Nỗi đau di họa chiến tranh

15:36 28/07/2016
Mang hình hài gớm ghiếc, cuộc sống nghiệt ngã suốt hàng chục năm qua của hơn 3 vạn nạn nhân chất độc da cam tại tỉnh Thái Bình luôn vật vã trong đau đớn. Với khẩu hiệu "Thóc thừa cân, quân vượt mức", Thái Bình đã đóng góp rất lớn về sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây cũng là địa phương chịu nhiều đau thương nhất của di họa chiến tranh khi người nhiễm chất độc da cam đông nhất so với tỷ lệ dân số ở các tỉnh trên cả nước.


Lấy "vợ hai" để chứng minh mình không nhiễm da cam

Chúng tôi về Thái Bình vào một ngày nắng oi ả, không khí ngột ngạt, bí bức nhân lên gấp bội trong những ngôi nhà thấp lè tè, nơi suốt hàng chục năm qua mang một nỗi đau nghiệt ngã - nỗi đau da cam. Nằm sâu trong trong thôn Đạo Tây, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, ngôi nhà cấp bốn của ông Bùi Quang Giang nóng như một chiếc lò nung. Bên trái gian nhà là một buồng ngủ, nhưng từ lâu ông Giang đã biến căn phòng này thành chiếc cũi để "nhốt" con trai Bùi Quang Khiêm.

Ông ngăn căn phòng ra làm đôi, lấy gỗ và dây thép đan thành cánh cổng để quây cho anh Khiêm một chỗ ăn ở. Ông giải thích: "Nếu để cháu ở ngoài thì suốt ngày đập phá, bỏ nhà đi nên gia đình phải nhốt cháu vào đây". 39 năm qua thì quá nửa đời người anh Khiêm sống trong "chiếc cũi trần gian".

Mọi sinh hoạt của anh chỉ gói gọn trong vài mét vuông. Nước da trắng xanh, thân hình gầy guộc, khuôn mặt ngây dại, ai nói gì, hỏi gì anh cũng chẳng biết. Người đàn ông có nước da đen đúa, khuôn mặt khắc khổ bắt đầu mở cũi vào làm vệ sinh cho con. Ông chật vật với đám phóng uế mà con vừa trút ra, mồ hôi nhễ nhại như tắm.

Anh Bùi Quang Khiêm với "chiếc cũi trần gian".

Anh Khiêm ngoan như một đứa trẻ, ngồi im đưa đôi mắt đờ đẫn nhìn xung quanh, thỉnh thoảng tay khua khoắng lên trời. Ông Giang vừa dọn vệ sinh, vừa dùng chân để giữ con bởi "chỉ sơ sẩy là nó bốc bất cứ thứ gì dưới đất cho vào miệng". Nhiều hôm đi làm đồng về, mệt mỏi bước vào nhà, ông thấy khắp thân người con bê bết chất bẩn, còn đưa cả lên mồm ăn. Ông chỉ biết kìm nén nỗi đau đang trực trào ra…

Ông Giang là lính lái xe Trường Sơn, những năm tháng vào sinh ra tử ở con đường huyền thoại cũng không làm ông lung lay ý chí chiến đấu. Thế mà khi về quê lấy vợ sinh con, bao nhiêu nhuệ khí của anh bộ đội đã dần bào mòn khi ông phải đối mặt với những đứa con mang hình hài quái dị, lời bàn tán của xóm giềng và nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Người lính oai hùng năm nào giờ ốm yếu với hàng đống bệnh tật, với nỗi đau đè nặng tâm can và đôi mắt đục ngầu không còn nước mà chắt ra. Suốt hơn 40 năm qua, cuộc đời của người đàn ông này là một chuỗi bi kịch khó gọi tên. Ông Giang mồ côi cha mẹ, từ nhỏ đã sống với bà nội. Khi đất nước chiến tranh, ông xung phong lên đường nhập ngũ. Lái xe vào sinh ra tử ở dọc dải đất Trường Sơn, rồi Tây Nguyên, ông không biết mình nhiễm chất độc da cam ở vùng nào.

Chiến dịch kết thúc, ông được Thủ trưởng đơn vị giữ lại, cho vào chuyên nghiệp nhưng ông kiên quyết xin ra quân về quê để còn chăm sóc bà nội. Rồi ông lấy vợ sinh con. Con gái đầu lòng sinh ra bình thường, nhưng được vài tháng tuổi thì hay chảy nước tai, lớn lên chút nữa ông phát hiện con chậm chạp, không khôn ngoan. Hai năm sau, vợ ông lại hạ sinh một "thằng cu".

Con trai sinh ra đẹp đẽ, khỏe mạnh, ông vui mừng khôn xiết đặt tên con là Bùi Quang Khiêm. Nhưng "hạnh phúc chẳng tày gang" thì bi kịch đổ xuống. Ông phát hiện con trai bị câm, mọi nhận thức đều không có. Đứa bé lớn lên một chút thì cả đêm nó không ngủ. Một hôm ở đồng về, vợ chồng ông tá hỏa khi không thấy con. Hớt hải đi tìm ông bà thấy con đang lang thang ở một làng khác. Từ bấy trở đi, con trai thường bỏ nhà đi suốt ngày đêm và không biết đường về.

Cực chẳng đã ông mới phải "nhốt" con vào cũi. "Ai mách gì nghe đấy, đi cúng bái tứ phương đến khi cạn kiệt cả tiền. Tôi cho cháu đi khám ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ cho điều trị tâm thần. 

Mãi nhiều năm sau, trong một lần đưa cháu đi khám, tình cờ tôi gặp một đồng đội. Anh ấy là bác sĩ, sau khi xem bệnh án cho cháu thì lắc đầu "bệnh của cháu chỉ ngày một xấu đi chứ không chữa được đâu" và khuyên tôi đưa cháu vào trại tập trung của Nhà nước, nhưng tôi nghĩ có mỗi mình nó là con trai nên cố cứu chữa. 

Anh ấy không nói đến việc cháu bị di chứng da cam, mà ngày đó có ai biết da cam là gì đâu. Hàng xóm thì gièm pha, bảo nhà tôi ăn ở thất đức nên con mới bị thế, khổ lắm chị ạ" - ông Giang đau khổ kể lại.

Vợ ông sau đó sinh tiếp cho ông một mụn con gái nữa nhưng đứa trẻ này cũng không được lành lặn. Lúc bấy giờ cả xã có 5 trường hợp đi bộ đội đầu tiên, trong đó thôn Đạo Tây có 3 người lấy vợ sinh con đều bị ngẩn ngơ, tóc trắng.

Bà Nguyễn Thị Mùi chăm sóc cô con gái 29 tuổi mắc chứng tâm thần nặng do di chứng da cam.

Nghe phong thanh là mình bị nhiễm chất độc da cam, ông Giang không tin. Để chứng minh điều đó, ông sinh thêm 2 người con trai với một phụ nữ nhỡ nhàng cùng làng với hy vọng vớt vát được đứa con lành lặn. Không thể miêu tả được nỗi đau tột cùng của người đàn ông này khi cả 2 người con đều mang di chứng da cam từ ông.

Hơn 40 năm qua, ông lầm lũi vắt kiệt sức lực của mình trồng 6 sào ruộng để nuôi 5 đứa con bệnh tật. Ông bảo: "Chẳng bao giờ tôi dám nghĩ tới tương lai. Có những lúc đói khổ quá, thực là chỉ muốn chết đi cho nhẹ lòng. Nhưng chết rồi chúng nó ai nuôi. Giờ có tiền trợ cấp của nhà nước, cũng chỉ đủ thuốc men. Sau này già yếu quá không lao động được nữa thì không biết thế nào". Nỗi đau nghẹn lại không nói lên lời của ông Giang làm chúng tôi trào nước mắt.

Nghiệt ngã đến tận cùng

Chỉ vừa nghe chúng tôi nhắc tới con trai, ông Nguyễn Hồng Hiện, ở thôn Nam Quán, xã Đông Cát, huyện Đông Hưng liền bật khóc. Nỗi đau dường như lúc nào cũng thường trực trong tim người đàn ông này, nên khi có khách vào hỏi thăm, ông không kìm nén được mà bật ra.

Quả thật, rất hiếm khi tôi chứng kiến cảnh người đàn ông khóc một cách đau khổ và bi ai đến vậy, nó cứa vào tim người đối diện một sự xúc động mạnh với niềm cảm thông không nói thành lời. Giọng ông nghẹn lại bởi bao nhớ thương con, bao tủi cực, cay đắng bị dồn nén giờ có dịp trào ra.

Chúng tôi không dám hỏi gì thêm, bởi mỗi câu hỏi lại như một lần xát muối vào trái tim người cha. Cuộc đời của ông Hiện cũng đầy bi kịch. Nhưng nghiệt ngã nhất là cách đây 2 năm, người con trai duy nhất lành lặn trong 3 đứa con của ông đã qua đời vì tai nạn giao thông. Người con này ông đặt rất nhiều hy vọng, là lẽ sống của vợ chồng ông khi ông trời còn thương họ, cho họ một đứa con lành lặn.

Vượt lên hoàn cảnh gia đình, người con trai này đã tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông vận tải, làm tới chức Trưởng phòng kỹ thuật một công ty giao thông ở Đắk Lắk. Nhưng không may, khi dừng xe ở bên đường, anh đã bị một chiếc xe máy khác tông phải và qua đời. Cú sốc bất ngờ này đã đánh gục vợ chồng ông trong nỗi đau đến điên dại.

35 năm qua, một tay ông Hiện chăm sóc người con trai cả, bị di chứng nặng nề từ ông truyền sang. Dù lớn tuổi nhưng anh Nguyễn Hồng Nguyên mang hình hài của một đứa trẻ. Cả ngày anh ngồi ngoài sân chơi với chiếc xe lăn, trên người không mặc quần áo, chiếc u ở lưng to tướng làm anh phải cúi người mới ngồi vững.

35 năm qua, anh Nguyễn Hồng Nguyên luôn bị bệnh tật giày vò.

11 năm chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên, ông Hiện đã nhiễm chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống mảnh đất này. Anh Nguyên vừa sinh ra, hai mắt lúc nào cũng trợn ngược, tay luôn trong tư thế "nắm đấm", cả cơ thể giật đùng đùng. Chẳng ai biết con ông bị bệnh gì, đi khám bác sĩ chỉ bảo viêm túi lệ bẩm sinh. Trong người anh Nguyên như có lửa đốt, lúc nào cũng nóng, quần áo mặc vào bị anh xé tan ra. Đến nỗi mùa đông anh cũng ở trần, đắp chăn lại đạp ra, chỉ khi nào đại hàn anh mới chịu mặc quần áo.

Ngày nào ông Hiện cũng phải nặn 2 đầu mắt túi lệ cho anh để nước mủ chảy ra. Ông đau đớn nói: "Còn đứa con gái út đi lấy chồng, sinh được một con nhưng cháu cũng bị viêm túi lệ, đang phải chạy chữa".

Về Đông Hưng, chúng tôi chứng kiến không ít cuộc sống địa ngục trần gian mà những nạn nhân chất độc da cam phải chịu đựng. Dắt người con gái bị tâm thần năm nay đã 29 tuổi do di chứng da cam đi lại quanh sân giữa trưa hè nóng nực, bà Nguyễn Thị Mùi, ở thôn Đông Các, xã Đông Các bật khóc: "Cứ phơi mình đi lại ngoài trời suốt ngày, không chịu ngồi yên cô ạ. Trong người cháu như có thứ gì nóng lắm, mặc quần áo vào là cào cấu, xé ra. Đêm thì cháu không ngủ, mình cũng phải thức suốt đêm để trông chừng. Cháu không biết gì, tiện đâu phóng uế đó nên chúng tôi phải may cho cháu cái áo vạt trước dài, vạt sau ngắn như thế này"- bà Mùi vuốt nước mắt giải thích.

Vợ chồng bà sinh được 5 người con thì 3 người bị di chứng chất độc da cam nặng. Trong đó 2 người con đã mất đột ngột. Bà bảo, mỗi lần sinh con, vợ chồng bà lại khóc ngất khi ẵm đứa trẻ với hình hài dị dạng. Ông trời cuối cùng cũng thương, cho vợ chồng bà 2 người con chỉ mắc di chứng nhẹ, đã xây dựng gia đình. Hai ông bà cấy 6 sào lúa nhưng cũng chẳng đủ ăn nên khi có ai thuê khuân vác hay làm bất cứ thứ gì ông cũng làm.

Thời chiến tranh, trai tráng trong làng ở Đông Hưng đều ra chiến trường. Khi trở về, bên niềm tự hào to lớn thì những chiến sĩ bộ đội đó lại phải chịu một nỗi đau di họa chiến tranh. Ông Bùi Bá Vường, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết, cả huyện có 3.014 nạn nhân chất độc da cam, là một trong 3 huyện có nạn nhân nhiều nhất tỉnh Thái Bình. Tuy đã được nhà nước hỗ trợ, nhưng bệnh tật và bất hạnh đeo đẳng suốt cuộc đời nên đời sống của họ luôn trong vòng luẩn quẩn của nghèo khó.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Thái Bình: "55 năm qua, hơn 3,2 vạn nạn nhân chất độc da cam Thái Bình đã phải gánh chịu nỗi đau tột cùng và khó khăn về kinh tế. Trong đó có 2,2 vạn nạn nhân đã giám định và công nhận pháp lý, được trợ cấp hàng tháng, trong số đó có 4.000 cháu cũng được hưởng chính sách".
Trần Hằng

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文