Suy thận vẫn đi bán rau làm từ thiện

15:54 04/02/2016
Ở Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai có một người phụ nữ dáng người gầy gò, nước da đen sạm... Nhìn bà cũng giống như bao người bệnh khác nhưng ít ai biết được rằng, 6 năm nay, bà vừa đi chạy thận, vừa bán rau để làm từ thiện, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.


Nhọc nhằn mưu sinh

Người phụ nữ đó tên là Nguyễn Thị Luyến, 54 tuổi, quê ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Bà sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con nên từ nhỏ bà đã biết theo mẹ ra chợ bán hàng để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cũng như bao cô gái trong làng, đến tuổi trưởng thành, bà lập gia đình rồi sinh con. Cả gia đình chỉ trông chờ vào vài sào ruộng nên từ khi cậu con trai thứ 3 ra đời thì cuộc sống của gia đình bà ngày càng khó khăn, túng bấn hơn.

Tranh thủ những ngày nông nhàn, bà lại lóc cóc chở rau, hoa quả ra chợ bán để kiếm thêm thu nhập. Thời điểm đó, các con còn nhỏ nên bà dành toàn bộ sức lực để kiếm tiền cho các con ăn học mà nhiều lúc quên đi bản thân mình. Nhiều hôm bà thấy mệt, đau thắt lưng nhưng vì hoàn cảnh khó khăn không có tiền đi khám bệnh nên bà chỉ nghỉ ngơi một lát rồi lại cố gắng gượng dậy đi làm tiếp.

Cuối năm 2009, thấy cơ thể mệt mỏi, không thể bước đi được nữa bà mới chịu đi khám bệnh. Lúc ấy bà mới biết mình bị suy thận giai đoạn cuối và bác sĩ yêu cầu phải chạy thận nhân tạo. Nghe tin bà và mọi người trong gia đình đều bàng hoàng, nhưng khi bình tĩnh lại, bà tự động viên mình. Bà tâm sự: "Nếu mình buồn cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Nên từ khi bị bệnh tôi chẳng nghĩ ngợi nhiều, tôi chỉ cố gắng làm sao cho mau khỏe thôi!"

Thời điểm đó, con trai bà làm ở một kho hàng nên sau khi xuất viện bà chuyển đến ở cùng con trai để đỡ đi một khoản tiền thuê nhà trọ. Chồng bà quanh năm lam lũ với ruộng đồng nhưng chỉ đủ lo cho bản thân ông và người mẹ già đau bệnh ở quê. Cuộc sống khó khăn, túng thiếu khiến bà không thể ngồi yên. Ngoài thời gian đi chạy thận, bà tranh thủ ra chợ bán hàng để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Lúc đầu chỉ là mấy lải dưa cà nhưng dần dà quen khách bà bán thêm các loại rau. Ngày nào cũng vậy, bất kể trời nắng hay mưa, cứ 4, 5 giờ sáng bà lại lóc cóc đạp xe đi mua rau rồi chở ra chợ bán.

  Bà Luyến lúc nào cũng lạc quan dù đang chạy thận.

Nhiều hôm đi chạy thận về mệt, bà Luyến vẫn cố gắng ra chợ bán hàng. Bà bảo: "Rau không giống như các mặt hàng khác cô ạ! Nếu tôi không cố bán hết thì để ngày hôm sau sẽ hỏng hết!". Từ ngày đi bán rau, bà bận rộn đến mức không có thời gian quan tâm đến bản thân. Sau một thời gian dài vất vả, ăn uống không điều độ sức khỏe của bà suy yếu dần, có lần phải đi cấp cứu. Các con của bà khuyên bảo mãi bà mới chịu ở nhà nghỉ ngơi. Kể đến đây, bà cười bảo: "Giờ tôi chỉ bán rau thuê thôi. Mỗi buổi được 50 nghìn là đủ ăn rồi!"

Lá rách thương nhau

Là một bệnh nhân chạy thận, hơn ai hết bà thấu hiểu được hoàn cảnh và nỗi lòng của những người cùng cảnh ngộ. Bà tâm sự: "Từ trước đến nay, tôi cứ nghĩ tôi là người khổ nhất trên đời. Nhưng từ khi đến đây, tôi mới biết còn nhiều người khổ hơn tôi!". Có lẽ vì thế mà bà luôn dành cho mọi người sự quan tâm đặc biệt. Sau mỗi buổi chạy thận, bà ở lại nghỉ ngơi và giúp mọi người gấp chăn, gấp ga trải giường...

Bà Nguyễn Thị Bình ở Thạch Thất, Hà Nội cho biết: "Nhiều hôm tôi chạy thận xong bị sốt và mệt không thể dậy nổi, may mà có bà Luyến gấp chăn, gấp ga giúp chứ không thì tôi chẳng biết phải làm sao. Mọi người ở đây đều đi chạy thận một mình nên những lúc ốm đau, mệt mỏi được mọi người giúp đỡ thì thật là đáng quý!"

Dạo gần đây, biết tin bà Hoàng Ngọc Chinh mới mổ cầu tay, hoàn cảnh rất khó khăn nên bà Luyến đã tìm đến tận nơi tặng bà Chinh quần áo, mũ tất và ủng hộ một chút tiền để bà Chinh chữa bệnh. Món quà tuy không nhiều nhưng cũng khiến cho bà Chinh vô cùng cảm động: "Bà ấy ốm đau mà cho tôi quà thế này là quý lắm. Chúng tôi bị bệnh nhiều năm, tiền bạc cũng quan trọng đấy, nhưng chúng tôi cũng rất cần tình cảm. Thật sự, tình cảm bà ấy dành cho tôi cứ như người thân của tôi vậy!".

Gần nửa năm nay, bà Luyến tham gia cùng nhóm “Cơm từ thiện Nhân Ái” và nhóm “Suất cơm nghĩa tình”, “Dấu chân tuổi tre” để nấu cơm từ thiện cho bệnh nhân ở khu lưu trú Bệnh viện Bạch Mai. Bà tâm sự: "Tôi chẳng có nhiều, mỗi buổi nấu cơm tôi chỉ ủng hộ 15 mớ rau thôi, coi như có chút ít để giúp đỡ bệnh nhân trong bệnh viện!".

Bạn Mai Thị Thúy, Chủ nhiệm nhóm “Cơm từ thiện Nhân Ái” cho biết: "Lúc đầu tôi cứ nghĩ cô Luyến là một người khỏe mạnh bình thường nhưng về sau gặp mới biết, cô cũng là một bệnh nhân chạy thận lâu năm. Cô còn kêu gọi bạn bè cùng chung tay ủng hộ chương trình cơm từ thiện. Các cô tận tay mua các đồ thực phẩm như rau, trứng... rồi chúng tôi qua nhận. Mỗi lần gặp các cô, điều ấn tượng sâu sắc trong tâm trí tôi là những nụ cười và lời động viên chân thành với công việc mà các bạn trẻ nhóm cơm đang làm. Tôi thực sự cảm động trước lòng nhân nghĩa ấy. Từ đó tôi càng ghi sâu rằng đâu nhất thiết phải giàu, phải có tiền mới có thể làm từ thiện mà quan trọng là ở tấm lòng!".

  Bà Luyến gấp ga trải giường cho một bệnh nhân.

Mỗi khi gặp những người có hoàn cảnh khó khăn, bà Luyến đều muốn giúp đỡ. Bản thân bà ốm đau, bệnh tật, cuộc sống không hề dư dả nên có lần bà kêu gọi bạn bè cùng chung tay giúp đỡ nhưng không nhận được sự đồng tình của mọi người, những lúc ấy bà buồn lắm. "Nhiều người không tin trên đời này lại có người khổ như thế. Tôi không trách họ bởi họ có sống trong cảnh bệnh tật đâu mà họ biết", bà Luyến tâm sự.

Dạo trước, ở Khoa Thận nhân tạo có một anh bệnh nhân tên là Tân, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Vợ anh ở nhà làm ruộng nuôi hai con ăn học. Bản thân anh không có tiền thuê nhà trọ nên hàng ngày phải nằm vạ vật ngoài hành lang bệnh viện, lúc nào đói thì đi xin tiền ăn. Một lần, thấy anh nằm dưới gầm ghế, thân hình gầy gò, tiều tụy, quần áo lấm lem đầy bụi bặm, bà Luyến liền lại gần dúi vào tay anh 20 nghìn đồng.

Có người nhìn thấy mỉa mai rằng: "Bệnh tật đã nghèo thì chớ còn cho tiền người khác!". Nhưng bà không nghĩ thế, bà bảo: "Trong cuộc sống này từ tình cảm đến vật chất, chẳng có thứ gì là không chia sẻ được. Một chiếc bánh mì, một cốc nước, một bát cơm... chúng ta đều có thể san sẻ cho nhau. Biết đến bao giờ mới giàu mà giúp đỡ người khác".

Một thời gian sau, anh Tân ốm nặng, không có tiền chữa bệnh. Lâm vào bước đường cùng, anh nhảy lầu tự tử. Cái chết của anh đã ám ảnh bà suốt một thời gian dài. Bà tự nhủ, nếu còn sức bà sẽ còn giúp đỡ để mọi người bớt đi chút khó khăn.

Giờ đây, các con của bà đã trưởng thành. Cô con gái đã yên bề gia thất còn 2 cậu con trai đã có việc làm ổn định. Hàng ngày bà vẫn đi bán rau thuê kiếm tiền chữa bệnh và mỗi tháng đều dành ra chút tiền để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Bà đã chạy thận được 6 năm, sức khỏe của bà đã giảm sút đi nhiều nhưng trên gương mặt in hằn bao nỗi nhọc nhằn, vất vả ấy vẫn luôn nở nụ cười.

Bà tâm sự: "Bây giờ bị bệnh rồi, lo nghĩ nhiều cũng chẳng có ích gì. Bản thân tôi bị rất nhiều bệnh nhýng tôi vẫn luôn lạc quan ngay cả khi cấp cứu. Có lẽ vì tinh thần tốt nên tôi đã vượt qua bao cơn nguy kịch để sống đến ngày hôm nay!". Khi được hỏi, bà sẽ làm công việc thiện nguyện này đến bao giờ, bà cười đáp: "Tôi sẽ làm đến khi nào không còn tiền, không còn sức lực nữa thì thôi!".

Vậy là, mỗi ngày bà lại chọn cho mình một niềm vui bằng cách mang đến niềm vui và hạnh phúc cho những mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ. Niềm vui ấy cứ tích tụ mỗi ngày một nhiều hơn. Mỗi năm chỉ có một mùa xuân nhưng có lẽ mùa xuân của bà  kéo dài suốt cả năm. Mùa xuân ấy được tạo nên từ những việc làm nhân ái, đầy ắp tình người.

Phương Nhung

Trong lúc đang câu mực trên biển Thiên Cầm, một cơn giông lốc bất ngờ ập xuống khiến tàu du lịch chở theo 30 hành khách và 4 thuyền viên bị lật chìm trong đêm. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng triển khai các phương án cứu hộ và đã đưa được tất cả hành khách vào bờ an toàn.

Từ ngày 1/7/2025, xã Bến Quan (tỉnh Quảng Trị mới) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 đơn vị hành chính cũ, trong đó có Vĩnh Ô – địa bàn từng là “điểm đen” về nạn khai thác vàng trái phép suốt hơn ba thập niên qua. Từng là mái che của Trường Sơn đại ngàn và là mạch nguồn nuôi sống Bến Hải, Vĩnh Ô nay vẫn tiếp tục rớm máu bởi những nhát cuốc của “vàng tặc”.

Tối 19/7, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện gió lớn đột ngột, kèm theo mưa giông đã gây nhiều thiệt hại tại một số khu vực. Nhiều mái tôn, biển quảng cáo bị gió tốc, cây xanh gãy đổ, văng ra đường, khiến 2 ô tô con hư hỏng nghiêm trọng, giao thông bị ách tắc cục bộ.

Nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, nhất là vào thời điểm mùa mưa bão, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh An Giang đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các chủ bến phà, bến đò ngang, chủ phương tiện tàu, thuyền và người dân hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa.

TAND tỉnh Tây Ninh vừa tuyên án vụ án “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” đối với nhóm đối tượng sử dụng độc chiêu “app tình yêu” và “app sex” chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Đây là bài học cảnh tỉnh, đắt giá cho nhiều người vội vã tin và yêu những “người tình” trên mạng.

AI và công nghệ đang gây ra một làn sóng sa thải nhân lực, đặc biệt rõ nét trong khối ngân hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc nhân lực thừa là có thật, song khủng hoảng thiếu nhân sự chất lượng cao cũng là vấn đề hiện hữu. Trong “cuộc chiến” này, con người buộc phải chuyển đổi để thích nghi.

Ngày 19/7, thay mặt lãnh đạo Công an tỉnh Lào Cai, Đại tá Trần Quốc Huy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai đã đến thăm hỏi, động viên Đại uý Đặng Minh Quang, cán bộ Công an xã Phong Hải, tỉnh Lào Cai bị thương khi đang vây bắt, khống chế đối tượng phạm tội về ma tuý.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.