Tiếng kêu cứu của người đàn bà “mất chồng”

08:00 20/09/2014

Người ta khuyên bà giành giật hạnh phúc bằng cách mang đơn đi kiện. Nhưng nghĩ những tháng ngày đầu ấp tay gối gần 30 năm lại thấy thương chồng. Đã không còn tình cảm với nhau nữa thì thôi, nhưng đứa con cần có cha để nương nhờ. Bà đã van lơn, năn nỉ người phụ nữ đang "hú hí" với chồng mình hãy buông tay ra, hãy từ bỏ ông ấy. Tiếng kêu gào khàn đặc của người đàn bà bất hạnh vẫn khắc khoải từng ngày.

Bất lực trước mối quan hệ  "ngoài luồng" của chồng

Bà là Nguyễn Thị Deo, (48 tuổi, ngụ ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Gia đình bà đang đứng trước nguy cơ vợ mất chồng, con mất cha. Bởi hiện tại, chồng bà là ông Trần Văn Sỹ (51 tuổi) đang sống như vợ chồng với một người phụ nữ tên là L.

Từ nhiều năm nay, bà Deo bị bệnh triền miên nên không thể quán xuyến việc kinh tế gia đình, kéo theo đó là căn bệnh quái ác của người con trai cả. Có miếng đất cắm dùi trồng vài ba cây ăn trái bà phải bấm bụng bán tháo đi để lo viện phí cho con. Mấy năm nay, con bà ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Nghèo túng, đói rách kéo theo bệnh tật hành hạ, bà Deo ủ rũ than phiền suốt ngày.

Trong thời gian này, ông Sỹ bắt đầu có những biểu hiện lạ. Tinh thần ông vui tươi hẳn ra, chuyện gia đình ông mặc kệ cho vợ lo. Bản thân là cán bộ hội cựu chiến binh xã, sáng cắp ô đi tối chưa thấy cắp ô về. Ông đi đâu thì không ai biết, chỉ biết rằng mỗi khi ông trở về lại đá thúng đụng nia, lớn tiếng la mắng vợ con. Bà Deo một lần hé miệng phàn nàn lập tức ông đấm cho hộc máu mũi rồi bỏ đi vài ngày chưa thèm về.

Mặc dù biết chuyện "mèo mỡ" bên ngoài bị bại lộ, nhưng ông Sỹ vẫn tỉnh bơ, ung dung thừa nhận trước mặt vợ. Ông Sỹ và bà L lén lút quan hệ được hơn một năm thì bị phát hiện. Từ đó, bà L thường xuyên tới nhà người tình và cũng chẳng ngần ngại giáp mặt mẹ con bà Deo. Lai lịch của bà L rất ít người biết, vì bà ở xã khác. Qua dò hỏi, bà Deo biết được, tình địch có 3 mặt con và đã chia tay chồng. Bà ta đến với ông Sỹ bằng tình yêu đích thực, không vụ lợi bởi nhìn tổng thể thì ông Sỹ chỉ được cái dáng dấp bệ vệ, nói năng ngọt ngào, còn lại "rỗng túi" quanh năm. Được bà L chăm sóc nhiệt tình khiến người đàn ông đang sống cảnh thiếu thốn cả tinh thần lẫn vật chất như ông Sỹ xao động, rồi có tình cảm lúc nào không hay.

Người con trai lớn phải nằm bệnh viện triền miên khiến kinh tế gia đình rơi vào bế tắc.

Bà Deo kể một hồi chợt ôm mặt khóc nức nở: "Hai mẹ con tôi bệnh nặng thế này mà có chồng cũng như không. Ông ấy không quan tâm lo lắng gì hết, niềm vui của ông ấy là tình yêu với người đàn bà kia. Nhiều khi tôi nghĩ quẩn, muốn bỏ đi tu để quên đi tất cả. Đêm nằm không sao chợp mắt được, cứ nghĩ đến người đàn bà khác đang cười cợt trên nỗi đau gia đình tôi mà nghe ruột gan đứt từng khúc". Thấy bà Deo bất lực trước mối quan hệ ngoài luồng của mình, ông Sỹ được thể ngang nhiên giới thiệu "người tình".

Ông dẫn bà L. về thẳng nhà ra mắt mặc kệ mẹ con bà Deo đứng nhìn trân trối. Bà Deo nén uất nghẹn, ra tiếp đón "tình địch" như một vị khách không mời. Rồi bà vừa khóc vừa kể lể hoàn cảnh gia đình với mong muốn bà L. cảm thông mà buông tha chồng bà. Nước mắt, cùng sự van lơn thảm thiết của bà Deo không hề làm lay động trái tim sỏi đá của bà L. Sẵn đà thừa thắng xông lên, bà L quay ra dằn mặt lại vợ của người tình. Bà ta lên giọng với bà Deo: "Chị có chồng không biết giữ thì mất ráng chịu". Còn ông Sỹ hất mặt lên hậm hực nhìn bà Deo, tỏ ý không hài lòng vì cách vợ đối xử với người yêu của mình.

Nghịch cảnh không có lối thoát

Hàng xóm biết chuyện có người cảm thông nhưng không ít chì chiết, trách móc bà Deo. Rằng vì bà quá nhu nhược, bà ù lỳ như cục đất nên ông chồng mới bỏ theo gái. Bà phải mạnh mẽ lên, phải đứng dậy mà vạch mặt người đàn bà đã cướp chồng mình. Nếu cần có thể mang đơn đi kiện mà kéo chồng về, mà giành lại hạnh phúc. Ngày nào bà Deo cũng nghe hàng xóm mách cho cách này cách kia, nhưng bà già rồi lại bệnh tật nữa, lấy sức đâu mà đi kiện cáo. Đi đánh ghen không khéo bị "tình địch" vừa trẻ khỏe hơn, lại có tiền nhiều hơn đánh lại cho thì nhục. Biết thân biết phận như vậy, nên bà Deo đâu dám làm to chuyện. Trong thâm tâm, bà Deo chỉ muốn ông Sỹ tỉnh ngộ quay về lo cho gia đình nghèo này. Tình nghĩa gần 30 năm sống chung trong một mái nhà, và trên hết là hai đứa con đang rất cần cha. Bà Deo khóc hết nước mắt, đôi mắt bà giờ khô cong, thâm đen, sâu hoắm, hai má bà tóp lại, người èo uột chẳng còn chút sự sống nào.

Thấy con dâu bị chồng hắt hủi, mẹ chồng đã nhiều lần lên tiếng khuyên nhủ con mình hồi tâm chuyển ý, quay đầu vào bờ. Nhưng ông Sỹ thường làm lơ rồi bỏ đi. Tình yêu mà, đâu có phân biệt tuổi tác. Xưa nay, thứ cám dỗ của tình yêu luôn khiến con người ngu muội, chẳng thể cưỡng lại được. Dù biết đó là việc làm trái với luân thường đạo lý nhưng ông Sỹ vẫn lao vào, bất chấp tất cả.

Ông Sỹ cũng rất đau khổ trước nghịch cảnh gia đình.

Bà Deo đang quằn quại trong nỗi bất hạnh, sự khốn khổ về kinh tế. Ngày trước cứ đến tháng nhận lương xong là ông Sỹ mang tiền về đưa cho bà Deo trang trải chi phí sinh hoạt gia đình, dù tiền không nhiều nhưng tất cả đều hòa thuận. Từ ngày "ong bướm" bên ngoài, ông Sỹ trẻ ra, yêu đời hơn và tiền lương công chức hàng tháng bà Deo chẳng biết nó tròn méo ra sao. Chi phí sinh hoạt, thuốc men của hai mẹ con bà Deo đều nhờ vào đồng lương lao động của cậu con trai út. Nhiều khi xóm làng thương cảm, người này cho ký gạo, người kia cho bó rau, mẹ con bà Deo cứ thế vật vã sống qua ngày đọan tháng.

Chúng tôi đã có cuộc đối chất với ông Trần Văn Sỹ, người chồng trong câu chuyện của bà Deo vừa kể. Việc đầu tiên, ông Sỹ thừa nhận là đã từng có cuộc sống hạnh phúc với bà Deo gần 30 năm qua.

Chuyện ông bồ bịch ở ngoài hơn một năm qua như bà Deo kể, thì ông Sỹ có phân trần như thế này: "Hoàn cảnh của tôi hiện tại khó khăn như thế thì làm gì có ai dám thương. Tôi nào dám mơ tưởng tới ai. Cô thấy vợ tôi không? Nhiều khi bà ấy bị bệnh, mặc cảm, rồi quẫn trí nói năng lung tung. Tình nghĩa vợ chồng mấy chục năm nay vậy mà bà ấy vẫn nghi ngờ tôi đủ điều.Tôi đã hết lòng hết dạ vì vợ, vì con mà bà ấy đâu có biết. Giờ bệnh tình thuyên giảm bà ấy lại quay sang trách cứ tôi, nghĩ vợ chồng với nhau nên tôi nhẫn nhịn không nói gì".

Ông Sỹ tâm sự thêm, là vì cuộc sống khó khăn, có những lúc vợ chồng xích mích nên nhiều khi ông Sỹ có tát bà Deo vài cái. Ông chỉ đánh vợ thôi chứ chưa bao giờ đánh con dù chỉ một cái. Tuy nhiên, ông Sỹ khẳng định là vẫn yêu bà Deo nhiều lắm.

Chuyện "mèo mả gà đồng" với bà L, ông Sỹ vụng về thừa nhận: "Đàn ông mà, có lúc cảm thấy cô đơn. Sống với vợ mấy chục năm, nuôi hai con khôn lớn. Tôi nghĩ cũng đã tới lúc được hưởng phước phần. Tôi là người có hiểu biết, thế nên làm chuyện gì tôi cũng thông qua ý kiến của gia đình hết. Không nói giấu gì cô, tôi cũng có về nói lại với gia đình và vợ rằng có người thương tôi, thương cho hoàn cảnh của gia đình. Bà ấy thì bệnh, đâu thể nào chăm sóc cho tôi như người bình thường được. Đâu phải tôi ham muốn gì đâu, chẳng qua là tôi cần người chăm sóc quãng đời còn lại của tôi. Tôi cũng có thông qua ý kiến của vợ và bà ấy bảo đưa cô ấy về cho bà ấy xem mặt. Và tôi cũng đã đưa về, ban đầu vợ tôi cũng chịu nhưng không hiểu sau lại đổi ý. Giờ thấy vợ không thích thì tôi cũng đâu dám tiếp tục".

Trong những ngày con trai nằm bệnh viện, ông Sỹ và bà L. có tới bệnh viện chăm sóc 10 ngày. Trong khoảng thời gian này, bà Deo và bà L. đã chạm mặt nhau lần đầu tiên. Ông Sỹ cho biết, vì cả hai người đàn bà đều thương ông nên không xảy ra chuyện gì. Ông Sỹ có thỉnh cầu, nếu bà Deo thương ông thì hãy chấp nhận bà L., cho bà danh chính ngôn thuận đến với ông, cùng gánh vác chuyện gia đình. Những lời tâm sự từ tận đáy lòng của ông Sỹ phần nào làm sáng tỏ nghịch cảnh đang diễn ra trong gia đình bà Deo. Câu chuyện bà Deo phơi bày về chồng của mình là có căn cứ, ông Sỹ bây giờ đang đứng trước búa rìu dư luận nhưng cũng chẳng thể làm gì hơn. Và cái gia đình vốn chênh vênh vì nghèo nàn, bệnh tật cuả bà Deo đang đứng trước tương lai mịt mù, không có lối thoát.

Ông Huỳnh Nam Trung, Trưởng ấp Mỹ Thuận (Mỹ Hòa - Ba Tri - Bến Tre) cho biết: "Hoàn cảnh gia đình ông Sỹ rất khó khăn, vợ và con đều bệnh tật liên miên dẫn tới cuộc sống giữa hai vợ chồng ngày càng căng thẳng. Không những thế, trong thời gian gần đây, ông Sỹ lại trở thành tâm điểm của dư luận khi mọi người cho rằng ông bỏ vợ con, sống như vợ chồng với một người khác. Thế nhưng, khi làm việc với chúng tôi, ông Sỹ không hề thừa nhận".

Ngọc Thiện

Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Mười năm trước, tháng 3/2014, có dịp ra Hà Nội, tôi đến thăm Đại tá Lê Trọng Nghĩa - nhân chứng ở Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm ấy đã 92 tuổi nhưng trước chồng tư liệu lịch sử, ông vẫn tìm ra bức ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các sĩ quan cao cấp đang thông qua phương án tác chiến tại Sở chỉ huy mặt trận ở bản Nà Táu”. Ông sôi nổi kể lại sự kiện lịch sử mà ông là một nhân chứng.

Liên quan đến vụ án hình sự "Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất" xảy ra tại Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Long Xuyên (An Giang), chiều 25/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang tiếp tục tống đạt quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Lãnh đạo phong trào vũ trang Hamas ở Dải Gaza khẳng định, nhóm sẽ giải tán nhánh quân sự Lữ đoàn al-Qassam nếu một nhà nước Palestine có chủ quyền hoàn toàn ở Dải Gaza và Bờ Tây được thành lập.

Tháp đôi Liễu Cốc tọa lạc tại vùng Bàu Tháp, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1994. Tháp đôi Liễu Cốc là một công trình đặc trưng của văn hóa Chămpa, ước khoảng 1.000 năm tuổi, tồn tại không còn nguyên vẹn. 

Từ 15h ngày 25/4, giá xăng dầu đồng loạt giảm, giá xăng giảm từ 307 đồng-322 đồng/lít; giá dầu giảm 730 đồng/lít; riêng dầu madút tăng 202 đồng/kg.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文