Chìm tàu cá, 3 người chết, 1 người mất tích ở cửa biển Thuận An, Thừa Thiên - Huế:

Nỗi đau xóm chài nghèo ngày cận Tết

11:03 27/01/2014

Hôm trước, khi các thuyền viên của tàu TTH 2669 TS chuẩn bị ra khơi, những người phụ nữ của họ như linh cảm chuyện chẳng lành mà khuyên đừng đi nữa. Vậy mà, để người thân có tiền tiêu Tết, họ cũng như tất cả ngư dân vùng biển nghèo này không có con đường nào khác, phải vươn khơi... Nhưng rồi ngày trở về nhà, con đường về thị trấn Thuận An, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế phủ khăn tang buồn ảo não. Một năm qua mưu sinh đầy mưa bão, sóng gió, nay thương quá xóm chài nghèo vợ lại mất chồng, con mồ côi cha ngày cận Tết.

Tàu về người lại ra đi trong giá rét!

Vụ việc xảy ra vào lúc 7h30 ngày 18/1, tàu cá số hiệu TTH 2669TS do thuyền trưởng Hồ Văn Hiền (43 tuổi), cùng các thuyền viên Phạm Thú (56 tuổi), Võ Văn Hoàng, Phạm Đức Tòa (42 tuổi) và Nguyễn Văn Hải (42 tuổi) đều trú tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang trên đường vào bờ, khi chỉ còn cách cửa biển Thuận An khoảng 1km tại phao số 1 thì bất ngờ mắc cạn và bị sóng biển đánh chìm. Tàu chìm, cả 5 thuyền viên đều bị hất văng xuống biển. Các thuyền viên đã bám vào cabin tàu và phát tín hiệu cầu  cứu. Nhận tín hiệu cầu cứu của các thuyền viên trước khi tàu chìm hẳn, hàng chục tàu cá và ngư dân địa phương tích cực phối hợp với Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế ra tiếp ứng.

Theo lực lượng cứu nạn cho biết: "Lúc tàu chết máy, sóng đánh chìm cả 5 thuyền viên đều mặc áo phao, nhưng do áo phao vướng vào dây lưới không bơi được nên nhiều người phải cởi bỏ. Gió lạnh, sóng lớn đánh trôi mỗi người dạt mỗi ngả. Do cửa biển Thuận An bồi lắng, tàu lớn Bộ đội Biên phòng không ra khơi được nên lực lượng cứu nạn phải sử dụng ca nô và tàu cá của ngư dân đi ứng cứu. Đến 9h sáng 18/1, lực lượng cứu nạn tiếp cận và cứu sống được thuyền trưởng Hồ Văn Hiền trong tình trạng kiệt sức phải đưa đi cấp cứu. Đồng thời, đưa thi thể 3 thuyền viên gồm: Võ Văn Hoàng, Phạm Đức Tòa, Nguyễn Văn Hải (đều 42 tuổi), cùng trú tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang đã thiệt mạng vào bờ và bàn giao cho người thân"..

Hiện trường vụ đắm tàu 3 người chết, 1 người mất tích.

Thuyền trưởng Hồ Văn Hiền, người may mắn sống sót sau 1 ngày vẫn chưa hết bàng hoàng cho biết: "Khi tàu chạy vô ngang cửa biển thì gặp sóng to gió lớn. Tàu cá không vào được, phải tắt máy. Khoảng ít phút sau tàu lật, mọi người đều có mặc áo phao nhưng lại vướng vào lưới nên phải cởi để thoát ra. Tôi vớ được cái nắp hầm nên bơi vào bờ. Lúc đó nhìn lại vẫn thấy mấy anh em, người thì cầm can nước, người thì bấu víu vào các vật nổi. Tôi may mắn hơn nước xô đẩy tôi nằm trên nắp phao. Trong lúc tôi đang vật lộn với sóng biển,  hoảng loạn vì đôi chân mình bị vọt bẻ  thì có tàu cá của anh Bé, ngư dân cùng thị trấn ra quăng dây cứu tôi vào. Sau chuyến này tôi quyết định bỏ nghề đi biển"...

Đau lòng góa phụ xóm chài

Làng biển Thuận An, hai ngày sau tin dữ vẫn bàng hoàng, xơ xác khi 3 ngư dân chết và 1 người mất tích vẫn chưa tìm thấy xác. Không khí tang thương phủ kín cả xóm chài nghèo. Ngay giữa xóm chài, 3 chiếc quan tài nằm san sát nhau, một quan tài khác phải để đợi sẵn. Người thân, lực lượng cứu hộ vẫn  không thôi tìm kiếm thi thể người còn lại, ngư dân Phạm Thú. Quàng chiếc khăng tang sũng nước mắt, bà Mai Thị Phúc, 50 tuổi, vợ của ngư dân Nguyễn Văn Hải giàn giụa: "Mấy hôm trước tui như có linh cảm nên cứ một hai cản chồng không cho ổng đi biển. Phần cũng do ông Hải tuổi đã cao, suốt một năm qua ông ấy phải sóng gió, bươn chải với biển khơi.

Thôi thì, dẫu có đói hay no gì cũng chả sao, miễn cả gia đình được xum vầy lúc ngày Tết cận kề. Nhưng chắc là số mệnh, trước ngày đi biển lần cuối ông ấy còn nói với tôi: "Sau chuyến đi biển lần ni, tui sẽ ở nhà luôn với mạ (mẹ - PV) mấy đứa nhỏ luôn mà không đi biển nữa mô". Hôm ông lên đường, ông không đủ tiền ăn sáng, chỉ ra ngoài quán mua hai cái bánh ram mỗi cái giá 2.000 đồng. Rồi ông lật đật trở vào nhà chia cho vợ một cái, cái còn lại vừa ăn vừa động viên vợ: "Tui phải theo bạn chài đi biển thôi mạ mi ơi. Trông chuyến ni trúng cá, tui về có tiền mà đưa mạ mi sắm Tết cho các con".  Vậy là ông đi, vừa ra ngoài biển ông điện vào, ngoài này lạnh lắm, sóng biển dâng cao.

20h ngày 17/1, ông còn điện vào nói chừ gió lớn quá, sợ kéo lừ chạy vào không kịp bờ không kịp... Nghe vậy, thương chồng vất vả, cả đêm tôi cứ trằn trọc lo lắng. Trời vừa hửng 5h sáng, tui vội điện cho ông ấy nhưng đầu bên kia không hề trả lời. Rồi hơn 2 giờ sau, tôi cũng chao đảo, quay cuồng khi nghe tin dữ tàu lật, chìm ngoài cửa biển. Rồi bây chừ, đón chồng về lạnh ngắt vành khăn tang...!''.

Bà Phúc nói thêm, gia cảnh khốn khó, ông Hải xin ghé một chân vào chuyến tàu đánh cá mong có tiền thuốc thang chữa bệnh cho mẹ già và sắm Tết cho vợ con. Nhưng giờ ông mất đi, trụ cột trong gia đình không còn nữa những ngày tới đây không biết cả gia đình phải xoay xở, bấu víu vào đâu?.

Một người phụ nữ khác cũng lâm cảnh đau đớn mất chồng là chị Phùng Thị Tuyết vợ ngư dân Võ Văn Hoàng. Hai nóc nhà ngư phủ nghèo chỉ cách nhau có vài trăm bước chân, nay cùng tang thương phủ trắng.  Gia cảnh của chị Tuyết thậm chí còn khó khăn hơn cả gia cảnh của bà Phúc. Nhà có đến 4 người con, vì một mình anh Hoàng mưu sinh bươn chải không thể nuôi sống cả gia đình nên anh chị đành bấm bụng cho đứa con đầu đi làm Ôsin ở phố huyện, đứa thứ hai phải làm công nhân may tít tận Tp HCM. Chỉ còn hai đứa sau đang độ tuổi đến trường, nhưng cũng có nguy cơ phải nghỉ học vì nhà quá nghèo... Khi lực lượng cứu hộ tìm thấy và đưa thi thể anh Hoàng trở về nhà, mấy mẹ con chị Tuyết đã khóc ngất.

Thay vì tấm áo ấm chờ chuyến đi biển cận Tết của chồng, nay vợ con của những ngư dân xóm chài nghèo phải phủ trắng vành khăn tang.

Đổ ngục bên bàn thờ và di ảnh lập vội của anh Hoàng chị Tuyết không thể nói được thành lời: "Anh ơi, anh nói sau ba ngày ra biển sẽ đem tiền về cho em mua áo ấm cho các con. Vậy mà các con anh chờ cha, thiếu áo mặc đang run rẩy trong giá rét, sao anh cứ mãi nằm im lạnh ngắt...?!''. Thấy mẹ khụy xuống, Võ Thanh Bình, học sinh lớp 7, Trường THCS Thuận An (con chị Tuyết) hoảng hốt tay dắt em động viên, rồi cũng òa khóc theo mẹ: "Mẹ ơi bố sẽ về, mẹ đừng như thế nữa con sợ lắm mẹ ơi… Bố ơi bố về đi…".

Bình học hết học kì 1 lớp 7 thì phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mất nhưng tuổi trẻ hồn nhiên em cất lên những lời mong ước khiến người đối diện nhói lòng: "Năm ngoái cháu học sinh tiên tiến, nhưng năm ni chắc phải nghỉ học, Vì mẹ nói nhà nghèo quá, mẹ không có tiền lo cho con. Cháu ước gì có tiền để cháu đến trường với bạn, ở nhà buồn lắm"….

Tìm sang thăm nhà ngư dân tử nạn Phạm Đức Tòa, chúng tôi còn nghe thêm một câu chuyện đau lòng hơn. Quả phụ Ngô Thị Phức (64 tuổi) mẹ ngư dân Tòa như chết lặng vì liên tiếp mất đi những người đàn ông của gia đình. Chồng bà mới mất chưa hết khó, nay lại đến con trai cũng bỏ mạng với thủy thần. Khổ thân bà hơn khi thân mẹ góa, tuổi cao vẫn chật vật ai thuê gì làm nấy, giờ còn phải gồng lưng nuôi cháu dại cho con. Cũng bởi anh Tòa ra đi, để lại 2 đứa con nhỏ đứa học lớp 6, đứa học lớp 2. Nhưng có lẽ, đau đớn nhất vẫn là gia đình ngư dân Phạm Thú, bởi đã qua ngày thứ 2, khi tất cả những thi thể ngư dân vụ chìm tàu đã lần lượt được vớt lên bờ đưa về gia đình mai táng thì ngoài kia biển khơi, thi thể anh vẫn vất vưởng không biết trôi dạt về phương nào…

Nghe tin anh Thú mất tích, anh Tony Phạm, anh ruột của anh Thú chỉ biết ôm di ảnh của em mà khóc ngất, đứng ngồi không yên. "Mi đi trước tau thì ai nuôi vợ, nuôi con mi Thú ơi." Anh Thú đã mất tích, nhưng anh Tony Phạm hiểu rằng hy vọng Thú sống sót là rất khó.

Ngày cuối năm, rét buốt, mưa dầm dề làm không khí tang thương càng u ám đeo đẳng xóm chài. Chỉ có 4 người trong 5 người gặp nạn được tìm thấy. Đã có một người may mắn sống sót. Nhưng những nỗ lực tìm kiếm thi thể của thuyền viên cuối cùng, anh Phạm Thú vẫn đang trong vô vọng. "Lấy chồng nghề biển, hồn treo cuột buồm", thương quá những góa phụ xóm chài ở cửa biển Thuận An ngày cận Tết !...

Ngay sau khi xảy ra vụ đắm tàu tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo tỉnh đã có mặt kịp thời để động viên chia buồn với những gia đình có thân nhân tử nạn. Ngày 19/1, ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: Trước mắt, để hỗ trợ các gia đình gặp nạn, UBND tỉnh cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức thăm hỏi và giao cho UBND huyện Phú Vang hỗ trợ 4,5 triệu đồng đối với mỗi gia đình có người tử nạn và 3 triệu đồng đối với người bị thương. Cơ quan chức năng và người dân đang tích cực tìm kiếm nạn nhân Phạm Thú mất tích.

Hoài Thu - Thiên Phúc

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ biểu dương Đảng uỷ Cục CSGT đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, đã lãnh đạo Đảng bộ hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cục đề ra.

Nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, ngày 8/1, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper có buổi gặp gỡ sinh viên, giảng viên và lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU). 

Sau 1 tuần Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực với việc tăng nặng xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông đã tạo ra được bộ mặt mới về giao thông với việc ý thức của người nâng cao rõ rệt, tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược, đi trên vỉa hè… giảm mạnh.

Ra đường với cái đầu “nóng”, khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người không cần biết đúng sai, nhẹ thì chửi bới, nặng thì lao vào ẩu đả, hung hăng xuống tay đánh đập dã man người khác. Chỉ một phút côn đồ mà vướng vòng lao lý, để lại vết nhơ cả cuộc đời…

Nhiều tài xế xe máy ở Hà Nội đi vào đường Vành đai 2 trên cao (tuyến đường dành cho ô tô di chuyển với tốc độ tối đa 80km/h), đã đưa ra nhiều lý do như "không chú ý biển báo", "đi nhầm đường"... để biện minh cho hành vi vi phạm. Với hành vi vi phạm nêu trên, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì tài xế còn bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Sau hai ngày TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng đồng phạm, chiều 8/1, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội và đề nghị hình phạt đối với các bị cáo.

Ngày 8/1, Đảng bộ Phòng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an tỉnh Khánh Hòa tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030. Đây là đơn vị được Tỉnh ủy và Đảng bộ Công an tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo tổ chức đại hội điểm, nhiệm kỳ 2025-2030. 

Đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng này đã thành lập trên 80 công ty nhưng không tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh thực tế nào mà chỉ để thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng khống trị giá hơn 10 nghìn tỷ đồng…

Thứ trưởng Phạm Thế Tùng yêu cầu, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược phát triển lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm mục tiêu đưa lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文