo tử tế để mặc sang thế giới bên kia”.

Sau ngày tổ chức tang lễ cho các con, điều bà Mơ lo nhất chính là kiếm đâu ra số tiền hàng trăm triệu để trả nợ cho ngôi nhà vừa xây xong của anh Đươm. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương, họ hàng, người thân và bà con thôn xóm thì bà Mơ đã trả hết số tiền nợ đó. Ngoài ra, gia đình bà cũng được công nhận hộ nghèo.

Nhưng sau khi các con qua đời, sức khỏe bà Mơ giảm đi trông thấy. Ngày ngày bà cũng chỉ có thể đưa 3 đứa cháu đi học rồi đón chúng về. Hôm nào khỏe, có ai thuê bà lau chùi nhà cửa thì bà tranh thủ đi làm lấy thêm tiền nuôi các cháu.

Bà Mơ chia sẻ: “Hiện tại, gia đình tôi còn 5 sào ruộng nhưng tôi đành phải cho thuê vì không đủ sức để làm. Có lẽ, tôi phải bán đi 1,4 sào để lấy tiền trang trải và lo cuộc sống cho các cháu. Tuy hằng tháng, các cháu được Công ty Ngân Tùng (TP Hải Dương) hỗ trợ 1 triệu đồng, nhưng không thể đủ để lo cho cuộc sống hiện tại”.

Nhiều người đã đến nhà bà Mơ ngỏ ý muốn xin một trong số 3 đứa trẻ về làm con nuôi nhưng bà không đồng ý.

Mất con, tim bà Mơ như bị xé ra thành trăm ngàn mảnh. Nhưng nhiều người đã không hiểu điều đó mà còn trách bà rằng sao không tri hô ngay từ đầu để mọi người đến cứu mà lại cứ gọi từng đứa, từng đứa một để rồi tất cả phải ra đi. Bà Mơ bảo, chính cảm giác tội lỗi đó sẽ khiến bà không thể sống thanh thản cho hết phần đời còn lại.

Vừa nói, bà vừa như thanh minh: “Tôi nào có nghĩ hậu quả nó lại nghiêm trọng thế. Lúc con bị nạn thì đầu tiên cũng chỉ biết gọi anh em chúng nó đến để cứu nhau, sau rồi mới đến hàng xóm láng giềng chứ. Chỉ vì tôi thiếu hiểu biết mà giờ phải chịu mất sạch cả 3 đứa con rồi. Chả biết ở thế giới bên kia chúng nó có được siêu thoát không”.

Trong căn nhà lạnh lẽo, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có một người già và 3 đứa trẻ nhỏ. Nhìn bầy cháu hồn nhiên nô đùa cùng nhau khiến lòng bà Mơ quặn thắt. Bà bảo, năm nay sức khỏe của bà yếu hơn hẳn, nay ốm mai đau nên không biết rồi sau này ai sẽ là người thay bà chăm sóc chúng.

Bà kể, trong ngày tang lễ bà có nhờ người gọi 2 người con dâu cả và con dâu út về nhà chịu tang chồng, cuối cùng cũng chỉ có một người chịu về nhưng cũng chỉ chớp nhoáng rồi lại đi ngay.

“Cũng chỉ vì nghèo mà hai người vợ của thằng Đượm và thằng Đới đã dứt áo bỏ chồng và con để ra đi. Thấy các con của mình khổ quá nên tôi mới động viên thằng Đươm là kiểu gì cũng phải cất được gian nhà để mà lấy vợ cho nó đàng hoàng. Vậy mà nhà còn chưa xây xong thì nó đã mất rồi” – bà Mơ khóc khi nói về những thiệt thòi của các con mình.

Khi còn sống, 3 bố con anh Đới phải sinh hoạt trong căn nhà ước chừng 20 mét vuông, thậm chí đến chiếc giường để ngủ cho đàng hoàng cũng không có. Hoàn cảnh bố con anh Đượm cũng chả hơn gì, thậm chí gian nhà bố con anh đang ở còn dột nát, mùa mưa đến nằm trong nhà mà như ở ngoài trời.

Bà Mơ thở dài tâm sự với chúng tôi rằng, thời gian đầu khi chồng mới mất, vợ anh Đươm đi bán nước trên TP Hải Dương, thỉnh thoảng còn về ghé thăm bà, nhưng vài tháng trở lại đây thì chị ấy cũng không về nữa. Bà bảo, cũng chả trách gì được vì con trai bà với người phụ nữ ấy mới chỉ về ở với nhau chứ chưa đăng ký kết hôn cũng chưa làm đám cưới nên chẳng có gì để ràng buộc cả.

Nhưng con dâu lớn và con dâu út đã có con nên bà chỉ muốn các con dâu của mình nghĩ lại mà về đây cùng bà chăm sóc các cháu. Ít nhất thì điều đó cũng khiến bà nhẹ bớt lo toan và phần nhiều cũng là để các cháu bà không phải tủi thân khi là trẻ mồ côi.

Theo lời bà Mơ kể thì người con dâu cả của bà nay đã có chồng mới và hiện đang sinh sống và nuôi 2 người con riêng của chồng ở Cần Thơ. Người con dâu út của bà thì làm ăn bên Trung Quốc đã từ lâu rồi bà không có tin tức gì. Nói chuyện với chúng tôi, bà Mơ chưa từng một lời chê trách các con dâu, bởi bà bảo bà hiểu hơn ai hết cái sự nghèo túng của nhà mình nên vợ của các con trai bà không chịu nổi cũng là điều bình thường.

Hiện trường hố biogas nơi 3 người con trai bà Mơ tử vong.

Dẫn chúng tôi ra khu vực hầm biogas khiến các con bà tử vong, bà Mơ cho biết, sau khi lo xong xuôi công việc của các con, bà nhờ người thân lấp toàn bộ khu hầm, phá bỏ chuồng lợn và không nuôi nữa. Nhiều người biết gia cảnh đáng thương của mấy bà cháu nên đã đến tận nhà xin nhận một trong số những người cháu của bà về làm con nuôi.

Nhưng bà bảo: “Nó mất bố lại phải sống xa mẹ, nay còn mỗi bà là người thân mà cũng mất nốt thì tội quá. Thế nên bà cháu tôi dù ăn rau ăn cháo cũng  sẽ cố gắng để được ở bên nhau. Mà bọn trẻ con khôn lắm, mỗi lần có người đến xin nhận làm con nuôi, chúng nghe được rồi khóc ầm ĩ cả lên. Chúng chạy ra ôm lấy người tôi bảo: “Bà ơi bà đừng cho chúng cháu đi nhé. Chúng cháu hứa sẽ ngoan mà”. Nghe bọn trẻ nói mà tôi muốn đứt từng khúc ruột”.

Phong Anh

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

Chiều 5/5, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Hoà Thành (Tây Ninh) đã tạm giữ hình sự đối với Biện Văn Cường (SN 1982, ngụ thị xã Hoà Thành) và Khấu Văn Thum (SN 1986, ngụ Kiên Giang) để điều tra, làm rõ hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

“Cảnh sát cơ động: Tư tưởng vững vàng/ Nắng mưa chẳng quản/ Hăng say luyện rèn”là khẩu hiệu được 1.000 CBCS hô vang hào hùng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Để chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại này, trong 3 tháng qua, hơn 5.000 CBCS CSCĐ đã miệt mài khổ luyện trên thao trường để báo cáo với Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc.

Liên quan đến tình trạng tôm hùm ở vùng thả nuôi tôm ven biển xã Vạn Thạnh và xã Vạn Hưng nằm trong vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chết hàng loạt như Báo CAND đã thông tin, ngày 5/5, PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cơ quan này vừa có báo cáo gửi đến Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa về kết quả khảo sát.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文